GIAO THỪA VÀ NHỮNG NỖI NIỀM TRĂN TRỞ…

GIAO THỪA

VÀ NHỮNG NỖI NIỀM TRĂN TRỞ…

Đến hẹn lại lên…dễ có đến 6,7 năm nay, cứ vào dịp giao thừa, nhóm thân hữu chúng tôi lại tề tựu tại nhà anh Hiền (Chúc) để đón tết. Một khoảnh khắc linh thiêng giao thời, như để tiễn đưa năm cũ đã qua và đón chào một năm mới lại đến. Hy vọng một mùa xuân mới tràn trề bao ước mơ sẽ được hiện thực trong năm Bính Thân…

Năm nay, có vẻ như chị Đông nhà ta vẫn còn tiếc nuối để giữ lại cái lạnh lẽo buốt giá cho đến tận giao thừa, và dường như chị chẳng muốn bàn giao cho Chúa Xuân một mùa xuân ấm áp theo đúng hạn kỳ của con tạo xoay vần thì phải!!??

Đang ấm êm trong chăn nệm, nằm xem chương trình GẶP GỠ CUỐI NĂM của VTV với những khuôn mặt danh hài quen thuộc phía Bắc. Những diễn biến thời sự tiêu cực của một năm qua về các lãnh vực: Xã hội, Kinh tế, Y tế, Giao thông…đều được đưa ra châm biếm, trào phúng trong sự hài tếu sửa lưng, kê tủ đứng, xen kẻ với những màn tạp kỹ ca múa…Nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, hình như nhà nước cho các nghệ sĩ cứ thỏa thích bếu rếu, châm chích, hài tấu cho sướng miệng về những vấn nạn tiêu cực của xã hội và nhà nước…Để người dân nghe cho sướng tai và tỏ ra nhà nước ta dân chủ, nhưng thực ra cũng chỉ là chiêu trò mỵ dân mà thôi. Nhưng rốt ráo, đâu cũng vào đấy!!! “Tham nhũng vẫn cứ ổn định” như từ mà táo quân trình lên Ngọc Hoàng… “Vệ sinh thực phẩm không an toàn vẫn cứ hoành hành với những trò ma thuật: thịt thối hóa ra tươi, thịt heo hóa thịt bò…”. “Tai nạn giao thông vũ như cẩn”…

Bỗng đâu có điện thoại gọi: “Lên mau mà nhóm họ đi chứ!”.

phao 1

Ngoài trời, phía Thành phố, pháo bông đã tung hê muôn sắc màu rực rỡ lên bầu trời sang xuân, làm cho sự nô nức đón chào xuân càng thêm khởi sắc. Những bông pháo đủ sắc màu: vàng, xanh, tím, đỏ…thay nhau nở rộ khoe sắc lên bầu trời Ban Mê…Rằng đẹp thì đẹp thật và cũng hoành tráng thật đấy! Tiếc thay, chỉ trong mấy phút phù du mà phải mất toi hàng tỷ tỷ đồng, quả là của đau con xót. Nhưng để mua niềm vui và sự phấn khởi cho mùa xuân mới thì, có lẽ, cũng chẳng nên quá tiếc nuối làm chi, phải không các bạn!!

giao 1

Thân hữu kẻ trước người sau, rồi cũng sum vầy trong một căn phòng khách ấm cúng của chủ nhân anh Trần Văn Hiền. Nhưng trước hết là, “có thực mới vực được đạo”. Một mân tiệc khai xuân rôm rã cũng đang đón chờ với những món: pho mát béo ngậy của Tây là đặc sản cố hữu của chủ nhà luôn có sẵn. Rồi mực nướng Phan Thiết ngọt lùi thơm lừng. Nem chua và chả gà Sài Gòn là những hảo vị khá lạ lẫm…Thịt bò nhúng dấm ngọt lịm hương Ban Mê…Nhưng không thể quên được chai rượu whisky Scotlen hảo hạng với màu hổ phách sóng sánh, “nhấp chen đầy vơi” với men say nồng ấm đến tận da thịt xương tủy, dường như đã xua tan được cái lạnh lẽo đông giá.

Như thường lệ, một vòng thời sự Châu Sơn trong năm qua cũng được điểm lại…

GX năm qua đã có những xây dựng đáng kể như: Tân trang lại Nhà Sinh Hoạt cũ, ngôi nhà mà lúc trước, tưởng đã bị đập phá đi để thay vào ví trí của nhà Đa Năng, nay được nâng cấp lên trông bề thế của một ngôi nhà mới khang trang, đẹp mắt. Một sự tận dụng để tránh lãng phí là điều đáng ghi nhận.

Lễ Đài Nghĩa Trang với bản thiết kế đẹp mắt và thẩm mỹ cũng đã được hoàn thành tốt đẹp trong sự ngưỡng mộ của những người khách GX bạn khi về thăm viếng nghĩa trang. Và trước mắt, đang mở ra một sự kiến tạo lại toàn bộ hoa viên Đức Mẹ với 15 đường thánh giá…Từ nay, hình ảnh của một hoa viên với cây trồng xanh đẹp sẽ chẳng còn nữa; bởi hoa viên Đức Mẹ đã bị xới tung lên, chỉ còn để lại một phần nhỏ số cây xanh. Kể cũng thật đáng tiếc!!!

GX nên có một bản thiết kế định hình lâu dài cho những cảnh quan, tránh xây dựng chồng chéo lên nhau: đập cái cũ xây lại cái mới, xét ra lãng phí tiền bạc lắm! Mà số tiền dựng 15 đường thánh giá cũng ngót ngoẹt nửa tỷ chứ ít ỏi gì. Năm nay nhà làng lại thất thu và giá cà phê bèo bọt thì tưởng, sự xây dựng như thế cũng của đau con xót lắm chứ! Đừng vì lấy danh nghĩa để xây dựng cho GX và cho việc nhà Chúa, mà bắt người giáo dân phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” là không nên. Đành rằng năm nay GX kỷ niệm 60 năm Ngọc Khánh. Nhưng chỉ với 10 năm qua mà GX đã xây dựng biết bao công trình: sửa sang lại thánh đường: Lợp lại mái tôn, làm trần nhà thờ và lát nền gạch hoa. Xây dựng mới: Nhà Đa Năng, Nhà tĩnh nguyện, Lễ Đài nghĩa trang, Tân trang lại Nhà Sinh Hoạt…Và bây giờ là xây dựng mới hoa viên với 15 đường thánh giá. Tưởng tài lực giáo dân cũng đã kiệt quá lắm rồi. Liệu có nên chăng, trong hoàn cảnh “dầu sôi lửa bỏng” của sự suy thoái kinh tế GX nhà, mà xây dựng những công trình mới!!??

Sau vài tuần rượu, phát pháo đầu chuyện đêm giao thừa của ông Trưởng Ban Huấn giáo được khai hỏa với phản ánh: Hôm nay đi lễ trễ (Thánh lễ Chúa Nhật dành cho thanh niên) mới thấy một số em khoảng chừng 50 em đứng ngoài nhà thờ. Nếu chỉ tham dự thánh lễ đứng ngoài nhà thờ nghiêm trang thì cũng chưa có gì đáng nói. Đàng này lại đi tham dự thánh lễ như đi họp chợ, kẻ bật điện thoại gọi, người nhắn tin, chat chít…nơi lại túm tụm nói chuyện với nhau, tưởng không thể nào chấp nhận được. Không biết trong tâm tư các em nghĩ gì về thánh lễ. Phải chăng đi lễ chỉ là một sự đối phó, hay một thói quen chăng?

Đây là một thực trạng đáng buồn cho GX và cũng là điều đáng cảnh báo cho các bậc phụ huỵnh!!!

Và từ chủ đề này, nảy ra một cuộc “bình loạn” với nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến bi quan cho rằng: căn bệnh trầm kha này đã quá lâu để biến tướng thành di căn mất rồi, nên khả năng chữa trị là quá khó! Có người góp ý: nên dùng camera quay, xem các đối tượng đó là con cái nhà ai để tiếp cận động viên, khuyên bảo…Nhưng có ý kiến phản bác: làm thế khác chi công an hình sự, truy lùng tội phạm, chẳng những không đem lại kết quả tốt đẹp mà còn phản tác dụng. Có ý kiến cho rằng: cần phải cũng cố lại lực lượng Giáo lý viên, với những nội lệ rõ ràng về tinh thần trách nhiệm của GLV với các em như: phải động viên, khuyên bảo các em vào nhà thờ…Có ý kiến thêm vào: nếu các cha chịu nhập cuộc thì, trước giờ lễ sẽ ra đôn đốc các em vào, vì tiếng nói của các cha luôn có trọng lượng đối với các em. Nhưng chẳng lẽ cứ tuần nào các cha cũng phải quản thúc các em như lùa trâu vào ràn!!? Thật là tiến thoái lưỡng nan. Vấn đề là, làm sao cho các em ý thức được lợi ích của việc tham dự thánh lễ, để tự nguyện vào nhà thờ tham dự thánh lễ mới là khó.

giao 4

Đây đúng là một vấn nạn hết sức đau đầu cho phụ huynh và các nhà giáo dục tôn giáo. Mọi giải pháp xem ra không mấy khả thi, và cuối cùng là đặt lại vấn đề giáo dục các em, phải chính là cái nôi gia đình, nơi đạo tạo cơ bản để tạo cho các em có ý thức về việc đi tham dự thánh lễ. Nhưng điều này, ngày càng trở nên khó khăn, vì cha mẹ bận công việc đồng áng mà thiếu quan tâm giáo dục con cái đến nơi đến chốn đã đành, mà nếu có muốn quan tâm cũng không còn được nữa, vì gia đình đang ngày càng thiếu sự gắn bó keo sơn, và cha mẹ đang dần đánh mất vai trò gia trưởng dẫn dắt trong gia đình. Nhiều cha mẹ đã thành thật thú nhận: “Chúng tôi hoàn toàn bất lực trong việc dạy dỗ con cái mất rồi”. Cha mẹ nói con cái không nghe, và chúng tự làm những gì chúng thích, đó là hiện trạng của gia đình trong xã hội ngày nay chứ không riêng gì GX nhà. Số thanh niên bỏ tham dự thánh lễ ngày Chủ Nhật ngày càng đông là điều đáng báo động với các bậc phụ huynh.

Ngày nay, gia đình đang dần trở thành nhà trọ của các thành viên trong gia đình. Mọi thành viên đã không còn sự liên đới gắn bó và trách nhiệm với nhau nữa. Đánh mất sự đầm ấm, yêu thương sum họp thì làm sao có thể bảo ban khuyên nhủ nhau được.

Lực bất tòng tâm với giáo dục gia đình, thử chuyển qua kênh chính trị xã hội…cho giảm bớt stress xem sao!?

Đại hội ĐCS lần thứ 12, xem ra vai trò độc diễn của ĐCS với nhiều chiêu trò tung hứng ngoạn mục đến chết người!!! Đến đồng chí X, và đồng chí Chủ tịch trong bộ tứ cũng bị gạt ra rìa một cách tức tưởi!!! Ngày trước, khi ĐHĐCS lần thứ 11, đồng chí X lộng quyền để tái đắc cử thì thấy ghét, mà thương cho TBT, nay Đồng chí X bị hất ra rìa thì thấy tội nghiệp và nguy cơ đất nước bị Bắc thuộc lần thứ 3 là khó tránh khỏi, khi TBT tái đắc cử, thuộc phe thân Tàu.

Đúng là “tránh vỏ dưa lại gặp phải vỏ dừa” càng đau đầu hơn!!!

Rồi con Đường Vành Đai vừa mới hoàn thành trong dịp tết cũng được đưa ra bình luận…cái hay cái dở, cái được cái mất, cái thuận tiện và cái bất tiện.

Có ý kiến lạc quan cho rằng: Mở con đường vành đai đi qua GX chúng ta được nhiều hơn mất. Bộ mặt GX được tiếp cận và khoe mẻ với xã hội. Châu Sơn là một giáo xứ miền quê được đưa lên hàng thị dân trong sự đô thị hóa. Từ đây, mở ra nhiều cơ hội làm ăn kinh tế với nhiều ngành nghề…Cơn sốt đất rẫy vườn và nhà cửa cũng được dâng cao như thủy triều “nước lũ dâng ngập tràn”. Giao thông đi lại thuận tiện: vào Nam ra Bắc chỉ cần ra đường vành đai vẫy tay là có thể đi ngay.

Tuy nhiên, bên bề nổi của tảng băng, vẫn có những lo ngại về những mặt trái do con đường vành đai đưa đến: Trước mắt, GX bị phân rẽ giữa hai thôn 2 và 3 vì sự chia cắt của đường vành đai…Sự đoàn kết và sự đầm ấm thân thương trong một GX sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Giáo dân thôn 3 đi lễ cũng sẽ gặp nhiều trở ngại: phải đội nón bảo hiểm, người già đi tham dự thánh lễ sẽ khó khăn hơn vì phải vượt qua đường cao tốc một chiều là khó tránh khỏi. Chỉ mới một tháng qua mà tác giả Thoan Hành đã tổng kết được 7 tai nạn nghiêm trọng xẩy ra với người Châu Sơn trên con đường vành đai rồi.

Nhưng điều lo ngại trên đây chỉ là yếu tố khách quan mặt ngoài đem lại mà thôi, cái điều đáng suy tư trăn trở là sự đô thị hóa đã kéo theo nhiều tệ nạn xã hội đã tác động và ảnh hưởng đến giới trẻ chúng ta, mà một số ít bạn trẻ đã nhúng chàm như: xì ke ma túy, nạn trộm cắp cướp giật xẩy ra giữa thanh thiên bạch nhật, nạn bảo kê cờ bạc, chọi gà…cũng đang phơi nhiễm vào GX chúng ta.

Một câu hỏi được đặt ra với chủ nhà: là người ngoài cuộc, đã từng đi đây đó trong nước và nước ngoài nhiều, anh có thể đưa ra một vài liệu pháp nhằm cứu vãn tình thế cho giới trẻ chăng!?

Chủ nhân bứt tóc gãi đầu mãi, rồi thú nhận: Vấn đề quá khó! Việc này là chuyện nội bộ của các bác với giới trẻ, các bác gần gũi và biết rõ các nguyên nhân, biết rõ các tác động xấu tới giới trẻ thì sẽ dễ đem ra liệu pháp chữa trị cho các em hơn. Thực sự em về Châu Sơn nhiều lần trong một năm, nhưng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa mà thôi, nên đành bó tay.com…

Câu trả lời vẫn còn bỏ ngõ…Và chính mỗi người Châu Sơn chúng ta hãy tự suy tư và trăn trở để mỗi người tìm ra những liệu pháp cho chính gia đình mình.

Thiết nghĩ, giữa “cơn lốc giông bão đô thị hóa” do đường vành đai mang tới, mỗi gia đình chúng ta nên cố gắng nổ lực vun đắp cho đạo đức luân lý gia đình được luôn nền nếp gia phong, trên kính dưới nhường, thuận hòa trong ấm ngoài êm, đó cũng chính là nền tảng để củng cố lại đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu chúng ta vậy.

Giao thừa đã điểm giờ chuyển giao…sang năm mới Bính Thân 2016…

giao 2

Một đại diện nhóm thân hữu cũng không quên dành những lời chúc tết tốt đẹp nhất, và lời cám ơn sâu đậm nhất đến gia đình chủ nhân, đã cho nhóm thân hữu một đêm giao thừa đầy thú vị và không kém phần ngoạn mục.

giao 3

Chủ nhà ngỏ lời cám ơn, vì anh em đã đem lại sự ấm áp cho gia đình một đêm giao thừa thật ấm cúng và đầy ý nghĩa, mong rằng anh em hãy giữ truyền thống này mãi là, mỗi năm đến hẹn giao thừa chúng ta lại sum vậy…

Chúc mừng năm mới Bính Thân!!!

Ghi nhận Châu Sơn Choa – Giao thừa Xuân Bính Thân 2016

 

 

 

 

 

 

Check Also

CÁO PHÓ: ÔNG CỐ GIUSE TRẦN BÍCH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …

One comment

  1. Nên có một bản vẽ rõ ràng cho vấn đề xây dựng. Xây dựng một công trình mà phá hủy mảng xanh là không nên. Hơn nữa, công trình nghĩa trang chưa chi trả xong, lại tiếp tục xây dựng thêm một công trình 15 đàng thánh giá là không hợp lý, bởi vì không nên để nợ chồng nợ cho giáo xứ gánh chịu.
    Điều quan trọng có thể nhận ra là xây dựng bao nhiêu công trình như vậy, mà công trình quan trọng nhất là con người lại không quan tâm chăm lo, chỉ chăm chăm cải mẻ bề ngoài của giáo xứ. Ai ai cũng nhìn ra giáo xứ đang đi xuống về vấn đề đạo đức.
    Xin hãy nhìn nhận thực tế vấn đề đang xảy ra, giáo xứ cần là bây giờ là những công trình bên ngoài hay là những cái bên trong? Khi mà giờ lễ bỏ bớt chỉ làm lễ sáng, giờ nguyện ngắm trưa nắng chẳng mấy người đi , khi mà bản thân cha mẹ không làm gương sáng cho con cái, khi mà cha mẹ coi vấn đề học ở trường quan trọng hơn việc học giáo lý, khi mà cha mẹ coi tiền bạc quan trọng hơn cả tình cảm đối với người thân,… thì làm sao đòi hỏi giới trẻ ngày nay được như ngày xưa.
    Đôi điều suy nghĩ.