Suy niệm 1: ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ
Qua những nguồn tin trên các trang mạng, chúng ta thấy: Đức Thánh Cha Phanxicô đang được cả thế giới tôn vinh và khen ngợi. Nhân loại ca ngợi ngài không phải ở khả năng tri thức vượt trội, cũng không phải vì những triết thuyết cao siêu, hay uy tín vốn được gắn với tước vị Giáo hoàng từ bao đời… Nhưng người ta kính nể vì Đức Giáo Hoàng là một con người bình dân. Ngài sẵn sàng xuống đường để ôm hôn một người dị tật, một em bé đang muốn tâm sự. Ngài cũng khước từ những điều sang trọng cần có đối với một vị lãnh tụ tinh thần của Giáo Hội. Ngài cũng không ngần ngại đứng xếp hàng để nhận cơm tại một quán ăn và cũng không có khoảng cách khi cùng ngồi ăn với những công nhân sửa ống nước tại Vatican. Ngài cũng là một người sống tinh thần nghèo khó khi lựa chọn những phương tiện đơn giản nhất, hoặc công cộng để di chuyển…
Tất cả những điều đó cho thấy: Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ưa được dành quyền đặc lợi cho mình, mà sẵn sàng trong thái độ của người phục vụ, tôi tớ… Ngài đã làm những chuyện đó là vì ngài muốn làm mọi việc cho vinh quang Chúa được tỏ hiện thay vì cho mình được nổi trội.
Thực ra trong thế giới hôm nay, sự mong muốn được an thân, khao khát được sung sướng và thái độ cầu an cũng như mong muốn được phục vụ đang kéo dần người Kitô hữu đi theo như cơn lũ bão… Nhưng thử hỏi: liệu những cung cách đó có làm cho khuôn mặt của Đức Giêsu được sáng tỏ hay không? Phải chăng nó đã làm cho Ngài bị lu mờ qua những cái bóng của sự tự kiêu, ích kỷ…
Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt đúng với tư cách là môn đệ của Chúa. Luôn noi gương Chúa đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ. Luôn yêu mến đời sống đơn giản vì ích lợi cho mình và người khác. Luôn chu toàn bổn phận của mình trong tư cách là người tôi tớ.
Cần nhớ một điều rằng: chỉ khi nào chúng ta từ bỏ mình, sống tinh thần phục vụ, chúng ta mới trở nên mình hơn và giống hình ảnh của một vị Thiên Chúa đến để phục vụ vì ích lợi của con người.
Chính Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Vui mừng và hy vọng” đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: “Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi”. Điều này cũng được thánh Phanxicô Assisi đã tâm nguyện qua kinh hòa bình: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng: chỉ khi chúng con hiến thân phục vụ trong vai trò là người tôi tớ, chúng con mới tìm lại được chính bản thân mình cách trọn vẹn. Amen.
Suy niệm 2
Đọc Lời Chúa hôm nay, dường như muốn nói riêng với những người có vai trò phục vụ cộng đoàn; đặc biệt là các linh mục tu sĩ. “Đi cày” là đi rao giảng Tin Mừng. “Chăn chiên” là lo cho các Kitô hữu sống đạo. Và“hầu bàn” là việc phục vụ bàn thánh, cử hành các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể.
Tuy nhiên, suy niệm cho kỹ mới thấy những điều trên đây cũng thích hợp để nói đến vai trò của người giáo dân nữa. Ý muốn nói rằng mỗi người khi đã chu toàn công việc bổn phận của mình đối với Chúa, đối với tha nhân, thì đừng vội mà tự đắc, đừng vội mà lên mặt tự hào; nhưng hãy khiêm tốn thưa với Chúa: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.
Con người rất dễ vênh vang tự đắc vì những thành công hay những việc làm của bản thân; rất hay quy những thành công về bản thân của mình, mà quên rằng đằng sau mỗi thành công đều có sự trợ giúp của Chúa. Chúa không giúp ta một cách nhãn tiền, nhưng qua rất nhiều trung gian, anh em, người thân, bạn bè, sức khỏe,…
Người đời có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”; và Thánh Phaolô cũng nói trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” (1Cr 3, 6). Vậy thì trước những thành công, con người có gì để mà tự đắc? Thực sự như vậy, tất cả đều nhờ ơn Chúa cả, nếu không Chúa thì chúng ta không thể làm gì được; như lời Chúa Giêsu từng nói:“Không có thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5 )
Lẽ dĩ nhiên, Thiên Chúa quyền năng có thể làm được mọi sự, nhưng vì yêu thương, Ngài vẫn luôn luôn mời gọi sự cộng tác của chúng ta. Bổn phận của chúng ta là phục vụ Chúa qua tha nhân trong tinh thần hết sức khiêm tốn. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm phục vụ người khác và chắc hẳn ai cũng cảm nhận được niềm vui khi phục vụ – rất vui, rất hạnh phúc! Vậy tại sao chúng ta không tận dụng mọi cơ hội để làm điều đó? Hơn nữa, phục vụ mang lại hạnh phúc cho người xung quanh và cho chính mỗi người chúng ta; bởi phục vụ tha nhân cũng chính là phục vụ Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con, cho con được sống và lớn lên mỗi ngày, xin cho con luôn biết sống cho Chúa, phục vụ Chúa và tha nhân; và sau khi phục vụ, chúng ta cũng biết khiêm tốn thưa lên cùng Chúa: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Amen!
Suy niệm 3: CON CHỈ LÀ ĐẦY TỚ VÔ DUYÊN!
“Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10)
Suy niệm: Mọi việc làm cho người khác đều phát xuất từ bổn phận. Trong gia đình, một người con phải làm việc nhà và vâng lời cha mẹ, đó là việc bổn phận của em. Vợ chồng chia sẻ cho nhau, chăm lo con cái, đó là điều họ đã cam kết khi thành hôn. Người anh, người chị giúp đỡ em mình, điều đó chẳng có gì lạ, bởi họ phải làm việc bổn phận. Đối với người khác cũng vậy, những việc hy sinh chúng ta phải làm để cầu cho các linh hồn trong luyện ngục là những đòi hỏi của bổn phận đối với các ngài. Cũng thế, những việc Ki-tô hữu phải làm là những việc do bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân đòi buộc. Thiên Chúa không mắc nợ con người; trái lại, những việc con người làm là do đòi buộc của lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Càng trưởng thành, con người càng biết ơn Đấng ban ơn cho mình. Vậy có gì mà chúng ta cao ngạo như thể đang làm ơn cho Chúa hay trách cứ Ngài không trả công xứng đáng? Thực ra, như lời Chúa quả quyết, chúng ta đang làm công việc của một người thuộc về Chúa. Chu toàn bổn phận như thế đã là vinh dự cho Ki-tô hữu, bởi họ được nên tôi trung của Ngài.
Mời Bạn ý thức rõ ràng rằng: Tôi chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa, tôi phải nỗ lực tìm kiếm thánh ý Chúa để thi hành, chứ không đòi Chúa làm theo ý tôi.
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa lời cảm tạ sau khi bạn làm một việc tốt lành do Lời Chúa đòi hỏi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô duyên, nhưng xin Chúa hãy cứ dùng con cho những công việc của người đầy tớ Chúa.
***
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa đã đến thế gian để yêu thương và phục vụ chúng con. Chúa chọn sự khiêm cung nhỏ bé để trở nên mọi sự cho chúng con. Chúa chấp nhận từ bỏ chính mình để mặc lấy thân phận phàm nhân đề hòa nhập vào giòng đời của chúng con. Chúa còn từ bỏ chính mình để trở thành tấm bánh nuôi dưỡng chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con biết đền đáp tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con.
Nhưng Chúa ơi, sao tình yêu chúng con còn quá nhiều toan tính thiệt hơn với Chúa. Cách sống của chúng con còn quá vô tâm, tựa như người con bất hiếu với cha mẹ mình. “Mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày”. Chúng con tính toán từng giây với Chúa. Giờ kinh chúng con đọc chiếu lệ cho qua. Thánh lễ chúng con dâng còn thiếu trang nghiêm sốt sắng. Lòng trí chúng con còn bộn bề với biết bao công việc sinh sống, vui chơi, giải trí. Chúng con dành thời gian cho Chúa quá ít. Xin tha thứ cho những thiết sót của chúng con. Xin giúp chúng con biết dành thời gian để cầu nguyện với Chúa, để tạ ơn về những ơn lành Chúa ban, và để cầu xin ơn Chúa xuống trên cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa, Chúa đã nêu gương cho chúng con về tinh thần phục vụ trong khiêm tốn âm thầm. Xin cho chúng con biết phục vụ nhau trong tinh thần đơn sơ và quảng đại ngõ hầu danh Chúa được cả sáng trong đời sống phục vụ của chúng con. Amen
Ý CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO THÁNG 11
– Ý chung: Cầu cho những người cô đơn được cảm thấy Chúa gần gũi và nhận được sự trợ giúp của tha nhân.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các chủng sinh và tu sĩ trẻ có được những nhà đào tạo tài giỏi và khôn ngoan.
LAOGIACALI SƯU TẦM
Bình luận