Ngày ấy sau khi linh mục chánh xứ thân yêu của giáo xứ Châu Sơn chúng con được bổ nhiệm đi coi xứ khác, giáo dân giáo xứ chúng con bơ vơ như những người con không cha. Mỗi tuần chúng con từng đoàn người: già, trẻ, lớn, bé, đa số đều phải đi bộ ra đến nhà thờ chánh tòa BMT để tham dự Thánh Lễ hàng tuần. Sau thời gian hơn nửa năm trời, chúng con mới nhận được tin vui là tòa giám mục sẽ bổ nhiệm Lm Phaolo Võ Quốc Ngữ, về làm vị chủ chăn của giáo xứ chúng con.
Trong thời gian chờ đợi, giáo dân giáo xứ Châu Sơn chúng con hồi hộp, náo nức, mong đợi, và cũng không kém phần tò mò về vị chủ chăn sắp tới. Bởi có người nói rằng Cha là một người rất nhỏ con, tính tình nóng nãy, trung trực, và cũng là một người linh mục sống rất khó nghèo.
Rồi ngày mong chờ ấy cũng đã đến với giáo xứ chúng con. Phải nói đó là lần đầu tiên con được tham dự một thánh lễ ra mắt quá long trọng đến như vậy tại nhà thờ giáo xứ Châu Sơn. Con còn nhớ ngày hôm ấy nhà thờ đông người đến lạ. Cũng không biết mọi người đến tham dự thánh lễ vì lòng đạo đức hay vì tính ‘tò mò’ về cha xứ mới của mình. Sau lời chào hỏi giáo dân, cha đã đọc một câu để thay cho lời giới thiệu về Ngài mà mãi mãi con vẫn luôn nhớ trong lòng. Câu đó như sau:
– Con phượng hoàng cất cánh ra đi, rước con cò lả đem về mà nuôi!!!!
Con cò lả ư? Câu nói đó đã làm không ít người thắc mắc, tò mò, và chú ý về cha hơn. Những người ngồi cuối nhà thờ cũng cố gắng nhướng chân, vươn cổ để nhìn cho rõ về Cha. Đúng vậy, đúng là thân Cò Lả. Cha vừa ốm và lại vừa nhỏ con….!
Sau một thời gian ngắn, ‘con cò lả’ ấy đã được rất nhiều người quý mến. Riêng con thì đã cảm phục cho cuộc sống khó nghèo và thương người của Cha nhiều lắm. Đặc biệt là Cha luôn quan tâm và đột xuất thăm viếng những người khó khăn và bệnh tật ở trong làng. Cha đã cho họ sự quan tâm, thông cảm, và chia sẻ để họ cảm thấy được an ủi phần nào trong cuộc sống nghèo khổ, khó khăn, và bệnh tật mà họ đã và đang phải gánh chịu.
Con còn nhớ mỗi năm tết đến, theo lời kêu gọi của Cha với câu nói “Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, và lá nát thì đùm lá tả tơi”. Chị em chúng con và tất cả mọi người ở trong các cấp giáo lý, ai ai cũng xin cha mẹ gói thêm những cái bánh tét nhỏ để góp phần tặng quà cho những người dân tộc còn khó khăn hơn mình.
Cha luôn rộng tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chính bản thân Cha lại sống rất khó khăn và tiết kiệm. Có người kể lại họ thường thấy Cha chỉ ăn sáng có nửa gói mì tôm, nửa gói còn lại Cha để giành cho sáng hôm sau.
Cha không hài lòng khi một số giáo dân đi lễ mà không vào nhà thờ, bởi họ đứng ngoài vừa xem lễ vừa nói chuyện. Có hôm lễ sáng ghế trong nhà thờ còn trống rất nhiều, vậy mà vẫn có một số giáo dân đứng ngoài hành lang để tham dự thánh lễ. Cuối lễ cha đã đọc như vầy: Thánh lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an. Trừ những người đứng ngoài nhà thờ……
-Tạ ơn Chúa.!!!!
Cha luôn khen thưởng và tặng quà cho các em thiếu nhi ngoan ngoãn học giỏi ở trường, và ở các cấp giáo lý. Ngược lại Cha cũng rất nghiêm khắc dạy dỗ, hướng dẫn, xử phạt, và dọa sẽ nhốt những em nào phá phách, nghịch ngợm vào chuồng khỉ. Có thể vì lý do đó mà tuổi trẻ chúng con luôn có tinh thần và mục đích để cố gắng. Một số trẻ đang nghịch ngợm, phá phách, đã trở thành những đứa con ngoan hơn của gia đình và của giáo xứ.
