Tản mạn bên lề chuyện cách ly Covid…

Những ngày này, mọi người dường như bị cấm cửa ở trong nhà. Một kỷ luật ngầm được ban hành với mỗi nhà: nội bất xuất ngoại bất nhập. Thậm chí ở trong nhà, mỗi người mỗi thú tiêu khiển trong mỗi vuông phòng của “tu dòng kín”.

Trẻ con ngồi dán mắt vào TV với các phim hoạt hình thiếu nhi như: Một ngôi nhà nhỏ một hạnh phúc to, hay xem các phim khủng long, cười nắc nẻ…. Các bạn tuổi teen say mê vào game mạng với các trò siêu nhân bắn giết nhau chí chóe. Các anh các chị lớn rồi, và thậm chí các bà sồn sồn cũng mê mãi truy cập FB với nhiều góp gió muôn màu đủ thứ chuyện hầm bà lăng trên đời, hay cũng nhiều mà dở cũng không ít.

Tội nghiệp nhất là những tráng niên và tuổi mới lên phụ huynh, các phương tiện truyền thông show game, FB cũng chẳng quen và thực ra họ cũng chẳng thiết tha chi, mặc dầu bây giờ thế hệ Tráng niên cũng đã được trang bị Smart phone. Có lắm thì “ngồi buồn gãy háng dế lăn tăn” xem các game show truyền hình, hay xem các bộ phim kungfu Chung Tử Đơn, Lý Liên Kiệt, Thành Long…để giết thời giờ cho qua ngày.

Bình thường nếu không bị cách ly dịch Covid thì sáng mai tán chuyện cơn ca cơn kê “ngồi lâu khoai nát”, rồi kiếm đủ tay chơi bài bạc lai rai, đến trưa thì hê lên ăn nhậu…. Bây giờ “gặp thời thế” cách ly Covid nên đành “thế thời phải thế”. Chỉ còn biết ngồi bó tay “Nhìn những mùa thu đi…”.

Ngay cả bữa cơm trong gia đình cũng phải chịu cảnh phân ly, mỗi người mỗi bát cơm rồi chui vào phòng ẩn tu.

Riêng GX Châu Sơn,đã  có một tổn thất rất lớn: chỉ còn đúng 3 ngày nữa là Chầu lượt 02.08, thế mà đành phải ngậm ngùi chia xa…Thật đáng tiếc với bản Panno giới thiệu đầy đủ chương trình lên sẵn sàng để đáp ứng tâm linh cho giáo dân trong ngày chầu lượt mà đành phải bỏ cuộc.

Còn tôi thì không biết làm gì hơn để trôi tháng ngày trên đôi bàn tay trơn, đành ngồi luyện Kungfu với phim Kim Dung. Ngồi buồn mà đốt thời gian với mấy chục tập của bộ phim “Thiên Long bát bộ”, thú vị không còn gì bằng. Có khi còn đọng lại đôi điều bổ ích học được nơi nhân vật siêu phàm Kiều Phong. Một nhân vật đầy tính chất cao ngạo, hào sảng, ngang tàng, uống rượu như hủ chìm, luôn ra tay trượng nghĩa của đấng bậc “Nam tử Hán, đại trượng phu”. Vậy mà cũng mềm lòng trước A Châu và bi lụy với mối tình thủy chung này đến suốt cuộc đời. Rủi thay, lại ra tay chết lầm người yêu để suốt đời ôm hận tình ngàn thu. Cuối cùng, tự kết liễu đời mình để tránh một cuộc tàn sát đẫm máu lẫn nhau giữa hai nước Khiết Đan và Đại Tống. (ở đây tôi chỉ tóm tắt, chứ còn rất nhiều tình tiết eo le mà trong khuôn khổ này không thể lột tả hết, mong các bạn ghiền Kim Dung thông cảm). Ôi một tấm lòng hy sinh vì đại nghĩa, tưởng rằng đời sau không còn có được. Vậy mà xem đến đây, tôi chợt liên tưởng đến…

Đội ngũ các y bác sĩ của ngành y tế cũng đã ra tay trượng nghĩa, để rồi từ các tỉnh khác như Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gón…được gửi ra tuyến đầu Đà Nẵng để diệt thù Covid. Phải nói, chưa bao giờ hình ảnh của những Y Bác sĩ lại đẹp như thế! Họ dám hy sinh thân mình để lao vào một cuộc chiến đầy cam go và không kém phần sinh tử.

Cảm động nhất là phút giây “phân kỳ” với vợ con, khi tiễn chồng, tiễn con lên đường như đi tòng quân giết giặc. Có người vợ sụt sùi tiễn chồng đi. Có người mẹ nước mắt chảy dài tiễn con đi mà tưởng như “một đi không trở lại”. Mà quả thật, sự hy sinh vì đại nghĩa cho đồng bào Đà nẵng đang lâm cơn sốt dịch ở mức cao trào là thật đáng quý biết bao. Những hình ảnh đầy cảm động khi họ xông trận quên cả giờ giấc. Có khi phải trực chiến gần như 24 giờ trong ngày, để rồi có khi mệt lã và bị ngất xỉu…Và liệu khi ngày tan chinh chiến dịch Covid, có y bác sĩ nào phải nằm xuống đất Đà Nẵng thì đớn đau và ngậm ngùi cho người ở lại biết bao.

Rồi những thước phim thời sự đầy cảm động về những bi lụy do dịch Covid mang lại…Những hoàn cảnh của người dân lao động phải lao đao khốn đốn vì dịch Covid do bị thất nghiệp không có công ăn việc làm để nuôi sống gia đình vợ con. Có người mẹ phải chở con trên chiếc xe đạp cọc cạch để đi bới tìm nơi những đống rác những túi ni lông, những lon bia không, những ống nước….để kiếm miếng ăn cho gia đình thì tưởng cực nhục và nhọc nhằn biết bao. Có người đàn ông ngồi mòn mỏi trông chờ có xe đến vá lốp để kiếm đồng tiền còm trang trải cái ăn cho gia đình…

Nhưng, nếu không có clip “Giá trị của sự dừng lại” của Sơ Maria Nguyễn Thị Hồng Quế mà một người bạn trên FB gửi cho tôi, thì có lẽ tôi đã không viết bài này. Một bài chia sẻ rất cần thiết cho mọi người chúng ta tìm lại ý nghĩa đích thực của khoảng lặng thời gian cách ly dịch Covid. Với vẻ duyên dáng và khuôn mặt thanh tịnh, Sơ Hồng Quế đã đem lại một bài chia sẽ hết sức bổ ích cho mọi người chúng ta. Dưới đây tôi chỉ ghi nhận phần đầu nhập đề của bài chia sẻ…

Với đại dịch covid thì tất cả chúng ta phải dừng lại. Từ các chương trình bóng đá thế giới, các chuyến hành hương đất Thánh, ngày lễ Chủ Nhật và ngay c ả đại lễ Phục Sinh vừa qua cho đến tinh tâm, cưới hỏi…Thậm chí đi thăm thân nhân…cũng phải dừng lại. Tất cả việc học hành đi làm việc đều phải dừng lại…

Thế có bao giờ các bạn tự hỏi: nếu không có đại dịch này, liệu chúng ta cố gắng để dừng lại được không?? Ta có thể cũng lại việc kiếm tiền bằng mọi cách bằng mọi giá không? Ta có có biết dừng lại để được hưởng thụ không?? Hãy nhớ rằng nguồn gốc của sự cám dỗ là nuôi dưỡng ham muốn không công chính. Ta càng chiều chuộng sự ham muốn thì ta càng xa Chúa, xa anh em bấy nhiêu. Rồi liệu ta có thể thoát khỏi thời gian vô tận với để đắm chìm  trong công nghệ làm ta xa Chúa không? Vì thế, hãy xem đây là cơ hội để để thưởng thức và dùng lại. Thật sai lầm nếu bạn đánh đồng sự dừng lại với sự kết thúc…Chúng ta hãy xem đây như một cơ hội để khám phá những giá trị đích thực to lớn…mà sự dừng lại đem đến cho bạn. Từ đó tăng thêm sức mạnh của sự bình an để chống chọi với dịch Covid

Dừng lại để lắng nghe tiếng Chúa..(Hết trích dẫn)

Quả thật khác với những gì Sơ chia sẻ: chúng ta dường như xem sự dừng lại là một sự thật bại của xã hội trước đại dịch Covid. Chúng ta xem sự dừng lại như là một sự ngưng đọng, một sự đình trệ tồi tệ của con người trước đại dịch Covid.

Dù muốn dù không thì chúng ta cũng phải sống chung với cơn lũ dịch bệnh này rồi. Vậy thì tại sao chúng ta không biết thi vị hóa cái thời khắc dừng lại của sự cách ly dịch bệnh này. Sự thi vị này có thể là sự đánh lừa lý trí của chúng ta một cách ngọt ngào trong nỗi lo sợ dịch bệnh để biến nó thành một khoảng lặng an bình. Giống như nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã từng tận dụng để thi vị hóa những gì mình có được, dù rất ít ỏi:

Tri túc, tiện túc, hà thời túc. Tri nhà,n tiện nhàn, hà thời nhàn.

Có được như vậy, thì xem ra chúng ta mới thấy được cái giá trị đích thực của sự dừng lại trong sự bình an tự tại, chứ đừng tiêu cực mà ngồi buồn chán ủ ê, thân thân trách phận làm chi hỡi người!!!

Châu Sơn choa

  

 

Check Also

Một tri âm tri kỷ: Đời vắng em rồi, say với ai!!??

Mỗi lần nhớ đến Hùng, anh lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà …