Chút tâm tình,
Gửi người anh em Mương Mán
Trang web site: Tiến Đức – Châu Sơn những ngày qua đã xuất hiện hai bài viết: Một thoáng GX Thọ Tràng với cây thanh long và Châu Sơn – Thọ Tràng nối kết (một thuộc thể loại tản văn và một bài thơ thất ngôn) của tác giả Pet Trần Bảng (GX Thọ Tràng Mương Mán) đã đem đến cho mọi người sự ngạc nhiên xen lấn niềm vui thú. Ngạc nhiên là vì xuất hiện tác giả lạ. Vui thú vì lời lẽ giản dị nhưng chân thành với mong muốn kết nối. Qua hai bài viết và vài comments mang tên người Thọ Tràng, tự nhiên trang web Châu Sơn thấy mình được trân trọng cởi mở tấc lòng, cùng như bắt nhịp được mối đồng cảm sâu sắc bỗng chốc hình thành.
Bài tản mạn chỉ chưa đến 1.000 chữ nhưng rất súc tích, gói ghém nhiều điều cũng như chuyển tải tâm tình sâu lắng giữa hai xứ sở Châu Sơn và Thọ Tràng.
Một thoáng GX Thọ Tràng với cây thanh long không chỉ đơn giản là một lời giới thiệu về cây thanh long đang trên cao trào phát triển mà còn là cái cớ để tác giả ôn lại một giai đoạn lịch sử buồn phiền và khó khăn của Mương Mán trong quá vãng. Đó có thể coi là một thời hồng hoang của một bến bờ xa lạ.
Một thoáng GX Thọ Tràng với cây thanh long như một cuốn phim quay chậm từ ngày thành lập đến nay đã trải qua với biết bao thăng trầm dâu bể, biết bao vật đổi sao dời biết bao biến hải vi tang điền.
Chúng ta nhận ra Mương Mán, qua một sự mô tả của tác giả là vùng đất trích khô cằn sỏi đá nhưng cũng gây cho chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc.
Chẳng hạn như hình ảnh đầu bạc tiễn đưa đầu xanh về cõi vĩnh hằng đã cho thấy một thời tuổi trẻ đã ra đi, đã quên mình chiến đấu vì tự do và dám chết cho tự do. Chẳng hạn một vùng xôi đậu mà người ta buộc phải ngủ trước cả khi gà lên chuồng và mặt trời lên cao quá ngọn cây mời nghe tiếng chuông báo giờ lễ(!?). Chẳng hạn liên tục chảy máu dân số vì những cuộc ra đi tìm đất sống. Ra đi lên cao nguyên DakLak. Ra đi lên Lâm Đồng – Đà Lạt. Ra đi vào Bình Giả – Bà Rịa.
Nhưng sau đó là niềm vui vì sự cứu tinh của cây thanh long xuất hiện để Mương Mán đổi đời. Bây giờ thì người ta đã cảm nghiệm ra hiệu quả của câu thường nghe: Khi Chúa đóng lại cánh cửa này thì đồng thời ngài lại mở ra một cánh cửa khác. Tươi sáng hơn. Huy hoàng hơn. Bởi nghe nói người Mương Mán bây giờ, thu hoạch mùa màng tính bằng đơn vị chin số zêrô trở lên còn dưới nữa là chuyện nhỏ. Xin chúc mừng. Hết cơn bỉ cực qua thời thái lai. Phải không quý bạn?
Rồi bài thất ngôn được ví như một lời hiệu triệu kêu gọi sự kết nối của hai giáo xứ anh em với mấy câu kết thật cảm động.
Mong sao hai xứ cùng quê hương
Xa cách ngàn trùng vẫn vấn vương
Nối kết tình thân con một Chúa
Sơn Tràng Châu Thọ ngóng thiên đường
Bạn Pet Trần Bảng thân mến,
Bạn cho phép tôi gọi bạn và những người Mương Mán một cách thân mật như thế nhé! Xin cám ơn bạn về sự góp mặt với trang web Tiến Đức Châu Sơn. Cả Châu Sơn xin mở rộng vòng tay đón chào bạn bè Mương Mán. Thực ra đã từ rất lâu, tự trong tâm khảm người Châu Sơn bao giờ cũng trân trọng và quý mến về cội nguồn. Và Châu Sơn luôn xem GX Thọ Tràng như một người đàn anh và luôn gắn bó và chịu ảnh hưởng từ người anh này. Có thể ví von “Ta với mình tuy hai mà một. Mình với ta tuy một mà hai”.
Ngày đó, đã lâu lắm rồi cũng vì kinh tế nên không muốn ở lại để trở thành gánh nặng chia sẻ một nồi cơm hạn chế nên đành phải rứt áo ra đi tứ phương cầu thực. Nhưng ra đi cũng đau lòng lắm, cũng bịn rịn lắm, cũng vướng bận thê noa lắm!!! Trong bao năm qua lòng người Châu Sơn lúc nào cũng đau đáu một khối tình nhớ về Thọ Tràng, nhớ về nơi xuất phát điểm của mình. Bởi vì Mương Mán nổi bật lên hai họ Đông Tràng – Thọ Ninh thì Châu Sơn cũng danh tiếng với Thọ Ninh – Đông Tràng. Và những ngày đầu chập chững đến chốn mới cũng đã nhận mình là GX Thọ Tràng. Thậm chí đã dùng con dấu Thọ Tràng cho đến mãi thời cha An Tôn Vũ Thanh Lịch. Trong suốt gần 60 năm qua mối giây liên lạc vẫn gắn bó mật thiết, bằng chứng là vẫn có dâu rể – rể dâu kết hợp giữa hai giáo xứ. Còn một bằng chứng khá hung hồn nữa là cây thanh long sau khi lên ngôi ở Mương Mán đã bắt đầu truyền đến Châu Sơn.Và chia sẻ nguồn lợi không nhỏ trong một số gia đình.
Bạn Pet Trần Bảng và những người thân Thọ Tràng thân mến.
Những điều vừa nói trên giữa hai giáo xứ chúng ta sao mà tôi thấy giống với bài dân ca MỘT MẸ TRĂM CON do Phạm Duy phổ nhạc quá. Cũng từ một xuất xứ.
Anh Em ta – Cùng mẹ cha – Nhớ chuyện cũ – Trong tích xa – Khi thế gian còn mù mờ
Cũng có một cuộc chia tay bịn rịn tìm đất sống nơi miền cao.
Năm mươi con – Vượt đồi non – Phá rừng núi- Khai rẫy hoang hoang – Làm nhà sàn – Khai rẫy hoang làm nhà sàn.
Hay cũng có lúc nhớ về nhau – gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Và hứa với nhau mình sẽ nối kết tình thân.
Hôm nay đây – Rừng gặp mây – Lá gặp núi – Tay nắm tay – Mình gặp nhau – Tay nắm tay – Mình gặp mình.
Vâng, tay nắm tay, mình gặp mình phải không bạn Pet?
Một người Châu Sơn – NVT
Bình luận