LÀNG VIỆT Ở BIỂN HỒ CAMPUCHIA
tienducchauson
19/09/2014
Diễn Đàn Bạn Đọc
394 Views
Một chuyến du lịch :
LÀNG VIỆT Ở BIỂN HỒ CAMPUCHIA
Trong chương trình tour du lịch Campuchia hôm đầu tháng 8 – 2014, tôi rất mừng vì được ghé thăm :” Biển Hồ và làng người Việt”.
Thật vui vì sau khi thỏa sức ngắm công trình Angkor vĩ đại ở Siem Riep và khám phá Thủ đô Phnompenh, chúng tôi lại được thăm Biển Hồ, lại được gặp người Việt ở chốn quê người.
Con đường dẫn đến Biển Hồ càng đi càng xấu hơn. Càng xa thành phố càng hiện lên những làng xóm thưa thớt hơn và cũng nghèo hơn. Những căn “nhà sàn” theo kiểu nhà chòi cao cẳng, mái lá đơn giản gắn trên những chiếc cột bằng cây gỗ đơn sơ, cao 2-3 m ngày càng nhiều hơn, thay cho những căn nhà xây kiến cố. Với kết cấu kiểu nhà chòi như vậy, dân Biển Hồ mới chống lại được mùa mưa lũ, khi Biển Hồ vươn ra mênh mông nước, rộng gấp hàng chục lần so với mùa khô.
Gần đến Biển Hồ, chúng tôi đã cảm nhận thấy sự nghèo khổ của các ngư dân nơi đây. Hai bên bờ kênh dẫn ra Biển Hồ là những căn nhà, nghèo hơn các nhà nghèo trên đất liền. Trên dòng kênh đục màu phù sa bởi mùa nước nổi, những căn nhà chòi nhấp nhô, khẳng khiu giơ những cột nhà bằng cây chống. Nhà chòi liền nhà chòi, san sát như nhà trên phố. Ăn ở, vệ sinh… tất cả sinh hoạt của gia đình chỉ bó gọn trong những diện tích “siêu hẹp”, ọp ẹp.
Nhà người Việt trên Biển Hồ
Ca nô chở khách du lịch len lỏi giữa hai dãy nhà chòi như đi giữa một thế giới dân tình khác lạ, hoang dã, đen đúa và vất vả. Và khi hướng dẫn viên du lịch người Việt thông báo: “Quý khách hãy xem, hầu hết dân sống trên hồ, kể từ những bờ kênh nối ra Biển Hồ là người Việt Nam”, chúng tôi thực sự sửng sốt. Quá khổ! Quá cơ cực! Đó là những gì du khách chúng tôi cảm nhận được khi thâm nhập vào làng Việt tha hương này,chúng tôi những người Việt đồng hương. tự nhiên thấy nao nao, xót xa và chạnh lòng…
Làng Việt ở đây sinh sống chính bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm,…
Thày giáo cám ơn đoàn đã đến thăm trường
Du khách được hướng dẫn đên thăm một ngôi trường của trẻ em người Việt, trường học là một sà lan nổi, có mái tôn che nắng mưa, có diện tích chung để các cháu học sinh sinh hoạt. Thật xúc động khi thấy các cháu ngồi bệt trên sàn, chờ du khách đến, tuổi từ 7-10, nhỏ thó đen đúa, tóc tai bù xù khét mùi nắng Biển Hồ…Chủ yếu là quần đùi, áo cộc, chân đất…
Các thầy cô từ Việt Nam tình nguyện sang với làng Việt nghèo, lương trông chờ vào sự hảo tâm của mọi người. Có thầy mang cả vợ con từ Tây Ninh, An Giang sang sống chung, đồng cam cộng khổ với các cháu nghèo, với làng người Việt quá nghèo trên miền đất xa lạ. Nhìn cám cảnh này, chúng tôi nghẹn ngào, tim muốn thắt lại, xót xa.
Ngôi trường này cũng là quà giúp đỡ của Quân khu 7, từ bên đất Mẹ Việt Nam, là kết quả sau chuyến đi thăm của lãnh đạo quân khu. Thật sự là nghĩa tình, là trách nhiệm. Không gặp được thày hiệu trưởng Trần Văn Tư mà mọi người quen gọi “Thầy Tư”, chúng tôi được biết thày là người tâm huyết, thương xót các cháu nghèo bằng tấm lòng nhân ái vô bờ.Thầy đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để gầy dựng lên lớp tình thương này, không những ước ao cho các cháu biết chữ, Thầy còn khuyến khích các cháu: “nếu cháu nào đến trường thì sẽ đươc ăn mỗi ngày 3 bữa “mì tôm”!!! Hiện nay đã có 314 em tham gia học lớp tình thương của thầy,(ước tính,chỉ mì tôm thôi, mỗi năm đã lên đến 1 tỷ đồng!) Chính cái tình, cái nghĩa và trái tim nhân ái của thày đã tập hợp được các thày các cô giáo tình nguyện xa quê sang giúp các cháu làng Việt giữa Biển Hồ mênh mông này.
“Bọn em đã hiểu được rằng sang đây không được suy nghĩ đến lương. Hàng tháng trường cân đối các khoản thu chi và chu cấp cho các thày cô một khoản tiền gọi là. Chúng em đã tình nguyện nên không đòi hỏi gì”. Một thày giáo trẻ tâm sự khi được hỏi về chế độ và lương bổng. Thật đáng cảm phục các thày cô! Thật đáng xót xa cho cuộc sống các cháu nghèo nơi đây.
Những con thuyền bé bỏng giữa mặt nước mênh mông của làng chài nghèo, những khuôn mặt trẻ thơ nhếch nhác, đen nhẻm, những ánh mắt vô vọng đang bao vây ca nô chúng tôi, để xin thêm đồng bạc, bất kể tiền gì. Họ không rời ca nô khi chưa có gì trao tay. Vất vả lắm, sau khi chào tạm biệt trường học tình thương đoàn du khách mới thoát khỏi vòng vây của những người đồng hương nghèo khổ xứ Biển Hồ.
Biển Hồ không có gì để xem vì chỉ toàn thấy mênh mông nước. Bờ bên kia xa tít như chân trời không giới hạn. Thăm Biển Hồ chính là thăm cuộc sống của dân làng Việt này ư? Có gì mà thăm ngoài sự nghèo khó, khổ sở của những con người gốc Việt xa quê. Thế mà hàng ngày, hàng tháng, hàng năm biết bao nhiêu đoàn du khách từ khắp nơi đổ về Biển Hồ để nơi đây trở thành điểm đến của mỗi tour.
Thật thương thay cho những con người Việt nơi đây, đã di cư sang đất Biển Hồ theo dòng sông Tiền sông Hậu, ngụ nơi đây, lập nên những làng toàn người Việt. Họ sống độc lập ngoài Biển Hồ, với sóng nước, với con cá con tôm, nhưng không được chấp nhận là người Campuchia dù họ là tỵ nạn, đến bây giờ vẫn chưa ai có CMND hoặc Hộ Khẩu (của Campuchia) Vả lại, dân làng Việt không nói được tiếng địa phương, học hành không có điều kiện nên văn hóa vẫn cứ khác biệt. Rồi cuộc sống cứ thế, trên những con thuyền mỏng manh hay trong những căn nhà ọp ẹp, bao nhiêu cháu bé được sinh ra lớn lên lại làm ngư dân du lịch, cứ luẩn quẩn cái vòng đói nghèo bế tắc. Họ cũng không trở về quê cha đất tổ vì đã lâu lắm rồi, chẳng biết về đâu…Hàng ngàn, hàng ngàn người Việt mất gốc mất cả ngọn, đang sống leo lắt trên Biển Hồ, mù mịt tương lai.
Tạm biệt nhé, Biển Hồ và làng nghèo của người Việt! Tôi rời làng nghèo mà tâm trạng xốn xang. Hoàng hôn chợt nhòa đi trong nước mắt rưng rưng, nước mắt Biển Hồ. Tôi không muốn ngước lên để ngắm hoàng hôn giây phút chia tay, mà cố nheo mắt đọc hàng chữ trên tấm danh thiếp thầy giáo mới trao cho:
“TRƯỜNG HỌC VIỆT NAM NUÔI DẠY TRẺ EM NGHÈO-VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA,
Phnompenh, đầuTháng tám năm 2014
Kim Dung