Lá thư tuyệt mệnh của Linh mục Phê Rô Trần Đức Sâm

Chúng tôi xin đăng lá thư tuyệt mệnh này, vì Linh Mục Phê Rô Trần Đức Sâm là một người con thân yêu của Giáo xứ Châu Sơn.

Đúng lúc xẩy ra chiến cuộc 12.1974, ngài đang là chánh quản nhà thờ chính tòa Phước Long. Ngài đã làm trọn sứ mạng của người mục tử – chăn dắt đàn chiên, mà Giáo Phận BMT đã trao trọng trách để cùng sống và đồng lao cộng khổ với người giáo dân mình qua cuộc chiến đó, dẫu rằng, cuộc chiến lúc đó đang đến lúc rất cam go, lửa khói binh đao vô tình với bất kể ai. Và cái chết mà ngài đã cầm chắc trong tay, như chính ngài đã dự báo trước trong lá thư tuyệt mệnh gửi cha Cao Văn Luận. Ngài đã hoàn thành sứ mạng mục tử là, chết cho đoàn chiên của mình, khi nằm xuống trên mảnh đất thân thương Phước Long.

Phải rất lâu, gần 40 năm, thân xác ngài đã phải  vùi lấp lạnh lẽo cô quạnh nơi chốn lau lách hoang vắng núi rừng một mình…

Và nay, cùng với người thân và giáo dân GX Phước Long, đã không quản ngại gian khó để đưa xác thân ngài  về  nơi yên nghỉ ấm áp trong vòng tay con chiên tại nghĩa trang GX Phước Long.

Xin Chúa, vì nỗi đau hiến tế của ngài mà sớm đưa cha về cõi vĩnh phúc ấm áp trong vòng tay Chúa Nhân Từ.

Con dân GX Châu Sơn, xin nghiêng mình kính cẩn thắp lên nén hương lòng, để tưởng niệm và tri ân đến cha Phê Rô, vì những đóng góp to lớn của cha đối với GX Châu Sơn và GP BMT.

Sự kiện lịch sử 30.4: Nhìn từ nhiều phía

Kỳ 10:

Lá thư tuyệt mệnh

của Linh mục Phê Rô Trần Đức Sâm

Sư kiện: Sự kiện lịch sử 30.4: Nhìn từ nhiều phía

thu tuyet menh cua linh muc Tran duc Sam

Chiến dịch đường 14 – Phước Long (1.1975)

Trong các tài liệu thâu giữ từ dinh Độc Lập và Phủ Đặc ủy trung ương tình báo của chính quyền Sài Gòn có lá thư tuyệt mệnh của linh mục Trần Đức Sâm viết từ mặt trận Phước Long (hồ sơ số 568 – Font ĐIICH)…

Thư viết đúng dịp lễ Giáng sinh – gửi linh mục Cao Văn Luận:

         Phước Long ngày 25.12.1974

         Kính trình cha Chính,

Tuyệt vọng rồi cha Chính ơi ! Sáng ngày 19.12 (1974), con đã gọi điện kêu cứu cha chính là vì thấy Đức Phong, cầu 37, Bù Na, cầu 111, Bố Đức, đã mất hết, còn quanh Tỉnh một hai cây số có Việt Cộng xuất hiện (…) Chiều 19, con thúc Hội đồng Tỉnh nhóm họp và mời đại tá (tỉnh trưởng) đến để cùng xét lại tình hình. Suốt hơn hai tiếng đồng hồ con đã tay đôi đấu khẩu với đại tá, con đã nói thẳng cho ông biết tình cảnh đồng bào, tinh thần của lính, sĩ quan qua những sự kiện cụ thể. (…) Bố Đức vừa là quân lỵ mới, vừa là trung tâm tỵ nạn – sau khi giải tỏa được 3 ngày, sang Chúa nhật 22 lại bị đánh và 4 giờ chiều thì bị tràn ngập, bỏ chạy tán loạn. Xứ Phước (?) sang thứ hai cũng mất luôn. Thế là Phước Long chỉ còn chút quân lỵ Phước Bình và tỉnh lỵ Phước Long mà thôi. Hiện nay Việt Cộng đặt đại liên và hỏa tiễn phòng không nhiều nơi, nhất là dọc từ Bố Đức về Phước Bình. Mỗi lần máy bay lên là nó bắn. Lúc 11 giờ một chiếc C 130 lên tiếp tế vừa décoller thì bị hỏa tiễn (bắn) cháy, lao đầu xuống tan tành.

Thấy thiết giáp T54, súng phòng không, xe molotova chạy cả đoàn, đồng bào, quân đội, và sĩ quan đều chỉ nghĩ đến chuyện một chạy hai chết ! Ông Tỉnh (tỉnh trưởng) không dám nói thật với thượng cấp nên tìm cách che giấu, không cho đồng bào đi, chúng con can thiệp cũng có cấp giấy đi máy bay nhưng dặn không cho ai (theo) lên máy bay. Đồng bào kéo nhau đến bãi đáp chờ cả tuần mà không đi được. Một số công chức, nhà giàu, họ hối lộ với phi công gunship thì thoát thân được với giá hai ba chục ngàn một người. Thế thì con nhà nghèo sao đi được.

Sau khi thấy CIA ở Biên Hòa gọi nhân viên ở Phước Long về, chúng con biết là họ được (lệnh) bỏ Phước Long và con đã xin giấy cho thầy giảng (…) chạy , nhưng chờ chực 3 ngày mà chưa đi được. Còn con chưa giải quyết được, vì giáo dân chưa đi nên cầu cứu – từ sáng Chúa nhật tất cả giáo dân Bố Đức, Phước…(?), chạy luôn về tỉnh hết. Thật là bi thảm, chết đến nơi, phen này họ cần sự hiện diện của chúng con, nên chúng con đã cam kết với đồng bào là nếu đồng bào không đi được thì chúng con sống chết như họ.

Nghe ngóng đài BBC, Manila, thì chắc chắn là Phước Long sẽ mất… Hiện nay nhìn vào tình hình Việt Cộng, nhìn vào tinh thần lính (Sài Gòn), nhìn vào sự tăng viện nhỏ giọt của quân đoàn, không ai có thể tin là Phước Long cầm cự nổi nếu bị đánh. Tất cả vợ con từ đại tá đến các ty sở đã đi từ một vài ngày đầu nổ súng. Như vậy không cho dân chạy, định giao luôn cho Cộng sản sao ! Chúng con biết lúc này chính phủ không có khả năng nuôi dân tỵ nạn nên không dám tổ chức di tản như năm 1972 (mùa hè đỏ lửa), nhưng ít nữa (hãy) cho dân chạy và họ tự kiếm chỗ ăn ở. Số lính ít ỏi quân đoàn vừa cho lên Phước Long là lính sư đoàn 5, bạc nhược và thua ở Snoul, mệt mỏi nơi chiến trường An Điền, nên chả làm được gì.

Ông Tỉnh nay đang bị dân oán, công chức, quân nhân ghét, làm sao có thể giữ nổi mảnh đất còn lại trước sức mạnh dồi dào về vũ khí lẫn tinh thần của Việt Cộng.Tuyệt vọng, con đã dọn mình chết, đã làm testament và chờ chết – chờ lọt vào tay Việt Cộng và chỉ hy vọng 1% chạy thoát và sống sót khi Việt Cộng tấn công. Đến đây chắc cha Chính biết tinh thần con bị căng thẳng đến độ nào rồi. Nhưng thưa cha Chính, đức tin đã trấn an con, nay con đã chấp nhận và sẵn sàng….

         Xin cha Chính thương.

Con (Trần Đức Sâm)

Đến nay, bức thư trên là tài liệu góp phần thông tin chính xác về mặt trận Phước Long ngày ấy và phản ánh phần nào một số nội dung chính trị xã hội liên quan.

Nhận thư ngày 27.12.1974, linh mục Cao Văn Luận đã gửi bản sao lá thư đến tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, kèm theo mấy dòng sau (ghép chung hồ sơ số 568 – font ĐIICH: Đệ nhị Cộng hòa – Trung tâm lưu trữ quốc gia II – TP. HCM):

         Sài Gòn ngày 27.12.1974

Kính thưa Tổng thống, tôi xin phép đệ trình tổng thống bản sao bức thư của cha Trần Đức Sâm, chánh xứ tỉnh lỵ Phước Long mà tôi vừa nhận được chiều nay do thầy giảng của cha Sâm mang về, để tổng thống biết rõ hơn tình hình bi đát của Phước Long. Nếu còn có thể, xin tổng thống cho lệnh di tản dân chúng theo nguyên vọng của họ.

         Trân trọng kính chào tổng thống (ký tên) –  Cao Văn Luận.

Cao Văn Luận thụ phong linh mục khoảng 1938-1939, học Trường sinh ngữ Đông Phương Paris 1942-1945, dạy Triết tại trường Quốc Học – Huế từ 1949. Ông đứng ra vận động thành lập Viện Đại học Huế và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Đại học Huế từ 7.1957 cho đến ngày bị chế độ Ngô Đình Diệm cách chức vì lý do đã để phong trào sinh viên Huế đấu tranh chống đàn áp Phật giáo. Sau ngày nhà Ngô sụp đổ, linh mục Cao Văn Luận tiếp tục làm Viện trưởng Đại học Huế và từ chức vào tháng 9.1964. Từ đó ông giảng dạy tại Đại học Sư phạm Sài Gòn cho tới năm 1975. Là một giáo sư tận tuỵ, người mở đầu của nền đại học khu vực miền Trung, ông được giới trí thức miền Nam quý trọng. Ông mất tại Chicago (Mỹ) năm 1986, thọ 76 tuổi. Lá thư tuyệt mệnh của linh mục Trần Đức Sâm gửi ông đã được ông chuyển ngay đến Nguyễn Văn Thiệu như đã nói trên.

Nhưng Thiệu đã không đáp ứng. Và rồi, như cách diễn đạt của các đài phương Tây, toàn bộ tỉnh Phước Long đã “hoàn toàn do Cộng sản kiểm soát kể từ ngày 6.1.1975”– trở thành ngòi pháo làm bùng nổ dây chuyền các mặt trận tiếp đó, dẫn đến sự kiện 30.4 vào bốn tháng sau. Còn lúc ấy – ngay khi tiếng súng vừa dứt – Hà Nội luôn chờ đợi câu trả lời về hiệu quả của đòn “trinh sát chiến lược” giáng vào Phước Long do một điệp viên ngoại hạng từ Sài Gòn gởi ra: Phạm Xuân Ẩn… (còn nữa)

Giao Hưởng

Check Also

CÁO PHÓ: ÔNG CỐ GIUSE TRẦN BÍCH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …