Ân Đức – Vị mục tử biến mình thành cây sáo…

“Nếu một bài hát nào đó của tôi, cho dẫu rất nhỏ bé đơn sơ nhưng giúp cho một tâm hồn yêu mến Chúa hơn, cũng là phần thưởng lớn lao rồi!”, linh mục Ân Đức (dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam) nói ngài thường nghĩ như vậy. Hành trình của cha là chuỗi ngày sống tinh thần đan sĩ và miệt mài dệt cho đời những khúc ca.

1. Linh mục nhạc sĩ Ân Đức tên thật là Trần Ngọc Hoan, quê gốc ở Hương Sơn – Hà Tĩnh. Cha là con thứ ba trong một gia đình nông dân gồm 11 anh chị em, trong số đó có đến 3 người chọn đời sống thánh hiến. Có dịp gặp cha trong cơ sở của đan viện thuộc Hội dòng Xitô Thánh Gia, ấn tượng đầu tiên của tôi về ngài là một linh mục rất niềm nở, hiền hòa và đầy khiêm tốn. Đôi chân bước đi khập khiễng do hai lần bị tai nạn giao thông phải phẫu thuật, lại mang trong người nhiều bệnh của tuổi già, dầu vậy, nụ cười của ngài có sức lan tỏa mãnh liệt, làm không khí cuộc gặp thật ấm áp.

Vị mục tử biến mình thành cây sáo

Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, cha vào tiểu chủng viện KonTum, được 7 năm sau đó chuyển sang tu dòng. Nhắc lại quãng thời gian ấy, cha khắc khoải: “Hồi thơ ấu, tôi là một đứa trẻ ốm yếu. Suốt những năm trong chủng viện, tôi chỉ là một chủng sinh nhút nhát, khép kín, khả năng giao tiếp vụng về, chỉ có chút năng khiếu âm nhạc thừa hưởng từ song thân. Mùa hè năm 1973, tôi xin ra khỏi chủng viện vì thấy ơn gọi tu triều không thích hợp. Trước ngã rẽ của cuộc đời, bản thân tự đặt cho mình một sự chọn lựa quyết liệt: đi tu hay từ bỏ. Chính niềm ước mong được phát triển khả năng âm nhạc gắn với việc thờ phượng mà tôi mạnh mẽ tiếp tục xin vâng”.
Rồi từ đó (năm 1974), cha ký thác đời mình với đan viện Xitô Phước Sơn, trở thành một đan sĩ thầm lặng. Đời sống đan tu giúp ngài có nhiều thời gian để chiêm niệm, gặp gỡ Chúa. Như bao anh em khác, cha xây đời mình theo tôn chỉ hội dòng: “lao động và cầu nguyện”. Ngày 12.4.1980, vị đan sĩ tuyên khấn trọn đời. Năm 1994, cha Ân Đức được nhà dòng sai đi phục vụ tại cộng đoàn Xitô Thiên Phước – Bãi Dâu, Vũng Tàu và đến năm 1997, nhận tác vụ linh mục, khi đã 44 tuổi. “Bây giờ ngồi nhìn lại quãng đời theo Chúa, lúc tuổi còn thanh xuân đó, tôi nghiệm ra rằng ‘Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người’ (Rm 8, 28)”, cha nói.

Vị mục tử biến mình thành cây sáoĐêm nhạc dấu ấn tình yêu Paris 2009 của cha
2. Con đường nghệ thuật và sứ mạng phục vụ của cha luôn song hành với nhau. Kể về hành trình mục tử của mình, một dấu ấn đặc biệt ảnh hưởng to lớn đến các sáng tác, cha mãi không quên, đó là 15 năm hòa mình vào dòng chảy khó khăn của cuộc sống: có khi như một nông dân thực thụ cày cuốc trên Nông trường Lô 6 Củ Chi; lúc khác lại đạp xích lô kiếm sống, không khác lắm một người lao động nghèo thành thị. Và, chính trong những hoàn cảnh đó, hình ảnh người nông dân giản dị, cần mẫn, kẻ lao khổ, người già yếu, ăn xin bên vệ đường là chất liệu sống động khơi nguồn cho những sáng tác của cha.
Vừa mày mò đọc sách, tự học, vừa thực hành viết nhạc, vậy mà vượt qua bao thiếu thốn, cha đã cho ra đời hàng loạt ca khúc. “Đối với tôi, đây là quãng thời gian ấn tượng nhất của cuộc hành trình đi theo Chúa. Nơi nông trường, tôi tuyên khấn trọn đời và cũng chính môi trường này, cảm hứng của tôi được thể hiện qua những bài thánh ca Dấu ấn tình yêu, Tình khúc, Chúa là cây nho, Ngài có đó, Khúc hát một loài hoa…  tập nhạc Lời tôi ca phổ thơRabindranath Tagore”, cha hồi tưởng. Ngài ôn lại kỷ niệm một thời: “Mùa hè năm 1980, tôi được về Sài Gòn ba tháng để học bất cứ môn nào có thể, từ xướng âm, sáng tác, đàn tranh… Mãi đến những năm 90, tôi mới theo học chính quy về hòa âm, phối khí, bản đệm đàn, hình thể thánh ca, tẩu pháp với linh mục nhạc sư Tiến Dũng”.

Vị mục tử biến mình thành cây sáo - Ảnh minh hoạ 2

 Ca khúc DẤU ẤN TÌNH YÊU được cha Ân Đức viết trong dịp lễ tuyên khấn trọn đời của một anh em nơi nông trường năm 1985, lấy cảm hứng từ Bài thơ số 1 trong tập thơ “Lời dâng” của đại thi hào Rabindranath Tagore. Hai tiểu khúc 1 và 2 nói lên dấu ấn của tình yêu Chúa in sâu trong cuộc đời mỗi tín hữu và cuộc sống thánh hiến của người tu sĩ. Bài TÌNH KHÚC được sáng tác năm 1982, dịp kỷ niệm 400 năm sinh nhật thánh nữ Têrêsa Avila, Tiến sĩ Hội Thánh. Còn bài HÁT TRÊN ĐỈNH ĐỒI được viết năm 2000, lấy nguyên bản thánh thi tiếng Tây Ban Nha của thánh Gioan Thánh Giá – Trăng Thập Tự dịch thơ.

Dòng nhạc của cha thường liên quan đến đời sống thánh hiến. Ca từ trong các sáng tác được cảm hứng từ mẫu gương tu trì của các vị thánh, mang hơi hướng các làn điệu dân ca kết hợp với bình ca, tạo nên sự hòa quyện giữa thánh thiêng và hồn dân tộc. Trong thời buổi thiếu thốn kinh phí, trang thiết bị, vị linh mục cũng đã cố công thực hiện được hai băng cassettes phục vụ cho cộng đoàn Dân Chúa: “Hát về Quê Hương” (1987) gồm những bài ca văn nghệ hoặc sinh hoạt và “Lời tôi ca” gồm nhiều bài ca cảm hứng hoặc phổ thơ R.Tagore. Được sự khuyến khích và cộng tác của các cha Đỗ Xuân Quế, Khuất Duy Linh, Đỗ Bá Công, nhạc sĩ Ân Đức khi ấy lại thực hiện tiếp băng Cassette thánh ca “Hương nguyện tình yêu” (1990), “Ngọn đèn dâng hiến” (1991) và hai tập nhạc chép tay giấy vàng in ronéo “Lời tôi ca” “Hương nguyện tình yêu”. Bày tỏ cảm xúc về những sáng tác của cha Ân Đức, linh mục Hoàng Kim Tâm, Đan viện Thiên Phước chia sẻ: “Từ những rung cảm về cuộc đời và tâm tình của các thánh, linh mục Ân Đức đã dệt thành những ca khúc thơm hương cầu nguyện. Mỗi bông hoa ấy là một bản tình ca diệu vợi trong mối tình muôn thuở giữa Thiên Chúa và con người”.

Bây giờ, khi đã bước sang cái dốc bên kia của cuộc đời, ngài vẫn lặng lẽ dốc trọn sức mình cho thánh nhạc. Đối với cha, tác phẩm thánh ca trước hết phải là bài cầu nguyện. Bằng những suy tư, trăn trở và tinh thần làm việc nghiêm túc, linh mục nhạc sĩ Ân Đức đã đóng góp cho nền thánh nhạc Việt Nam những khúc ca thật sâu lắng. Cha biến đời mình thành cây sáo, để Chúa thổi vào đó giai khúc thanh khiết, ngây ngất tâm hồn…
“Để bài thánh ca thật sự trở thành bài cầu nguyện cần hội tụ ba yếu tố, nói đúng hơn phải có ba phần. Thứ nhất là hồn nhạc, tức bài hát có giai điệu đẹp, phát xuất từ sự nhạy cảm phong phú của tác giả. Giai điệu đẹp sẽ luôn luôn dễ hát, dễ tập, dễ cảm thụ và truyền đạt. Kế đến là hồn thơ, tác giả phải am tường về âm vận, các hình thể thơ ca, lời ca giàu hình tượng màu sắc càng làm cho bài hát thêm thú vị, để chuyển tải nội dung thánh thiêng. Cuối cùng, đó là hồn cầu nguyện. Có thể xem đây như cốt lõi của bài thánh ca bởi cho dù bài hát có giai điệu đẹp hoặc có lời ca thú vị, nhưng không giúp người khác cầu nguyện được thì cũng chưa hoàn thành sứ mạng. Muốn thế, nhạc sĩ thánh ca phải là người cầu nguyện trước tiên”, linh mục nhạc sĩ Ân Đức tâm niệm.
                                                                                                                          HÙNG LUÂN

Tác giả bài viết: Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc:

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …