Trong Thiên Chúa giáo, việc ông Giuđa phản bội Chúa Giêsu là việc nổi tiếng. Nổi tiếng ở chỗ ông bán chính Thầy mình với giá 30 đồng bạc (Mt 27,3).
Trong Mùa Chay, nhất là trong Tuần Thánh, tên ông Giuđa được nhắc tới nhiều lần với ý nghĩa xấu.
Tôi thấy việc hiểu nhân vật này là chuyện không đơn giản.
Cho dù ông bị mọi người của mọi thế hệ kết án là người phản bội, thì rõ ràng sự phản bội của ông cũng đã trở thành một biểu tượng lớn cho nhiều thứ phản bội khác của bao nhiêu người khác. Biết đâu trong số đó có chúng ta.
Vì thế, tôi xin trình bày vài suy nghĩ của tôi. Suy nghĩ riêng tư, nhưng cũng dựa trên Phúc Âm.
Được chọn và được trọng dụng.
Ông Giuđa là người thuộc nhóm 12 môn đệ Đức Kitô.
Nhóm 12 này được coi là những người được Chúa Giêsu tuyển chọn cách riêng.
Bốn Phúc Âm đều nhắc đến tên ông Giuđa này, biệt danh là Giuđa Ítcariốt (Lc 6,16). Điều hơi đặc biệt là tên ông được nhắc tới không dưới 10 lần. Đang khi một số môn đệ khác chỉ được nói tới phớt qua.
Thuộc nhóm 12 đã là một vinh dự lớn. Thêm vào vinh dự lớn đó, ông Giuđa còn được trao trọng trách giữ tiền. Với nhiệm vụ giữ tiền chung, ông được coi như người quản lý lo về vật chất và phác họa các kế hoạch cho các di chuyển và việc ăn ở hằng ngày của cộng đoàn. Nếu gọi ông là người lập kế hoạch cho nhóm về phương diện vật chất, thì cũng không quá đáng.
Như vậy, ông Giuđa là người tháo vát. Trong một thời gian dài, ông được Chúa Giêsu tin tưởng và được các bạn tín nhiệm.
Trước biến cố Chúa Giêsu nạp mình bị bắt, bầu khí trong cộng đoàn không có dấu chỉ nào cho phép dự đoán xấu về ông, khiến các môn đệ phải nghi ngờ ông.
Tự hào với ý riêng.
Ông Giuđa, được tiếp cận với Chúa Giêsu kể như thường xuyên, được nghe Người giảng dạy, được chứng kiến nhiều phép lạ Người làm, hơn hữa, ông lại là người Chúa chọn cách riêng. Nên không thể nghi ngờ về đức tin của ông.
Trái lại, theo thiển ý của tôi, ông thuộc trường phái Zêlốt gồm những người nhiệt thành về đạo. Ông rất khao khát Đấng Cứu thế đến. Ông rất thao thức với việc thiết lập Nước Trời. Ông tin giờ hạnh phúc đó đã tới gần.
Bởi vì chính Đức Kitô cũng thỉnh thoảng nói về thời giờ đã gần tới. Người còn dạy phải cầu nguyện cho Nước Cha trị đến.
Ông rất tin Thầy mình là Đấng quyền năng. Ông tin tình hình đã tới lúc đổi mới. Ông chứng kiến cảnh từng vạn người từ khắp nơi đổ về thủ đô, để tung hô đón Thầy mình từng bừng. Họ tôn vinh Thầy mình là vua (Mt 24,8-10). Ông thấy Thầy mình mạnh tay đuổi những kẻ buôn bán khỏi đền thờ (Mt 21,12-13). Người tỏ mình là Đấng cứu dân (Mt 21,14-17). Vì thế ông tự hào về hy vọng của ông bao năm hằng ấp ủ.
Nhưng, chính lúc đó, ông lại thấy Thầy mình tỏ ra không hào hứng chút nào. Trái lại, Người còn nói xa nói gần về một cái gì u ám sắp xảy ra. Như “Còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt qua, và Con Người sắp bị nộp, để chịu đóng đinh vào thập giá” (Mt 26,2). Vì thế, ông Giuđa nghĩ rằng: Mình cần phải có một kế hoạch, để việc đắc thắng của Thầy trò mình nhất định phải thực hiện cho bằng được, càng sớm càng tốt.
Rơi vào những sai lầm trầm trọng.
Thế là ông đưa ra kế hoạch, ép Chúa Giêsu phải sớm tỏ ra uy quyền và vinh quang, ép Người phải sớm thiết lập một Nước Trời đầy công bình và vâng phục luật Chúa, ép Người phải chứng tỏ mọi hy vọng của ông về Chúa là đúng, là chính đáng.
Thế là, ông mưu đồ bán Chúa. Đây chỉ là một chiến lược.
Nhưng, Giuđa đã sai lầm trầm trọng.
Sai lầm thứ nhất là ông tưởng Chúa Giêsu, khi bị bắt, sẽ thoát khỏi tay quân dữ một cách dễ dàng. Uy quyền Chúa sẽ tràn lan. Nhưng Chúa Giêsu lại không làm như ông muốn.
Sai lầm thứ hai là ông tưởng việc thiết lập Nước Chúa sẽ được thực hiện bằng quyền lực, bằng những thành công rực rỡ lẫy lừng. Nhưng thánh ý Chúa rất khác. Nước Chúa sẽ đến qua con đường khiêm tốn, yêu thương tự hạ hy sinh. Chúa và các môn đệ Người sẽ phải chịu mọi cực hình cho đến chết trên thánh giá để làm chứng nhân cho tình yêu cứu độ.
Sai lầm thứ ba là ông thiếu khiêm nhường và tỉnh thức trước các lời Chúa khuyến cáo. Ông tự cao, cứ bám chặt vào cái nhìn chủ quan của mình.
Sai lầm thứ tư là sau khi sự Chúa bị bắt và bị nhục hình đã đánh thức lương tâm ông, thì ông lại vội thất vọng về Chúa và về chính mình. Ông tưởng chỉ còn một lối duy nhất để giải quyết lỗi lầm của ông, là treo cổ tự tử. Ông không nhớ, hoặc không tin vào lòng thương xót của Chúa. Ông không đủ khiêm nhường, để theo Chúa đến thánh giá, đến mộ, và trở về với nhóm 12. Họ cũng là những người bội phản, kẻ cách này, người cách khác. Nhưng họ khiêm tốn vẫn tin theo Chúa trong tâm hồn. Sau cùng, họ đã gặp Chúa sống lại, và đã được Người thứ tha mọi lỗi lầm, yếu đuối.
Những bài học.
Với mấy suy nghĩ trên đây, tôi nghiêng về hướng không buộc tội ông chỉ vì tham tiền mà phản bội Chúa. Thực ra, chỉ có Chúa mới là Đấng có thẩm quyền xét xử ông.
Riêng tôi chỉ muốn rút ra cho mình những bài học hữu ích.
Qua sự kiện Giuđa, Chúa Giêsu dạy tôi luôn phải bắt chước Người, trong việc vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vâng phục với tâm tình phó thác tuyệt đối.
Tôi phải rất thận trọng trong các việc mình tự cho là để làm sáng danh Chúa. Bởi vì rất nhiều trường hợp, ý Chúa lại rất khác ý ta. Việc tôi làm tưởng là việc tốt, nhưng trước mặt Chúa lại là một thứ phản bội ơn gọi làm chứng nhân cho Đấng Cứu thế khiêm nhường, khó nghèo, hy sinh.
Tôi tin Nước Trời sẽ đến. Nhưng Nước Trời như một hạt giống gieo vào lòng đất. Hạt giống đó sẽ phát triển và mọc dần dần (Mc 4,26-29). Chứ Nước Trời không được thiết lập bằng bất cứ quyền lực nào.
Sự tin cậy phó thác của tôi nơi Chúa mở ra trong tôi một cái nhìn mới. Tôi tin vào Cha giàu lòng thương xót. Cha thì biết cái gì là tốt hơn cho con. Nên trước những xung đột nội tâm, tôi vững tâm nói với Cha lời Chúa Giêsu đã nói ở vườn Cây Dầu: “Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36).
Nhất là tôi đặt hết tâm tình tôi vào lời phó thác “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Lời phó thác đó là lời sau cùng Chúa Giêsu nói trên thánh giá. Còn đối với tôi, đó là lời phó thác của mọi ngày, mọi giờ, mọi phút, suốt cả đời tôi.
Sau cùng, tôi xin Chúa thương giúp tôi biết sử dụng đúng sự tự do, địa vị và các tài năng của mình. Giuđa đã sử dụng sai các ơn Chúa ban. Nhưng Chúa không ngăn cản. Hơn nữa, Chúa còn ưu ái ông. Vì thế, ông đã đi xa, chìm sâu trong lầm lạc. Về phương diện này, có thể nói tội phản bội của Giuđa vẫn tái diễn. Đến nỗi, còn có thể nói thêm: Nếu không biết khiêm nhường tỉnh thức, thì trong mọi người chúng ta vẫn thấp thoáng bóng một Giuđa phản bội.
Hy vọng đừng ai coi thường tiềm năng phản bội đó nơi chính mình.
GM Bùi Tuần
Bình luận