Những Phẩm Chất Truyền Thống Của Người Phụ Nữ VN

ee842e3019fee30e4ca87cc93974d54b_L (Nhân ngày 8/3 là ngày Quốc tế Phụ nữ tôi xin mạo muội thử lạm bàn về phẩm chất truyền thống cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Thực ra, tôi không dám đao to búa lớn thực hiện một thiên khảo luận hay một công trình nghiên cứu về đề tài này mà chỉ muốn đề cập đến như một nhàn đàm trong lúc trà dư tử hậu theo tinh thần ẤM NƯỚC MỚI của trang web của HỘI QUÁN TIẾN ĐỨC CHÂU SƠN. Và xin hãy xem đây như một BÔNG HỒNG gửi tặng một-nửa-vĩ-đại-cao-quý của Châu Sơn nhân dịp 8/3)

 

Trước khi đi sâu vào tìm hiểu về phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, thiết tưởng chúng ta cũng nên lược qua về TÍNH CÁCH – BẢN CHẤT cũng như về GIỚI TÍNH của phụ nữ. Nhập đề này có hơi lung khởi nhưng từ đó sẽ giúp ta hiểu rõ về cội nguồn của phái nữ. Theo giáo lý Công Giáo, từ nguyên thủy Chúa đã tạo ra ông Adam chỉ bằng một nắm đất. Từ nắm đất đó ngài đã phà hơi thở vào. Thế là có nguồn sinh khí, có sự sống. Adam được hưởng mọi điều tốt lành ỏ vườn địa đàng. Ông cai quản. Ông trị vì. Nhưng ông chẳng vui. Ông buồn. Buồn vì cô đơn. Buồn vì ở một mình. Buồn vì không có bầu bạn. Và ông ca bài “Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu?”. Chúa thấy ông buồn là đúng. Và ngài đã phán: “ Đàn ông ở một mình không tốt”. Thế rồi nhân lúc Adam ngủ say, ngài đã nhẹ nhàng rút một chiếc xương sườn cụt. Và ngài đã tạo nên một Eva.

Tuy đàn bà được tạo ra từ chất liệu đàn ông nhưng tính cách lại khác hẳn. Đàn bà để bổ trợ cho đàn ông. Đàn bà để nâng khăn sửa túi cho đàn ông. Đàn bà sinh ra để nhõng nhẽo, để làm nũng đàn ông. Để làm cho đàn ông chết (chết mê chết mệt)

Tóm lại, phụ nữ là loại thụ tạo hoàn hảo nhất. Bởi khi sinh ra phụ nữ rồi Chúa thấy tuyệt vời quá nên không cần tạo nên một nhân vật khác thứ ba nữa.

Đó là nét khác biệt giữa hai phái: NAM và NỮ.

Bây giờ chúng ta hãy đi vào từng chi tiết về các phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt Nam. Theo quan niệm xa xưa của cha ông: một phụ nữ phải hội đủ cấc điều kiện sau: CÔNG-DUNG-NGÔN-HẠNH. Và đó cũng là kim chỉ nam giúp nữ giới tự giáo dục mình, tự hướng mình vươn tới sự hoàn thiện cũng như dùng các tiêu chuẩn đó để giáo dục con cái. Nam giới cũng dựa các tiêu chuẩn đó để chọn cho mình một người vợ như ý. Cái quan niệm này, như đã nói, có từ lâu đời và đã trở nên một nét văn hóa đặc biệt của chúng ta. Nó sẽ còn có giá trị mãi mãi dù thế giới có biến đổi hay nhân loại có tiến tới kỷ nguyên thông tin bùng nổ đi chăng nữa.

Và giờ đây ta hãy xét lại từng đức tính, từng phẩm chất vừa nêu trên.

  • Trước hết hãy tìm hiểu chữ CÔNG.

Vậy thì CÔNG là gì? Điều này quá dễ hiểu. CÔNG là công việc làm. Là lao động. Là công việc hằng ngày. Là việc mà người phụ nữ thường làm trong gia đình như: may vá – Thêu thùa – Bếp núc – Nấu ăn. Nói một cách chúng chung là nữ công gia chánh.

Trong bốn đức tính CÔNG-DUNG-NGÔN-HẠNH. Quan trọng nhất có lẽ là CÔNG. Không phải ngẫu nhiên mà CÔNG được xếp đầu tiên mà vì CÔNG là mấu chốt của cuộc sống. Có CÔNG mới có của. Có của mới làm cho cuộc sống tươi đẹp và sung sướng hơn.

Khi một chàng trai tìm hiểu một cô gái, câu hỏi đầu tiên đặt ra là cô gái ấy có “sọi” không. Công việc làm ăn có giỏi không, có tháo vát không? Chả vậy mà trong bài ca dao tỏ tình anh con trai ngỏ ý với cô gái thế này.

Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà

Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu

Áo anh sứt chỉ đã lâu

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng

Qua bài thơ, ta thấy anh con trai này rất tâm lý, tán rất hay nói rất nhuyễn nhưng cũng rất xạo. Xạo ở chỗ là quên áo mà quên trên cành hoa sen. Cây sen làm gì có cành. Chỉ có cuống và ngó thôi. Ở đây, ta bỏ qua chuyện khéo tán hay xạo di, anh con trai ướm lời tỏ tình đã dùng cái áo bỏ quên như một cái cớ để trắc nghiệm mục đích của mình xem cô gái có sành, có “sọi” khâu vá là một môn cần thiết trong nữ công gia chánh

Đến đây một câu hỏi được đặt ra là công việc của nữ giới quan trọng như thế nào trong gia đình. Vâng, công việc của nữ giới rất quan trọng, bởi khi các cô gái đi lấy chồng đồng nghĩa với việc phải “gánh vác giang sơn nhà chồng”. Dâu là kế thế. Rể là kẻ dưng mà. Cho nên người vợ phải có nhiều lo toan, nhiều vất vả truân chuyên.

“Nỗi nhà, nỗi bếp, nỗi lâu

Nỗi trong thân tộc, nỗi gần nỗi xa”

Thật ra, vấn đề chính đặt ra cho cô dâu, người vợ tương lai, là tạo sự đầm ấm trong gia đình, giúp đỡ mọi thành viên thoải mái, yêu thương nhau. Vì thế, người ta thường nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”

Nhưng để sống cho trọn vẹn chữ CÔNG nữ giới phải có những đức tính nào? Để được trọn vẹn, được ưng ý từ phía nhà chồng nữ giới cần biết hy sinh, tận tụy, siêng năng, ngăn nắp, gọn gàng, trật tự nơi ăn chốn ở. Tóm lại, phải chu toàn công việc một cách tốt nhất.

Đòi hỏi như vậy quả thật là khó phải không quý bà? Nhất là ngày nay nam nữ bình đẳng nên phụ nữ phải tham gia nhiều hoạt động xã hội, đôi khi lại là nhân vật chính đem kinh tế về cho gia đình nên công việc nữ công gia chánh làm sao toàn vẹn được. Phải không?

  • Sống chữ DUNG.

 

phu-nu   Có lẽ ai cũng biết dung là đẹp, là nhan sắc, là diện mạo bên ngoài như gương mặt, vóc dáng, cách đi đứng, cử chỉ, ý phục.

Đối với nữ giới, DUNG là mối quan tâm hàng đầu Ai mà không săn sóc đến nhan sắc hằng ngày? Ai mà không vuốt ve, trang điểm mỗi khi đi ra ngoài?

Tuy nhiên, quan niệm về nhan sắc xưa và nay vẫn có đôi chút đổi thay. Xưa đại thi hào Nguyễn Du đã tả nhan sắc hai chị em Vân-Kiều bằng những lời thơ bất hủ sau:

Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da

Kiều càng sắc sảo mặn mà

So về tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Hay có một bài hát ru con quê Hà Tính kể, bà hàng trầu khoe với bà hàng nước về con dâu của mình bằng những lời mộc mạc và rất hay như thế này.

Bà hàng trầu đi trước, bà hàng nước đi sau

Học chuyện cho ra đến chợ

Tôi thương nầng dâu nhà tôi

Nết đứng nết ngồi, dịu dàng da diết

Mày ngang mặt nguyệt. Tóc lại dậm dà dà

Lưng thời cong dẽo đẹo. Chín mười ngón tay như thử tháp bút.

Da nó như ngà, mặt nó như ngọc

Môi nó ăn tràu như môi trang điểm

Vậy đó, người xưa quan điểm sắc đẹp là những biểu hiện bên ngoài và thường ca ngợi làn da hay nét đẹp trên khuôn mặt.

Ngày nay, người ta thiên về những nét mạnh bạo, dứt khoát trên toàn thể cơ phận của người phụ nữ như khuôn ngực – vòng eo – vòng mông và chân dài. Tiêu chuẩn nét đẹp bây giờ là tiêu chuẩn nét đẹp của người mẫu. Kích thước phải là kích thước của ba vòng. Một thiếu nữ lý tưởng các số đo của ba vòng phải là: 90-60-90. Chuẩn mực này có vẻ tây một chút vì người Việt mình nhỏ con hơn nên các số đo cứ phiên phiến theo tỷ lệ là tốt. Tuy nhiên phụ nữ ta cũng không nhỏ cả đâu. Có cô Thủy Top nào đó đã khoe vòng I của mình là 110. Dễ sợ chưa. Thật mênh mông. Thật là phì nhiêu.

Quý nữ giới ơi, lỡ mà không đạt chuẩn đó cũng đừng nên buồn nhé! Đời có luật bù trừ cả thôi. Mình không to cái này thì to cái khác. Không đẹp chỗ này thì đẹp chỗ kia. Nhan sắc em không bằng người nhưng em lại tài hơn người thì sao? Nhìn em bên ngoài không rực rỡ nhưng em lại có duyên, có đức hạnh tuyệt vời thì sao?

Các quý vị phụ nữ nên nhớ các chuyên gia thẩm mỹ viện đã khẳng định: “Không có người đàn bà xấu mà chỉ có người đàn bà không biết trang điểm thôi”.

Hãy yên chí nhé. Câu này không phải để an ủi đâu. Mà thật đấy. Hãy hồ hõi lên, hãy làm đẹp, hãy trang điểm cho rực rỡ cho đúng cách.

  • Bây giờ ta hãy xét đến chữ NGÔN

NGÔN tức là lời ăn tiếng nói, là cách thế để nhân loại giao tiếp với nhau. Ngôn ngữ là cơ bản tất yếu. Nếu không có ngôn ngữ, không có tiếng nói ta làm sao để hiểu, để thông cảm nhau và để yêu thương nhau. Không phải như nhan sắc là cái có sẵn, cái trời ban. NGÔN phải qua nhiều công đoạn, phát từ trung tâm não bộ. Vận khí từ đan điền. Qua thanh quản cá biệt. Uốn lưỡi để tăng thêm độ hoàn hảo. Và thoát ra miệng cho tròn vành rõ chữ.

Nhan sắc đến một cách trực quan, đẹp hay xấu ta cảm nhận được ngay nhưng ngôn từ nó để lại ấn tượng thẩm thấu từ từ. Cho nên NGÔN phải được xem trọng, phải được trau dồi, phải được hoàn thiện nhất là trong tiếp xúc hằng ngày với mọi người. Các cụ đã không sai khi dạy dỗ ta: Học ăn – Học nói – Học gói – Học mở. Vì thế thời nay chúng ta thấy mọc ra nhan nhãn những trường luyện thanh, luyện cách ăn nói. Nghề MC (Master ceremony) bây giờ đang lên ngôi và đang trở thành một công nghệ hot. Nó là niềm mơ ước và đam mê của giới trẻ vì dễ nổi tiếng và dễ trở thành người của công chúng.

Lời ăn, tiếng nói ỏ thời đại nào cũng được trân trọng đề cao nhất là đối với nữ giới. Chẳng vậy mà các cụ nhà ta đã đưa NGÔN vào một trong bốn phẩm chất cao quý của phụ nữ đó sao? Các ngài bao giờ cũng đặt nặng nơi người nữ lời ăn tiếng nói, sự lễ phép đi thưa về trình gọi dạ bảo vâng. Người con gái khi cất giọng lên phải như tiếng oanh vàng thỏ thẻ. Khi nói chuyện miệng tươi như hoa hàm tiếu. Mà là hoa thì phải tỏa mật ngọt. Cụ Nguyễn Du đã ca tụng: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”.

Phụ nữ cũng phải biết cẩn thận và tiết chế trong lời ăn tiếng nói. Một nhan sắc rực rỡ mà nói năng như dùi đục chấm nước mắm thì cũng vất. Nhưng nhan sắc như thế người ta sẽ thích hưởng thụ chứ không thích yêu. Đã có một vài người mẫu, một vài người nổi tiếng thất điên bát đảo ví vạ miệng rồi đấy.

Một cách nào đó, NGÔN được coi như một quyền lực vô đối. Bóp thì chết, thả thì sống. Muốn trắng án có trắng án. Muốn tử hình thì phải chết. Vì lưỡi không xương nhiều đường lắt léo mà.

Ngày nay, NGÔN còn là phương tiện ứng xử trong các tình huống theo cách vận dụng của mỗi người. Điểm ứng xử nhiều khi được chấm rất cao. Như trong các cuộc thi hoa hậu điểm ứng xử quyết định ngôi vương miện.

Tóm lại, dù bất cứ tình huống nào, hoàn cảnh nào, thời nào thì người phụ nữ cũng phải giữ phẩm chất của mình. Đó là ăn nói nhỏ nhẹ, thùy mị, có duyên và thanh lịch.

  • Còn HẠNH là gì?

Hạnh là đức hạnh, là hạnh kiểm, là tính tình hiền lành thùy mị nết na, là sự thiện hảo. HẠNH là bản chất tiêu biểu của phụ nữ. HẠNH được đánh giá cao vì HẠNH là gốc, là căn bản của mỗi con người. Mà con người là nhân chi sơ tính bản thiện. Cho nên bao giờ con người cũng hướng đến HẠNH như một đích đến đáy mơ ước. Thánh Gandhi nói: “Đức hạnh là nền tảng của mọi thứ và chân lý là bản chất của đức hạnh”.

Thế nhưng không hiểu sao trong tứ phẩm HẠNH chỉ đứng thứ tư khiêm tốn. Có lẽ ngày xưa ông cha ta đã cảm nhận được sự mong manh của HẠNH nên đã xếp HẠNH vào thứ cuối chăng? HẠNH dễ bị chao đảo trong cuộc sống nên đã có câu nôm na: “Khi kim tiền và tham vọng đến thì HẠNH sẽ dội nón ra đi”.

Cảm tính của con người vốn mỏng dòn, dễ vỡ và phù phiếm nên đã không đứng vững được trước lòng tham lợi và hám danh. Lợi và danh chính là những con quỷ ranh ma, tinh quái luôn rình rập để hạ bệ con người.

Từ nguyên thủy, bà cụ tổ Eva cũng đã không thể chống lại sự cám dỗ của kiêu ngạo và tham vọng nên đã bị con rắn lừa ăn trái cấm để được ngang bằng Chúa trời thì nay cũng nên rộng lượng thông cảm khi có những người nữ vì danh, vì lợi mà quên đi tình nghĩa tào khang. Trách sao được trong cuộc sống kiếm tìm cơm-gạo-áo-tiền mà người nữ phải xâm nhập vào chỗ nhiều cạm bẩy khiến lòng bị lung lay.

Tuy nhiên, trong cuộc sống xô bồ chỉ mong rằng họ luôn cảnh giác và giữ lại cái căn cơ của phẩm HẠNH để cuối cùng cũng về được cõi phúc và cũng để nếu giáo dục con cái cũng phải làm một cách đúng đắn như lời của Beethoven đã nói: “hãy dạy cho con cái đức hạnh, bởi chỉ có nó chứ không phải tiền bạc là có thể đem lại hạnh phúc cho con cái”.

Ngài Vẫn Thế

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …