Một vài cảm nghĩ Về việc làm từ thiện

Một vài cảm nghĩ  

Về việc làm từ thiện

Caritas Saigon & Người Khuyết Tật

BĐD Tiến Đức :

BanTin Mừng GX Châu Sơn (nay là Caritas) đã làm việc từ thiện lâu nay. Người đồng hương đồng khói của Châu Sơn chúng ta là ông Trần Văn Hiền và ông Nguyễn Anh Võ cũng đã từng làm việc từ thiện không biết mệt mỏi ở Bệnh viện Cao Thượng cho người dân tộc Kon Tum, trong hội từ thiện KMF…Quỹ Tấm lòng vàng Tiến Đức cũng chỉ vừa mới nhập cuộc…Nhưng dưới con mắt của ông Nguyễn Anh Võ, sẽ ghi nhận cho chúng ta một cái nhìn về dân TP Sài Gòn, và người Tây đã làm việc từ thiện như thế nào? Để Quỹ tấm lòng vàng Tiến Đức chúng ta sẽ có được những bài học về tinh thần làm việc từ thiện. Xin mời quý bạn đọc Tiến Đức cùng chia sẻ…

Đã tuần Thứ 3 Mùa Vọng rồi. Phải đi xem cho biết dân Saigon chuẩn bị đón Lễ Giáng Sinh thế nào. Ngang qua Nhà Thờ Tân Định, ghé vô, đèn sao giăng mắc rộn ràng, nhưng cũng không có gì lạ hơn mọi năm. Phía sau Nhà Thờ, thấy có cái nhà thật to. Thì ra đó là Phòng Khám Đa Khoa Thánh Tâm. Phòng khám này, mình nghe nói đã lâu, nhưng không ngờ nó to thế. To hơn rất nhiều cái phòng khám Cao Thượng mà anh em cựu chủng sinh tụi mình đã tâm huyết lập nên trên làng Kon Jơdreh, Kontum để tưởng nhớ các vị Ân Nhân Thừa Sai, và giúp cho các bệnh nhân nghèo “vùng sâu vùng xa”. Chợt có chiếc xe 16 chỗ chở mấy Ông Tây đi vào. Ừ, thay vì đi coi người ta giăng đèn, làm hang đá, thì thử đi theo xem mấy Ông Tây này chuẩn bị đón Chúa ra sao.

kt 1Ở Saigon này đúng là tự do hơn ở Kontum. Ở làng Kon Jơdreh mà xe Ông Tây ngang nhiên ra vô như vậy, thế nào cũng có chuyện phải làm việc với nhà cầm quyền địa phương “cho biết thế nào là lễ độ”. Xem kỹ thì chẳng phải chỉ có mấy Ông Tây, còn có cả mấy Ông Ta, do Cha Đồng, trưởng Ban Caritas toàn quốc, mà mình đã thấy một lần ở tòa giám mục Kontum, hướng dẫn. Âm thầm theo đoàn lên lầu 1. Có mấy cái phòng thật khang trang, Các thiện nguyện viên mặc áo thun trắng Caritas, nam có nữ có, ma xơ cũng có, đang tất bật. Trước tiên là màn giới thiệu, mình nghe không rõ lắm, chỉ biết mang máng mấy Ông Tây này thuộc cái trường đại học chi bên Mỹ, chuyên giúp làm chân giả cho những người bị cụt chân, hôm nay đến Saigon, đem tấm lòng nhân ái và phương tiện hiện đại để giúp cho dân ta. Trông họ, từ giáo sư cho đến sinh viên, thật bình dân, khiêm tốn, chẳng có cái vẻ vênh vang ta đây đi làm phúc cứu người, cầm micro nói mà cứ nhỏ nhẹ, bẽn lẽn như con gái mới về nhà chồng.

kt 02Không có diễn văn trên trời dưới biển, kể lể thành tích, tung qua hứng lại khách sáo vô duyên, chẳng rườm rà nâng ly nâng cốc chúc mừng tình hữu nghĩ như mình vẫn nghe trong các bài đít cua của quan chức nhà nước. Chỉ giới thiệu ngắn gọn mấy phút, xong là bắt tay vô làm việc liền.

 kt 6Một số người khuyết tật đang chờ. Mọi người xăn tay áo. Ông Tây Ông Ta và các người thiện nguyện trong nhóm Caritas Saigon, lôi hết chân này tới chân kia, thử qua ướm lại, ân cần chỉnh sửa cho vừa vặn.

 Phải công nhận là họ có đủ đồ nghề : rất nhiều ống chân giả, bàn chân giả, dây ràng, ốc vít . . . đầy một phòng. Còn ngoài hành lang thì nào máy cưa, máy khoan, máy tiện loại nhỏ, dây nhợ lung tung . . .

 kt cgNgười bệnh cứ thoải mái ngồi nghỉ, nói chuyện, khỏi phải sắp hàng chen lấn như trong trung tâm chấn thương chỉnh hình Saigon. Mỗi người bệnh được ít nhất 2 nhân viên Caritas vui vẻ chăm sóc, cẩn thận đo vẽ, lấy thước tấc, rồi ra hành lang khoan cắt, y như thợ may vậy. Mình thầm thán phục, không biết Caritas Saigòn tổ chức ra sao, mà có nhiều người thiện nguyện đến thế, và không chỉ có các ông già bà già về hưu, còn có cả nhiều người trung niên, tuổi trẻ, ai nấy đều nhiệt tình, chẳng hề nhăn nhó, khó chịu, hay giả bộ lấy lòng . . .

kt04Bệnh nhân đeo bảng tên đã đành, mà thiện nguyện viên cũng đeo nữa, tất cả đều thuộc Caritas Saigon, trụ sở tại tòa tổng giám mục, 180 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 :

kt5Bây giờ hỏi thăm, mình mới biết phái đoàn Ông Tây kia là của đại học Mercier, Hoa Kỳ. Họ làm việc thật tận tâm, dấn thân hết mình, theo dõi người được lắp chân giả từng li từng tí, cho đến khi nào người ấy cảm thấy thoải mái nhất, Kể ra thì mất giờ thật, nhưng yêu người ta mà không chịu mất giờ với người ta, thì có phải là yêu thật không, hay chỉ là yêu suông trên lý thuyết Một điều cũng đáng ghi nhận, là trong nhóm sinh viên của trường đại học Mercier, có một em người Việt cũng bị cụt chân, đang mang chân giả (em mặc bộ đồ màu xám). Vậy mà em cứ thoăn thoắt đi lại, mới thấy giúp người bệnh trong phòng, lại thấy ra ngoài hành lang khoan cắt chỉnh sửa, còn nhanh nhẹn hơn cả mình. 

 Trong số người đến xin lắp chân giả, có mấy em trông còn rất trẻ. Mình cũng ái ngại khi phải hỏi thăm hoàn cảnh của các em, sợ các em tủi thân.

kt 2Nhưng biết làm sao được, số phận nghiệt ngã đã bắt họ vác lấy thánh giá như thế, và họ cũng đành vui lòng chấp nhận, để cho tình yêu thương liên đới được thể hiện trên quê hương này. Vâng mình muốn nói đến tình yêu thương liên đới, chứ không phải là chuyện đấu tranh giai cấp, chuyện phân chia rạch ròi ai là thù, ai là bạn, mà bao nhiêu thế hệ học sinh sinh viên như mình, rồi như con mình, đã bị nhồi nhét suốt mấy chục năm qua trong các trường trung và đại học, bởi một số thầy cô cứ nhắm mắt nói như vẹt hay nói lấy được, qua các giờ lớp được khoác cái mỹ từ “học chính trị”, “giáo dục công dân” . . .

 Cuối cùng mình cũng mạnh dạn dò hỏi, xin một vài người kể về hoàn cảnh bị mất chân. Hóa ra là đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp. Trong tấm hình dưới đây, người phụ nữ góc trái bị bệnh tiểu đường, phải cưa mất chân trái. Ông già áo thun trắng ngồi cạnh, là một lính “biệt kích” thời chế độ cũ, bị thương trong một trận chiến năm 1974, mất chân phải. Còn chàng thanh niên áo xanh ngồi giữa, mới có 25 tuổi đầu, là công nhân xây dựng, đi ăn cơm tối về, trở lại công trường, bị xe tải nào táng cho một phát, được người đi đường đem vô nhà thương. Lúc tỉnh dậy, thấy mình chẳng còn hai chân, còn bàn tay trái bị giập, phải mổ nhiều lần mới mong hồi phục. Cứ muốn tự tử chết đi cho rảnh nợ đời, nhưng là người công giáo, sao tự tự được, chết sa hỏa ngục làm sao. Lại còn có gương của ông gì người Úc, không tay không chân, mới sang Việt Nam diễn thuyết đó. Vậy là tự nhủ : đời mình tàn, nhưng chưa phế, mình còn hai tay, và cũng đẹp trai có kém gì ông người Úc ấy đâu. Còn người mặc áo carô góc phải, lại là một thương binh chính hiệu sau năm 75, mất chân trái trong một lần đụng độ bên Kampuchia. Bốn mảnh đời khác nhau, hai chiến tuyến khác nhau, nhưng vẫn ngồi chung với nhau ở đây, cảm thông và chia sẻ.

