Ở TRỌ
tienducchauson
05/06/2014
Diễn Đàn Bạn Đọc
233 Views
Ở TRỌ
Con chim ở đậu cành tre… Con cá ở trọ trong khe nước nguồn… Đó là tựa và lời trong một bài hát của cái bang chín túi Trịnh Công Sơn. Một ca khúc trầm bỗng chất nhân văn, trong đó từng chủ thể, tôi, giọt sương, chim muông, sông suối … đều được rong chơi cùng âm nhạc, làm người khách thương hồ nhẹ nhàng hạnh phúc trong cõi hồng trần ngắn ngủi. Riêng kẻ được gọi là tôi, dù là trong bài hát, hay giữa dặm đời muôn ngã, vẫn là đối tượng duy nhất phải lãnh đủ biết bao chua chát nhọc nhằn của phường ở trọ. Núi non, hoa bướm, mây trời, mãi mãi vô ưu. Chỉ có tôi, hàng vạn thằng tôi, nói đến sự tình ở trọ, như một ám ảnh khủng khiếp, từ lúc xa nhà, bắt đầu những bước bơ vơ đầu tiên trên đường du tử !
Mùa thi nay lại về. Thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm văn hóa, công nghiệp lớn, lại đón nhận hàng chục ngàn sĩ tử lai kinh ứng thí. Năm nào cũng vậy, chuyện phòng trọ, nhà thuê, cứ là một vấn đề hết sức gay gắt. Trong cao điểm này, nhiều tổ chức xã hội đã vào cuộc, khá èo uột. Một số cộng đồng dân cư, cũng chung tay góp sức, cùng nhau lên kế sách giúp đỡ nhất thời số thí sinh chân ướt chân ráo giữa thành phố xa lạ, đắt đỏ. Rồi như một phong trào, mùa thi xong, mọi ồn ào cũng tắt tiếng, trong khi nhu cầu chỗ trọ cho HSSV, là một áp lực dai dẳng bức bối quanh năm. Số sinh viên con nhà khá giả, có thể kiếm được một nơi ở tươm tất, không phải là số đông. Những em may mắn trú nhờ vào họ hàng thân quen, cũng không nhiều. Đa số, đều xuất thân từ gia cảnh thường tình, cha mẹ ở quê nhà rất kham khổ, lam lũ ky cóp từng đồng cho con ăn học, thật là những kỳ tích. Phần lớn họ chỉ biết qua lời kể về miếng ăn chốn ở nơi đất khách, mấy ai có dịp đi thăm để thấy qua một chút, cái gọi là phòng trọ, nơi con cháu mình, niềm hy vọng của tương lai, đang sống trong hiện tại ngao ngán như thế nào. Cùng với số đông lao động nhập cư, đám sinh viên vất vả vào đời, đã trở thành nguồn lợi đáng kể cho chủ nhân của những căn phòng trọ đủ kích cỡ, đủ tính chất. Những tường vách được ngăn lên vội vã, bòn rút những đồng xu mồ hôi cáu bẩn của đám tha phương cầu thực, chặt đẹp vào cái túi tiền còm cõi của lớp sinh viên xa nhà.
Vẫn có đâu đó, rất ít, những căn phòng trọ đúng nghĩa, giá cả phải chăng, có khi còn mang tinh thần tương trợ giúp đỡ, thật đáng trân trọng, nhưng hiếm hoi lắm. Người ta dễ dàng gặp những cái hộp chật chội, tối tăm, ở chen nhau, chung vách, chung lối, chung cả buồng tắm, nhà vệ sinh, mà giá cả, có lẽ theo quy luật thị trường chăng, bằng cá tháng lương của một công nhân trong các xí nghiệp may !
Đây là một nhu cầu xã hội to lớn, và về lâu dài, vẫn là nỗi khó khăn không dễ gì giải quyết. Nhà nước hẳn không thể không quan tâm. Các trường đại học cũng có nhiều cố gắng, nhưng chẳng thể nào đáp ứng cho trọn vẹn. Một số doanh nghiệp giàu có, dự định xây riêng ký túc xá cho sinh viên địa phương của mình, nhưng ai mà biết chương trình đã đi đến đâu ? Không có vòng tay nào gom hết được những âu lo của cuộc sống. Chỉ có sự đồng thuận, góp sức của mọi nguồn lực nhân dân trong xã hội, sẽ mang lại kết quả rất lớn lao. Một số quốc gia, khi phải tiếp nhận làn sóng người di dân, họ đã yêu cầu dân chúng, mỗi hộ nhận đỡ đầu, cưu mang cho một gia đình, hay một vài nhân khẩu v.v…, và công việc được giải tỏa tốt đẹp, kể cả về sau, khi những người được cưu mang đủ điều kiện ra riêng, vẫn còn lại đó mối dây tình cảm thắm thiết đối với nơi mình đã nương thân, đối với những kẻ đã nghe theo lời kêu gọi của nhà nước, nhưng đã hưởng ứng hành động theo mệnh lệnh của trái tim.
Thành phố Hồ Chí Minh, với cả triệu hộ gia đình, mỗi năm đón tiếp chừng vài chục ngàn sinh viên nghèo. Hãy gạt ra một bên, những tâm lòng rộng mở, nhưng gia cư quá chật hẹp, đông người. Gạt ra luôn những hộ xem sinh viên như là nguồn thu nhập qua việc bán chỗ ở. Cũng phải tính đến số dị biệt cá nhân, tập tục, tín ngưỡng v.v…, khiến không tiện ở với nhau. Miễn trừ ra những căn hộ kết cấu phức tạp, ồn ào, chí thích hợp cho mỗi việc buôn bán, sản xuất … Phần còn lại, vẫn là một số rất lớn, rất nhiều, những khuôn viên, cơ sở, tổ chức, hộ gia đình, đáp ứng tốt những điều kiện tối thiểu cho việc giúp đỡ vài sinh viên, một chỗ ở quý hóa, và có lẽ, sinh viên nào rồi cũng chỉ cầu mong một chỗ để ở mà thôi, không mơ gì hơn, may mắn thì có thêm được chút riêng tư, tránh rầy rà cho gia chủ, và cũng đỡ ngại ngùng cho người ở cậy nương nhờ !
Đây không phải là chuyên cao xa, hay quá lý tưởng. Chúng ta đã làm được chương trình cho vay vốn, vẫn còn nhiều va vấp, tiêu cực, nhưng một chương trình giúp đỡ các sinh viên chút chỗ dựa mái ấm, có lẽ đơn giản hơn nhiều. Nếu không, tiền cho vay hỗ trợ học tập, nhiều khi lại phải mang ra dùng vào việc thanh toán cho chủ nhà trọ.
Một kế hoạch như thế này, chưa thấy được triển khai dài hạn bao giờ. Chúng ta đang vướng mắc cái gì chăng ? Hay còn thiếu một chiến lược kích hoạt, một cầu nôi khơi nguồn, mà với uy tín của một vài tờ báo lớn, công việc hẳn không có gì trở ngại lắm.
Những khó khăn nếu có, sẽ đến từ lòng dạ con người. Hình như chúng ta sống khép kín quá. Chúng ta thủ kỹ quá. Chúng ta sợ phiền hà vì có người lạ trong nhà. Chúng ta thích được yên ổn, kín cổng cao tường, hạnh phúc nội bộ xum vầy ấm cúng. Trong khi tất cả chúng ta, thật ra, đều chỉ là những thân phận ở trọ đời thuê trong cõi lưu vong, sống lập lờ với ảo ảnh nhưng cứ ngỡ là an cư tự tại !
Đúng là con người cần phải bị đói rét, cơ cầu, không có chỗ ngã lưng, mới biết thương kẻ khác. Nhưng chẳng lẽ đó lại là quy luật ? Có thể nào, con người ta không cần phái trải qua đau khổ, mà vẫn biết thông cảm với đồng loại ? Có thể nào, không cần thiết phải vô gia cư, mới thấy thương xót người cơ nhỡ bần cùng ? Không có quy luật nào vĩnh cửu hơn quy luật của lòng nhân từ, quảng đại, thương yêu, biết nghiêng mình vào nỗi khổ của kẻ khác. Thiếu các yếu tố đó, mọi cố gắng để giải quyết những vấn đồ xã hội, sẽ chẳng ra gì. Người sinh viên, giã từ cha mẹ anh em làng xóm, xa quê nhà, bước vào đời côi cút gió sương, mà nhu cầu về một chỗ ở tương đối xứng đáng, thuận tiện, vừa với túi tiền, giữa thành phố nóng sốt này, sao giống như tìm kim đáy biển, đi đến đâu cũng chỉ gặp những cái lắc đầu vô cảm, những câu trả lời cụt ngủn như xua đuổi, những gã cò quạ chỉ thích mổ vào mấy cái ví đã kẹp lép, những căn phòng lạnh lùng miễn trả giá, điện nước tính riêng. Cái câu nói người Saigon nghĩa tình thuở nào, giờ nghe như người Saigon chỉ nghĩ đến tiền !
Vài suy tưởng nhân mùa thi, mùa cao điểm của phòng trọ, như giọt nước rơi tràn vào cái ly quanh năm đã đầy ắp !
Tôi nay ở trọ trần ai
Mai kia dù lắm chông gai cũng đành !
NGUYỄN CAO NGUYÊN