Triều Đại Mới và Những Cải Cách

“Triều Đại Mới”, và “Những Cải Cách…”

 

triu i 1Gầnmột năm rưỡi, sau ngày cụ Gioan Bùi Quang Đạo về giáo xứ (12/12/2011)…

        Đề cao vai trò của linh mục lên ngai vị “triều đại” trong việc “trị vì” Gx, để thấy vai trò của một LMQX ảnh hưởng đến đời sống tâm linh và xã hội của giáo dân là rất lớn. Vì thế mà người viết nâng “những thay đổi” mục vụ, phụng tự lên “những cải cách” giáo xứ vậy!

          Khi cụ Gioan về quản lý GX Châu Sơn, quả là có lắm điều bất lợi, vì cái bóng cổ thụ quá lớn của Lm tiền nhiệm đã vươn cao, tỏa bóng mát cho giáo xứ, dễ có gần 15 năm. Mà người tiền nhiệm lại là một LMQX “kim khẩu” trong thuyết giảng, năng nổ trong xây dựng và tinh tế trong giao tiếp; tưởng, tình cảm giữa cha con sâu đậm là chuyện đương nhiên.

          Nhưng, dù có trắc trở đến mấy, mỗi Lm khi nhận bài sai về giáo xứ cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” và tự trấn an mình bằng câu nói thời danh của ĐTGM Nguyễn Văn Nhơn: “Vâng phục là bình an”, để không vì tình cảm riêng tư mà mong muốn được “kén canh chọn cá” một GX mình ưa thích.

          Điều bất lợi thứ hai là, ngay chức vụ Trưởng ban Phụng tự giáo phận của cụ Gioan, cũng tự làm khó dễ cho chính cụ, khi, người giáo dân nào cũng nơm nớp lo sợ về một ông cụ nghiêm khắc trong giáo luật, khuôn phép trong nghi thức phụng tự; chắc sẽ khó ăn, khó ở lắm đây!?

          Điều bất lợi thứ ba, cụ Gioan cử hành thánh lễ một cách “quá rề rà, chậm rãi” (từ của giáo dân). Với cách đọc thong thả, phân câu chiết chữ một cách quá mạch lạc, khiến cho “tiến độ thánh lễ kéo dài rềnh ràng”. Trong khi trước đó, người tiền nhiệm cử hành thánh lễ một cách linh hoạt, gọn gàng…và thánh lễ mau hơn, là chuyện dễ hiểu.

          Và những điều này, hình như cụ Gioan không mấy quan tâm, để chỉ mới về một vài tuần mà đã có hàng loạt những “cải cách”.

 triu i 2

          Việc đầu tiên, bục đọc sách ở giữa cung thánh bị bỏ đi, chỉ để lại bục bên phải phía nữ đọc sách thánh, và bục bên trái phía nam để rao lịch, hôn phối, rao vặt. Điều này không mấy ai thắc mắc, bởi, vốn dĩ các Lm tiền nhiệm đã như vậy rồi.

          Ghế bành lớn dành cho chủ tế, đặt quay lưng chính diện trước cung thánh, nay được xê dịch sang một bên. Có người bảo, làm như vậy là đúng, và trước đây là bất kính. Theo tôi, đặt ghế trước cung thánh chẳng có chi là bất kính, vì khi dâng lễ, linh mục là hiện thân thứ hai của Chúa Giêsu rồi. Nhiều nơi vẫn đặt như thế!

          Một điều mới lạ, gây chú ý cho giáo dân, khi đặt một giá sách mới ở ngay trước ghế bành, để chủ tế sau khi hôn bàn thờ, lùi về phía sau, đứng ở bục này đọc lời nguyện, thay vì lúc trước, đứng ngay bàn thờ. Nhưng điều gây ngạc nhiên hơn, khi chủ tế đọc xong lời nguyện, các lễ sinh lễ mễ bưng mic và sách lại bàn thờ, một lễ sinh khác bưng bê giá sách cất vào phía trong. Lúc đầu chưa quen, cảm thấy rềnh ràng “rắc rối cuộc đời”, nên dị ứng khó chịu. Bây giờ quen mắt rồi, nên không ai quan tâm đến chuyện đó nữa. Nhưng mọi người thường an tâm về những “cải cách” của cụ Gioan bằng câu: cha Trưởng ban phụng tự Gp, chắc phải nắm rõ quy cách, để thay đổi cho phù hợp với phụng tự.

trieu dai 3          Hai bình chạm trổ bằng gỗ công phu và đẹp mắt, lớn và cao hơn 1 mét để chưng hoa, đặt đối xứng ở hai bên cung thánh, cũng bị cất đi, với lý do: những đồ chạm khắc sang trọng này chỉ phù hợp với phòng họp hay phòng khách, còn trên bàn thờ, phụng tự không được trưng bày rườm rà lắm thứ!

          Người lên đọc sách thánh, phải bái lạy trước khi bước lên tam cấp, vì lên trên cung thánh bái lạy, chỉa mông cho giáo dân là hình ảnh rất phản cảm. Cụ Gioan còn khuyến khích người đọc sách thánh nên hát tiểu khúc đáp ca cho trang trọng, kể cả thánh lễ thường ngày. Và sau đó, người đọc sách thánh có dịp trổ tài làm ca sĩ, hát sô lô tiểu khúc, khiến ai cũng lo tập tành, chăm chút giọng hát của mình cho hay cho đẹp.

          Điều làm cho giáo dân khá lạ lẫm là, các tu sĩ không được thay thừa tác viên cho rước lễ, chỉ khi nào lên chức phó tế mới được. Bởi, thừa tác viên phải được Đấng bản quyền cho phép mới được thừa hành. Các tu sĩ, khi vào nhà thờ, quy định phải mặc áo chùng thâm, tùy theo các dòng tu, triều…chứ không được mặc đồ thường giáo dân.

          Có lẽ, những cải cách này, buổi đầu có thể một đôi điều làm giáo dân bỡ ngỡ, nhưng nói chung là chưa có điều gì dị ứng.

          Cú gây sốc đầu tiên, khi HĐGX thông báo với cụ Gioan: “Có thánh lễ tại nghĩa trang vào buổi chiều ngày mồng 2 tết như thường năm”, và cụ Gioan bảo: “Điều này không có trong quy định”, nhưng HĐGX vẫn kiên định: đây là thông lệ của GX từ khi nào đến giờ rồi, không thể bỏ được. Hình như, đến lúc này mới thấy hiệu ứng của “phép vua thua lệ làng”. Thánh lễ đông đảo giáo dân tham dự và trang trọng; nghe đâu, cụ Gioan bày tỏ: “Ngày đầu năm, nhớ đến những người chết, cử hành thánh lễ ngoài nghĩa trang, làm cho bầu khí ấm cúng và đầy ý nghĩa thiêng liêng…rất đáng duy trì”.

Của đáng tội, cụ Gioan ở một GX cũ gần 21 năm, ngay cả thánh lễ thường buổi sáng cũng không có, vì giáo dân đô thị bận rộn làm ăn, nên các sinh hoạt giáo xứ không thể bài bản, lớp lang đầy đủ như ở một giáo xứ miền quê được, chúng ta hoàn toàn thông cảm cho ngài.

Có lẽ, vì cái dị ứng này mà cụ Gioan bị hàm tiếng là người phép tắc, luật lệ, khiến cho giáo dân buổi đầu phải dè chừng?? Điều đó ảnh hưởng đến sau này, khi bầu HĐGX nhiệm kỳ mới, có vẻ như ai cũng ái ngại để từ chối hợp tác!!??

Cái tết đầu tiên của cụ Gioan, có một chút khác với mọi năm là, chủ tế không mặc áo dài khăn đóng lễ  phục màu vàng, và không có chúc tết như mọi năm; lý do, vì Chúa không có tuổi, không có tết, không có thời gian…

trieu i 5Nhưng màn vũ cuối lễ của các em thiếu nhi rất nhịp nhàng, đẹp mắt trên cung thánh, dường như đã xóa tan được phần nào thành kiến với cụ Gioan là kỷ cương, luật lệ, vì qua đó, mọi người thấy cụ khá thoáng khi cho vũ ở trên cung thánh, thậm chí cụ còn bảo giáo dân phải vổ tay cổ vũ hai lần để tán thưởng màn vũ của các em. Ngay cả ca đoàn hát hay, hát đẹp cụ vẫn khen và cổ vũ, động viên. Xem thế thì cụ cũng thoáng và “lãng mạn” trong phụng tự đấy chứ!!!

Một thay đổi khiên cưỡng chẳng đặng đừng. Cái số của cụ Gioan đúng là xui, “chó cắn bị ăn mày”, năm rộng tháng dài, Lm tiền nhiệm yên ổn, không có chi, vậy mà cụ Gioan mới chân ướt chân ráo về, bị bọn đạo chích “nâng nhẹ một tay” hai máy chiếu trong nhà thờ. Chỉ vài tuần sau, cụ đã huy động ân nhân đóng góp, trong đó, người nhà của cụ góp hơn một nửa trong số tiền 60 triệu. Có lẽ, bọn đạo chích thấy máy cũ rồi lấy đi, để Gx mua máy mới. Chắc là cụ Gioan cũng rộng lượng tha tội cho bọn đạo chích, vì bọn họ có ý tốt!!! Để “mất cộ chộ mới” mà lị!!!

Cổ nhân nói quả không sai “quen sợ dạ, lạ sợ áo”. Đúng là khi mới về, ai cũng nơm nớp lo cụ Gioan khó tính, nghiêm khắc…của “cái áo phụng tự”. Nhưng rồi dần dà ngày tháng tiếp xúc, thấy “cái dạ” của cụ có vẻ không có chi đáng sợ, thậm chí là rất thân thiện, cởi mở, hòa nhã, vui tính tếu táo…với hết mọi giáo dân. Có lẽ, cụ đã sắm “cái áo phụng tự” khá rộng, đủ thích ứng giữa luật lệ và những chuyện rắc rối “bòng bong”, chẳng đặng đừng trong mục vụ giáo dân.

Cụ còn tháo gỡ quy định trước đây, cô dâu phải mặc áo dài trong lễ cưới, chứ không được mặc xoa rê, váy đầm…nhưng phải bảo đảm kín đáo. Nhân chuyện này, cụ kể: “Có cô dâu kia, mặc áo cưới hở hang thế nào đó, cha xứ bắt về thay đồ khác…Ông trùm xứ mới mắng: “Hết nước tụi bây chưa, ở nhà không có chỗ phơi nữa hay sao mà đem đồ lên chốn trang nghiêm phơi hả!”. Dí dỏm như vậy, sao bảo là khắc kỷ!!

Ngoài ra, những đôi trai gái “ăn cơm trước kẻng” cụ mời cha mẹ và đôi bạn vào “làm việc” huấn giáo trái phải, răn đe, và bắt phải có giấy chứng thai, kẻo con cái “khai khống”, áp lực cha mẹ dễ bị “bé cái lầm” như chơi. Sau đó, cụ “dàn hòa tỷ số” cho làm lễ cưới.

Thấy thế, có GLV thắc mắc: “Thời Lm tiền nhiệm, bạn nữ có thai “ăn cơm trước kẻng”, sẽ không được làm lễ cưới thánh lễ sáng bình thường, mà phải dời sang một khung giờ khác, 9 giờ sáng. Cụ trả lời: “Mỗi Lm có những cách xử lý khác nhau. Nếu đôi bạn bị xử phạt, sự răn đe đó, làm bạn nữ xấu hổ, mặc cảm với họ hàng, bà con…có thể liều lĩnh chọn giải pháp phá thai để được “an toàn” với lễ cưới bình thường; Như thế có phải vô tình đẩy họ vào thế phạm một tội lớn là, tội giết người, theo anh, cách xử lý nào tốt hơn?”.

Kể cả có đôi vợ chồng bị ngăn trở, thời trước chưa được lãnh bí tích hôn phối, bây giờ cũng được “khai thông thế bế tắc” cho hòa giải để hợp thức hóa.

Ngay cả với các em thiếu nhi và thanh niên, BHG và GLV đề nghị: xin cụ có biện pháp cứng rắn để vãn hồi lại trật tự, nhưng cụ cũng rất mực khoan dung để: “Giáo dục Kitô giáo phải là đức ái, là tình thương, là sự mời gọi…”.

Việc cụ “cử hành thánh lễ rềnh ranh, chậm rãi”, điều này, về sau có người phản ánh, chính cụ Gioan đã xác lập rõ ràng lại việc cử hành thánh lễ, là tái diễn lại cuộc tử nạn của Chúa, nên phải có tâm tình chia sẻ nỗi niềm với Chúa, và để múc kín nguồn mạch ân sủng Chúa Kitô, tại sao chủ tế lại làm một cách vội vàng, cẩu thả được, vì thánh lễ là vô giá. Vì thế, khi đọc các bản văn thánh lễ phải rõ ràng, mạch lạc câu chữ, và phải trải lòng tâm tình trong sự nghiêm túc…để tôn kính thánh thể Chúa Kitô. Hiểu được ý nghĩa cao cả của thánh lễ, hình như từ đó, chăng có ai phàn nàn về sự chậm rãi của cụ nữa.

triu i 6Một vài thay đổi khác, nghe đâu giáo dân không mấy đồng thuận. Số là thứ 2,3,4 thời Lm tiền nhiệm đều có thành lễ tối, bây giờ chuyển sang giờ đọc kinh tối các hội đoàn: Thánh Thể, Chúa Thương Xót, Tin Mừng Caritas…khiến cho nhiều người già không thể đi lễ sớm, phàn nàn không có lễ tối mà đi. Hơn nữa, vì chia phiên cho hội đoàn, nên cộng đoàn giáo dân thường không tham gia kinh tối, và vì thế, nhà thờ có vẻ thưa thớt, vắng hoe…vào giờ kinh tối.

Xin lễ, thông thường Lm tiền nhiệm vẫn đọc tên thánh người chết và đọc thêm phần phụ lục: 50 ngày, 100 ngày, giỗ 1 năm…và làm lễ đúng vào ngày giỗ…điều này khích lệ cho gia đình, họ hàng đi lễ đông đủ vào ngày giỗ…Và bây giờ cụ mới thì không, chắc là có lý của cụ, nhưng ở đời, đôi khi sống cũng nên vì cái tình, dung hoà cho nó đằm thắm cha con hơn. Mới đây, trong bữa tham gia sinh hoạt hội Thánh Thể, cụ bày tỏ: “Một Lm làm lễ cầu hồn nhiều nhất mỗi tháng tối đa chỉ là 31 lễ, thế nhưng ở GX ta có hàng trăm lễ mỗi tháng, tôi không thể làm lễ hết và phải chuyển ra TGM. Tôi không dâng lễ cho những linh hồn đó, tôi không thể “rao khống” được, bà con thông cảm cho.

Cụ có một khoảnh khắc gọi là “giờ vàng” từ sau thánh lễ sáng 5 giờ 30 đến 7 giờ 30. Thời điểm này, hình như cụ không muốn tiếp khách bất cứ ai, lý do là để sinh hoạt riêng: tập thể dục, dùng bữa sáng, đọc sách…Đã có người vào xin lễ, người giáo họ và đoàn thể vào liên hệ công việc, có vẻ cụ không vui. Tôi nghĩ, giờ vàng của cụ, giáo dân chúng ta nên tôn trọng. Tuy nhiên theo tôi, giờ vàng này nên chuyển sang một khung giờ khác thì hay hơn; bởi khoảnh khắc sau thánh lễ sáng, rất thuận tiện cho giáo dân xin lễ, và các ban ngành hội đoàn liên hệ công việc với cụ; vì nhà nông, sau thánh lễ, về ăn cơm là đi rẫy cho đến tối mới về.

Quả là làm dâu thiên hạ không đơn giản một chút nào. Dễ thì bảo là dễ dãi tùy tiện, mà khó thì bảo là nghiêm ngặt, luật lệ…vừa phải, thì bảo: dở dở ương ương. Thật không biết đâu mà tùy.

Trên đây là những xét nét của giáo dân “thổi còi” bắt lỗi cụ. Tại sao chúng ta không nghe một vài điều được của cụ nhỉ!

Nghe đâu, về xứ được một thời gian, cụ chiêu đãi vợ chồng cả ban HĐGX cũ, để rồi cha con thuê Ta xi đi chơi dã ngoại, câu cá, giao lưu cả một ngày trời. Cha con tâm tình như thế là, hết chỗ nói rồi!!!

Mục tử tận tụy đến thế là cùng! Vậy mà đến kỳ bầu HĐGX nhiệm kỳ mới long đong làm sao!!?? Hết người này, đến kẻ khác, rồi bà nọ, xin rút lui khỏi danh sách đề cử thì có phụ lòng chăng?!! Có khi, tưởng chẳng thể bầu nổi HĐGX! Quan điểm của cụ là, tôi không có quyền đề cử ai, và cũng chẳng có quyền cho ai rút lui cả. Nếu muốn rút lui, người bị đề cử phải xin cộng đoàn giáo dân, chứ HĐ cũng chẳng có quyền đó! Vậy mà có kẻ lọt sổ mới là chuyện lạ!!

Cuối cùng, nhân sự nhiệm kỳ mới HĐ cũng trơn vọt bọt lành bầu xong. Và một chuyến bao đãi đi miền Tây Nam Bộ – Cà Mâu…năm ngày cho cả Ban mới và Ban cũ HĐ, khiến những người xin rút lui bầu bán, nghe vậy, chặt lưỡi tiếc nuối: phải chi mình không rút lui HĐ nhỉ!!?

Khi về, có người hỏi thăm cụ: “Cha đi chơi xa có vui không?”. Cụ liền đỡ lời: “Ấy, ấy, đừng nói là cha con chúng tôi đi chơi nha, chúng tôi đi tham quan, học hỏi, chứ phải đi chơi đâu, mang tai tiếng chết!”. Đúng là “vống đẻo khéo chữa”, không bắt bẻ vào đâu được. Thật là một nghĩa cử thơm thảo, từ xưa đến nay, chưa từng có trong Gx.

Cái thơm thảo này, không chỉ riêng cho HĐ không thôi, mà còn “hữu xạ tự nhiên hương” đến các ban ngành, đoàn thể…Một vị trong Ban Hoa viên (ông CT) cảm kích: “Lần nào công tác hoa viên, cha cũng ra thăm hỏi ân cần công ăn việc làm của gia đình mọi người…Cha còn đưa bia lon ra chiêu đãi anh em uống nữa. Cha bảo: “Mỗi năm, Ban nên chiêu đãi ăn mừng hai lần, để thưởng công cho anh em khó nhọc một năm, không có tiền, cha chi đãi, đừng lo”.

Tôi là người ngoài, nghe mà còn “sướng rên mé đìu hiu”, chứ nói chi người trong cuộc thì mát ruột đến chừng nào!!!

Các đoàn thể, giáo họ bày tỏ: cha vui tính, hòa đồng, thân thiện, luôn ân cần, niềm nở thăm hỏi và động viên mọi người cố gắng phục vụ trong phần hành của mình.

Nói thế thôi, nhưng không phải ai cũng khen cụ cả đâu. Đâu đó, vẫn còn có người nghi ngại để chưa tâm phục khẩu phục. Có người nói: “cụ Gioan khéo thật, lụa là thật, cởi mở, thân thiện và hòa đồng thật…nhưng không biết cái tâm của cụ như thế nào?!”. Tôi vốn hơi bị ngờ u “thiếu năng trí tuệ” nên không hiểu, câu này khen hay chê đây!??

Quả là làm dâu trăm họ khó thật, không biết ngứa đâu mà gải, đau đâu mà thoa.

Và gần đây, cùng vớí Tân HĐGX, cụ đã quyết định đưa nhà đa năng ra khỏi khu vực tôn nghiêm thánh đường ra sân bóng, và dời sân bóng xuống vị trí trước nhà ông Trần Đình Bát. Xem ra quyết định này có vẻ được giáo dân đồng thuận, vì giữ lại được dãy nhà sinh hoạt, vẫn còn sử dụng được để khỏi bị lãng phí, và sau nữa, đưa nhà đa năng ra mặt tiền thánh đường, xem ra thể thống và đẹp mắt hơn. Ai lại thắp đèn rồi để trong dáy thùng bao giờ!!??

trieu dai 7Và việc đưa nhà đa năng ra sân bóng, quả là khai thông thế bế tắc “tư tưởng không thông bình đông không cũng nặng”, đã hiệu ứng để chủ nhật 14/04 vừa qua bội thu khi thâu cà phê đợt 4…Nghe đâu có những người ba đợt trước chưa đóng hạt nào, bây giờ đóng tuốt luốt một đợt. Ngạc nhiên chưa!!!

Trong khi một tấm lòng đang nở hoa, thì đâu đó, vẫn còn “mưa bão thị phi” “vùi dập đời hoa” là chuyện khó tránh khỏi trong một Gx.

Như tiên đoán được điều đó, cố nhạc sĩ họ Trịnh đã viết những ca từ: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”.

Và hình như, cụ Gioan đang “để gió cuốn đi một tấm lòng!!??”.

Nguyễn Vĩnh Căn

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …