Bệnh vô cảm nguy hiểm hơn Ebola Hầu như cả thế giới ngày nay đang lo sợ bệnh Ebola lây lan khá mạnh. Nhưng dù sao nó cũng là thứ bệnh thuộc về thân thể hay thuộc về vật chất, một ngày nào đó nó sẽ được chữa lành như bao nhiêu thứ bệnh dịch khác con người đã trải qua. Còn bệnh vô cảm là thứ bệnh trong tâm con người, khó có thuốc nào trị lành nếu xã hội không thay đổi và chính cái TÂM con người phải tự chữa trị. Bệnh vô cảm trong hệ thống công quyền thể hiện ở sự thờ ơ, ở các chiêu gây khó khăn, cản trở, thấy việc cần phải làm nhưng không làm hoặc đặt ra những đòi hỏi trái khoáy, cố tình kéo dài để vụ lợi… khiến người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khi đến hệ thống công quyền đều không hài lòng, thậm chí bất bình. Không thiếu những “công bộc” buộc dân phải đến trình bày lần này lượt khác, tìm cách vòi vĩnh rồi mới giải quyết. Và còn hàng ngàn những thí dụ khác bất chấp quyền lợi của dân, dù là dân nghèo mạt rệp, buông mặc những cuộc sống lay lắt chở chết để mưu quyền lợi cho bản thân và phe nhóm của mình. Nó cũng y chang cái kiểu khi vào bệnh viện cấp cứu, không có tiền thì cứ việc nằm ngoài hè chờ chết. Dư luận gần đây nóng lên sự vô cảm, tắc trách của nhân viên y tế dẫn đến cái chết oan uổng của người dân. Thầy giáo gạ tình với nữ học sinh để đổi lấy điểm. Rồi những vụ oan sai nghiêm trọng trong ngành tư pháp cho thấy bệnh vô cảm đang diễn ra cả trong những lãnh vực cứu người, dạy người và bảo vệ công lý. Như vậy, trên bình diện xã hội, bệnh vô cảm đã phản ảnh sự suy giảm nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội. Nó làm cho con người không dám tin vào điều thiện, không dám đứng lên chiến đấu chống cái xấu và cái ác. Cái thiện và cái tốt sẽ bị cái xấu, cái ác tấn công, xâm hại; lẽ phải bị phủ nhận, công lý bị đẩy lùi. Và cái đáng lo sợ hơn chính là người ta coi đó như một chuyện bình thường, bởi quanh mình ai cũng như thế cả. Người ta có thể thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, người ta coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt hoặc một vụ cướp giật trên hè phố, mặc dù việc đó xẩy ra sờ sờ trước mắt. Một vụ tai nạn trên đường vắng, nạn nhân nằm trên vũng máu, xe gây ra tai nạn đã bỏ chạy mất tăm, còn bao nhiêu xe khác vẫn vun vút lao qua vì “quá bận,” “quá vội”… Thậm chí, một chiếc xe chở hàng bị nạn, nhiều người còn xúm lại tranh nhau hôi của. Ghê sợ hơn, chuyện tài xế xe hơi gây tai nạn còn cố tình quay xe lại cán hoặc chèn cho người ta chết hẳn để đền một thể, vì họ nghĩ rằng, nếu còn sống mà bị thương tật, họ phải nuôi dưỡng, tổn phí gấp nhiều lần, vậy mà nhiều người vẫn chỉ biết trơ mắt ra đứng nhìn. Nếu là căn bệnh xã hội thì nguyên nhân tổng hợp bao gồm các yếu tố mang tính xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị. Câu “thành ngữ” “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” hoặc nói như mấy cậu thanh niên là cứ theo “chủ nghĩa Mắc Kê Nô” đã phổ biến trong xã hội khi con người vì tư lợi cá nhân. TS. Tô Văn Trường, thành viên Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước của Bộ Khoa học – Công nghệ cho rằng: “Ở nước ta hiện nay, bệnh vô cảm gần như trở thành một căn bệnh xã hội có sức lây nhiễm cao. Đối tượng mắc bệnh này rất rộng rãi, đủ loại người, bao gồm cả những người có học, hiểu biết rộng, tôn trọng luật pháp.” (VienDongDaily.Com – 25/10/2014)Văn Quang – Viết từ Sài Gòn |
Check Also
Tiền bạc có thể mua cả triệu thứ, nhưng tiền bạc không mua nổi một thứ!!!!
Xin hãy ghi nhớ, bao nhiêu tiền bạc cũng không mua nổi một ngày Trên …