Hồi đó ba mẹ của con đã mở một quán nhỏ trước nhà cho con bán hàng để kiếm thêm phần thu nhập nhỏ cho gia đình. Có lẽ vì Cha muốn ủng hộ và cũng là một cách giúp gia đình chúng con trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, nên thay vì đi ra chợ hoặc là ghé mua ở những quán khác ở gần hơn, Cha đã ghé vào quán của gia đình con mỗi tuần. Hôm thì Cha cần mua kẹo, hôm thì bánh, xí muội, bong bóng, quạt giấy .v.v. để Cha chia cho các trẻ em nhỏ.
Lần đầu tiên Cha dặn mua là một ký xí muội và 10 cái quạt giấy. Lúc trả tiền, Cha thấy rẻ nên Cha đã hỏi con, “Con tính tiền lời chưa?”
– Dạ, Mẹ của con dặn là mua giùm cho Cha thôi, chứ không lấy tiền lời Cha à.
Nghe vậy, Cha đã nghiêm mặt, tỏ vẻ không hài lòng, và trách.
– Vậy thôi, nếu vậy thì Cha sẽ không lấy, và cũng không bao giờ nhờ con mua nữa….!
– Dạ, Dạ, con xin lỗi Cha. Cha lấy đi, chỉ lần này là con không tính tiền lời thôi, nhưng lần sau thì con sẽ tính.
Cha trả tiền và không quên mở gói xí muội chia hết hơn nửa gói cho một số trẻ em đang ngồi trong quán lúc bấy giờ.Trước khi ra về Cha luôn miệng dặn, “Con phải lấy bằng giá con bán lẻ nhé. Nếu con không lấy tiền lời, thì Cha sẽ giận và không mua của con nữa đâu.”
– Dạ!
Rồi kể từ đó, không biết bao nhiêu lần Cha dặn, rồi mẹ của con lại đi chợ mua. Con là người “giao hàng và nhận tiền.” Mà lần nào Cha cũng hỏi.
– Con đã tính lời chưa?
-Dạ, con đã tính bằng giá con bán lẻ rồi Cha à….!
Cha vui vẻ trả tiền, rồi ra về bằng chiếc xe đạp cũ mà Cha thường nói đùa với con là ‘con ngựa sắt già của Cha’. Nhưng có một điều mà Cha chưa hề biết, nay con xin được gửi lời xin lỗi, và cũng có thể là một lời “THÚ TỘI HƠI MUỘN MÀNG CỦA CON”.
Hồi đó chúng con chỉ mua giùm cho Cha mà thôi. Chúng con không hề tính lời. Bởi Mẹ của con luôn dặn con, “Cha mua để cho người nghèo và trẻ em. Giúp đỡ người nghèo rất tốt con à. Tuy nhà mình không khá giả gì, nhưng tính lời của Cha là không được. Còn nếu nói không tính lời nhất định Cha sẽ không dám gửi mình mua nữa đâu, Cha mua chỗ khác đâu rẻ như mình lấy hàng sỉ”. Vì sợ Cha buồn vì ý tốt của Cha muốn giúp cho sự buôn bán của chúng con, nên chúng con đành phải nói dối với Cha rằng: Con đã tính theo giá bán lẻ rồi Cha ơi!
Mỗi lần đi đâu về qua nhà con, Cha lại dừng ‘con ngựa sắt già’ lại, và ghé vào nhà con đứng trước cửa, giơ tay và nói, “Cha chúc lành cho gia đình.” Rồi Cha lại lên ‘con ngựa sắt’ chạy về. Trên đường về không biết Cha còn ghé vào bao nhiêu gia đình khác để thăm hỏi và chúc lành như vậy nữa…?
Nói về Cha thì còn nhiều và nhiều lắm, nhưng đây là một vài ký ức nhỏ của con về Cha. Con luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào, vì con đã được làm một người con của giáo xứ Châu Sơn. Nơi ấy chúng con đã được Cha và các Cha khác nữa, đã thương yêu và dạy dỗ chúng con rất nhiều. Chúng con xin tri ân và cảm ơn các Cha nhiều, nhiều lắm.
Khi được tin Cha mất, con cảm thấy buồn lắm Cha à, vì cuộc sống nên con đã không thể về để tiễn đưa Cha một lần cuối….
Nơi đất khách quê người, con chỉ biết cầu xin Chúa sớm đón nhận linh hồn Cha về thiên đàng. Con xin được đốt lên những nén hương lòng để tưởng nhớ về Cha, một người Cha chung của giáo xứ chúng con…
Giờ đây Cha đã được ở gần Chúa. Xin Cha hãy nhớ và cầu nguyện cho toàn thể giáo xứ Châu Sơn của chúng con với Cha nhé. Giáo xứ mà một thời Cha đã tốn bao nhiêu công sức và tâm huyết để gầy dựng. Trong cuộc sống bây giờ, giáo xứ chúng con cần lời cầu nguyện nhiều nhiều lắm Cha ơi.!!
Nhớ thương Cha nhiều.!
Người con xa xứ
Mary Lưu
Bình luận