LỄ CÁC LINH HỒN
tienducchauson
02/11/2014
Hoa thơm cỏ lạ
222 Views
LỄ CÁC LINH HỒN
Theo truyền thống của người dân Hoa Kỳ, hằng năm, vào tối ngày 31 tháng 10 dương lịch, trẻ nhỏ rủ nhau chơi “Đêm Halloween” cũng gọi là trò “Trick or Treat”. Các em từng tốp mang mặt nạ, đến gõ cửa mỗi nhà và nói “Trick or Treat” (cho chúng tôi quà bằng không chúng tôi sẽ phá phách)… Trò chơi này làm cho chúng ta có cảm tưởng như là các linh hồn của những người ở thế giới bên kia hiện về xin bố thí hoặc nhắn nhủ điều gì đó cho những người còn sống trên trần gian.
Tục lệ tối Halloween nầy là dấu vết thời xa xưa còn sót lại của người La-mã dùng để tưởng nhớ người quá cố. Thuở ấy người La-mã có thói quen đúc mặt nạ của người thân mới qua đời để cất làm kỷ niệm. Mỗi khi trong gia đình có người chết thì người nhà phải mang tất cả các mặt nạ hiện có trong gia đình, sắp hàng dài đi trước quan tài, để dẫn đưa người vừa quá cố tới nơi an nghỉ cuối cùng.
Nguyên tiếng Halloween, theo truyền thống Công giáo, bởi 3 tiếng ALL HALOWS’ EVE hoặc EVE OF ALL HALLOWS ghép lại, có nghĩa là “buổi tối áp lễ các thánh”… tuồng như các Thánh trên trời đi diễn hành trước mặt chúng ta để nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến các ngài, nhớ đến công ơn các ngài và thúc giục chúng ta noi gương các ngài trong việc làm con cái Chúa, và một mặt khác nữa là kêu xin chúng ta dâng lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.
Thật vậy, hằng năm Hội thánh Công giáo Hoàn vũ dâng ngày 01 tháng 11 dương lịch để kính mừng Các Thánh Nam Nữ trên trời và dành riêng trọn tháng 11 dương lịch, bắt đầu từ ngày mồng 02, để cầu nguyện cho Các Linh Hồn trong Luyện ngục.
Công Đồng Trentô dạy rằng các linh hồn ở Luyện ngục là thành phần của Hội Thánh cần nhờ đến lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta, những người còn sống. Giáo lý của Hội Thánh về Luyện ngục là điều có sức yên ủi lòng ta và tỏ bày lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa đối với chúng ta. Việc cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục là một việc làm do tình thương thúc đẩy để bù đắp phần nào mối tình và bổn phận phải có đối với các kẻ đã qua đời mà có lẽ khi các ngài còn sống chúng ta đã không chu toàn.
Chứng Tích Về Luyện Ngục:
Những chứng tích về việc các Linh hồn ở Luyện ngục hiện về được Tòa Thánh công nhận thì nhiều lắm. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đơn cử một ít chứng tích, trong nhiều chứng tích, đang được trưng bày tại Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi, Nữ Vương Luyện Hình tại Rôma. Khi có dịp hành hương về Rôma, kính mời quí vị đến kính viếng Vương cung Thánh đường này và ghé thăm phòng triển lãm.
Chứng tích 1: Bạn bè hiện về với nhau
Chúa nhật ngày 05 tháng 3 năm 1871, bà Palmira Rastelli, chị ruột của linh mục Santelli, chánh xứ Thánh Anrê tại Rimini, qua đời ngày 20-11-1870 đã hiện về với bà bạn là Maria Zelanti cũng thuộc giáo xứ Thánh Anrê để xin cầu nguyện và xin nhắn với ông anh linh mục dâng lễ cho mình. Để cho người còn sống vững tin thì linh hồn hiện về đã in dấu 3 ngón tay của mình trên cuốn sách nguyện của bà Zelanti. Dấu lửa in 3 ngón tay trên trang sách đã không thiêu hủy tờ giấy và cũng không làm mất các hàng chữ trên trang giấy.
Chứng tích 2: Vợ hiện về với chồng
Bà Louise Sénéchal, qua đời ngày 7 tháng 5 năm 1878, đã hiện về với chồng là Louis Sénéchal xin cầu nguyện và xin dâng cho bà 5 thánh lễ. Bà đã in 5 ngón tay lửa của mình lên chiếc mũ trùm đầu của chồng bà như là một dấu hữu hình để chồng và các con tin.
Chứng tích 3: Nữ tu hiện về với chị em trong tu viện
Nữ tu Clara Schoelers, Dòng Bênêđitô ở Vinnemberg, Westphalie, qua dời năm 1637 đã hiện về với nữ tu Maria Herendorps ngày 30 tháng 10 năm 1696 (59 năm sau). Để làm bằng chứng, linh hồn hiện về đã in dấu cháy hai bàn tay của mình trên áo khoác làm việc của nữ tu Maria Herendorps và trên một tấm vải trắng.
Chứng tích 4: Mẹ hiện về với con trai
Bà Leleux, trong đêm 21-6-1789, đã hiện về với người con trai là Joseph Leleux ở Wodecq (Bỉ). Bà hiện về 11 đêm liên tiếp để nhắc nhở con bà phải xin lễ cho bà, đồng thời bảo con bà phải sửa mình lại vì anh ta đang sống bừa bãi, khô khan nguội lạnh. Bà cầm tay con và in dấu cháy cả bàn tay bà vào ống tay áo của con. Kết quả là anh đã trở lại sống thánh thiện, lập một hội đạo đức dành cho giáo dân; các hội viên trong hội này đã thi đua nên thánh. Anh đã qua đời cách thánh thiện ngày 19-4-1825.
Chứng tích 5: Mẹ chồng hiện về với con dâu
Nhạc mẫu của bà Magarita Demmerlé thuộc giáo xứ Ellinghen, giáo phận Metz, qua đời năm 1785, và 30 năm sau, năm 1815 đã hiện về với con dâu. Bà buồn bã nhìn con dâu như có ý xin điều gì. Bà Magarita Demmerlé lên tiếng hỏi thì được mẹ chồng cho biết là mình về để xin con (dâu) cầu nguyện cho, bằng cách đi hành hương lên Đền Đức Mẹ ở Mariental. Người con dâu đã làm y như lời mẹ chồng xin. Sau cuộc hành hương ấy bà mẹ chồng hiện về với con dâu một lần nữa và báo cho biết là mình đã được ra khỏi Luyện ngục mà lên Thiên đàng. Bà Magarita xin một bằng chứng thì bà mẹ chồng liền in cả bàn tay mình lên trang sách Gương Phước đang để mở trên bàn. Và từ đó bà không còn hiện về nữa.
Hôm nay là dịp để chúng ta nhớ đến linh hồn những người thân yêu mà Chúa đã gởi đến trong cuộc đời như: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái, cháu chắt, bằng hữu… Ta cũng nhớ đến những linh hồn bị quên lãng không có ai nhớ đến để cầu nguyện cho.
Bà Thánh Monica khi còn sống đã căn dặn con mình là Thánh giám mục Augustinô rằng: “Con ơi, khi mẹ chết rồi, con có thể chôn cất mẹ ở đâu cũng đươc. Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ mà cầu nguyện cho mẹ mỗi ngày khi con bước lên bàn thờ tế lễ Chúa”. Bà Monica khi còn sống đã đạt tới sự thánh thiện trọn hảo mà còn lo lắng cho thân phận mình sau khi chết như vậy.
Nơi một nghĩa trang ở Rôma, bên nước Ý-đại-lợi, ta đọc thấy hàng chữ này bằng tiếng La-tinh: “Hodie Tibi, Cras Mihi” có nghĩa là HÔM NAY BẠN (Hodie Tibi), NGÀY MAI TÔI (Cras Mihi)… nhắc chúng ta nhớ đến Sự Chết. Sự Chết không tha cho một ai cả. Có nhớ đến sự chết, có suy gẫm về sự chết mới biết phải sống thế nào cho đẹp để được chết lành.
Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho người, ngày mai người khác sẽ lại cầu nguyện cho ta: Một sự vay trả, trả vay rất hữu lý. Hôm nay ta cầu nguyện cho các Linh hồn trong Luyện ngục, ngày mai khi được về hưởng nhan thánh Chúa trên trời, các Linh hồn người lành sẽ đền đáp lại cho chúng ta bằng lời chuyển cầu thần thế của các ngài trước mặt Chúa.
Lm Giuse Châu Xuân Báu, CSsR
Lãnh nhận Ân Xá
Trong ngày lễ Các Thánh và lễ Tưởng nhớ các Linh hồn
Tông huấn về Ân xá: Ngày 1.1. 1967, Đức Giáo hoàng Phaolo VI đã định lại các Ân xá
. Số 67. Viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện công hay bán công vào Chúa nhật trước hoặc sau , hoặc chính ngày lễ Các Thánh để lãnh Đại xá cầu cho các linh hồn hiện đang bị giam cầm trong luyện ngục.
. Số 13. Viếng nghĩa địa cầu hồn trong vòng 8 (tám) ngày đầu tháng 11. Viếng các ngày khác chỉ dược tiểu xá.
Điều kiện lảnh ân xá:
1. Phải đọc kinh hay làm việc Giáo hội dạy để lảnh ân xá. Trước khi đọc kinh hay làm việc ấy phải giục lòng ăn năn chê ghét dốc lòng chừa mọi tội trọng , tội nhẹ đã phạm(Tông huấn ân xá số 26)
2. Phải xưng tội ít nhiều ngày trước hoặc sau ngày lãnh đại xá, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng là đọc môt kinh Lạy Cha, một kinh kính mừng , hay một kinh nào khác tùy lòng đạo đức của mỗi người.
NGHĨA ĐỊA NÀO CŨNG ĐƯỢC
ÂN XÁ DÂNG CHO CÁC LINH HỒN trong tháng 11
Trong sách Giáo Lý Công Giáo số 1479 có nói: Vì những tín hữu qua đời đang chịu thanh luyện cũng là thành phần của cộng đoàn Dân Thánh, một trong những cách chúng ta có thể giúp họ là nhờ các ân xá để họ được tha các hình phạt tạm thời trong luyện ngục.
Theo qui định của Giáo Hội, từ trưa ngày 1 đến 12 giờ tối ngày 2 tháng 11, ai viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện, đọc 1 kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha thì được hưởng 1 ơn đại xá, với điều kiện thường lệ là xưng tội, rước lễ.
Từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 11, ai đi viếng nghĩa trang (nhà Bình An của giáo xứ hoặc nghĩa trang nào cũng được) cầu nguyện cho các linh hồn, với điều kiện thường lệ là xưng tội rước lễ, thì được hưởng 1 ơn đại xá dành cho các linh hồn nơi luyện ngục.
Các ngày khác trong năm kể cả trong tháng 11, nếu đi viếng nghĩa trang và cầu nguyện cho các linh hồn thì được ơn tiểu xá.
Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp