GIỚI TRẺ HÔM NAY…
tienducchauson
10/06/2016
Thời Sự Châu Sơn
93 Views
Nhân 60 năm trường Tiến Đức, BBT xin đăng bài viết Giới trẻ hôm nay…của tác giả Trần Văn Hiền trong kỷ yếu 55 năm Tiến Đức
Sáng sớm, trời se lạnh, cái lạnh cao nguyên Banmê ngày cuối tháng ba vẫn còn sót lại, vừa đủ cho gợi lại cho tôi một khoảng trời kỷ niệm pha lẫn buồn vui, ở đó có chút ấm áp, một chút gì đó để thấy cuộc đời không phẳng lặng đến nhàm chán, vô vị, nhưng vẫn còn đó một chút dằn vặt…
Gió sớm làng quê mơn man, gió đêm lành lạnh ru giấc thơm nồng, những cảm giác dịu ngọt khó tả. Tôi mơ màng…. những cơn gió trong mơ thật đẹp, thật êm đềm, thật lãng mạn. Tìm đâu ra những cảm xúc dịu ngọt như thế ở cái đất Sài gòn, nơi tôi đang sống?
Chiều hôm qua đi lễ nhà thờ, đã đến giờ dâng thánh lễ dành cho thanh tráng niên chiều thứ bảy, những chiếc bàn quì phía trên trống hoác, dù biết rằng đang trong mùa tưới cà phê, nhưng dường như con số đi tham dự thánh lễ vẫn ít hơn mọi khi, mặc cho cha xứ nặng lời trách móc và các anh trong ban chấp hành kêu gào những bạn trẻ vẫn còn ngồi tụm năm tụm ba ngoài nhà thờ.
Một chiếc xe Lead hai bánh màu đỏ sẫm bóng lộn chạy lướt qua trước cổng nhà tôi, trên xe là một đôi trai gái trẻ, cô gái ngồi sau, bộ ngực căng phồng đẫy đà áp sát vào lưng chàng trai ngồi trước, một tay ôm chặt, đầu ngoái lại phía sau đưa tay còn lại vẫy đám bạn trẻ ngồi trong xe taxi 7 chỗ sơn màu trắng chạy theo sau, miệng cười hả hê, rồi đưa tay lên miệng với cử chỉ trao gửi một nụ hôn gió từ xa rất điệu nghệ; tôi không kịp đếm, nhưng cũng phải 5 – 6 người, cả trai lẫn gái nén chặt trong chiếc taxi, tôi không biết là những ai, nhưng chắc chắn một điều : người trẻ Châu Sơn. Nhìn đồng hồ chỉ mới gần 7h00, trên nhà thờ, thánh lễ sáng Chủ Nhật vẫn đang tiếp tục: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con…”.
Phải, làng quê tôi đang chuyển mình trong xu thế hội nhập và phát triển trong cái gọi là “nền kinh tế thị trường”, gặp thử thách từ nhiều phía lẫn trong cái văn hoá đương thời, tinh thần sống đạo, trào lưu tục hoá trong do con người dường như đã quá vô cảm trong một xã hội ngày càng vô cảm…., giới trẻ làng quê tôi đang phải mò mẫm để dò tìm cho mình một hướng đi. Hoa trái đầu mùa dẫu chưa là mùa quả ngọt trái sai, nhưng thấm đẫm mồ hôi, tâm sức và cả nước mắt của mẹ cha. Nó như hội tụ tất cả vị trong trẻo ngọt lành của mưa, của đất, của khí trời, nắng sương,… từ bao năm nay. Thế nhưng trong cái ngổn ngang của nền tảng gia đình đang bị lung lay, nền nếp gia phong của gia đình bị xáo trộn, các bậc làm cha mẹ thời @ cũng như thầy cô ở nhà trường hiện nay đã hết sức lúng túng, cảm thấy bế tắc và có không ít đã phải thú nhận mình bất lực trong việc giáo dục con cái và học trò.
Nhiều người tự an ủi “Hãy khép lại quá khứ”, để quên đi quá khứ. Thật vậy, đa số người dân quê tôi hiện nay chỉ còn biết lo kiếm tiền, quần quật lo cho cuộc sống hiện tại và không có thời giờ để nghĩ đến những gì đã xảy ra trước đây hay bận tâm đến thực trạng giáo dục giới trẻ hôm nay.
Từ bao đời nay, phương châm giáo dục của Việt Nam chúng ta đề ra là tiên học lễ, hậu học văn, và theo quan niệm truyền thống của dân mình, trong đó “học văn” chính là trang bị kiến thức, còn “học lễ” chính là trang bị đạo đức, nhân cách, học để làm người, và đó chính là ưu tiên hàng đầu.
Thi hào Nguyễn Du đã chẳng bảo “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” sao? Cái gốc của giáo dục, xét cho cùng là dạy cho biết làm người. Mà đối tượng là các trẻ từ cấp tiểu học, vì đây là lứa tuổi đang hình thành nhân cách, như cây non dễ uốn nắn. So sánh có thể khập khểnh, nhưng nếu nhìn lại kỹ, ta sẽ thấy các thầy cô trường Tiến Đức chúng ta cũng như các trường ngày trước đã thấy được điều đó. Các thầy cô đã giúp xây dựng kiến thức, chứ không phải là chỉ truyền trao kiến thức, giúp trò học tập với định hướng của bản thân, chứ không chỉ có định hướng từ thầy. Không thể nói là một số không ít các thầy cô thời @ ngày nay cũng thấy rõ điều đó và thao thức với cái phương châm giáo dục đó, nhưng thực tế giáo dục ngày nay đang thay đổi theo hướng đối phó, loay hoay với những cải cách, định hướng, và phương pháp chủ yếu của giảng viên vẫn là thuyết trình, áp đặt, buộc học sinh phải ghi nhớ một cách máy móc, hầu như không có sự tương tác giữa người dạy và người học.
Thật ra, nền giáo dục ngày hôm nay dựa trên nền tảng đạo đức giả với lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, chỉ quen hưởng thụ trong xã hội, mà trong chương trình học hiện nay thì cứ dạy, mà thực tế xã hội không đúng như vậy. Hơn nữa, với lối giáo dục từ chương, “học vẹt”, học vì điểm số, bằng cấp và chức danh, và áp đặt kiến thức như hiện nay, óc tư duy sáng tạo và phê phán của học sinh đã bị thui chột trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay, bởi vì một khi đã chấp nhận một cái điều là duy nhất đúng thì chúng ta sẽ không còn tin tưởng và không còn nhìn thấy những triết lý khác, cách nhìn khác, quan điểm khác nữa…
Thật vậy, mỗi người chúng ta suy nghĩ khác nhau, không thể nào suy nghĩ giống nhau. Cùng nhìn một bài văn nhưng mỗi người có thể cảm nhận khác nhau. Thế nhưng muốn có điểm tốt, học sinh luôn phải nói đúng y cái dàn ý của thầy cô: chỉ việc mua sách của thầy cô và chép lại y chang những lúc thi cử là được điểm cao. Môn nào cũng vậy thôi, cứ đến kỳ thi là thầy cô cho đề cương để học thuộc lòng, và vào thi hỏi đúng câu đó. Đây là một phương pháp giáo dục “phản giáo dục”! Nó chỉ luyện cho học sinh sinh viên trí nhớ tốt thôi, còn óc sáng tạo hoàn toàn không đề cập đến. Thực tế cho thấy là khi chen chân với các học sinh khác ở nước ngoài, sinh viên Việt Nam không quen với kiểu tư duy độc lập, và lúc nào cũng phải chờ đợi thầy cô.
Và nền giáo dục chạy theo bằng cấp mà không thực chất này sẽ kéo theo những hệ quả tất yếu như việc chạy điểm hay mua bằng giả ở Việt Nam. Chúng ta đã thu được những gì từ nền giáo dục hiện nay? Quá nhiều kỹ sư, cử nhân đầy một bụng lý thuyết, còn thực hành thì dừng lại ở con số không!
Phải khách quan nhìn nhận rằng yêu cầu chương trình học ngày nay cao hơn thời của các lớp Tiến Đức nhiều, và giáo viên ngày này phải chịu áp lực hơn so với trước. Mặc dầu các thế hệ học sinh Tiến Đức trước đây vẫn phải một buổi đi học, buổi đi chăn trâu, làm rẫy, nhưng vẫn học giỏi, vẫn sáng tạo, trong khi rất nhiều học sinh thời nay với điều kiện học tập tốt hơn hẳn so với trước đây, nhưng lại không có được tính sáng tạo như ngày trước.
Tôi nghĩ rằng, việc giới trẻ thay đổi nhiều cũng là dễ hiểu khi nền kinh tế phát triển, nhiều gia đình có điều kiện, cha mẹ muốn bù đắp cho con những thiệt thòi vật chất và tinh thần mà ngày xưa mình không có được; tuy nhiên, trong quá trình giáo dục trong gia đình, dù biết rằng con cái đã không chứng kiến hết những biến cố cũng như những thiệt thòi của cha mẹ chúng ngày xưa, hầu như chúng không được cha mẹ nhắc đến.
Cũng nên nhắc lại rằng, sau một thời gian dài sống thiếu thốn về mọi mặt, bây giờ với việc hội nhập kinh tế thế giới thì giới trẻ cũng như một phần lớn người dân rất dễ bị lôi cuốn theo, điều đó đã và đang xảy ra. Não trạng của người Việt nam thay đổi, cách riêng của người trẻ đã thay đổi. Trong những tình huống đời thường mà con cháu chúng ta ngày nay đang đối mặt, chúng dễ bị lạc lỏng trong việc định hướng cuộc đời cho mình, khó khăn trong việc lựa chọn các giá trị sống và phân biệt đúng sai. Từ đó, con cháu chúng ta chao đảo trong môi trường sống ngày càng trở nên thực dụng, thiên hẳn về tiền bạc và những phương tiện vật chất hiện nay và dường như dần đánh mất cội nguồn của mình.
Đây là một thách thức đặt ra cho thế hệ chúng ta, vì lẽ rằng trong xã hội Việt Nam ngày nay, một xã hội ít nhiều đã hình thành xu hướng “kinh tế thị trường”, với khuynh hướng lo cho cá nhân mình là chính, không để ý đến người khác, hộ giàu nghèo ngày càng tăng. Trong thông điệp “Bác ái trong Chân lý”, Đức Giáo hoàng Bênêdictô 16 đã nhấn mạnh: “trong môi trường văn hóa xã hội hiện nay có xu hướng tương đối hóa chân lý… theo cách thức này, nếu không có chân lý thì bác ái đó dễ dàng bị lẫn lộn với một mớ tình cảm tốt đẹp và và hữu ích cho đời sống chung của xã hội, nhưng chỉ là một thứ tình cảm bên lề”.
Tôi cho rằng những ưu tư về thực trạng không mấy lạc quan của thế hệ đàn em và con cháu trong xu thế hiện nay là có thật và đáng lo ngại. Công bằng mà nói, trách nhiệm này không chỉ thụộc về thế hệ những người đi trước, trong đó có chúng ta, và giữa những bộn bề lo toan vất vả, chúng ta cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh xã hội hoặc do những khó khăn của cuộc sống hiện tại. Có người bảo rằng đó là thước đo để đánh giá khả năng thích nghi của thế hệ trẻ trong điều kiện sống hiện nay, tuy nhiên nói như thế có hàm hồ quá chăng khi thực tế không ít người trẻ dù thành đạt hay không, đã phải chấp nhận tự đánh mất chính mình, chấp nhận quên đi nguồn cội của mình để đổi lấy những phương tiện sống tốt hơn hoặc để mong được ổn định cuộc sống của riêng mình.
Thật vậy, thế hệ con cháu chúng ta ngày nay vừa khó cho chính chúng, vừa khó cho cha mẹ, vì phải thường xuyên đối phó với xung đột, hình như càng ngày càng khó hơn của cả hai phía, đây có thể là một nhận xét không đúng, cũng có thể là hậu quả của phim ảnh, sách báo nhan nhản những chuyện bạo lực ngày càng tăng trong xã hội. Đặc điểm chủ yếu của cơn khủng hoảng tuổi trẻ hiện nay là khuynh hướng chống đối: chúng đang đi tìm một chỗ đứng trong gia đình, trong xã hội, và cuộc tìm kiếm này thường xảy ra dưới dạng xung đột, vì thế cha mẹ khó mà giữ được bình tĩnh trước đứa con luôn cãi lời cha mẹ hoặc làm theo ý riêng.
Khách quan mà nói, sự chống đối này có cái lý của nó: theo các nhà phân tích tâm lý, sự khiêu khích này liên quan đến một nghịch lý nơi giới trẻ, chúng vừa sợ bị bỏ quên nếu không ai quan tâm đến mình, nhưng lại sợ bị lệ thuộc nếu có người chú ý đến mình.
Thật ra thế hệ chúng ta cũng đã ít nhiều trải qua cơn khủng hoảng này, nhưng dường như giới trẻ ngày nay khó chịu hơn. Theo một số các chuyên gia giáo dục, trong từ 15 đến 20% trường hợp, lớp trẻ không làm chủ được mình và bị cuốn vào cơn lốc. Một số tìm cách ẩn mình vào vỏ ốc riêng, số khác thể hiện tâm trạng bằng sự chống đối ít nhiều mạnh mẽ.
Hầu như ngày nay, không có chỗ nào dạy dỗ con người một cách thực lòng phải lương thiện, phải xem ngoài tiền tài còn một cái gì đó cao quý hơn. Và điều quan trọng hơn là các bậc cha mẹ cũng như nhiều thầy cô giáo chưa phải là tấm gương sáng về đạo đức cho con em mình, học trò mình noi theo. Lương tâm thời nay hầu như đã trở thành một mặt hàng xa xỉ; nhiều người không còn có ý niệm gì về nó. Sự hình thành lương tâm phải gắn liền với nền giáo dục đạo đức xã hội.
Sẽ chẳng tìm đâu ra một mô hình chuẩn mực cho định hướng giáo dục cả, cũng chẳng có thể đưa ra được một câu trả lời thỏa đáng cho vấn nạn nêu trên, bởi lẽ điều này đòi hỏi sự đầu tư lâu dài và sự nỗ lực hợp tác từ nhiều phía, trong đó chủ yếu là gia đình và học đường, bao gồm cả giáo dục đức tin. Vẫn biết rằng xã hội có vai trò không nhỏ trong việc định hướng giáo dục, thế nhưng cần hiểu rằng xã hội thời @ và trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay sẽ phát triển không ngừng nghỉ và những rào cản về luân lý, tôn giáo, đạo đức, gia đình sẽ chỉ còn là những yếu tố tác động phụ, đặt nằm bên lề của dòng chảy thời đại.
-
THỬ ĐI TÌM MỘT CÂU TRẢ LỜI
Từ đó, thử đưa ra vài lời khuyên thực tế để cùng suy nghĩ
Những đứa trẻ giống như những trang vở trắng, nếu chúng ta bắt đầu bằng những nền tảng vững chắc thì phần tiếp theo chỉ toàn là điều tốt thôi. Tự thân đứa trẻ không bao giờ xấu cả!
Cha mẹ và những có trách nhiệm và có tâm huyết cần phải thay đổi tận gốc những bất cập, nhất là nền giáo dục, kể cả giáo dục đức tin, và phải biết hướng thế hệ lớp trẻ ngày hôm nay về những nền tảng đạo đức nhân bản, chứ không phải là nền tảng đạo đức giả với lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, chỉ quen hưởng thụ trong xã hội như đã nêu trên:
-
Nỗ lực đồng hành với con cái là điều cần thiết, nên biết rằng giới trẻ có thể dễ dàng vượt qua chặng đường này nếu có được những chuẩn mực, những qui tắc hướng dẫn chúng. Và cha mẹ phải là những người đưa ra các chuẩn mực đó bằng hình ảnh của chính mình, bởi lẽ con cái khó có thể chấp nhận tuân theo những qui tắc sống mà cha mẹ chúng không tôn trọng;
-
Cần đề ra những điều cấm đoán cần thiết để giúp trẻ yên tâm và quan hệ tình cảm phải chặt chẽ, không nhân nhượng.
-
Cần chú trọng biểu dương khi con làm tốt hơn là chỉ phê phán khi nó làm không tốt. Cần giúp con xây dựng lòng tự trọng, tự tin.
-
Đối với việc học của con, cần chứng tỏ sự quan tâm của cha mẹ, sự tha thiết với việc mở rộng tri thức, ở bên con, gần gũi con, đặc biệt “nhập cuộc” cùng con những khi con cái bước vào mùa thi qua việc tạo cho con có những gì cần thiết nhất để học thi, động viên con, nhắc con giữ gìn sức khỏe… thông cảm và dễ chia sẻ khi kết quả thi cử con mình không như ý mình mong đợi, đó là động lực giúp con học tốt.
-
Cần hiểu rằng, ngoài trang bị kiến thức, giáo dục còn là tạo thói quen, thói quen giao tiếp, thói quen ăn ở sạch sẽ, thói quen lễ phép với người trên, thói quen học tập, suy nghĩ, độc lập trong sinh hoạt, tự tin trong cuộc sống. Muốn cho con tự đứng bằng đôi chân của mình khi vào đời, cần phải cho con học biết “tự đứng” được trong việc học, trước khi mong đợi ở nơi con thực hiện được những điều to tát hơn cho chính con mình và cho xã hội.
-
Những điều thuộc về sinh hoạt hằng ngày, về học tập, về tương lai, trao đổi bàn bạc với con cái là điều cần thiết. Trong mọi trường hợp, chiếc chìa khóa vàng để giải tỏa xung đột là đối thoại. Con cái cần tin chắc rằng nó có thể đặt ra mọi câu hỏi và tranh luận với cha mẹ, làm thế nào để con cái có thể nói lên khát vọng của mình và thể hiện bản thân.
Muốn thế, cha mẹ phải vượt qua những rào cản đang tồn tại hết sức vững chắc trong xã hội, bao gồm lối suy nghĩ độc đoán, lạc hậu và bảo thủ đang bó buộc những ý nghĩ bay bổng, tự do, nhưng suy nghĩ của thời đại mới nơi thế hệ con cháu chúng ta là những con người trẻ tràn đầy nhiệt huyết vời sự phát triển của xã hội.
Có thế, các giá trị đạo đức mới được phục hồi, con người ngày nay không còn càng lúc càng lạc lõng giữa những cỗ máy vô hồn, quan điểm thực dụng, ít nhất là nơi thế hệ trẻ của chúng ta ngày mai không còn “đất” để phát triển, vì lẽ nó chỉ có thể phát triển khi mà khi đồng tiền trở thành chuẩn mực trao đổi trong mọi quan hệ, khi mà con người trở thành một đối tượng giao dịch kinh tế và không còn được xem như một cá thể độc đáo nữa, và khi mà khoa học càng lúc càng tiến bộ khiến cho khoảng cách giữa những con người với nhau càng lúc càng xa.
Ý thức sự kế thừa nền giáo dục xưa của cha ông vì lẽ rằng sự kế thừa này dường như không còn (hoặc rất ít khi) được thể hiện trong quan điểm giáo dục hiện nay. Đặt lên trên tất cả mục tiêu dạy “đạo làm người” đã bị nền giáo dục quá thiên về “học chữ” hiện nay bỏ qua một bên. “Tôn sư, trọng đạo” – người xưa tôn trọng người thầy bởi người thầy truyền cái đạo làm người cho học sinh.
Trần Văn Hiền
Banmê tháng 4 năm 2010