Ngọn Lửa Không Hề Tắt
Trong tác phẩm Ðại Học Máu, văn sĩ Hà Thúc Sinh cũng giống như văn hào Nga Solzenitzyn ghi lại thân phận tù đày của các tù nhân Việt Nam trong các trại học tập. Nhưng giữa những đọa đày cùng cực của kiếp người, Hà Thúc Sinh vẫn có cái nhìn lạc quan về thân phận con người. Con người bị bạo hành ở những mức độ vô nhân nhất mà vẫn khôi hài, cười đùa, bỡn cợt được.
Trong tác phẩm đầu tay của ông có tựa đề “Hai chị em”, Hà Thúc Sinh đã nêu bật được hình ảnh con người tranh đấu lạc quan, chẳng còn biết gì để sợ, sẵn sàng kịch liệt chống lại định mệnh để tự thắng và tự cứu mình… Hai chị em Lan và Trực bị đắm tàu trong một cuộc vượt biên đầy nguy hiểm. Là hai người duy nhất còn sống sót, họ trôi dạt và tấp vào một hoang đảo giữa Thái Bình Dương. Trong nguyên một tuần lễ, tác giả đề cao sức chịu đựng, tinh thần tháo vát của hai chị em. Sau một tuần lễ chịu đựng, người chị ngã bệnh, Trực bèn kết bè để ra khơi mong tìm lại được chiếc ghe đắm trên đó còn chút ít lương thực, thuốc men và quần áo. Khi ra đi, anh đã nhóm được một ngọn lửa trên núi cao vừa làm dấu hiệu để kêu gọi sự chú ý của thuyền bè qua lại trong vùng, vừa lấy đó như ngọn hải đăng để còn có thể quay lại đảo… Nhưng anh đã ra đi và không bao giờ trở lại hoang đảo… Sóng to gió lớn có lẽ đã chôn vùi anh giữa lòng đại dương. Người chị tất tả chạy ra bãi cát giữa cơn giông bão để réo gọi tên em.
Tác giả đã kết thúc câu chuyện như sau: “Nếu có thuyền bè chạy qua eo biển, một vùng hoang đảo trên Thái Bình Dương những ngày biển lặng sau đó, chú mục, người ta có thể nhìn thấy một ngọn lửa. Ngọn lửa ấy đốt bập bùng trên một triền núi, khi lớn, khi nhỏ, khi tỏ, khi mờ. Nhưng có điều chắc chắn là nó chưa hề tắt”.
Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến đấu chống lại với những khắc nghiệt của thiên nhiên, chống lại không biết bao nhiêu kẻ thù, chống lại với chính bản thân đầy ươn hèn, xấu xa.
Nhưng người Kitô hữu không phải là một thứ anh hùng khắc kỷ, tự chiến đấu một mình và tin ở sức mạnh vô song của ý chí. Chúa Giêsu đã chiến đấu, nhưng Ngài không là một anh hùng của một ý chí sắt đá. Sức mạnh duy nhất của Ngài chính là Thiên Chúa. Lương thực của Ngài chính là Thánh ý Chúa Cha. Khí giới của Ngài là sự kết hiệp với Chúa Cha.
Qua ba cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã luôn luôn qui chiếu vào Lời Chúa. Lời của Chúa là khí giới, là thuẫn đỡ của Ngài.
Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính là Ðức Kitô sống trong tôi. Ðó phải là ý lực sống của chúng ta. Chúng ta cũng hãy nói: tôi chiến đấu, nhưng không phải là tôi chiến đấu, mà chính Ðức Kitô chiến đấu trong tôi. Sức mạnh của Kitô giáo, bản chất của Kitô giáo không phải là tổng số của các tín hữu, mà chính là Sự Sống của Ðức Kitô đang châu lưu trong từng người tín hữu.
Bình luận