Năm mươi năm sau

LỜI GIỚI THIỆU

 Bài viết này thực hiện đã lâu, vào dịp Châu Sơn kỷ niệm năm mươi năm, nhưng vì vài lý do khách quan, đã không đăng vào tập san năm mươi năm đó. Nay nhận thấy tinh thần của bài viết vẫn còn nguyên tính thời sự, và với sự đồng ý của tác giả, chúng tôi đăng lại nguyên văn, mong bạn đọc tường lãm!

Năm mươi năm sau

chau son 1

       Mùa thu năm nay, tại xứ Châu Sơn, người ta long trọng kỷ niệm năm mươi năm, kể từ ngày đầu tiên đặt chân lên miền đất này, khẩn hoang lập ấp, an cư lập nghiệp, hình thành và phát triển. Nhiều hoạt động được chuẩn bị sẽ diễn ra, để chào mừng và ghi dấu cột mốc quan trọng trên dòng thời gian, trong đó phải kể đến sự ra đời của một tập san, là nỗ lực của rất nhiều người, cố gắng giới thiệu lại lịch sử vùng đất hứa, từ buổi đầu sơ khai, qua bao chặng đường vất và cùng những biến chuyển đã để lại dấn ấn sâu đậm trên hành trình nửa thế kỷ vừa qua. Tập san, hẳn cũng không quên nhắc đến những thiếu sót, hoặc chưa hoàn thiện trong bối cảnh chung, song chúng tôi không muốn sự việc được mang tính hình thức như một báo cáo cuối năm của cơ quan xí nghiệp. Trong bài viết này, xin được xoáy mạnh một vài nhận định có tính trực tuyến hơn, trong cuộc sống đời thường của một cộng đồng, mà hẳn là khát vọng về môi trường xã hội lành mạnh, dẫu có bị khuất lấp thế nào, vẫn hoài mong được sống động vươn lên mạnh mẽ.

chau son 3Từ góc nhìn của chúng tôi, một góc nhìn tính từ vị trí địa lý, tính đến cả vị thế thái cực của những quan niệm về nhân sinh, tín ngưỡng, chúng tôi muốn gởi vào tập san vài suy nghĩ dù của cá nhân, nhưng cũng không xa rời tính đại chúng. Ở góc nhìn này, chúng tôi tự ví mình đang đứng sau cánh gà, nhìn ra sân khấu – chữ sân khấu ở đây không hàm ý mỉa mai, nhưng bao gồm tất cả tính hiện thực của nó. Chúng tôi nhận ra dễ dàng, trong sân khấu đó, thừa cái gì và thiếu cái gì. Thừa rất nhiều những lời thoại vô bổ, thiếu rất nhiều chiều sâu sống động của nhân vật. Tất cả đều nhàn nhạt, lặp đi lặp lại đến nhàm chán!…

       chua son4Năm mươi năm đã đi qua, ngoài những thành tựu vượt bậc về vật chất, tiến bộ và phát triển không ngừng trong xu thế đi lên của thời đại, chúng ta cũng lấy làm tiếc mà thấy rằng, những thăng tiến rực rỡ của vật chất, luôn luôn đi trước một mình, bỏ lại phía sau, nhiều khi bỏ khá xa, những giá trị văn hóa. Từ những thành quả mang tầm vóc vĩ mô của quốc gia đại sự, cho đến những tất đạt nơi tế bào nhỏ nhất trong xã hội, là gia đình, làng xóm.v.v… chúng ta phải chua chát nhìn nhận, những giá trị văn hóa, luôn luôn lẽo đẽo theo sau thảm hại. Giá trị văn hóa, là một khái niệm khá rộng và bao quát, song trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh vài yếu huyệt chết người nơi các giá trị đó.

      chua son 5Từ kinh nghiệm tích lũy bao đời, con người không phải không nhận ra sự thất thế của tinh thần trước những nở rộ của vật chất. Người ta đã cố gắng rất nhiều, tìm mọi cách để chan hòa vào cuộc sống, những cảm xúc nhân văn, những tinh thần tín ngưỡng, có khi nhờ đến cả những nguyên tắc khô cằn của pháp chế, tất cả chỉ nhằm mục đích để cố gắng làm sao, những bước đi của văn hóa con người, luôn luôn song hành bắt nhịp ngang ngửa vói những tiến bộ vật chất, chưa dám mơ là sẽ qua mặt được nó để hòng chiếm lĩnh thế đi trước dẫn đường, chỉ đạo cho cuộc sống.

      Đây quả là một cuộc đua chen phức tạp và phần thắng hay thuộc về vật chất nhanh nhạy. Nói như thế không có nghĩa là những tính cách nhân văn của con người yếu kém hơn, nhưng nếu như có bị bỏ xa lại phía sau, chính vì con người đã để hở quá nhiều bất cập, không đủ bản lãnh, tỉnh táo, và tỏ ra coi thường cuộc chiến đấu vô tận đó!

       DSCI1648Năm mươi năm sau nữa, hậu duệ của chúng ta, sẽ đánh giá như thế nào về cha ông chúng, tức là con người thế hệ chúng ta hiện nay. Nói về tương lai xa xăm đó, xin chớ vội cười, bởi chúng ta đang nhớ lại quá khứ làm gì, nếu không phải là để nhìn về tương lai. Tổng kết năm mươi năm đã qua làm gì, nếu không phải là dọn đường cho năm mươi năm sẽ đến. Quá khứ hay tương lai, năm mươi năm trước hay năm mươi năm sau, tất cả đều được siết chặt với nhau bằng hiện tại, đều chỉ là một cái chớp mắt trên con đường cao tốc hun hút của thời gian, vô cực và vĩnh cữu. Chúng ta không có nhiều nghĩa vụ gì với quá khứ đã qua nữa. Nhưng chúng ta luôn luôn có bổn phận phải trả lời cho tương lai. Và muốn trả lời cho xuôi chảy với các thế hệ mai sau, chúng tôi thiết tưởng nên nhìn qua một chút con người thời hiện tại, với một vài đặc trưng tiêu biểu nhất, rất tiếc, đã từng được đánh giá qua một nhận định khái quát: con nguời bây giờ, thích nói chuyện người khác, và nhiều nghiện ngập! Sau định nghĩa khá cô đọng đó, không còn gì để nói thêm!

      chau son 2Năm mươi năm sau, hậu duệ của chúng ta, không quan tâm gì lắm đến những mốc năm mươi nữa. Khi đó, họ sẽ có nhiều hoạt động để tổng kết, kỷ niệm, không phải năm mươi, mà là một trăm năm ngày khai sơn lập cư, một trăm năm sông biển nhớ nguồn. Nhưng lẽ nào, cái di sản thích nói chuyện về người vắng mặt, nghiện rượu, say thuốc lá, cùng những thú vui dung tục, con cháu chúng ta, còn phải sống chung với chúng? Nói về sự thăng hoa của các yếu tố văn hóa con người cùng những giá trị tinh thần, có lẽ còn không ít điều cần phải lưu ý, song, một mặt nào đó, chúng tôi cho rằng, năm mươi năm sau, hậu duệ chúng ta, bên những thăng tiến vật chất giàu mạnh, về văn hóa, cũng không còn thói quen thích nói chuyện người khác, không nghiện rượu, không thuốc lá, chỉ chừng đó thôi, đã là những thành tựu vĩ đại, những tiến bộ vượt bậc, mặc dầu, thật lòng mà nói, với năm mươi năm, lẽ ra, chúng ta còn có thể làm được nhiều hơn thế nữa. Nhưng dẫu sao, chỉ mấy thành quả đó, về mặt văn hóa đời sống, chúng tôi cho đã là những kết quà hết sức ấn tượng sau hành trình xuyên một thế kỷ của con người trên mảnh đất này.