 Cũng như mấy Ông Tây này, khi tới Saigon, họ đâu có phân biệt màu da, chủng tộc, giai cấp hay giới tính. Họ chỉ biết nhiều người dân Việt mình đang cần giúp, và họ vui vẻ giúp, chẳng chút e dè, xa cách, so đo, thế thôi.

 Sẽ có một Mùa Vọng để đón mừng Chúa Giáng Sinh 2013 thật ý nghĩa đối với những người bị cụt chân của chúng ta, đối với các giáo sư & sinh viên của trường đại học Mercier, Mỹ quốc, cũng như đối với một số người thiện nguyện của tổ chức Caritas giáo phận Saigon. Mình lại liên tưởng đến những đội y tế lưu động, đang cỡi xe máy trên những cung đường gồ ghề hóc hiểm, tại các buôn làng xa xôi trên Tây Nguyên, để đem chút chăm sóc y tế cho những người bệnh kém may mắn . . . Mong cho họ cũng được yên tâm mà phục vụ, như ở Saigon này, đừng bị ai quấy nhiễu. Mình cũng liên tưởng đến chuyện văn phòng Công Lý Hòa Bình của Dòng Chúa Cứu Thế đang gửi kháng thư cho chủ tịch UBND tỉnh Kontum, tố giác nhà cầm quyền xã Hà Mòn, huyện Dak Hà hống hách vi phạm quyền công dân, tàn nhẫn hạch sách, khủng bố tinh thần người thấp cổ bé miệng : Sr Đinh Thị Quy, thuộc Dòng Chúa Quan Phòng, ở Kontum, đang giúp đỡ hơn 40 em nữ sinh người Thương trong các làng xa, cho về tạm trú trong cộng đoàn mình, để các em có chỗ ăn chỗ ở mà đi học ở trường trung học phổ thông gần đó. nhưng nay bị cấm đoán cách vô lý. Chẳng biết đến bao giờ thì “hòa bình công lý sẽ giao duyên” như lời Thánh Vịnh thường được đọc trong Đáp Ca Mùa Vọng. Hay còn chờ ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng nền “hòa bình trong công lý” ấy.

 Xin cám ơn những tấm lòng rộng mở, không cần phân biệt, Ông Tây hay Ông Ta, từ tổ chức Caritas, hay đại học Mercier, từ buôn làng Tây Nguyên quạnh hiu hay phố thị Hoa Kỳ tráng lệ, đã không hề quản ngại khó khăn, đến đây trong Mùa Giáng Sinh này, để giúp cho những người kém may mắn hơn, được đứng vững trên đôi chân, cũng như sống trọn vẹn cuộc đời với đầy đủ hình hài và phẩm giá.

kt tay kt mungNgười ta đã mừng Giáng Sinh bằng việc mấy công, mất giờ với người nghèo như thế. Còn mình sẽ đón Con Chúa ra đời như thế nào đây nhỉ ?

Saigon 21/12/2013

Vonguyen Kontum

Check Also

Một tri âm tri kỷ: Đời vắng em rồi, say với ai!!??

Mỗi lần nhớ đến Hùng, anh lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà …

One comment

  1. Người có tấm lòng thường có niềm vui lớn khi được phục vụ. Nhìn người nghèo được no cơm ấm áo, người khuyết tật đi lại dễ dàng. Quá vui! Đó là “vui với người vui, khóc với người khóc.
    Thầy Võ đúng là đa năng đan tài và cái thứ chi cũng giỏi. Thiệt ngưỡng mộ!