Cái thùng rác!!!

                                                                                                                                  Trần Mỹ Duyệt
“Nhà nào cũng có một cái thùng rác”. Trên suốt quãng đường dài từ Riverside về lại Orange County sau một ngày họp mặt với đám bạn bè, thân hữu, ba anh em chúng tôi đã trao đổi với nhau một cách rất hăng say và cởi mở về đời sống hôn nhân, về những khó khăn, và về những thử thách cần phải vượt qua để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Cuối cùng chúng tôi đã có cùng một kết luận: “Nhà nào cũng có một cái thùng rác”.
Dĩ nhiên, đây không phải là cái thùng rác trong nhà bếp mà cứ vài hôm người trong nhà đem ra đổ vào cái thùng rác lớn bên hông vườn. Và đó cũng không phải là cái thùng rác lớn ở hông vườn mà mỗi tuần vào một ngày nhất định phải đem nó ra đường để cho những chiếc xe đổ rác đi qua và làm sạch nó.

Nhắc đến xe đổ rác tôi còn nhớ lại một câu truyện vui của những ngày xa xưa khi mà đứa con trai tôi còn nhỏ. Một hôm tôi hỏi nó:
-Lớn lên con muốn làm gì?
Không cần suy nghĩ, nó nói với tôi bằng một niềm tự hào và rất sung sướng:
-Con muốn làm thằng đổ rác!

Đơn giản là vì hàng tuần con tôi vẫn thấy những chiếc xe đổ rác to đậu lại bên thùng rác trước cửa nhà tôi, thò chiếc tay sắt bám sát lấy chiếc thùng rác, nhấc bổng lên rồi đổ mọi rác rưởi vào cái lưng to lớn của nó, sau đó rú ga chạy tiếp sang những nhà hàng xóm. Đối với con tôi, đổ rác, thú được làm “thằng” đổ rác chỉ đơn giản là được lái một chiếc xe to và ngộ nghĩnh như thế.

Dĩ nhiên, tôi cũng như các bạn của tôi khi nói về cái thùng rác, chúng tôi không dừng lại ở nghĩa đen nhưng tiềm ẩn một ý nghĩa khác. Những rác rưởi tinh thần trong những sinh hoạt của đời sống vợ chồng. Thí dụ, là những tranh cãi, những khó chịu, những bất đồng ý kiến dẫn đến những giận hờn thường xuyên sảy ra trong đời sống chung, trong không khí và khung cảnh gia đình. Nếu không siêng năng, chịu khó quét dọn, và không đổ rác thường xuyên thì bầu khí gia đình sẽ trở thành ngột ngạt, đôi khi những mùi xú uế của những rác rến ấy xông lên khiến ảnh hưởng đến không khí trong lành của gia đình.
Càng sống trong đời sống hôn nhân lâu năm, và càng trải qua những kinh nghiệm về những khác biệt của tuổi tác, khác biệt của nền giáo dục gia đình, giáo dục học đường, khác biệt nghề nghiệp, khác biệt về niềm tin, thì những rác rưởi của đời sống chung càng xuất hiện nhiều, càng có nhiều loại rác khác nhau. Đó cũng là những lý do tại sao vợ chồng lại hay cãi cọ, hay to tiếng hoặc bất hòa. Và đó cũng là lý do tại sao nhiều cặp tình nhân trước khi bước vào đời sống hôn nhân đã yêu nhau đắm đuối, đã trải qua những chuỗi ngày vất vả, đôi khi phải vược qua những rào cản của cha mẹ, của những người thân để đến với nhau, nhưng khi về chung sống với nhau chẳng bao lâu đã phũ phàng nhận ra hàng trăm những thứ rác rưởi từ lối suy nghĩ, tâm tính, quan niệm sống, và phong thái sống của nhau.
Để biện hộ cho cái tật lười đổ rác, nhiều người đã qui cho hai chữ “khắc khẩu”. Vợ chồng tôi khắc khẩu nên hễ mở miệng ra là cãi vã, là to tiếng, là giận hờn…Mà khắc khẩu là vì tuổi tác vợ chồng rơi vào “tứ hành xung”: Tý – Ngọ – Mẹo – Dậu. Sửu – Mùi – Thìn – Tuất. Dần – Thân – Tỵ – Hợi. Tệ hại hơn nữa là tôi tuổi Tỵ lại lấy người tuổi Hợi!

Nhưng nếu may mắn ở vào trong khung “tam hợp”: Tí – Thìn – Thân. Sửu – Tỵ – Dậu. Dần – Ngọ – Tuất. Mẹo (Mão) – Mùi – Hợi. mà vẫn khắc khẩu, vợ chồng vẫn không thuận thảo, hạnh phúc là vì không nhờ thầy xem giờ, xem ngày cưới…
Thực tế đã chứng minh làm gì có chuyện tuổi nọ hợp hay kỵ tuổi kia, ngày này, giờ này tốt hoặc xấu, nhưng tất cả chỉ vì người chồng, người vợ hay cả hai lười đổ rác. Đơn giản là chỉ có thế. Điều này cũng nói lên rằng không phải tôi, anh, chị, em, cũng không phải nhà tôi, nhà anh mới có rác mà là chính cá nhân tôi là những cọng rác, và vì thế mỗi nhà đều có một cái thùng rác. Nếu cái thùng rác trong nhà năng được đem ra đổ vào cái thùng rác lớn bên hông vườn. Nếu cái thùng rác lớn bên hông vườn được kéo ra ngoài đường vào một ngày nhất định để sở vệ sinh đổ đi những rác rưởi trong đó thì không có mùi hôi thối trong nhà, không có ruồi nhặng vo ve trong nhà, không có chuột bọ, những động vật hoang bươi tung thùng rác ở hông nhà. Tóm lại, nhà cửa có sạch sẽ, không khí trong nhà có trong lành mạnh hay không đều lệ thuộc vào việc tôi năng quét dọn, và năng đổ rác. Người xưa có câu: “Bói ra ma, quét nhà ra rác.” Nếu muốn cuộc sống hôn nhân được hạnh phúc, nếu muốn những tương quan vợ chồng ngày thêm đặm đà tình nghĩa, thì phải năng quét dọn, và năng đổ rác tinh thần.


Nghĩ cho cùng, cái nghề đổ rác mà con tôi đã mơ ước khi còn nhỏ tuy không cao cả hơn nghề bác sỹ, luật sư, kỹ sư hay những ngành nghề khác nhưng nó lại trở nên cần thiết và có giá trị thực tế. Ít nhất nó cũng giúp làm sạch, làm đẹp đường phố, và đem lại không khí trong lành, mát mẻ cho mọi người. Hôm nay nhìn con đã khôn lớn, tôi không nghĩ nó còn nhớ đến giấc mơ của những ngày xưa còn bé, nhưng dù gì đi nữa, tôi cũng mong nó thỉnh thoảng nhớ lại cái giấc mơ đổ rác mà năng quét dọn, đổ rác tâm hồn để cuộc đời nó cũng như gia đình nó được hưởng bầu không khí trong lành, và là môi trường lành mạnh cho sự phát triển những giá trị cao cả của đời sống hôn nhân, gia đình.

 

Check Also

Tiền bạc có thể mua cả triệu thứ, nhưng tiền bạc không mua nổi một thứ!!!!

Xin hãy ghi nhớ, bao nhiêu tiền bạc cũng không mua nổi một ngày Trên …