Nhân ngày nhà giáo, nói về Người Thầy…

Nhân ngày nhà giáo,

                 Nói về Người Thầy…

thây tro 1

Ngày lễ 20/11, nhớ về những người thầy cô đã đi qua cuộc đời.  Để có được « tôi » ngày hôm nay, đã có biết bao người phải hy sinh vất vả, trong đó công lao của thầy cô thật nhiều.

Xã hội nào cũng thế, vai trò và vị trí của người thầy rất lớn. Không ai có thể phủ nhận điều đó. Người thầy là nhà điêu khắc tâm hồn của trẻ thơ; là người chắp cánh cho những ước mơ của tuổi trẻ ; là người đặt nền móng tương lai cho thế hệ tiếp nối; là điểm tựa tri thức cho toàn xã hội. Người thầy được thi sĩ Thảo Nguyên ví như người lái đò cần mẫn đưa con đò tri thức cho bao người trên dòng sông cuộc đời: « Tháng năm dầu dãi nắng mưa/ Con đò trí thức thầy đưa bao người. » (bài thơ « Người lái đò »). Và đi qua con đò tri thức như thế là lối đi tất yếu của mọi người, không trừ ai, theo những cấp độ khác nhau.

Nếu được đi đò, biết ơn người lái đò là lẽ tất yếu.

Trong xã hội Việt Nam, biết ơn thầy là đạo lý có tự ngàn xưa. Nhiều câu ca dao tục ngữ quen thuộc, kết tinh những lời dạy của cha ông, cho người ta biết sự quan trọng của đạo lý « tôn sư trọng đạo » này. Vị trí người thầy được đề cao ngang hàng với cha mẹ : « Công cha nghĩa mẹ ơn thầy ». Người ta nhắc nhở nhau : “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy“. « Tôn sư trọng đạo” không còn là một quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Biết ơn thầy là thể hiện nhân cách làm người: « Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, có danh có vọng nhớ thầy khi xưa. »

thay tro 2

Nhưng nền tảng đạo đức ấy ngày nay xem ra đang bị mai một. Những giá trị nhân văn, những nền tảng đạo lý bị lung lay nghiêm trọng khi kim tiền lên ngôi thống lãnh. Người ta dường như muốn quy đổi hết ra « thóc », và đo lường công ơn của thầy cô bằng tiền. Ngày 20/11, bên cạnh những câu chuyện của lòng biết ơn, những bó hoa tươi, những lời chúc đẹp dành cho người thầy, thì vẫn còn đấy quá nhiều chuyện đáng buồn. Người ta tìm cách biếu xén thầy cô bằng những phong bì dày cộm. Tốt thôi. Một cách thể hiện thực tế của lòng biết ơn ! Nhưng phía sau đó là gì? Thưa là đầy dẫy những tiêu cực: là sự gửi gắm con cái để được ưu ái hơn, được châm chước hơn; là sức nặng để xin thêm điểm, xin bằng cấp. Nhưng cái đáng nói là cùng với những phong bì đầy thực dụng đó, sự kính trọng và lòng biết ơn cũng phai nhạt dần.

thay tro 4

Thực ra, có những lý do sâu xa của nó.

Điểm đầu tiên dễ nhận thấy là dù người ta vẫn ý thức vị trí và vai trò quan trọng của người thầy trong xã hội, nhưng nhận thức đó lại không song hành với chế độ đãi ngộ. Một nghề được xem là quan trọng bậc nhất lại là nghề gần như bạc bẽo nhất. Người ta ví von : « Những nghề nào thuộc là « nhà » thì đều là nghề bạc bẽo cả, này nhé : « nhà văn », « nhà giáo », « nhà thơ », …. Khi người ta không đặt đúng chỗ vị trí của người người thầy – người đặt nền móng tri thức cho toàn xã hội – xã hội tự nó sẽ xuống cấp.

Sự xuống cấp thể hiện rõ nhất nơi thực tế đau buồn: cái khốc liệt của kinh tế thị trường khiến cho cuộc sống của người thầy trở nên bấp bênh, và từ đó khiến dẫn đến những câu chuyện cười ra nước mắt. Vì mưu sinh, nhiều người thầy phải bươn chải cho đủ « sở hụi »: nghề tay phải cầm bút, nghề tay trái cầm dao (bán thịt) ; sáng lên giảng đường, chiều ra ngồi sửa xe đạp. Tác động thực tế từ cơm áo gạo tiền khiến người thầy cũng phải lấm lem với bụi bặm, hoen úa với gió sương. Người tự trọng thì làm việc với lương tâm chân chất, và cái nghèo cứ thế mà đeo đẳng. Ngươi « nhanh nhạy » hơn thì mở lớp dạy thêm, gọi là phụ đạo, để có thêm thu nhập.   

thay tro 3

Thôi nói mãi cũng không hết! Ngày nhà giáo, nhớ đến nhiều thầy cô mà rớt nước mắt, vì hoàn cảnh của họ.

Chỉ mong mọi người trong xã hội ý thức được như thi sĩ Thảo Nguyên : « Qua sông gửi lại nụ cười/ Tình yêu xin tặng người thầy kính thương. »

Ước mong một sự thay đổi nhận thức, ở cấp độ toàn xã hội chứ không phải chỉ là những cá nhân. Ước mong vị trí người thầy được trả lại đúng chỗ vốn có, và được đối đãi tương xứng với giá trị mà họ mang lại cho xã hội. Ước mong ngày nhà giáo, ngày lễ của những người thầy – một nghề vốn được xem là mang tính nhân văn nhất – hoàn toàn vắng bóng sự quay quắt và chi phối của đồng tiền, mà chỉ còn tràn ngập những bó hoa tươi, những ánh mắt biết ơn và vòng tay kính trọng.   

Không biết bao giờ ước mơ mới trở thành hiện thực đây?

Jean Baptiste

nhà giáo 120/11/2013

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …

One comment

  1. Bài viết dẫn dắt từ xưa đến nay, để thấy một hình ảnh nhà giáo ngày xưa được tôn sư trọng đạo…và ngày nay, vai trò nhà nhà giáo trở nên bạc bẽo, thiếu sự tôn kính…Và nếu có tôn sư trọng đạo thì cũng là cách đổi chác, trao thầy bì thư dày cộm để đổi lại thầy nâng điểm nâng ví thứ cho con tôi…Ý nghĩa của tôn sư trọng đạo đã thực dụng, sai lệch…Và trong cái dòng chảy ấy, Thầy cô cũng không tránh khỏi lem luốc cái thiên lương cao quý của nhà giáo, để vì nợ cơm áo, mà biến thoái mất cái đạo dức nhà giáo! Âu cũng là đáng tội nghiệp hơn là đáng trách, bởi xã hội đã tạo ra dòng chảy “kinh nước đen” như thế! đố ai thoát khỏi tục luỵ, để gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
    Bài viết này như thêm một lần nhắc nhở chúng ta: Thầy và trò, hãy thay đổi màu áo xưa đã nhàu và đã lem luốc, để mặc áo mới nghĩa tình thầy trò thiêng liêng và đắm thắm như thủa nào!
    Xin cám ơn