Nguyễn Vĩnh Căn
Linh mục là một phẩm hàm Menkicede đời đời và cao quý, được Thiên Chúa trao ban cho tu sinh chọn ngài là gia nghiệp. Nhưng, để trở thành một môn sinh của Ngài, quả thật không đơn giản một chút nào. Nhất là ngày nay, lúa thì mất mùa, mà thợ gặt có phần đại trà, chí ít là một số giáo phận đã bão hòa để hạn chế bớt đầu ra linh mục. Và phải chăng, vì thế mà ít nhiều chất lượng đào tạo bị giảm sút?!!
So sánh việc đào tạo linh mục trước 75, ngày nay có vẻ suôn sẻ và dễ dàng hơn.
Trước 75, một tu sinh bắt đầu vào Tiểu chủng viện từ rất sớm, khoảng 11, 12 tuổi sau bậc Tiểu học. Thiên hướng đi tu này, thông thường là của cha mẹ áp đặt hơn là của con cái. Có chăng con cái, thấy người ta đi tu, mặc quần áo đẹp bảnh bao, giày quya bóng láng, tóc tai mượt mà, hè nào cũng kệ nệ xách va li về làng, trông oách xì xằng, thấy mà ham, nên xin đi tu.
Một lộ trình đi tu đường dài, từ lớp 6 đến lớp 12 với một cuộc sống tập thể, có nền nếp, có khuôn khổ: huấn giáo, linh đạo từ điều ăn, nết ở đều phải gò bó trong khuôn phép giáo dưỡng. Sớm lễ lạy, trưa kinh nguyện…Chiều kinh nguyện tối lễ lạy…Giờ giấc sinh hoạt và giờ cơm đều đặn mỗi ngày như một công thức với chu trình liên tục trong 7 năm trời. Chắc là không dễ chịu một chút nào, để một số tu sinh nản lòng chiến đấu mà bỏ cuộc.
Những năm đầu tiên, chủng sinh nào không thích hợp và phá vỡ quy trình, sẽ được cha bề trên gọi lên cầu nguyện…để xem có còn ơn gọi nữa không? Nhưng thực sự, đó là dấu chỉ để tu sinh tự lo soạn sửa hành lý va ly hồi hương về quê nhà.
Lên đến lớp 12, số chủng sinh rơi rụng chỉ còn một phần ba theo học, để sau tú tài vào Đại chủng viện. Thời điểm này là lúc hạt mầm thiên hướng triển nở trong mỗi tu sinh, vì đến tuổi khá trưởng thành để phân định con đường tu trì của đời mình là, tiếp tục hay ra đời…
Trước 75, vì thời cuộc chiến tranh, chỉ cần rời nhà tu là phải khoác áo chiến binh lên đường tòng quân. Vì thế, có những tu sinh khôn khéo, nương nhờ áo thầy tu để trốn quân dịch là không tránh khỏi. Nhưng cũng chỉ một vài năm sau là phải chọn lựa rạch ròi dứt khoát giữa tu trì và đường đời. Sau đó, học triết 3 năm và thần học 4 năm rồi đi làm kẻ giảng vài ba năm. Nếu không có gì ngăn trở, sẽ lên chức Phó tế và lên bàn thánh với chức linh mục.
Xem ra việc tu trì trước 75 là con đường dài cam go hơn thời sau này. Và tỷ lệ làm linh mục, cứ 10 tu sinh chỉ gần được 1 người. Quy chiếu này từ số hơn 50 tu sinh giáo xứ nhà và chỉ được 4 linh mục. Một con số khá khiêm tốn.
Trong khi thời bây giờ, tỷ lệ đi tu 10 thì có đến 8,9 tu sinh bước lên bàn thánh.
Tỷ lệ cao là phải, vì một tu sinh được nhận vào dòng tu hay tu triều bắt đầu từ sau tốt nghiệp lớp 12 hoặc hết bậc đại học, tùy theo nhu cầu của từng giáo phận. Khi đó, thiên hướng đi tu nơi mỗi tu sinh mới bắt đầu hé lộ. Và việc đi tu là để bảo dưỡng, vun vén cây trồng triển nở thành hoa trái thiêng liêng – thiên chức linh mục, là trong tầm tay của một tu sinh.
Khi một tu sinh bắt đầu có chí hướng đi tu, năm học lớp 11, 12 cha mẹ đã phải trình bày với LMQX về việc đi tu của con mình. Và từ việc ghi nhận đó, LMQX sẽ có những yêu cầu cần thiết đòi hỏi một tu sinh, thông qua ban tuyển sinh giáo phận.
Mỗi giáo phận sẽ có những quy trình khác nhau trong tuyển sinh. Thông thường thì sau khi ban tuyển sinh ghi nhận tu sinh có chí hướng đi tu, sẽ thử thách trong thời gian 4 năm học đại học. Và nếu vẫn còn duy trì được chí hướng mà không hề mắc ngăn trở nào, sẽ chính thức được nhập vào hàng ngũ tu sinh giáo phận sau khi tốt nghiệp đại học. Thời gian này sẽ kéo dài lâu mau, để được nhập vào Đại chủng viện tùy theo nhu cầu GP, đạo đức, nhân cách…của tu sinh đó.
Qui trình sau đó không khác trước 75 là mấy. Như Đại chủng viện Sao Biển qui trình gồm: 1 năm tu đức, 2 năm triết, 4 năm thần học. Nếu suôn sẻ, ra giúp xứ rồi lên Phó tế chờ ngày thụ phong linh mục.
Và hai hệ thống đào tạo khác nhau sẽ cho hai hệ quả khác nhau là chuyện đương nhiên.
Hệ đào tạo linh mục 14 năm trước 75 không kể đi giúp xứ lâu mau tùy vào điều kiện cá nhân và nhu cầu giáo phận…
Những linh mục được đào tạo bài bản hệ 14 năm, thường có cuộc sống khuôn khổ, nền nếp và thậm chí đôi khi cứng nhắc trong giáo luật với giáo dân. Cuộc sống chỉ khép kín trong một giáo xứ, ít đi ra ngoài giao tiếp. Có tinh thần khắc kỷ, khó nghèo. Ít tính đua tranh vật chất: xe, nhà, phương tiện…Nhưng lại thường có tính quan liêu, bảo thủ, bậc thứ, nên khó hòa đồng thân thiện với giáo dân. Trước 75, giáo dân có việc gì cần gặp linh mục, thì cảm giác sợ sệt, ái ngại, lo lắng như gặp quan to vậy.
Hệ đào tạo 14 năm được định hình linh mục như trên, phải chăng do hệ thống đào tạo bài bản và do tính thời cuộc ngày ấy chưa có nhu cầu đòi hỏi vật chất cao như ngày nay??
Hệ đào tạo linh mục 7 năm sau 75
Những linh mục đào tạo thời sau 75, thường có cuộc sống thoáng hơn, dễ chịu hơn, kể cả trong việc xử lý giáo luật…Cuộc sống phóng khoáng, đi đây đó giao du với nhiều tầng lớp xã hội, không bị khép kín trong giáo xứ như các Lm trước 75. Vì thế con người bặt thiệp, hòa đồng, thân thiện, dễ dãi và cởi mở với giáo dân hơn. Ngược lại, tính khắc kỷ và sống khó nghèo thì khó có thể sánh được như các Lm trước 75. Có lẽ, mỗi thời có những nhu cầu đòi hỏi khác nhau nên cũng khó nói rằng: các Lm trẻ không khó nghèo bằng các Lm trước 75?
Đưa ra hai góc nhìn trên để tự hỏi: nên chăng, nếu có điều kiện đào tạo linh mục theo hệ đào tạo chính quy bài bản bậc thứ: Tiểu chủng viện lên Đại chủng viện, hay là đào tạo đi tắt đến Đại chủng viện, kiểu mì ăn liền đốt giai đoạn như bây giờ!??
Thành thật mà nói, đào tạo linh mục theo hệ 7 năm, có nhiều lợi điểm: thứ nhất là giáo phận đỡ trách nhiệm nuôi dạy học từ lớp 6 đến hết bậc Đại học, bớt được một khoản chi phí lớn và bớt được công lao đào tạo không nhỏ. Thứ hai là, các tu sinh khi vào Đại chủng viện có trình độ học vấn cao ở ngoài đời: Cử nhân, Cao đẳng, Cao học…với các ban ngành học khác nhau, rất phong phú…Thứ ba, có tỷ lệ linh mục đạt cao, vì các tu sinh vào tuổi 22, có đủ ý thức để “kiên vững theo Chúa”, nên ít có trường hợp bỏ cuộc.
Hai quy trình đào tạo linh mục trước và sau 75, chắc chắn là sẽ đem lại hai thành quả khác nhau về con người và phẩm chất. Nhưng thật khó để nói hệ thống đào tạo trước và sau 75, bên nào hơn bên nào. Bên nào cũng có những ưu điểm và có những nhược điểm riêng.
Có một điều quan trọng là, các linh mục phải luôn nhớ rằng: Linh mục là Chúa Giêsu thứ hai. Có được tâm niệm như thế, thì hệ thống đào tạo trước và sau 75, đều nhất quán là đào tạo linh mục chân chính của một hình ảnh Đức Kitô.
Nguyễn Vĩnh Căn
Bình luận