      chua son 6Không ai muốn con cháu chúng ta là những kẻ nghiện ngập, chắc chắn như thế. Nhưng làm sao có được điều đó, khi chính chúng ta giờ là đang là những kẻ nghiện ngập. Không còn gì xấu xí ngao ngán hơn là cứ ngồi tụm năm tụm ba với nhau để sục sạo chuyện người khác, lục lọi những thứ không ra gì về người đang vắng mặt, những câu nguyện chẳng hề liên quan gì đến mình. Không có gì khủng khiếp hơn những hậu quả ghê gớm của rượu chè, những tác hại độc địa của thuốc lá. Và cũng không hiểu lấy từ đâu ra, những quan điểm khá lạ lùng và bệnh hoạn, khi cho rằng một nam tử hán là phải biết uống rượu, hút thuốc. Đó chính là những đại họa của giới trẻ, của chung con người. Không phải người ta không biết những hậu quả xấu xa tai họa đó. Và vấn đề nghiện ngập đâu còn đơn thuần là thỏa mãn cơn vui, nhưng nó lại bắt nguồn từ cả một quan niệm sống, một thái độ hưởng lạc, không tôi gì mà bỏ, đời người có bao lâu, sống có cái nhà, chết nấm mồ,.v.v…

       chua son 7Chúng tôi cho rằng, nếu có ai suy nghĩ như thế, chắc chắn đó không phải là một người Kitô giáo chân chính, cho dẫu con người ấy có những biểu hiện tốt đẹp đến thế nào trong cuộc sống. Người Kitô giáo chân chính, đi trên mặt đất, song, mắt ngước về trời. Nhưng giờ đây, rất nhiều người, đang đi trên mặt đất, đầu lại cúi gầm xuống bùn đen, chân bước nặng trịch thế sự, tâm hồn tràn ngập niềm say mê hưởng thụ. Một hành trang như thế, quả không đáng tự hào, không nên hãnh diện, và nên cúi gầm mặt mà đi tiếp vào năm mươi năm sau nữa!

       Từ góc nhìn này, chúng tôi dự cảm một công việc rất khó khăn, một gánh nặng như cả nghìn năm đè xuống vai cuộc sống. Nếu như có ai đó, hy vọng là số đông, thiết tha mong cho con cháu chúng ta tốt đẹp, không nghiện ngập, xin hãy có hành động cụ thể, và nên có tính đồng bộ, bài bản, là cơ sở tạo nên phong trào mạnh mẽ. Để cho những giá trị quá khứ và phương hướng nhiệm vụ đi tới tương lai, không chỉ là bản tổng kết số liệu, chữ nghĩa lòng vòng mất hút vào thời gian bụi mờ quên lãng, để lại gì đâu ngoài chút nặng nề của xấp giấy vụn!

     Năm mươi năm sau, không mấy ai trong chúng ta hôm nay còn tồn tại. Dưới trời, không có gì tồn tại. Thế còn lòng yêu thương, tinh thần tiết kiệm, tâm tình khiêm tốn, đời sống đơn sơ giản dị, không biết phô trương, không thích khoe khang, cảnh giác và khôn ngoan trước những quyến rũ ồ ạt của vật chất,.v.v… chúng tôi gọi chung đó là những tinh thần nhân bản, những giá trị văn hóa muôn đời của con người, cần phải được sống động luôn luôn, phát huy mạnh mẽ, cùng với nỗ lực thủ tiêu những lạc hậu trong cuộc sống. Không có tinh thần đó, chúng ta lấy cái gì mà bước vào năm mươi năm trước mắt, hay chỉ cần chút nhân sinh quan mốc meo trong quá khứ, mớ thói quen què quặt to nền móng cho hiện tại, đã có thể yên tâm hưởng thụ ngày tháng, như một thứ hiện sinh giả cầy, tự vấy bùn cuộc đời bên ly rượu, qua khói thuốc và những câu chuyện vô luân phù phiếm.

      Vài suy nghĩ nhân dịp nhìn lại quãng đường dài đã qua, để hướng về nửa trăm năm sắp tới, như một xa lộ đang mở ra hoành tráng. Thân gởi vào hành trình đó, những sức sống tốt đẹp nhất.

 SƠN LÂM

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …