Đã có một thời… Cơn lốc vỡ nợ ở GX chúng ta

 Hơn 10 năm khi đất nước mở cửa (1995) với nền kinh tế thị trường tự do, không ai phủ nhận được sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của VN, chỉ chịu đứng thứ hai Châu Á sau Trung Quốc với mức tăng trưởng 8, 7 mỗi năm. Nhưng đằng sau cái bề mặt phồn vinh của phố thị, thôn quê đang từng ngày đổi mới, thì cũng không thiếu những canh bạc thua đến cháy túi của các nhà làm kinh tế. Và nạn phá sản, xù nợ , bể huê hụi, số đề…đang là cơn lốc hoành hành trên mọi miền đất nước.

          Và Châu Sơn cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo của cơn lốc ấy được nữa rồi.

          Trong phạm vi bài viết này, người viết không dám đưa ra luận điểm phê phán đạo đức của kẻ vỡ nợ, và nạn nhân của người bị quỵt nợ; nhưng thử đưa ra một vài nhận xét về lý do:

          Tại sao người Châu Sơn chúng ta làm ăn kinh tế lớn thường dễ bị vỡ nợ?

Xét về bản chất, người Khu tư chúng ta thuần tuý là con nhà nông nghiệp từ bao đời cha ông. Bản chất con người nông nghiệp là hiền hoà, chất phát, cả tin, cần cù, lam lũ….

  Trong khi bản chất của kinh doanh lại trái ngược với bản chất nông nghiệp. Bởi thương trường là chiến trường. Ở mặt trận đó, cần một sự bén nhạy tinh tế, cần kiến thức tổng quát về mọi mặt: chính trị, kinh tế, thời thế , chứng khoán…và kể cả mặt trái của nó: man trá, lọc lừa, gian xảo, bạo lực của xã hội đen…Một sự quyết đoán lạnh lùng đến nhẫn tâm. Và câu khẩu hiệu kinh kệ: Trên hết mọi sự là lãi xuất, khiến cho thương trường vốn đã cạnh tranh khốc liệt lại càng thêm nhẫn tâm lạnh lùng và rạch ròi giữa các đối thủ với nhau.

          Chưa đủ năng lực để quản lý và điều hành với số tiền bạc tỷ, cũng như không đủ trình độ để cạnh tranh, đấu đá với người ngoài. Bài toán kinh tế không giản đơn như dân ta nghĩ: hai lần hai là bốn. Cuộc chơi không phải trò đùa đối với những kẻ gà mờ như  dân ta. Một bài toán chi li cặn kẻ từng xu hào của đầu vào và đầu ra.

Cuộc chơi kinh tế có sân chơi riêng cho dân chuyên nghiệp, chứ không dành cho khách vãng lai ngu ngơ như chúng ta. Và nhà kinh tế nào cũng phải canh cánh bên lòng, để ý thức: Khi ta ngủ, thì nợ vẫn thức để đẻ ra tiền lãi xuất chồng chất. Làm kinh tế cũng vậy, phải biết năng lực tài sức của mình thì trăm trận trăm thắng.

Buổi đầu mới làm ăn kinh tế như dân ta, chỉ quản lý, điều hành đồng tiền trong vòng vài ba tỷ đồng mà thôi. Và khi vượt lên đến con số kinh doanh buôn bán hằng trăm tỷ, chỉ dành cho những tay buôn bán chuyên nghiệp lâu năm mới cáng đáng nổi chứ chẳng phải chuyện đùa, dễ ăn như dân ta tưởng. Thành ra chuyện con cóc muốn to bằng con bò trong giáo khoa thư vẫn còn là bài học răn đời cho chúng ta.

Trên đây là những nguyên nhân sâu xa.

Còn nguyên nhân trực tiếp là sự buôn bán tính toán không bài bản, không rành mạch rõ ràng giữa tiền vốn cố định, tiền vay ngân hàng, và vốn vay lưu động của nhà làng gửi vào. Tất cả phải lên sổ sách cho những bài toán cộng trừ nhân chia tổng thể, để cuối cùng số thành của tiền lời đích thực phải lớn hơn tiền lãi xuất ngân hàng…Và chi ít là mỗi tháng phải quyết toán sổ sách để biết rõ mình lãi bao nhiêu, âm bao nhiêu để điều chỉnh phương cách kinh doanh cho có lợi nhuận. Một sự dự phòng – chỗ dựa vay mượn nóng vững vàng để giải quyết khi thời giá Tiêu, Cà phê – nhà làng ký gửi, lên một cách đột biến, thì mới bình ổn được cung cầu lời lỗ.

Trái lại các nhà buôn kinh doanh dân ta, chỉ thấy đồng tiền trước mắt mình càng lớn thì ảo tưởng rằng: mình ăn nên làm ra, chứ đâu biết đó là tiền ảo của các chủ nợ… Và rồi quay ra mua sắm tiêu xài thoả thích vào các bất động sản: Xây nhà, mua xe tải, vườn, đất, rẫy mạc, một cách vô tội vạ…Chính là giam đồng tiền chết, vì Bất động sản chỉ lên giá và biến động với một chu kỳ thời gian dài hạn. Và khi vớ nợ thì đâu có dễ bán, thế là bán đổ bán tháo, lỗ lãi không kể.

Một tình trạng chung là khi đã vỡ nợ rồi mà các nhà doanh nghiệp, vẫn cứ ra vẻ ta đây là đang đứng vững, rồi vận dụng, lấy chỗ này bốc trả lấp liếm chỗ kia, thì lỗ hổng vỡ nợ càng lớn. Đó cũng là căn bệnh sĩ để làm chuyện vỡ nợ thêm trầm trọng.

Hệ luỵ của sự vỡ nợ: như một chuyển động dây chuyền. Một nhà vỡ nợ kéo theo bè đoàn lũ lượt vỡ nợ, cháy nhà ra mặt chuột. Khi vỡ nợ mà vẫn tỉnh bơ chối quanh, đổ lỗi cho người khác: nhà nớ mắc nợ không trả cho tôi, thì tôi biết lấy gì trả anh đây. Về chuyện này chính LMQX đã lên tiếng: Tất cả các con nợ không được đổ quanh cho nhau, người nào mắc nợ phải có trách nhiệm lo trả cho chủ nợ mình.

Phải ghi nhận thêm điều này: là dân mình mất tiền của thì ai chẳng sốt ruột, nhưng chỉ mấy ngày lui tới đòi nợ rồi con nợ cù nhầy thì cũng dần nguội lòng, rồi cũng cười trừ huề cả làng, chứ không như người thành phố, chăn chiếu ra toà kiện tụng không được thì thuê xã hội đen thanh toán chứ chẳng để yên. Phải chăng vì sự hiền hoà, nể mặt người làng không làm khó dễ con nợ, rồi nhiều con nợ lợi dụng để chỉ cần tuyên bố vỡ nợ là xoá xong một ván cờ thua thấy rõ chuyển thành thắng: là không phải đền trả sòng phẳng nữa?

Nói thế không phải là dân chúng ta không làm được kinh tế. Nhưng chúng ta phải chọn những loại hình kinh tế thích hợp với bản chất của chúng ta. Ví như chăn nuôi gà, heo, gấu, dê, cút, bà ba, ếch cá ao hồ theo phương cách công nghiệp. Đó cũng là những nghề lao động chân tay có khoa học rất phù hợp với dân ta, đem lại lợi nhuận khá cao và ổn định. Dĩ nhiên nghề nào cũng có rủi ro của nghề đó. Nhưng nghề chăn nuôi như ở GX Châu Sơn, chưa thấy ai thua lỗ sạt nghiệp đến vỡ nợ trắng tay.

Đối với người vỡ nợ trắng tay, người viết chỉ biết thông cảm nỗi niềm cho họ. Vì theo như TT De Gaule của Pháp: Mất tiền bạc, mất danh vọng, mất tình yêu có thể tìm lại được, nhưng mất danh dự là mất hết tất cả.

Theo tôi nhận thấy, người dân ta vẫn thiếu tinh thần cảnh giác. Bởi hơn 20 năm qua, đã có biết bao nhiêu vụ vỡ nợ, xù nợ mà vẫn cứ mắc vào cái vòng luân quẩn ấy. Đến nỗi có người con chán nản để nói: nơi nào bể nợ, xù nợ là nơi đó có cha mẹ tôi dính vào, không trăm triệu, thì cũng mấy chục triệu biếu không người ta.

Tâm lý ai mà chẳng hám lãi. Tôi nghĩ, chính những người hám lãi cao gửi vào các doanh nghiệp nâng lãi suất cao để câu khách, cũng tạo cơ hội cho họ vỡ nợ thêm trầm trọng. Trong khi tín dụng, ngân hàng tương đối chắc ăn hơn, nhưng lại không muốn gửi vào đó, vì lãi xuất thấp hơn. Và vì lòng tham muốn ăn to thì rủi ro lớn là chuyện đương  nhiên. Theo tôi những người đó nên tự trách mình: Lỗi tại tôi mọi đàng.

Nói đi rồi cũng phải nói lại: Biết đâu một ngày nào đó, tôi làm ăn khá giả, thừa tiền rồi cũng rơi vào cảnh bị xù nợ chưa biết chừng. Có thức mới biết đêm dài. Ai đời mà không có sai sót được. Bởi vì cổ nhân đã nói: Nhân vô thập toàn. Già 70 tuổi vẫn chưa học hết chữ ngờ mà lị. Thế mới có chuyện để nói phải không các bạn! Đời mà!

Tôi không phải là nhà kinh tế, nên chỉ đưa ra vấn đề, chứ chẳng biết cách giải quyết. Rất mong các bạn đọc nào cao kiến, giải đáp được khúc mắc cuộc đời, xin giúp mấy chiêu kinh tế học cho nhân gian bớt lao đao trong nợ đời cơm áo!

Xin chân thành cám ơn!

Thiên Lương

 

Check Also

Một tri âm tri kỷ: Đời vắng em rồi, say với ai!!??

Mỗi lần nhớ đến Hùng, anh lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà …