MỘT BÀI VIẾT PHẢN HỒI CỦA GX BẠN VỀ TRANG WEB TĐCS

Lời ngỏ,

Trước hết, BBT Tiến Đức Châu Sơn (TĐCS) xin chân thành cám ơn sự góp ý quý báu của bạn Hoàng Nga trên FB dưới bài viết “FB giết chết hay, FB cứu sống TĐCS”.

Với BBT thì việc khen chê bài viết đăng trên TĐCS là chuyện hết sức bình thường. Thậm chí, chúng tôi mong muốn bạn đọc chia sẻ những comments chê bai, chỉ ra những sai sót của trang web TĐCS hơn là những lời khen…Bởi qua đó, chúng tôi có thể khắc phục, sửa sai được những sai sót. Tuân Tử nói: “Người khen ta đúng là người bạn ta, người ta chê ta đúng là thầy của ta”.

Mời quý bạn, đọc bài viết phản hồi của một người GX bạn rất gần gũi với TĐCS, tác giả của nhiều bài thơ mà chúng tôi thường đăng trên trang web TĐCS.

Tôi vào trang Tiến Đức Châu Sơn (TĐCS) là vì tò mò, để xem dân Quê Choa viết gì. Tôi nhìn thấy chủ trương của nhóm biên tập mang tính cách tân. Tôi liên tưởng tới Tự Lực Văn Đàn của những thập niên 30 thế kỷ trước, đặc biệt qua tác phẩm Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, chủ soái của nhóm. Văn phong của nhiều bài viết trong TĐCS dễ gây ra đụng chạm. Tuy nhiên tôi hiểu rằng: ‘Đấu tranh giữa cũ và mới là điều không thể tránh khỏi đụng chạm’. Ở một xứ đạo di cư có tuổi đời hơn ½ thế kỷ sẽ có những cây đại thụ và có những lề thói trở thành tập quán cố hữu không dễ gì thay đổi. Những niềm tự hào của thế hệ trước nếu không được phát huy theo tinh thần mới sẽ trở thành cản trở cho thế hệ sau.

Sau 1975, tình thế đã đưa đẩy những người trí thức trở về quê hương để họ được hội nhập và làm vẻ vang cho quê hương họ. Những trí thức nông thôn này, vô hình chung có trách nhiệm góp phần làm đổi mới quê hương. Tuy nhiên họ sẽ gặp phải một sự kháng cự mãnh liệt của tinh thần bảo thủ, đồng thời một phần họ còn quá trẻ chưa có kinh nghiệm để tạo một niềm tin…

Mạng xã hội làm cho cục diện thay đổi, mọi người được nâng cấp lên để có thể đăng đàn trên facebook. Tự bản thân FB cũng đã bị kết án vì đã lôi kéo những tín đồ cuồng tín. Nhiều thành phần trí thức đã lên tiếng phê phán nhưng đã rụt lại vì bị cư dân mạng ném đá. Chỉ có thời gian là chứng minh được thực hư của giá trị ảo nhưng đem lại những giá trị lớn. Những nhà tư vấn khuyên các bạn trẻ hãy sử dụng mạng xã hội như một phương thế tích cực để học tập, trau dồi kiến thức, trao đổi và chia sẻ những thông tin bổ ích cũng như góp phần làm đẹp cho đời.

Tuy nhiên không tránh khỏi những chia sẻ nhảm nhí và những thông tin thất thiệt. Từ khi mạng xã hội phát triển, mọi người có cảm giác được hít thở không khí của tự do, dân chủ; môi trường nông thôn cũng dần hiện đại hơn vì được chia sẻ những thông tin quốc tế và quốc nội, được bàn luận như một chính khách. Điều quan trọng nhất là mạng xã hội đã thổi vào các làng quê một tinh thần mới, tuy nhiên không tránh khỏi những trào lưu tệ hại làm suy đồi giới trẻ…

Những người làm Web tại các giáo xứ thuộc GP.BMT có cơ hội hơn là nhờ những khóa học về truyền thông của GP. Cha Vũ Thanh Lịch, nguyên cha xứ của Châu Sơn là người đi tiên phong khi Ngài phụ trách Ban Văn hóa Truyền thông của Giáo phận. Những trang web ra đời trước thời điểm này hầu như bị nhìn bằng một ánh mắt nghi ngại. Nguyên nhân là vì hoàn cảnh xã hội lúc đó đã làm cho mọi người mất niềm tin nơi nhau. Để tạo được niềm tin thật là khó. Những người đi tiên phong luôn phải chịu nhiều đau khổ. Tôi còn nhớ một bài thơ của Oto Camilo như sau:

Những kẻ lớn trước thời đại mình

Sẽ phải khổ đau nhiều vì nó
Nhưng đẹp biết bao
Khi chúng ta biết yêu thế giới này
Bằng đôi mắt của những người chưa sinh ra
Và vui biết mấy
Khi chúng ta biết mình sẽ thắng
Giữa những lúc mọi sự chung quanh
Vẫn còn vô cùng lạnh lẽo tối tăm.     

Bạn bè của tôi, những người thân của tôi khi tham gia vào lĩnh vực này đều chịu chung một số phận như vậy. Nhất là công việc “ôm rơm dặm bụng” và “làm dâu trăm họ”…

Trở lại trang TĐCS, nói cho trung thực thì đây là một trang đã chịu nhiều phong ba bão táp, búa rìu của dư luận. Đây không hẳn là một trang Web nhà đạo, giữ vô tư một tinh thần tôn giáo thuần thúy với những bài chia sẻ đạo đức, Lời Chúa và giáo huấn mà là một trang web phản ánh đời sống trong một làng quê xứ đạo, với những phê phán và cách viết dễ đụng chạm. Những cây viết thiên về chính luận mang đậm chất của Vinh, đó là tinh thần đấu tranh thì hỏi làm sao không khỏi đụng chạm. Những bậc tiền bối sao không khỏi bực mình. Giữ được bình thản như Diogenes để còn thản nhiên vuốt mặt khi bị dội cả xô nước không phải là chuyện dễ… Sau cơn mưa trời lại sáng!

Thời điểm hiện nay cách nhìn nhận của mọi người đã có nhiều thay đổi. Mình không tự đổi mới mình thì sẽ tụt hậu. Truyền thông là một phương tiện hữu hiệu và tích cực. Tuy nhiên để đầu tư cho lĩnh vực này còn rất hạn chế, thậm chí người lập web cũng bởi vì đam mê mà mang tiếng “vác tù và hàng tổng”. Những phóng viên nghiệp dư chỉ làm vì lòng nhiệt thành và nhiều khi chịu nhiều trận bão phũ phàng. Những con người này có phải là những tinh hoa ưu tú hay chỉ là bọn càn rỡ. Hãy thay đổi cách nhìn, góp ý chân thành để cùng tiến bộ. Nhân vô thập toàn, không ai già dặn mà không một lần vấp ngã. Chúc Tiến Đức Châu Sơn càng ngày càng xứng đáng hơn với Quê Choa.

Hoàng Nga

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …