Khi Lão nông tri điền, chú giải Thánh Kinh

Khi lão nông tri điền, chú giải Thánh Kinh

 

12 

Cha ông ta thường nói “trà dư tửu hậu”.

Ấm nước mới, cũng là một hình thức trà dư, ngồi lâu khoai nát, chè đàm đủ mọi thứ chuyện thượng vàng hạ cám trên trời dưới đất. Từ chuyện chính trị, xã hội, văn hoá, đến đời sống nông nghiệp: hết xe càng, xe độ, tưói tắm motor điện ba pha, máy xay xát…Ba hoa chích choè, rồi nổ đủ mọi chuyện, nhưng nói chi thì nói, vẫn cứ phải “cấm khẩu” một mảng tôn giáo, lại càng dè dự hơn về mảng thần học, phạm trù chuyên môn của các cha, cho thêm tiền, chẳng ai mà dám đụng đến chuyện thánh thiêng, có mà vạ tuyệt thông chứ chẳng đùa!!??

          Vậy mà “tửu hậu”, sau vài tuần rượu, uống đà đà say, ai cũng gân cổ lên cãi cối cãi trày, không ai nhường ai. Tinh thần phấn chấn lên sau khi tửu dư, được mở mang trí hoá, khai thông thế bế tắc thì, không có chuỵên gì là không dám nói tới. Cho hay rằng, rượu có mãnh lực, làm cho con người cam đảm đến liều lĩnh, để hát phiêu câu thánh vịnh “rượu dẫn tôi qua đồng cỏ xanh tươi, có rượu vào tôi còn sợ chi ai”. “thằng này chẳng ngán thằng nào hết sất”.

          Lúc này đây, những nhà nông dân mới thực sự lên tiếng “chú giải thần học”.

          Số là, 18/11/2012 là ngày GX khai mạc năm Thánh Đức Tin. Một thánh lễ long trọng diễn ra giữa sân trường Tiến Đức, với cờ lau xí ngợp, nhiều băng rôn khẩu hiệu slogan được treo lên: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. “Tôi biết, tôi tin vào ai”…

          Thế là những ngày sau đó, những khi tửu hậu, rượu vào lời ra, đã nổ ra một cuộc tranh cãi thần học không kém phần sôi nổi. Nhưng cái câu: “Tôi biết, tôi tin vào ai” (Tm,) là được chiếu cố hơn cả.

          Người đầu tiên đưa ra bình luận, câu: “Tôi biết, tôi tin vào ai” treo ở ngoài nhà thờ, giáo dân đọc thì còn tạm được, chứ đã vào nhà thờ rồi, mà còn hỏi thế thì nghe không xuôi một chút nào! Ý nói, đã vào nhà thờ rồi, bất cứ Kitô hữu nào cũng phải xác tín là Tin vào Chúa chứ tin vào ai nữa.

          Có người bình loạn: có lẽ người dân ngoại đạo khi nghe thánh Phao Lô thuyết giảng, nên hỏi ngài: “Tôi biết, tôi tin vào ai đây?”. Đâu có, câu này của chính Thánh Phaolô nói mà.

          Người khác đưa ra ý kiến: “Tôi biết, tôi tin vào ai”, xét thấy vẫn còn nghi ngại, chưa xác tín, mạch văn câu này theo ngữ pháp tiếng Việt là, phải thêm dấu hỏi(?) – “Tôi biết, tôi tin vào ai?” mới đúng. Nếu là câu xác tín phải viết: “Tôi biết, tôi tin ai”, mạch văn xác định rõ ràng: tôi biết, tôi tin Chúa Giêsu, một cách xác thực. Bởi, chũ “vào” là giới tự, làm yếu nghĩa của chữ “tin”, nghĩa là đang mơ hồ vào một ai đó chưa xác định.

 

10          Ý kiến khác cho rằng, ban dịch thuật thêm chữ “vào” cho câu nói cân xứng mà thôi. Người khác, trong bản gốc phải có chữ vào, BDT mới viết thế chứ ai dám viết vào.

          Một người khác có vẻ cao tay ấn hơn. Thực ra câu này phải viết: “Tôi biết, tôi phải tin ai” mới xác quyết rõ vấn đề: tôi biết tôi phải tin Chúa rồi.

          Người khác phàn nàn: cái ông Thánh Phaolô này cũng rắc rối cuộc đời để viết: “Tôi biết, tôi tin vào ai”, chứ ông viết rõ ràng: “Tôi biết, tôi tin Chúa” thì còn ai dám bắt bẻ thắc mắc nữa đây.

          Viết bạch văn rõ ràng như thế, đâu còn văn phong, thể cách của một ông thánh quan văn như Thánh Phaolô nữa.

          Ba Bàu tôi cảm thấy, ai cũng có cái lý riêng của mình cả.

          Quả là khi các lão nông chú giải thần học thì, quả không đơn giản một chút nào.

          Mách nước cho các nhà dịch thuật, mỗi khi dịch xong nên gửi bản thảo dịch thuật cho các lão nông tri điền Châu Sơn. Có thể, cóc ngồi đáy giếng, nhưng biết đâu, chú giải “rùa” mà trúng ý thánh Phaolô thì sao đây?!!

 

Ba Bàu tui 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …