Châu Sơn, Chầu lượt xưa và nay

Đối với người dân Nghệ Tĩnh gốc giáo phận Vinh thì, Chầu lượt là một ngày hết sức trọng đại, là “tết đặc biệt” riêng của GX đó! Mà quả thật thế, nhà nào cũng lo dọn dẹp lại nhà cửa cho khang trang, tươm tất đẹp đẽ để, xấu che tốt khoe ấy mà. Sắm sửa con xe mới cáo, quần áo bảnh bao để diện ngày chầu lượt cho oách xì xằng nữa chứ! Rồi chuyện bếp núc: gói bánh chưng bánh tét như tết, thịt heo rừng, thịt đà điểu, lươn um, bò né…chứa đầy tủ lạnh, rồi bia thì sa la la, nhà thủ sẵn mấy thùng ấy chứ! GX thì trang hoàng cờ lau xí rợp, lên chủ đề chầu lượt…Tất cả là chỉ để phục vụ quan khách cho ngày chầu lượn của GX mình.

Nhớ lại thập niên 80, 90…Khi đó còn nghèo nàn lắm! Thịt thà, cá mú cũng khiêm tốn thôi! Quanh năm ăn mì khoai, bo bo độn, lấy đâu mà chiêu đãi trọng thị cho ngày chầu lượt được cơ chứ! Nhưng bầu khí lễ hội “chầu lượt” thì xem ra long trọng hơn bây giờ nhiều. Đối với khách thập phương, tinh thần đi lễ hội của họ khát khao, nô nức, phấn khởi hơn ngày nay. Thường là chiều thứ bảy ngày trước chầu lượt, họ đã xắm nắm xe cộ đến GX như một ngày trẩy hội vậy. Không khí chiều thứ bảy luôn đông đúc, tấp nập và hồ hởi lắm! Ngày đó, phương tiện đi lại còn khó khăn! Chỉ với xe hôn đa đam, xe 67, xe Suzuki là mốt lắm rồi.

Muốn biết ngày chầu lượt của GX mình có đông vui hay không, chỉ cần xem bầu khí “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” chiều thứ bảy là đánh giá được chầu lượt năm đó rồi.

Buổi chầu chiều đó cũng long trọng lắm! Sốt sắng lắm! Ca đoàn rất cầu thị vào buổi chầu để tập những bài hợp xướng của nhạc sĩ thiên tài JS Bach với bài Chúa đã xa rời…

Còn tối đến thì vui như mở hội. Lớp thì đi cưa kéo, em út…Đây cũng là dịp để trai gái giao lưu, gặp gỡ… Và cũng nhờ dịp này, đã nên duyên vợ chồng để “em đi lấy chồng xa” đánh bắt xa bờ bởi các chàng trai xứ bạn. Lớp thì “ăn dậu”, bia chảy tràn ly, chén thù chén tạc cúc cụng nhau. Ôi thôi thì bao chuyện đời cũng vỡ bờ liên tu bất tận…Lớp thì “chầu lượn” vòng vòng làng xóm, xe máy thả ga chạy đôn đáo đường ngang đường dọc, đông như mắc cửi, vui ơi là vui!!!

Bắt đầu sang đến những năm 2000, thì tính lễ hội chầu lượt giảm dần những sự nô nức, những khao khát…Cuộc đời đã sang trang mới của một nền kinh tế tự do, cuộc sống khá giả hơn để bắt đầu có của ăn của để. Điều kiện Xe máy đi lại thuận tiện với những đời xe cao cấp với Atila, Lead, Air blade…Nhưng lượng khách thập phương trong ngày chầu lượt lại giảm đi đáng kể, không còn sự háo hức để đến từ buổi chiều thứ bảy trước chầu lượt nữa.

Tất cả đều có lý do của nó: Khi cuộc sống đã được nâng cấp, cái ăn cái uống đã “no méng” với đám tiệc ê hề ở quê nhà, để không còn là nhu cầu thôi thúc mọi người đi chầu lượt nữa. Thực ra, cái thời bao cấp, đi chầu lượt ngoài nhu cầu giao lưu, gặp gỡ…nhưng chính là để rồi còn được ăn nhậu “bù khú” chè chén say sưa với nhau nữa chứ! Có thực mới vực được đạo mà lị!! Một sự thật có chút phủ phàng mà không ai chối cãi được là, đi chầu lượt nó mang tính lễ hội đời thường xã hội “chầu lượn”, nhiều hơn là ý nghĩa đạo đức, đi chầu thánh thể. Một số người bao biện: chầu thánh thể thì GX nào mà chả có. Chỉ có “chầu lượn” ở GX bạn mới vui. Cũng cần phải nói đến, bây giờ “đủng đỉnh xu hào” thì có quá nhiều nhu cầu vui chơi giải trí hơn thời xưa như: Xem phim, đi nhà hàng, Karaoke, cà phê, đi tour du lịch…khiến cho các GX bạn không mấy mặn mà với chầu lượt nữa.

Đến những năm 2010 trở đi thì chầu lượt hầu như đóng khung trong mỗi mình giáo xứ đó, hoặc là các GX bạn gần gũi, kề cạnh nữa mà thôi. Một phần nam thanh nữ tú vì phải đi học xa. Quan hệ làng xóm các GX bạn cũng ít đi. Phần quan trọng nhất bị cấm vận khách thập phương đi chầu lượt bởi lý do, “an toàn giao thông”. Công an luôn rình rập ở các ngã đường trọng yếu, để bắt những chàng trai sặc mùi bia rượu…Tuýt một cái, a lê hấp cho xe vào lề là xong ngay. Qua được cửa ải bia rượu thì đến giấy tờ, đèn xi nhan, lấn vạch…C A đã sờ gáy là có tội, phải chịu nộp phạt ngay.

Bây giờ có mốt đi chầu lượt bằng xe máy hay ô tô, cả hai vợ chồng cùng đi, khi đi chồng lái, khi về chồng sặc mùi bia rượu rồi thì vợ lái. Có thế mới qua mặt được CA giao thông chứ! Nhưng cả hai vợ chồng đều chuốc chén say xỉn bia rượu thì xin thua. Xem ra uống được mấy lon bia mà bị phạt 4 triệu đồng hay 17 triệu đồng thì cũng oan gia, “đau lòng con cuốc cuốc” lắm! Thôi thì ở nhà kiếm mấy tay binh mấy hộp cho xong.

Và thế là chầu lượt GX vắng như chùa bà đanh là thế đấy!

Những năm 2012 về trước, chầu lượt Châu Sơn vào tháng 12, tháng rộ mùa thu hoạch cà phê, nên các GX bạn than phiền không đi được. Có người bảo: Châu Sơn khôn thật, lựa cái tháng bận rộn của GX bạn chẳng ma nào tới chầu lượt được, trội không biết bao nhiêu là bia rượu thịt. Nói rứa phải tội chết, “ai mà chủ trương ăn chùa thế”! Chẳng qua là “gặp thời thế, thế thời phải thế” ấy thôi! Hình như biết được nguyện vọng hiếu khách của giáo dân, HĐGX đã hết nước miếng để xin Tòa Giám đổi chầu lượt vào cuối tháng 7 đầu tháng 8. Xem ra công việc mùa màng có phần rảnh rỗi, nhưng lại có khi mắc mưa dầm tháng 8. Đúng là chạy trời không đã nắng, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa là thế đấy! Thôi thì thiện chí Châu Sơn là có rồi đó, trời không cho thì buồn chịu vậy, chứ biết răng chừ!!!

Riêng GX Châu Sơn ta, ơn giời! Oh my God!! Cơn hồng thủy chầu lượt bị cấm vận an toàn giao thông không đến nỗi nào; bởi Châu Sơn ở liền kề các GX bạn: Tân Lợi, Kim Mai, Thánh Tâm, Duy Linh, Giáo họ Phanxico, Duy Hòa, Chi Lăng…nên mặc dù cấm vận, nhưng khách vẫn đông vui như thường. Hơn nữa, Châu Sơn khá ưu điểm với vị thế gần trung tâm thành phố nên có nhiều cửa ngõ vô ra GX như: đường vành đai, đường giải phóng, đường tỉnh lộ 5 thông thoáng, nên các ngài CA muốn bắt, muốn cấm vận cũng bó tay…

Có điều, thanh nam nữ tú không còn trăm hoa đua nở để “dập dìu tài tử giai nhân” như trước nữa”, vì một số lớn bận đi làm hoặc đi học xa. Nhưng bù lại, quan hệ làm ăn, quan hệ sui gia bây giờ mở rộng thông thoáng nên vì dây cây leo, đã khiến cho bầu khí rộn ràng không kém những năm trước khi chưa bị cấm vận. Nhà nào cũng có khách ra vào liên tục, vui đáo để.

Có thể là, đông vui, hơi bị hao!! Nhưng bù lại niềm vui tràn đầy mỗi nhà, mỗi người và cả GX. Đâu phải cứ có tiền là mua được niềm vui. Phải có tinh thần trọng thị của chủ nhà thì khách thập phương mới hồ hởi phấn khởi đến chứ!

Quả là lời mời cao hơn mâm cộ là thế đấy!!!

Châu Sơn choa

 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …