Hè ơi nắng có hồng!!!
tienducchauson
13/09/2014
Diễn Đàn Bạn Đọc
209 Views
Hè ơi nắng có hồng!!!
(Bài của Thầy Võ (Lan) nhà ta đấy! Đọc dô!!!)
Hôm 05/09 vừa rồi, phần lớn các trường ở Việt Nam đã tổ chức khai giảng niên khóa mới, dù một số trường đã cho học sinh đến lớp từ mấy tuần trước. Vậy là thêm một mùa hè nữa đã đi vào dĩ vãng. Nói đến Mùa Hè, không thể không nhớ bài hát từ hồi tiền chiến:
Trời hồng hồng, sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song . . .
Đàn nhịp nhàng hát vang vang,
Nhạc hoà thơ đón hè sang . . .
Hè về hè về
Nắng tung nguồn sống khắp nơi
Hè về hè về
Tiếng ca nhịp phách lên khơi . . .
Hình ảnh sao mà quá đẹp, tâm tình quá nên thơ. Mình không biết nhạc sĩ Hùng Lân lấy cảm hứng từ cái vùng nào, thời điểm nào ngoài Bắc để viết nên bài hát nổi tiếng ấy, nhưng khi đi thăm các lớp học hè ở một vài làng Thượng trên Kontum với Thầy Tố CVK 60, Cô Lài em Thầy Tố và Chú Luận CVK 69, hơn 50 năm sau khi nhà cầm quyền miền Bắc làm chủ vùng đất này thì mình nghĩ, những hình ảnh và tâm tình ấy chỉ có trong mơ, thoáng ẩn thoáng hiện như một giấc mộng thần tiên, kiểu như chuyện “Đường Minh Hoàng du nguyệt điện”, để hôm nay 08/09/2014 tức 15 tháng 8 năm Giáp Ngọ, các em ngồi ngắm nghía Chị Hằng, được rước đèn hàm thụ và chợt thèm ăn bánh trung thu . . . Mình nói vậy là bởi hôm qua gặp Chef Hiền 67, Chef Hiền kể : “trong tuần rồi, tau nhận được mấy cú điện thoại từ mấy nhà cô nhi, hỏi “Thầy ơi, có bánh trung thu cho tụi con không ?, tau nỏ biết (= không biết) trả lời ra răng” . . . Hồi nãy, mình viết “hơn 50 năm”, chứ không phải 39 năm, bởi vì từ sau ngày Cha Giuse Hoàng Ngọc Minh và Cha Théophile Bonnet Quý bị giết hại ở đây (Cha Minh ngày 30/09/1960, và Cha Quý ngày 13/12/1961),thì vùng Kon Kơla, Kon Du, Dak Pơxi này (cách Kon Hơring 17 km về hướng đông, tức là cách thành phố Kontum khoảng 50 km) xem như đã hoàn toàn nằm trong tay cộng sản. Hơn nửa thế kỷ gọi là “được giải phóng” mà khung cảnh sao giống như trong bài “Trường làng tôi” của Phạm Trọng Cầu thuở xa xưa :
Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ
Che trên miếng sân vuông mơ màng . . .
Theo tháng ngày chiến cuộc lan tràn
Qua xóm thôn nát ngôi trường xưa . . .
Không bóng hình bao trẻ nô đùa,
Cùng nhau vang hát khúc ca vô tư . . .
Mơ đến ngày nước non thanh bình
Trong thôn xóm ấm ngôi trường xưa
Mình nói khung cảnh thì giống, còn tâm tình thì không, bởi vì trên danh nghĩa, mấy cái lớp học này vẫn là “lớp chui”, chẳng có nhà cầm quyền nào cho phép cả, dù biết rằng nó rất ích lợi cho dân trí. Mà đã gọi là “chui”, thì đố Ông Cha Bà Xơ nào dám mạnh dạn cho
Trường làng tôi nay vang tiếng ê a,
nay in bóng bao em nô đùa . . .
như nhạc sĩ họ Phạm.
Nói đâu xa, cách đây 4 năm, chỉ vì cái tháp chuông Nhà Nguyện làm bằng 3 cây cột gỗ đường kính khoảng 12 cm thôi, rất sơ sài, nhưng không xin phép, mà “Ông Cha” cũng bị nhà cầm quyền dũa cho te tua, rồi du kích dân quân xã mang súng ống và đồ nghề tới, giật cho sập, nay dấu tích còn đó, thì cũng đủ hình dung ra cái huyện Dak Hà này, cái vùng được đưa lên làm gương mẫu của cả nước về điều gọi là “vùng trắng tôn giáo”, là cái huyện như thế nào trong một đất nước tự xưng là thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Nhưng đã nói thì cũng phải nói cho hết: sau khi “các chú” phá xong cái tháp chuông ấy, sang năm sau, giáo dân trong vùng lại làm mặt lì dựng một cái tháp chuông khác, to hơn, vì có đến 4 cột, và “các chú đành làm lơ” không buồn tới phá nữa.
Khoảng 200 em học sinh, từ lớp mẫu giáo cho đến lớp 9, trong giáo xứ Kon Du gồm hơn 5 ngàn giáo dân thuộc mười mấy làng ở “vùng sâu vùng xa” này, sẽ học hành như thế nào đây ? Đành rằng trường nhà nước vẫn có đó, nhưng thầy cô thì không muốn dạy, phụ huynh thì không có tiền mà trả, trò thì cũng chẳng có sức mà học, nên tóm lại là “trớt wớt”, lên đến trung học rồi mà cộng trừ nhân chia chưa thông, đọc viết chưa thạo, nói gì đến phân số, phương trình, định đề Ơ Cơ Lít . . . Vậy là coi như phải dạy lại căn bản từ đầu . . . Nhiêu khê và khó nhọc lắm đi thôi. Hỏi Cha Long :
– Cha kiếm đâu ra người đứng bảy tám lớp thế này.
– Có mấy Dì Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và mấy Thầy Ngôi Lời, mùa hè về đây giúp.
– Cha có phải trả lương không.
Cha cười hì hì
– Chúa trả công rồi, em đâu cần trả lương.
200 em học sinh, tính ra là bằng với sĩ số của chủng viện Kontum thời cực thịnh những năm 60. Nhớ lại hồi đó, mình được ngồi học trong phòng ốc rộng rãi, mỗi chú một hộc bàn, có đầy đủ sách vở, có 5 sân bóng đá, 6 sân bóng rổ bóng chuyền tha hồ chạy nhảy, có mít có xoài của Cố Jacques hái trôm “vô tư”, lại còn được làm văn nghệ Tết Trung Thu, thi thả diều, đi cắm trại, bắt cào cào chiển dòn . . . còn ngày nay :
các em phải “tranh thủ” học hành như thế này đây, góc vườn, góc Nhà Thờ . . . chỗ nào tránh mưa được là thành lớp học được . . .
Có điều đặc biệt là những lớp học như thế này không cần đèn, vì lúc nào ông mặt trời cũng sáng chói ngoài vách. Quạt cũng không cần nốt, chỉ vì một lẽ rất đơn giản : chưa có điện, chưa có tiền . .
Nhìn sang các em thì đúng là gầy gầy bé bé đen đen, và cái bụng lúc nào cũng cồn cào . . . vì thiếu ăn, khi được Thầy Tố phát cho mỗi đứa một cái kẹo chocolat Thụy Sĩ thì mừng húm, cười toe toét . . . còn vỗ tay hát mừng khiến Thầy phát ngượng, quay sang nói nhỏ : biệt vậy thì mình mua thêm thật nhiều.
Đã hơn 11 giờ trưa, hỏi tiếp Cha Long :
– Cha cho các em ăn uống làm sao, 200 đứa chứ ít à.
Cha lại cười hề hề :
– Trong Phúc Âm Chúa nói rồi. Mát Thêu 14, 16 : chính anh em hãy cho họ ăn.
– Chà, bữa nay Cha Long thuộc Phúc Âm dữ ha. Cho Cha đi du học về Thần Học Kinh Thánh bên Paris, khỏi ở Kon Du.
– Em mà đi học thì mấy đứa ni đói, Thầy Tố chịu trách nhiệm được không ?
Mình ngó Thầy Tố : Thầy nghĩ sao ?
Thầy Tố ngó lại mình : Võ nghĩ sao ?
Nghĩ sao bây giờ. Mình làm một cú tính nhẩm. 200 em, mỗi em một ngày 8 ngàn (chưa được 40 xu Mỹ), một tháng học 25 ngày, vậy là đi đong 40 triệu. Hai tháng hè, sơ sơ 80 triệu tiền ăn, chưa tính sách vở giấy bút, vui chơi cắm trại . . . Rồi tự nhiên liên tưởng đến cô ca sĩ Hà Thanh Xuân, mà Cụ Thân CVK 66 sẽ mời về hát để gây quỹ trong dịp 20/09 tới đây tại thành phố “đẹp nhất hành tinh”, thành phố mà Sáu Cam Tới cố tình đọc trại ra là Dăng Cu Dơ. Hy vọng mỗi lần người đẹp này lên tiếng, hay Cụ Thân hắt hơi, là nuôi được bao nhiêu em học sinh suốt mấy ngày liền.
Đến giờ ăn rồi. Các em nhỏ trước, lớn sau, sắp hàng trật tự, vui vẻ nhận lấy phần mình. Trưa nay được ăn cá, và chút thịt xào với rau. Ngon hơn ở nhà, sạch hơn ở nhà, và no hơn ở nhà. Vậy là sung sướng rồi, cần gì dessert, cần gì gouter. Cũng chẳng cần phải có nhà ăn 1, nhà ăn 2 như hồi xưa trong chủng viện . . . và cũng chẳng có cơm cháy để mà giành nhau.
Nhận phần mình xong, mỗi em kiếm cho mình “riêng một góc trời” mà nhâm nhi, mà tán gẫu. Chiều còn “tranh thủ” học tiếp. Vẫn là “lớp chui” mà, vì chưa bao giờ, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ nhà cầm quyền cho giấy phép hản hoi, nhưng khi nào người ta chưa đưa dân quân & du kích tới giải tán, thì mình cứ tới đây, học được chi thì học. Và vẫn có quyền mơ mộng : Trời hồng hồng, sáng trong trong . . .
Nguyễn Anh Võ