CHÂU SƠN MỘT THOÁNG NHÌN LẠI – Phần V

CHÂU SƠN MỘT THOÁNG NHÌN LẠI

Phần V

5. Cộng đoàn sắc tộc Êđê.

Bây giờ tôi nói về cộng đoàn anh em sắc tộc Êđê. Liên quan đến điều này tôi muốn nói một cách cặn kẽ và chi tiết, vì đây là một trong những công việc chính của tôi và cũng là công việc tôi tâm đắc nhất. Ba khía cạnh chính sẽ được đề cập : Cộng đoàn Êđê tại Châu Sơn, những công việc phục vụ và những người cộng sự đáng mến.

5.1. Cộng đoàn sắc tộc Êđê :

Ngày về Châu Sơn trong cương vị phó tế, tôi được cha xứ cho phục vụ anh em Êđê một cách không chính thức, nghĩa là chỉ đồng hành với họ trong các hoạt động mà không phụ trách bất cứ điều gì. Lúc đó các xơ đang phụ trách mảng giáo lý và các hoạt động từ thiện bác ái phục vụ bà con. Vì rảnh rỗi, tôi có nhiều thời gian tiếp cận bà con để vừa học hỏi, vừa làm quen mà cũng vừa để tìm hiểu.

Người Êđê là một trong số 54 sắc tộc tại Việt Nam, sống tập trung tại vùng đất Buôn Ma Thuột. Số bà con công giáo Êđê thuộc giáo xứ Châu Sơn lúc đó khoảng trên dưới 500 người, định cư tại 3 buôn chính : buôn Kdun (thôn Bốn), buôn Knia (thôn Năm) và buôn Ea Bong (thôn Sáu). Khi tôi về đó, cha Giuse Trần Sĩ Tín cũng chuyển giao để tôi phụ trách một nhóm anh em J’rai khoảng hơn 150 người thuộc vùng Easup do chính ngài dạy giáo lý trong nhiều năm và rửa tội cho họ.

Mức sống bình quân của bà con thuộc diện nghèo khổ. Có một số hộ trên mức trung bình còn lại đa số đều rất đói khổ và cuộc sống bấp bênh. Nhiều nguyên nhân khiến họ nghèo :

a/ Công việc chủ yếu là vun vén gieo trồng trong mảnh đất ít ỏi của gia đình và đi làm thuê, thành ra thu nhập vừa ít vừa thiếu ổn định.

b/ Ý thức tiết kiệm và tích góp không có. « Được đồng nào xào đồng nấy ». Nhiều người đàn ông chìm ngập trong rượu chè.

c/ Trình độ nhận thức kém, không ý thức học hành để rồi ngày càng tụt hậu so với người kinh.

d/ Ý thức vệ sinh yếu kém dẫn đến đau yếu bệnh tật tràn lan ….

Tất cả những điều đó đan kết với nhau, xiết chặt người dân tộc trong sự nghèo khổ. Từ sự nghèo khổ mà sinh ra mặc cảm và cam chịu. Vì khổ mà hình thành nên tính cách sống được chăng hay chớ, thấy lợi trước mặt thì lao vào mà không tính toán được thua, khiến cho đã nghèo lại càng nghèo hơn. Thực tế, nhiều người dân tộc không nhanh nhạy và khôn ngoan nên bị những lái buôn chèn ép giá cả khi bán những hoa lợi họ làm ra. Trong khi mua thiếu hàng hoá họ lại bị các đại lý lấy lãi cao. Nhiều người có đất đai, khi thấy người kinh hứa trả số tiền mặt lớn đã vội vàng đồng ý bán đất mà không biết rằng đã bán với giá rẻ mạt. Tình hình đó đẩy người dân tộc càng ngày càng phải lùi sâu hơn vào rừng, và vào cảnh cùng cực. Nhiều người kinh phân bua với tôi : đấy là do thuận mua vừa bán. Bản thân tôi lại nhận thấy có sự bất công và bóc lột tinh vi trong đó, nghĩa là lợi dụng sự non kém và hoàn cảnh bức bách của người ta để trục lợi. Nếu tôi nhớ không lầm thì đó là lý do, đã có lúc, chính quyền từ chối cấp thẻ đỏ cho những người kinh mua đất của người dân tộc hầu ngăn chặn tình trạng chiếm đất một cách « hợp pháp » này.

Tuy nhiên, người dân tộc lại có lòng đạo trung tín, dù không sâu sắc thì cũng đáng nể về lòng can đảm dấn thân. Một khi đã tin vào Chúa, họ nhiệt thành tham dự phụng vụ thánh lễ, các bí tích và gắn bó mật thiết với cộng đoàn qua các sinh hoạt cộng đồng. Những khó khăn trở ngại vốn khiến nhiều người kinh bỏ cuộc thì người dân tộc dễ dàng vượt qua, chẳng hạn như đường xá xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn, ngăn trở cấm cách từ phía chính quyền[1] …. Trong suốt những năm tôi làm việc ở đấy, số người lớn cũng như trẻ nhỏ tham dự các buổi học giáo lý, thánh lễ hàng tuần ngày càng đông đảo và sống động.

5.2. Những hoạt động của ngày ấy

Một trong những điều đầu tiên phải thực hiện ngay là học tiếng dân tộc. Tôi xác định ưu tiên điều này vì đó là ưu tư của Giáo Hội, cách riêng của các cha thừa sai Nhà Dòng. Muốn làm công việc truyền giáo hiệu quả, nhất thiết phải loan báo Tin Mừng bằng chính ngôn ngữ của người bản địa. Một điều thật dễ hiểu, người sắc tộc không dễ để hiểu thấu những khái niệm về Đạo bằng tiếng việt, vì ngay cả chính nhiều người kinh vốn sống lâu năm trong đời sống đức tin, được dạy dỗ và được hít thở hằng ngày Kinh Thánh, kinh nguyện, giáo lý … mà họ còn chưa thấu hiểu ngay cả những khái niệm căn bản về giáo lý. Việc biết ngôn ngữ và qua đó hiểu văn hoá, phong tục tập quán, việc thờ cúng, các nghi lễ … của người dân tộc sẽ cho phép nhà truyền giáo hiểu rõ niềm tin lâu đời của họ, nắm bắt cách thức diễn tả niềm tin đó và có những phương thức phù hợp cho công việc loan báo Tin Mừng. Một khi có được vốn liếng ngôn ngữ và hiểu biết văn hoá, nhà truyền giáo dễ dàng thực hiện việc hội nhập văn hoá, nghĩa là đưa Tin Mừng vào trong cuộc sống của người sắc tộc ngang qua chính những yếu tố có sẵn trong văn hoá của họ. Dĩ nhiên, nguyên tắc là thế, nhưng để thực hiện được thì đó là một hành trình dài và lắm chông gai. Kinh nghiệm của các nhà truyền giáo phương tây tại đất nước Việt Nam chúng ta vẫn còn đấy, rất rõ nét. Chứng tá sống động của các cha Dòng Chúa Cứu Thế tại vùng truyền giáo Tây Nguyên Klei kly, Klei Chuet, Ayunpa cũng vẫn còn đấy. Để truyền giáo hiệu quả có khi phải mất hơn cả một đời người.

Ngày đó, nghe giới thiệu người nào biết tiếng Êđê là tôi nhào đến ngay. Xin học cách giao tiếp, xin học cách phát âm, xin tài liệu. Tuy nhiên, chỉ cần một thời gian ngắn tôi khám phá ra vấn đề không đơn giản như tôi nghĩ. Người biết tiếng một chút, qua kinh nghiệm giao tiếp hàng ngày, lại không có vốn liếng văn phạm, chữ viết. Những người kinh có thiện chí chịu khó học hành thì đa số chỉ ở thời kỳ đầu của sự hiểu biết ngôn ngữ. Những người Êđê được gọi là có ăn học và có thể dạy thì tiếng kinh lại không nhiều. Các cha dấn thân lâu năm với bà con sắc tộc Êđê trong giáo phận Ban Mê Thuột[2] đếm trên đầu ngón tay, nên cha nào cha nấy công việc như núi. Thực sự trong thời kỳ đầu tìm được một người để học tiếng Êđê là rất khó. Không chỉ tìm kiếm ở Châu Sơn, tôi còn lùng đến cả Trung Hoà, Giang Sơn, nhưng rốt cuộc vẫn không tìm được người dạy để học. Người giỏi thì không có thời gian. Người sẵn sàng giúp đỡ thì khả năng lại giới hạn. Tự tìm cách vượt qua trở ngại thôi. Tôi xin cha Gioan B. Nguyễn Minh Hảo và Ama Pi sách thánh lễ, sách các bài đọc phụng vụ, bài hát tiếng Êđê do các ngài dịch thuật và soạn thảo từ trước. Tôi cũng lân la tìm đến những người Êđê phục vụ trong cộng đoàn tại các giáo xứ khác để học hỏi và xin họ trợ giúp. Tôi cố gắng tiếp cận càng nhiều càng tốt người dân Êđê để nghe ngôn ngữ giao tiếp của họ. Vì mê hát và nghĩ rằng sẽ học hỏi được nhiều nơi các bạn trẻ người Êđê, tôi đã xin phép cha xứ và các xơ đặc trách để lập ra ca đoàn anh em sắc tộc Êđê, nhận thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu làm thánh quan thầy. Rồi mày mò tìm các bài hát có làn điệu dân tộc, nhờ ông Ama Pi dịch thuật, rồi tập hát. Cuối cùng cũng thành một cái gì đó ý nghĩa.

Riêng cá nhân tôi dù nỗ lực đấy, nhưng vẫn gặp rất nhiều trở ngại trong giao tiếp. Cử hành phụng vụ dựa trên văn bản, thực hành mục vụ các bí tích bằng ngôn ngữ của anh em đối với tôi không khó, nhưng trong giao tiếp, để hiểu người ta nói gì, lại là một vấn đề lớn với tôi. Nhưng bù lại tôi có một vài người rất giỏi trong giao tiếp đồng hành. Có hai người nói tiếng Êđê giỏi là Ama Thu và Ama Thương (là ông Hường và ông Cảnh nhà mình đấy). Có nhiều hôm cha Lâm giao tiếp bằng tiếng Êđê với bà con đã khiến ông Hường phải phì cười vì « cha nghe nhiều mà hiểu không được bao nhiêu, có lúc lại hiểu ngược nghĩa của người ta». Nhưng không sao, kiến tha lâu đầy tổ, học ngôn ngữ là một quá trình tích lũy tiệm tiến, miễn là không nản chí, không bỏ cuộc. Những người giáo dân nhìn cha trẻ nói tiếng Êđê đôi khi thấy bật cười, nhưng sau đó là sự giúp đỡ tận tình, chỉnh sửa thấu đáo. Hai lối tiếp cận song song, một từ những văn bản cụ thể tôi có được từ Ban Mục vụ cộng đồng sắc tộc của giáo phận, một đến từ những giao tiếp hằng ngày cũng như sự giúp đỡ của những người cùng làm việc chung với nhau như anh Cảnh, ông Hường. Đến một lúc rồi cũng có thể nói là hòa nhập được với bà con.

Cuối năm 2004, bà con được phép có thánh lễ bằng ngôn ngữ của họ, cử hành theo bản văn phụng vụ tiếng Êđê của giáo phận. Năm đó cũng hình thành chính thức nhóm anh chị giáo lý viên dạy giáo lý cho bà con sắc tộc. Dĩ nhiên, ước vọng dạy cho bà con bằng chính ngôn ngữ của họ vẫn là một điều gì xa vời. Tuy nhiên tổ chức được thánh lễ riêng cho bà con, đưa được cộng đoàn sắc tộc vào chương trình học hỏi giáo lý thường xuyên đã là một niềm vui lớn của mọi người thời điểm đó.

Cùng với các xơ Nữ Vương Hoà Bình thuộc cộng đoàn Châu Sơn, các anh chị trong nhóm giáo lý viên, chúng tôi đã dần hình thành nên các xóm giáo tại các buôn làng với Ban chấp hành giáo xóm, có các anh chị người kinh đặc trách đồng hành. Chúng tôi cũng tổ chức được những khoá huấn luyện đào tạo giáo lý viên cho bà con dân tộc theo chương trình của giáo xứ, giáo phận. Các buổi tối Chúa Nhật chúng tôi chia nhau vào các buôn cùng đọc kinh chung với họ, thăm viếng chia sẻ với những gia đình có hoàn cảnh mất mát, đau buồn, những người già neo đơn, ….

Sự lưu tâm của bà con Châu Sơn dành cho người dân tộc thì vẫn luôn có đó ngay từ khi những người dân tộc đầu tiên được rửa tội. Nhưng để bà con dân tộc tham gia một cách chính thức như một thành viên của giáo xứ thì đến lúc này mới rõ nét. Các buổi văn nghệ, giờ chầu của ngày chầu lượt, tĩnh tâm thường niên các dịp Tuần Thánh và Giáng Sinh, bà con đều có giờ dành riêng cho mình. Đặc biệt ngày đầu năm mới, sau thánh lễ minh niên, cùng với các cha, các xơ, Ban Thường Vụ HĐGX và toàn thể bà con trong giáo xứ, người dân tộc được hoà vào trong đại gia đình xứ Châu, giữa tiếng cồng chiêng và những làn điệu dân tộc đặc trưng của mình, để đón mừng mùa xuân mới : mùa xuân của tình thương và hy vong.

(còn tiếp)


[1] Tôi không thể quên dịp Giáng Sinh 2006, khi đó có những xung đột giữa những người dân tộc nổi dậy và lực lượng chính quyền. Tất cả các ngõ đường đổ về thị xã đều bị phong toả. Nhiều bốt canh được dựng lên trên nhiều tuyến đường. Bà con sắc tộc muốn tham dự lễ đêm, phải đi đường tắt vượt rẫy cà phê, leo bờ rào … để đến nhà thờ. Ngay bản thân tôi và cha phó Đaminh cũng bị chặn lại ở một vài bốt canh khi đi dâng lễ đêm về. Dĩ nhiên khi biết chúng tôi là linh mục thì người ta để cho qua ngay. Nhưng với anh em sắc tộc thì không. Dù vậy, đông đảo bà con tìm mọi cách để có mặt ở nhà thờ.

[2][2] Có người hỏi tôi tại sao có lúc lại dùng tên là Ban Mê Thuột, có lúc lại là Buôn Ma Thuột không nhất quán. Tôi hiểu vấn đề như thế này : Tên hành chính là Buôn Ma Thuột. Nếu gọi đúng tên gốc tiếng Êđê thì phải là : Buôn Ama Thuột, nghĩa là làng của bố anh Thuột. Buôn Ama Thuột là buôn làng do bố anh Thuột lập nên. Về sau, người kinh đọc là Buôn Ma Thuột. Còn trong các văn bản chính thức của giáo phận, giáo phận được gọi là giáo phận Ban Mê Thuột.

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …