Đến với Đức Mẹ “Măng Đen” – Kỳ I

Đến với Đức Mẹ “Măng Đen”
(Mẹ của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên)

Bài đăng 3 kỳ – Kỳ 1

Phượng Vũ
Từ lâu, tôi vẫn ao ước được đến viếng các nơi linh thiêng của Đức Mẹ trên đất nước Việt Nam. Trong chuyến hành hương với nhóm Chiêm Niệm (Đức cha MT Lương), chúng tôi đã đi từ Bắc vào Nam và viếng tất cả linh địa của Đức Mẹ: Đức Mẹ La Vang, Trà Kiệu, Tà Pao Bãi Dâu, và lần này tôi được viếng thêm Đức Mẹ La Mã Bến Tre, lòng tôi tạm thỏa nguyện.
Nhân chuyến hành hương này được dịp đi qua các giáo phận từ Hà nội, Bùi Chu, Bắc Ninh, Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Hà Tiên, Đồng Nai, Đồng Tháp và Kon Tum, đi tới đâu tôi cũng thấy giáo dân Việt Nam có lòng yêu mến và sùng kính Đức Mẹ đặc biệt. Ảnh hay tượng Đức Mẹ trong nhà thờ luôn luôn được đặt ở phía sau cung thánh hay những vị trí đẹp và trang trọng nhất. Để đáp lại, Đức Mẹ cũng rất ưu ái với con dân Việt Nam cách riêng, Mẹ linh thiêng hiện ra nơi này, nơi khác để phù hộ giúp đỡ mọi người. Tôi nhớ có lần nghe một cha giảng phòng DCCT đã nói:
– Tại sao ta cứ đi tìm hành hương Đức Mẹ ở những nơi xa xôi tận nước ngoài (Lộ Đức, Fatima và sau này là Medjugorie, Guadalupe…) cho tốn kém, mà không tìm đến viếng những linh địa Đức Mẹ ngay trên quê hương Việt Nam của chúng ta…
Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến này nên từ lâu tôi đã nhiều lần tìm đến viếng các linh địa Đức Mẹ ở Việt Nam, nhưng tôi nhớ trong một lần họp trước khi đi hành hương, đức cha Mai Thanh Lương có nhắc tới Đức Mẹ Măng Đen, một cái tên khá xa lạ với tôi, và ngài cho biết Đức Mẹ rất thiêng nhưng vì đường đi khó khăn, cách trở nên không thể xếp vào chương trình hành hương kỳ này được. Tôi thấy tiếc, vì tâm tôi chưa được thỏa nguyện hoàn toàn về ước nguyện của mình. Rồi thời gian trôi qua, tôi quên dần ý tưởng này…
Vì phải chờ đợi để theo đoàn công tác từ thiện của hội “Bạn Nguời Nghèo” từ Mỹ về, nên tôi có “ngày rộng tháng dài”. Một hôm, tôi chợt nhớ ra cần đi thăm một chị bạn ở Kon Tum. Trước đây chị làm việc ở Saigòn, nhưng bất ngờ bị tai biến mạch máu não (mini), bị liệt nửa người, nên sau một thời gian chữa trị, chị phải lui về quê ở Kon Tum để sống với mẹ và các em gái.
Thật không ngờ, một con người năng nổ hoạt động từ trong giáo xứ cho tới ngoài xã hội, mà bây giờ phải trói mình một chỗ, từng bước đi, từng cử động đều cần đến sự giúp đỡ của người khác. Quả là đôi khi thật khó khăn khi nói lời “Xin vâng!” Sau này, chị mời tôi về thăm quê chị mấy lần, tôi gật đầu vì biết chị đang cần một tình bạn nâng đỡ, sẻ chia… nhưng vì xa xôi cách trở, vì thời gian eo hẹp tôi vẫn chưa có dịp để đi thăm chị. Lần này khi tôi email báo tin sẽ lên thăm, chị mừng rỡ nhờ cô em đặt vé xe giường nằm giùm tôi. Lúc tôi điện thoại nói chuyện với chị, nghe chị bảo:
– Lên chơi lâu lâu một chút để tìm cách đi viếng Đức Mẹ Măng đen.
Tôi chợt nhớ ra ước nguyện của mình trước đây, nên quyết định lên sớm hơn 1 ngày. Tôi nghĩ chắc Đức Mẹ đã thấu rõ lòng ước ao từ lâu của tôi, nên qua chuyến viếng thăm tình nghĩa với chị bạn Mẹ sẽ dẫn tôi đến với Đức Mẹ Măng Đen. Mặc dù cho tới lúc lên đường, tôi và chị A vẫn chưa nghĩ ra cách nào để tôi có thể đến với Đức Mẹ Măng Đen, ở thành phố Kon-Plong đồi núi, cách Kon tum hơn 60 cây số về phía Bắc. Nhưng sao tôi vẫn tin rồi Đức Mẹ sẽ có cách đưa tôi đến Măng Đen
Lần đầu tiên tôi lên Tây Nguyên, tuy là đi xe giường nằm, nhưng đường đi quá xấu, ổ trâu, ổ bò tùm lum tha hồ mà tưng lắc, lách qua lách lại khiến tôi nhớ tới câu trong Phúc âm: “Ma quỷ sẽ sàng chúng con như sàng gạo…” Đến Kon Tum, em chị A đón tôi về nhà, A đã vui vẻ đứng chờ sẵn ở cửa đón tôi, A tuy ốm hơn trước nhiều, nhưng điều đáng mừng là A có thể “tập tễnh” đi một mình, tuy còn yếu nhưng không phải nương tựa vào bất cứ vật dụng nào để bước đi, đó là nhờ chị luyện tập kiên trì mỗi ngày. Chúng tôi hàn huyên nói chuyện khoảng dưới nửa giờ vì nói lâu A sẽ bị mệt.
Nhà A ở con đường ngay phía trước nhà thờ gỗ (mới kỷ niệm 100 năm thành lập), một công trình kiến trúc đặc biệt theo lối Tây Nguyên, nên ngay chiều hôm đó tôi có thể sang thăm nhà thờ gỗ, với cây Nêu sặc sỡ theo lối Tây Nguyên dựng ngay trước sân nhà thờ. Tôi theo chân một nhóm du khách Pháp vào phía bên trong, cách trang trí bên trong cũng mang đậm nét Tây Nguyên, từ những rèm che, màn phủ đều có nét “sắc tộc”. Tôi nhìn thấy những bảng xướng kinh bằng chữ dân tộc. Các khung kính màu chung quanh nhà thờ với các hình ảnh trong phúc âm thật đẹp và rõ nét, đặc biệt là có thể nhìn thấy được cả 2 phía bên trong, bên ngoài.
Sáng hôm sau, A nhờ anh T, bạn thân thời trung học, thay A hướng dẫn tôi đi thăm Pleiku cho biết. Anh T sau khi vợ mất về làm việc với các Frère và ở luôn trong trường (gần Pleiku) nên anh rất rành về phố núi này. May là lúc này trường nghỉ Tết sớm, nên anh rảnh rỗi ghé thăm A, khi nghe A kể có chị bạn ở Saigòn ra thăm, nhưng không có ai hướng dẫn đi chơi, anh vui vẻ nhận lời giúp đỡ.
Khi bắt đầu lên đường đi Pleiku, tôi nhờ anh T chở ra chỗ công ty du lịch để hỏi thăm vé đi Măng Đen, không ngờ anh sốt sắng đề nghị: “Tôi sẽ chở chị đi Măng Đen, ngày nào chị muốn, không cần phải hỏi thăm vé làm gì vì chưa chắc đã có chuyến đi Măng Đen.”
Ôi, “được lời như cởi tấm lòng”, tôi mừng rỡ nhận lời liền, và quyết định ngày mai sẽ đi Măng Đen! Thật đúng như tôi đã tin tưởng Đức Mẹ sẽ có cách đưa tôi đến Măng đen.
Chuyến đi Pleiku hôm đó tôi biết thêm được nhiều điều thú vị. Dọc đường đi, anh T cho biết đây là quốc lộ 14, tháng 3/75 là con đuờng máu và nuớc mắt khi các binh sĩ, đơn vị quân đội và biết bao đồng bào đã chen chúc nhau trên con đuờng này trong chiến dịch rút khỏi Tây Nguyên (từ Kontum – Pleiku – Phú Bổn – Tuy Hòa – Nha Trang). Lời nhắc nhở của anh khiến tôi nhớ lại những hình ảnh hỗn loạn, chết chóc đau thương của những ngày tháng 4 xa xưa ấy, mà một hình ảnh vẫn ghi đậm trong ký ức của tôi là hình ảnh một anh lính chiến, tuy đã chết, vẫn ngồi bất động, tay cầm súng trong tư thế chiến đấu cạnh bên một cây cầu trên xa lộ Biên Hòa. Mong rằng “Một thời điêu linh, một cơn hoạn nạn” đã thực sự trôi qua, để dân nước tôi có thể biến “niềm đau thành nụ cười”.
Trước khi tới Pleiku, chúng tôi ghé thăm Biển Hồ, ngày xưa nó là miệng núi lửa, nên hồ không có đáy. Do đó nếu ai rơi xuống hoặc tự tử thì sẽ không thể nào tìm được xác! Ngắm sự phẳng lặng và bình yên của mặt hồ hôm nay, có ai ngờ được ngày xưa cũng chính nơi này là miệng núi lửa, phun trào từng luồng nham thạch nóng bỏng chết người.
Hai hình ảnh đối lập nhau cùng xảy ra ở một nơi chốn. Thật đúng “đời là vô thường”, tôi lại nhớ đến lời Chúa: “Tất cả mọi sự trên thế gian đều qua đi, chỉ có lời Ta là tồn tại mãi mãi”. Từ ngõ rẽ vào Biển Hồ đến thành phố Pleiku là 7 cây số, phố xá hai bên đường tấp nập nhà cửa xây cất trù phú nhất là đoạn vào gần trung tâm thành phố. Từ lâu tôi vẫn biết Pleiku qua bài hát nổi tiếng của Phạm Duy (phổ thơ Vũ Hữu Định)
“Phố núi cao, phố núi trời gần
Phố xá không xa, nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ…”
Hình ảnh này nay đã trở thành dĩ vãng, vì bây giờ Pleiku hoàn toàn khác hẳn, nhiều tòa nhà cao ốc, siêu thị, nhiều con đường lớn rộng trải dài khắp nơi, có cả một bịnh viện lớn quốc tế của Hoàng Anh Gia Lai (một công ty giàu có nổi tiếng mà chủ nhân của nó phải dùng trực thăng để làm phương tiện đi lại). Khi đến gần trung tâm thành phố, tôi buồn khi nhìn thấy một ngôi thánh đường to lớn có cây thánh giá trên cao, sau 75 đã bị chiếm và biến thành nhà văn hóa thiếu nhi cho tới ngày nay. Sau 75 nhiều cơ sở tôn giáo bị chiếm hay mượn tạm rất nhiều. Tình hình này xảy ra khắp nơi trong nước, nhưng việc trả lại thì nhỏ giọt và tùy theo lòng “từ tâm” của chính quyền sở tại dù đó là điều bất hợp pháp khi Việt Nam đã gia nhập Công Pháp Quốc Tế.
Trên đường về chúng tôi ghé thăm khu du lịch sinh thái “Đồng Xanh” với nhiều hình ảnh về nhà Rông và về chiêng cồng của Văn Hóa Tây Nguyên mà ngày nay đã được UNESCO công nhận là di sản Văn Hóa của Thế Giới, Nơi tôi thích nhất là khu vườn với nhiều bức tượng gỗ người Tây Nguyên, từ tượng ngồi u sầu trước nhà mồ, tới tượng những bà mẹ địu con trên lưng, rồi tượng các chàng trai cô gái giã gạo, tượng các con thú của núi rừng Tây Nguyên với các nhà sàn, nhà Rông tiêu biểu cho Tây Nguyên. Lên đây tôi bỗng nhiên trở thành “Hai Lúa” khi thấy cái gì cũng lạ, cũng muốn chụp hình…
Chiều về, tôi kể cho A nghe sáng mai tôi đi Măng Đen, A cười nói;
– Đúng là Đức Mẹ thu xếp cho chị, T lâu lắm rồi bặt tin, bỗng nhiên xuất hiện đúng lúc mình đang cần, nhưng em chỉ dám nhờ vụ đi Kon Tum, vì T ở gần thành phố đó nên rành. Còn vụ Măng Đen em đang thăm dò nhưng chỉ biết chỗ công ty du lịch, mà em chỉ chị tới hỏi thăm may ra có.
– Đây không phải là lần đầu tiên đâu! Tôi nghiệm rất nhiều lần trong đời, khi tôi thành tâm cầu khấn việc gì tốt lành, Đức Mẹ đều ra tay thu xếp, đôi khi còn tốt hơn cả điều mình mong muốn.
(Còn tiếp)

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …