LÂU THẬT LÂU MỚI THẤY ĐƯỢC MỘT NGÀY VUI
tienducchauson
23/02/2016
Thời Sự Châu Sơn
209 Views
LÂU THẬT LÂU MỚI THẤY ĐƯỢC MỘT NGÀY VUI
Có những cuộc họp mặt hay gặp gỡ xẩy ra theo đúng trình tự định kỳ hằng năm hay từng quý. Và để ghi lại những diễn biến đó, người ta thường hay dùng cụm từ đến hẹn lại lên…Tuy nhiên, cũng có những cuộc gặp gỡ rất bất ngờ vì những lý do cũng rất…bất ngờ. Thường thì những lần gặp gỡ loại sau đem đến cho ta nhiều cảm xúc hơn, nhiều tính đột biến hơn vì nó mang yếu tố mới lạ. Còn đến hẹn lại lên thì hầu như cứ theo lập trình sẵn mà người ta đã chuẩn bị hay đã thao dượt trước rồi nên niềm cảm xúc khó lên cao trào…
Và hôm nay, tôi muốn ghi nhận về một buổi gặp gỡ rất bất ngờ này.
Cuộc gặp gỡ được manh nha từ ý tưởng của Nguyễn Anh Dũng khi biết cha Nguyễn Tiến Trung đã có mặt tại quê nhà trong dịp đầu năm về thăm gia đình. Vậy là anh em trong nhóm thân hữu ngày xưa đều nhất trí tổ chức buổi họp mặt đột xuất đầu năm vì thật ra, cũng đã lâu lắm rồi anh em không có dịp hội ngộ
…Trời đã dần về chiều. Ánh hoàng hôn vàng vọt như đang cố gắng chiếu những tia nắng hấp hối của một ngày đầu xuân. Và những cơn gió chướng lại được dịp múa may quay cuồng làm không khí dịu mát, se lạnh trở lại, sau một buổi trưa gắt nắng. Khung cảnh thuận lợi này, như báo hiệu mọi điều tốt đẹp cho cuộc gặp gỡ sắp tới.
Quả thật thế, những bàn tay nắm chặt, những vòng ôm thắm thiết là một khởi đầu cho tình thân hữu lâu ngày kết nối. Bạn bè lâu ngày gặp nhau sao mà hân hoan mừng rỡ thế không biết, niềm vui cứ như trẻ con trông mẹ đi chợ về. Dễ chừng đã có trên cả chục năm anh chị em trong nhóm mới được cùng nhau sống lại trong bầu không khí ấm cúng này.
Hẹn nhau bảy giờ tối nhưng sáu giờ rưỡi anh chị em đã có mặt đầy đủ, chồng nào vợ nấy, tại nhà Nguyễn Anh Dũng, một địa chỉ thân quen của nhóm thân hữu từ lâu nay, điều này chứng tỏ mọi người rất háo hức chờ đón cuộc vui hạnh ngộ hôm nay.
Sau thủ tục giới thiệu cha Trung và vợ chồng khách mời Hảo – Việt, các món ẩm thực đã được quý bà dọn lên thơm phưng phức làm kích thích con tì con vị của những cái bụng đang thổn thức. Bầu không khí cởi mở càng lúc càng nóng dần lên khi những ly bia, ly rượu thân ái mời mọc nhau. Những rụt rè ban đầu được thay thế bằng những phát biểu, những chia sẻ mạnh dạn rôm rả hơn. Phía các phu nhân mắt môi cũng đã hồng hào, lúng liếng hơn. Đã có những tiếng khúc khích khi các đấng phu quân chọc cười bằng những câu nói ý nhị, dí dỏm. Đã có những tiếng vỗ tay tán thưởng vì những câu chuyện tưởng đã quên lãng giờ được khơi gợi lại. Nhưng tất cả đều không ra ngoài sự gợi ý ban đầu: cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xa xưa thuở thời gian còn sinh hoạt trong Giáo Xứ.
Thế là rộn ràng hẳn lên. Và như được trợ lực bởi chất men nên các câu chuyện nổ như bắp rang và những nụ cười sảng khoài cũng bắt đầu vang lên một cách khoái trá. Đúng là lâu thật lâu mới thấy được một ngày vui như lời bài hát ĐÁM CƯỚI TRÊN ĐƯỜNG QUÊ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thuở nào.
Câu chuyện dần dần có chiều hướng quay về các Ca Đoàn của những tháng ngày sau năm 75. Thực ra, các Ca Đoàn luôn là mặt nổi của một Giáo Xứ, tuy nhiên trước đây vai trò của Ca Đoàn chưa được xem trọng. Giai đoạn sơ khai, mới thành lập Giáo Xứ cho đến năm 1975, Ca Đoàn thường được gọi là Hội hát do các cha, các thầy tập hát theo lối cộng đồng chứ không có quy củ và người phụ trách có chuyên môn như bây giờ.
Cho nên, sau năm 75 cùng với sự khắt khe của Nhà Nước, vấn đề Thánh Nhạc hầu như đã trở về thời đồ đá. Phải mãi hai ba năm sau các Ca Đoàn của Giáo Xứ mới dần dần phục hồi. Và giai đoạn cực thịnh nhất là dưới thời cha Nguyễn Thanh Tâm, cùng một lúc có ba ca đoàn: CECILIA – THIỆN CHÍ – XUẤT HÀNH sống mạnh khỏe, nổi bật nhất trong đó là Ca Đoàn THIỆN CHÍ. Ca Đoàn này đã mang lại nhiều điều khởi sắc cho Phụng Vụ Thánh Ca của Giáo Xứ bởi đã quy tụ những thành phần ưu tú, có trình độ tri thức về âm nhạc cao. Ở thời điểm này Thầy Trung và các anh Trần Ngọc Huân, Trần ngọc Hạnh, Nguyễn Văn Kính, Trần Đức Huyên, Cao Đình Minh là những người lèo lái và làm cho Ca Đoàn Thiện Chí trở nên nổi tiếng không những trong xứ mà còn lan ra các xứ bạn.
Nói về việc phụ trách các Ca Đoàn ở Xứ Châu thời đó, không ai mà không bội phục anh Trần Ngọc Huân và Thầy Nguyễn tiến Trung đã hết mình đem quách cả “sở tồn làm sở dụng” phục vụ Giáo Xứ làm cho bộ mặt Giáo Xứ vươn lên bằng chị, bằng em.
Nhưng đúng là không có hạnh phúc nào mà không trải qua khổ đau, vất vả (Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay. PD). Vâng, để có được thành công như thế tất cả các thành viên trong ca đoàn (gần hai chục người) đã phải phấn đấu rất nhiều trước ngoại cảnh lẫn nội lực. Bởi hồi đó, mọi ca viên đều rất nghèo khổ và là đầu bịn trong mỗi gia đình còn Nhà Nước lại đang hạn chế rất nhiều các sinh hoạt Tôn Giáo (nhất là Công Giáo) nên tụ họp tập hát ở khuôn viên Thánh Đường là không được phép cho nên các ca viên phải lén lút tập tành ngoài rẫy nương hoặc những nơi kín đáo dưới các hầm hay các giao thông hào là những di tích trước đây chưa kịp xóa hết. Bởi vậy, có người đã ví như những hang toại đạo ngày xưa tín hữu Roma trốn tránh các cuộc bách hại của các Vua Chúa.
Trong khi mọi người đang say sưa, miên man nghe kể lể về những “ngày xưa thân ái” ấy, thì, Nguyễn văn Kính bỗng ngứa nghề, phỏng vấn cha Trung: Xin hỏi cha Trung ngày xưa khi còn phụ trách các Ca Đoàn giữa một bầy ca viên xinh đẹp hơ hớ đào thơ tơ liễu có khi nào Trung thấy chạnh lòng “con quốc quốc” chưa và nghe nói hồi đó Trung cũng có.. có… Câu hỏi chưa dứt Cha Trung đã sốt sắng trả lời ngay. Ê, đừng nghĩ tầm bậy nghe. Thiên Chức linh mục mà Chúa ban cho tau bây giờ, là câu trả lời hùng hồn nhất rồi đó. Còn chuyện tau có bồ …là chuyện “bầy quun gấp đôi gấp lứa” mà thôi. Tau nỏ có ra rứa mô. Câu khẳng định rạch ròi của Cha Trung, khiến tất cả các anh chị em có mặt đều bật cười và nổ một tràng pháo tay dòn dã để tán thưởng.
Sau phút thư giản tán thành câu trả lời của cha Trung, một đề nghị yêu cầu vợ chồng khách mời (Hảo – Việt) chia sẻ một vài cảm tưởng về buổi hội ngộ này. Một lần nữa cha Trung lại lên tiếng giới thiệu cặp đôi này và yêu cầu hãy kể ra mối tình của mình như một chứng nhân sống hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu Đức Kitô.
Hơi có chút bối rối ban đầu, Hảo xin được ngồi để thưa chuyện với các anh chị em bằng giọng nói nhỏ nhẹ.
“Thưa cha Trung, thưa các bác, các anh chị, lời đầu tiên vợ chồng em xin cám ơn các bác, các anh chị đã cho vợ chồng em được tham dự một cuộc gặp gỡ mà có lẽ vợ chồng em sẽ mãi nhớ trong cuộc đời.
Bây giờ, vâng lời cha Trung em xin kể lại câu chuyện đời vào đạo của gia đình em.
Năm 1983, em và Việt cưới nhau. Bọn em cưới nhau nhưng cha mẹ hai bên đều ngăn cản vì không đồng đạo. Em vốn là con trai trưởng trong một gia đình ngoại đạo, rất ghét Đạo Công Giáo. Vì yêu Việt, em rất muốn theo đạo, nhưng cả dòng họ em không đồng ý. Tiếng nói là cưới nhau, nhưng thật ra bọn em liều ăn ở với nhau chứ không có phép cưới nào cả. Như vậy, về phía đạo Công Giáo, Việt trở thành người rối đạo. Em hiểu điều đó nên rất thông cảm với Việt và hứa một ngày nào đó sẽ thuyết phục bằng được gia đình mình. Và em vẫn âm thầm tìm hiểu về Đạo. Cuộc sống của vợ chồng em, vì thế, rất cam go. Em, luôn chịu sức ép của gia đình, dòng tộc và những lời mạt sát, đắng cay. Còn Việt, thương thay cho phận làm dâu giữa một gia đình nhà chồng cay nghiệt ghét bỏ. Cho nên, Việt luôn nhịn nhục cam chịu những hắt hủi từ phía mẹ và các em chồng. Nhất là mấy cô em gái, đã không thông cảm cho chị dâu lại còn đua nhau xét nét từ những lỗi lầm nhỏ nhặt nhất. Thời gian này, Việt phải sống hoàn toàn như một người vô đạo. Em thương và cảm phục cô ấy vô cùng. Mà nói thiệt với các anh chị, cô ấy không đáng phải nhận chịu hoàn cảnh như vậy. Vợ em là một cô gái xinh đẹp lại ngoan hiền, con nhà gia thế. Thời bấy giờ, vợ em là một địa chỉ thu hút các chàng trai thanh lịch trong Giáo Xứ, đã có rất nhiều anh chàng theo đuổi tán tỉnh, tình nguyện trao trọn trái tim để kết tóc xe duyên đến trọn đời. Trong khi đó em chỉ là một chàng trai tầm thường xấu trai đen đủi mà thôi.
Tuy nhiên, một cách nào đó, vợ chồng em lại rất đỗi hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc tin tưởng lẫn nhau. Mỗi đêm về, chúng em thường an ủi, động viên nhau hãy tin tưởng vào Chúa và cầu xin ngài ban cho đức tin bền vững để chúng em mau chóng lướt qua thử thách. Thế rồi niềm ao ước hy vọng của vợ chồng em đã được Chúa nhậm lời.
Năm 1990, chúng em đã được lãnh nhận bí tích hôn phối trước tòa Thiên Chúa. Tuy chưa phải là hoàn hảo vì em vẫn chưa là một tín hữu Công Giáo thực thụ do áp lực của gia đình quá nặng nề nhưng điều này đã giải thoát cho vợ em khỏi mặc cảm “ rối đạo” và cũng là một tín hiệu vui đối cho chúng em.
Mãi đến năm 2010, cha Xứ đồng ý cho em được nhận Bí tích Thanh Tẩy mà không phải qua một lớp giáo lý nào nhưng em đã xin cha hoãn lại. Chẳng phải là em thoái thác nhưng ý em muốn trau dồi thêm giáo lý cho con để cha con cùng được rửa tội một lần luôn.
Năm 2011, niềm vui của gia đình em đã thật trọn vẹn. Có nghĩa là toàn gia đình nhỏ của em đã trở thành con cái Chúa. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tầy gang, sau sự kiện trọng đại đó, toàn bộ dòng tộc bên nội đã ra mặt chống đối, tẩy chay gia đình em…
Đến năm 2013, gia đình em chính thức bị đuổi ra khỏi nhà từ đường.
Nhưng các bác, các anh chị cũng nên mừng và cầu nguyện nhiều cho bọn em vì một vài năm gần đây mối quan hệ với dòng tộc em đang có chiều hướng tốt đẹp dần lên…
Câu chuyện cuộc tình đời vào đạo của Hảo – Việt chấm dứt. Cả bàn tiệc như chìm vào tỉnh lặng. Mọi người thật sự xúc động với diễn tiến của câu chuyện. Quả là một câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại. Ai ai cũng tấm tắc khen và cảm phục đức tin mạnh mẽ của Hảo – Việt đã biến điều không thể thành có thể.
Câu chuyện cuộc tình đời vào đạo của Hảo – Việt làm cho buổi gặp gỡ đầu Xuân thêm ý nghĩa. Mọi người chia tay ra về lưu luyến lòng những bùi ngùi.
Lúc này đã hơn mười giờ đêm. Trăng thượng tuần cũng đã khuất, chỉ còn rơi rớt lại một giải sáng bàng bạc mờ mờ sau phía Núi Châu.
Trên đường về, tôi chợt mỉn cười. Cứ ngỡ là tình thân hữu đã “thiu hẳn”rồi chứ, nhưng mà không, bởi hễ “mở ra khi mô là mới khi”.
TRỌNG THI tạp ghi.