Lòng tốt của chúng ta đang bị đánh mất!!!
Lâu nay, hình ảnh của người VN chúng ta, ít nhiều đã bị bêu rếu trên thông tin mạng toàn cầu. Ví như như người Nhật cảnh báo trong siêu thị bằng tiếng VN: “Ăn cắp sẽ bị xử phạt nặng”. Người Thái trong cửa hàng Buffet cũng cảnh báo bằng tiếng Việt: “Lấy thức ăn vừa đủ dùng, lấy thừa sẽ bị phạt 100 bạt…”. Những thông tin đó, làm đau lòng và tổn thương danh dự cho người VN chúng ta, để chẳng còn mặt mũi nào mà ngẫng cao đầu nhìn ra thế giới. Thậm chí, một vị trong Giáo Phẩm Công giáo VN đã thốt lên: “Mỗi lần đi ra nước ngoài, tôi cảm thấy nhục nhã khi mang quốc tịch VN”.
Nhưng có một sự kiện đáng xấu hổ cho người VN hơn, mà cả thế giới cũng phải ngỡ ngàng khi các trang mạng xã hội đồng loạt đưa lên hình ảnh xấu xí về chiếc xe chở bia gặp nạn ở vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai.
Số là anh tài xế lạc tay lái, làm đổ hàng trăm thùng bia, khiến hàng ngàn lon bia vung vãi ra khắp bùng binh. Tai nạn xảy ra nhưng lại vẫn an toàn, không gây thương tích chết chóc cho một ai. Cái không an toàn là lòng tốt của con người đã bị tai nạn.
Và một quang cảnh hỗn độn xẩy ra như đàn ong vỡ tổ, khi bia đổ ra đường, không ai bảo ai, hàng chục người rồi đến hàng trăm, hàng ngàn người xúm vào hôi của chất lên xe máy, lên xe ba gác…đem về dùng hoặc kinh doanh, trước sự tuyệt vọng của người tài xế lạy lục van xin, nhưng chẳng ai động lòng trắc ẩn để dừng lại hành động hôi của. Mọi người tranh nhau chụp giật những lon bia ngỗn ngang ở bùng binh đã đành, lại còn leo lên xe ăn cướp những thùng bia con nguyên trên xe…Họ đâu biết rằng anh tài xế sẽ lãnh đủ hậu quả: phải bồi thường số bia bị đánh mất cho công ty hàng tỷ đồng.
Báo chí VN và rất nhiều cư dân mạng lên face book đã cực lực lên án hành động hôi của, và họ cho rằng: Đây đúng là một vụ ăn cướp hơn là hôi của, vì hành động lấy cắp giữa thanh thiên bạch nhật, mà lại ăn cướp tập thể một cách hồ hởi phấn khởi, chứ phải đâu một vài người gì cho cam. Và những người lấy cắp tự biện minh rằng: họ chỉ nhặt của rơi, chứ đâu có ăn cắp. Tôi không nhặt thì người khác cũng nhặt. Họ quên mất khái niệm “nhặt của rơi”: khi người đánh rơi của đã đi xa, không có mặt ở tại nơi rơi của, để người nhặt trả lại. Đằng này, bia vừa rơi xuống, anh tài xế can ngăn hết người này, đến người kia, bất lực để anh quỳ xuống lạy xin, mà chẳng ai động lòng thương xót. Sao lại bảo là nhặt của rơi được!?
Vụ đánh cướp tài sản tai tiếng xấu xí trên, chỉ là một trong những vụ đánh cướp xẩy ra nhan nhãn hàng ngày trong cuộc sống. Hôi của khi có đám cháy, lợi dụng khi chủ nhà còn hốt hoảng bưng bê ra, thì những người đi đường đã “nâng nhẹ một tay” đem về cất dùm cho nạn nhân cháy nhà. Trên báo mạng còn kể rằng: Giữa tháng 10 vừa qua, một người đàn ông bị cướp tại TPHCM. 50 triệu đồng mệnh giá 500.000 đồng của ông bị giằng co rơi ra đường. Ông đã chống lại được 4 tên cướp để không bị mất tiền, nhưng ông không thể chống lại một đám đông xông vào cướp tiền của ông rơi trên đường. Ông bất lực nhìn tiền của mình bị cướp, mà những kẻ cướp đó nhân danh là người lương thiện chỉ tình cờ nhặt được của rơi”. Thế thì còn gì để phải nói nữa đây!!?
Qua vụ hôi của hay nói cách khác là “vụ ăn cướp trắng trợn” đó, tôi và bạn, chúng ta thử đặt mình khi đứng trước hiện trường đó, và chúng ta có làm theo cái cách thông thường của mọi người không? Có lẽ, một cách nào đó, mỗi chúng ta sẽ lấy một thùng bia hay mấy lon bia về uống chơi mà không nghĩ rằng: mình đang ăn cướp hoặc hôi của phải không ạ! Bởi hành động đó, gần như một phản xạ tự nhiên của người Việt mình. Họ đánh rơi thì tôi nhặt. Nhưng phải đến khi những hình ảnh lên báo giới truyền thông mạng với những lời chỉ trích gay gắt “hành động xấu xa” phi nhân bản, thì mỗi người chúng ta mới thấy việc làm hôi của đó là đáng xấu hổ với lương tâm.
Có một điều đáng suy nghĩ là, tại sao người Việt chúng ta lại trở nên tham lam và vô cảm trước những bất hạnh của người khác? Phải chăng là do một nền giáo dục thực dụng, phi đạo đức đã tạo thành những con người robot thiếu nhân tính như thế!?
Tại sao nước Nhật trước thảm họa sóng thần, chẳng những không thấy cảnh hôi của, mà người dân còn thể hiện tinh thần tương trợ nhau một cách cao đẹp, đến cả thế giới cũng ngã mũ thán phục! Đáng biểu dương cho một dân tộc có nghĩa cử nhân bản cao cả, đáng để cho dân tộc chúng ta noi theo.
Tại sao lòng tốt của chúng ta đang bị đánh mất? Nguyên nhân nào lại bị đánh mất? Trong cái xu thế xã hội hiện đại, cá nhân con người được đánh bóng, được đề cao: tôi là tất cả, tôi là cái rún của vũ trụ, để cuối cùng họ sống cho cái tôi của riêng mình, hưởng thụ cho riêng mình, và cái câu “mình vì mọi người” đã được đảo ngược, “mọi người vì mình”. Và châm ngôn sống là vị kỷ, vị lợi cho cái tôi. Mọi khái niệm đạo đức, sống cho mọi người, sống vô vị lợi chỉ là sản phẩm đạo đức xa xỉ mà thôi. Và rồi, họ sống cách biệt “ốc đảo”, sống vô cảm, sống vô tâm với câu slogan “makêno” (mặc kệ nó), sống chết mặc bây, cốt sao cho cơm no ấm cật, vinh thân phì gia cho một mình ta là được.
Từ đó, họ đánh mất con người nhân bản, mất tình liên đới tha nhân, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, đánh mất tinh thần tương thân tương ái: “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…
Ngay cả người Công giáo chúng ta cũng đang dần đánh mất lòng tốt, vì chúng ta đang dần lãng quên những thói quen đạo đức: Đọc kinh tối, đi lễ hàng ngày, giữ 10 điều răn…Và quên mất: Thứ bảy chớ lấy của người!! Thứ 10 chớ tham của người!!…rành rành ra đó!
TS Nguyễn Sĩ Dũng đã nói trong buổi mạn đàm trên VTV: “Một công dân sống tuân thủ pháp luật, không tạo nên con người có được một ý thức tự giác của lương tâm thiện hảo, tốt lành; bởi con người đó sẽ chỉ đối phó để tránh làm điều ác khi có mặt pháp luật mà thôi, nếu khi không có mặt công an tại hiện trường đó, thì con người vẫn phạm pháp để hôi của. Chỉ có đạo đức tôn giáo mới có thể tạo cho chúng ta một ý thức lương tâm đạo đức là, luôn cảnh giác với điều xấu!”.
Rất mong quý bạn đọc quan tâm về vấn đề này, để có dịp soát xét lại lương tâm của chúng ta, hầu mong mỗi người sẽ sống ý thức là, luôn cảnh giác với điều xấu, điều ác đang được bọc đường trong cuộc sống.
Bao giờ cho chúng ta thấy được một hình ảnh đẹp của người VN, động lòng trắc ẩn trước những thảm cảnh khốn khó của tha nhân, để cùng nhau xúm lại nhặt nhạnh bia rơi và chất lên xe cho người tài xế, để thể hiện tinh tương thân tương ái, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Và khi đó, quả thật, chúng ta có một đất nước an lành và đáng sống biết bao!!!
Đoàn Hư Trúc
Bình luận