Hãy lấy Đức Ái Trả lại Công Bằng cho người anh em

Hãy lấy Đức Ái

Trả lại Công Bằng cho người anh em

          Lần nọ, có một người trong Hội Đoàn nọ…đi quyên góp tiền, nhằm mục đích xây dựng cơ sở cho các Giáo buôn thôn Dân tộc. Điều này quả là một việc làm mục vụ rất tốt đẹp và đáng trân trọng. Họ đến một nhà người nọ…dĩ nhiên là Hội Đoàn cũng đã “chọn mặt gửi vàng”, để đến những thân hào nhân sĩ có máu mặt trong làng rồi.

      Hôm đó, có mặt một người bạn đến chơi, cũng thuộc “danh sách vàng” nên người bên Hội Đoàn ngỏ lời: “Xin mở tấm lòng đóng góp vào việc truyền giáo này”. Anh bạn mở lời:

    Đây là một việc làm tốt đẹp, vừa đóng góp vào quỹ truyền giáo giúp đỡ người dân tộc còn khó khăn hơn chúng ta, và cũng là dịp để bà con ta thể hiện sự mở rộng tình thương, nhằm trả lại công bằng cho những gì họ đã đánh mất, vì chúng ta là những người được hưởng lợi từ “công quả” do người thượng để lại.

          Bỗng đâu người Hội Đoàn nổi nóng lên:

     – Anh nói công quả nào?

    – Thì bao nhiêu đất rẫy, ruộng nương, vườn ở của chúng ta, chẳng phải là đã do họ phát sẻ khai hoang trước ra đó sao?

khai hoang

– Anh nói như thế là nghĩa là sao? Tôi đã từng nghe anh nói câu này hơn một lần là, Châu Sơn chúng ta đã chiếm hữu đất đai của người dân tộc, để chúng ta mới có được cuộc sống phồn thịnh như ngày hôm nay. Ý anh muốn nói là, chúng ta đã lấy cắp đất của họ?

      – Đó là tự anh nói đấy nhé! Tôi chỉ nói chúng ta được hưởng “công quả do người thượng để lại mà thôi”.

      Tôi không ở trong cuộc nên không biết rõ việc này, xin miễn bàn. Chỉ biết anh bạn tôi làm thinh trước cơn lôi đình của người đi quyên góp.

     Dĩ nhiên, chỉ là chuyện nhỏ của một cá nhân trong Hội Đoàn, không thể đại diện cho Hội Đoàn được. Nhưng tôi nghĩ, khi đi làm việc thiện, người đi làm việc đó phải có từ tâm, phải có sự nhẫn nhịn…chứ không nên lớn tiếng đôi co. Làm như thế đánh mất hình ảnh vốn rất đẹp của những người đi làm việc từ thiện. Điều thứ hai là, bất cứ một tổ chức nào khi đi quyên góp, cũng nên đi hai người trở lên, có ban bệ, và minh bạch cho sự nhận tiền đóng góp, để khỏi bị nghi ngờ…

      Qua câu chuyện trên, thử xem anh bạn chúng ta mong muốn người Châu Sơn trả lại công bình cho người dân tộc đúng hay sai?

       Lần giở lại lược sử của GX Châu Sơn, khi đến Dòng Châu Sơn, phải lần thứ hai có giấy giới thiệu của cha Nguyễn Viết Khai, nhà dòng Châu Sơn mới đồng ý nhượng đất cho chúng ta. Và đất dòng Châu Sơn lúc đó có bao nhiêu thì chúng ta đã rõ, chỉ là mấy mẫu đất thôi. Còn bao nhiêu ruộng đất nương rẫy chung quanh chúng ta đã được sở hữu chủ 5 Buôn cứ đóng lâu đời: Buôn Dung (thôn 1 bây giờ), Buôn Ea Bông (thôn 6), Buôn Đun (thôn 4), Buôn Cuộc Knia (thôn 5) và xa hơn là Buôn Tháp Rông (thôn 7).

ĐA5Có thể vì cách thế luân canh, mà nhiều vùng đất có vẻ như hoang hoá, để chúng ta lầm tưởng là phát hoang…Như vùng đất Mã Ngạc (bây giờ), ngày xưa là đất Y Thuật và Mã Lệ là một giải đất đỏ Bazan bằng phẳng, đều do người Thượng canh tác. Cả vùng đất Buôn Thá Tháp Rông còn gọi là thôn 6 cũng là đất canh tác thuần nông của người dân tộc.

     Sự mở mang bờ cõi Châu Sơn để có được như ngày nay, nó hình thành ở hai thời điểm: Trước 75 và sau 75.

     nuong rẫy1Trước 75. Trong sự mở mang đất đai bờ cõi của làng Châu Sơn chúng ta, có thể là do sự đi lại thân quen, rồi một ít lít rượu, nắm cá khô cũng có thể xin cả mẫu đất. Mua bán, đổi chác phân minh cũng có, nhưng cũng không loại trừ những “quái chiêu”: Dành dân chiếm đất (mạnh được yếu thua), mua bán lấp liếm, thiếu minh bạch: Mua một mảnh đất tam giác mà ma mãnh: lấy chiều cao nhân với đường đáy thì ra hình chữ nhật rồi! Lợi đất gấp đôi là cái chắc! (đây là chuyện có thật, khi người mua đất kể ra với sự hãnh diện, vì đã lừa được người dân tộc). Đó là chưa nói đến những kiểu đo thước ăn gian, đếm bước ăn lận để cho lợi về phần mình.

      Nhưng đó cũng chỉ là một số ít cá nhân mà thôi, không thể vì thế mà chúng ta mở mang bờ cõi đất đai, nương rẫy rộng rãi như ngày nay được.

      nương rẫy2Cứ cho là chúng ta mua bán đổi chác phân minh sòng phẳng đi, và liệu điều đó có công bằng hay không? Công bằng quá đi chứ! Thuận mua vừa bán mà lị!!! Vậy thì ngày xưa, các địa chủ cũng mua bán sòng phẳng, thuận mua vừa bán đấy chứ chẳng không ạ! Ngay cả, nhà nước Cộng Sản mắng mỏ «địa chủ bọn là cường hào ác bá », cũng chưa bao giờ nói bọn địa chủ chiếm đoạt đất đai của bần cố nông. Nhưng mua bán ruộng đất trong hoàn cảnh bân cố nông bị túng thiếu, bị đói khát, bị bức bách mà phải bán ruộng nương với giá rẻ mạt thì có khác chi chiếm đoạt lấy không của người ta?

         nương rẫy3 So sánh thì bao giờ cũng so le đũa cả. Châu Sơn chúng ta không có dã tâm như các địa chủ để bắt bí họ khi túng quẫn như thế đâu, nhưng rõ ràng cũng do điều kiện hoàn cảnh của người dân tộc, họ kém phát triển và kém văn minh hơn chúng ta, để không thể canh tác đại trà như Châu Sơn ta. Vì thế họ phải bán bớt cho chúng ta là khó tránh khỏi.

          Sau 75. Do thời cuộc thay đổi. Nhà nước di dân dời cư đi khai hoang lập ấp…Và vì thế Châu Sơn chúng ta mới mở mang bờ cõi đất đai rộng rãi như hôm nay.

      rẫy ca phêChẳng hạn như mười mấy mẫu đất ở khu đất rẫy Chung, một số hộ Châu Sơn đổi cho họ chiếc máy cày cho HTX thôn 1, họ mừng lắm, vì có xe cơ giới cày bừa…làm nông. Sau đó, nghe đâu, chỉ mấy tháng là xe hỏng hóc, phải bỏ phế (có thể xe của tập thể “cha chung không ai khóc” để không bảo quản tốt?!!), trong khi đất đai của họ vào tay chúng ta, bây giờ tiền tỷ tỷ. Cũng đổi chác phân mình đấy chứ! Nhưng xét cho cùng ra, phải chăng, vẫn có những điều bất cập trong đó?

     mang gùi 2Nhưng cho dù trước hay sau 75, thì người Châu Sơn cũng phải thành thật mà nói: “Chúng ta phải cám ơn người dân tộc rất nhiều, vì chúng ta được thừa hưởng “những lợi tức công quá” của họ để lại”. Ví thử, người dân tộc cũng khôn lanh như người Châu Sơn, liệu chúng ta có còn tồn tại trên mảnh đất GX này nữa không? Và nếu như không có Châu Sơn chúng ta ở gần để “mở rộng bờ cõi”, thì chắc là cuộc sống của người dân tộc sẽ khá hơn lên, chí ít là họ còn có quỹ đất để canh tác cà phê,tiêu…

NHA SANVí như  Buôn ACôThôn, họ ảnh hưởng văn minh người Pháp, và có được đất đồn điền cà phê do người Pháp để lại, vì thế, họ không bị ai xâm lấn, nên cuộc sống của họ giàu sang và phồn thịnh. Có người lý luận: nếu Châu Sơn không mở mang “lấn chiếm”, thì người khác cũng “lấn chiếm” vậy. Nói thế khác nào bảo: tôi không lấy, thì thằng khác cũng lấy!? như vụ hôi của xe tải làm đổ hàng ngàn thùng bia Tiger ở Tam Hiệp – Biên Hòa đó sao?

       Trên đây chỉ là lời giải trình của một góc nhỏ của vấn đề, mà mỗi người Châu Sơn chúng ta sẽ phải tự trả lời cho chính mình, chứ không ai trả lời thay ai được. Và câu trả lời đó sẽ thể hiện bằng việc làm:

    Hãy lấy Đức Ái trả lại Công Bằng cho những gì họ đánh mất…

      Và vì thế, khi đóng góp công quỹ cho người dân tộc, chúng ta phải hiểu rằng: Chúng ta vừa thể hiện Đức Ái và thể hiện sự Công Bằng nữa đấy các bạn ạ!

Đoàn Hư Trúc

 

 

         

 

Check Also

THĂM THẦY GIÁO CŨ

Hôm qua, ngày 01/09,như thường lệ mỗi đầu tháng, ACE trang TIẾN ĐỨC Châu Sơn …

3 comments

  1. Đã có một lúc ông nhà nước cũng phải cấm cấp sổ đỏ những miếng đất người kinh mua của người dân tộc vì lý do « thuận mua vừa bán » này.
    Dĩ nhiên, chúng ta không vơ đũa cả nắm, nhưng cách đặt vấn đề của Đoàn Hư Trúc đáng để chúng ta suy nghĩ để rồi có sự mở lòng hơn với người dân tộc.
    Bởi sợ rằng khi chính chúng ta rơi vào đúng hoàn cảnh như người dân tộc, những người khác cũng nổi nóng với chúng ta như cái cách của ông thuộc đoàn thể nọ.

  2. Hình như dân ta đã ngủ quên lâu ngày, để không còn nhớ đến ơn “công quả” như tác giả Hư Trúc đã đề cập đến. Và khi đặt lại vấn đề thì có thể người dân ta dị ứng, phản cảm chăng? Bởi sự công bằng về mặt trần thế, xem ra khá ổn, thuận mua vừa bán(ngoài trừ những cá nhân bành trướng bờ cõi theo kiểu quái chiêu như tác giả nêu trên). Nhưng đức ái thì rất tinh tế và nhạy cảm hơn nhiều. Và theo tôi, tác giả gợi ý lấy đức ái trả lại công bằng cho người anh em, cũng là cách mời gọi tinh tế, không áp đặt, nhưng khi thể hiện đức ái là cách trả lại công bằng cũng là một công đôi chuyện vậy.
    Tuy nhiên, có một vài nơi tác giả lập luận chưa thấu đáo và ổn lắm!
    “Có người lý luận: nếu Châu Sơn không mở mang “lấn chiếm”, thì người khác cũng “lấn chiếm” vậy. Nói thế khác nào bảo: tôi không lấy, thì thằng khác cũng lấy!? như vụ hôi của xe tải làm đổ hàng ngàn thùng bia Tiger ở Tam Hiệp – Biên Hòa đó sao?”.
    Từ “lấn chiếm” (tác giả để trong ngoặc, ý của tác giả là có thể một cách nào đó gần như lấn chiếm?) chưa đúng nghĩa lắm với việc “mở mang bờ cõi” của người dân ta! vì thế không đồng nghĩa với” tôi không lấy thì thằng khác cũng lấy!”.
    Nhìn chung, đây là bài viết khơi gợi cho chúng ta những vấn đề trên, quả là rất đáng để mỗi người phải một lần suy nghĩ!!???

  3. Một bài viết dựa trên tư duy độc lập, một bài đáng đọc. Liked