Sứ mạng truyền giáo

Từ 82 năm nay, ngày Chúa Nhật giữa tháng 10 dương lịch được chọn làm Ngày thế giới truyền giáo.  Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng thường công bố một sứ điệp kêu gọi cộng đoàn Công giáo thế giới hãy suy tư và hành động để tham gia sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.  Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã nêu rõ tính cách thánh thiêng của sứ mạng truyền giáo, vì đây “là một ân sủng, một ơn gọi xứng hợp và căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (trích Tông Huấn Loan báo Tin Mừng số 14).  Truyền giáo chính là lệnh truyền của Đấng Cứu Thế với các môn đệ trước khi Người về trời.  Công cuộc truyền giáo càng trở nên cấp bách hơn nữa trong thời đại hôm nay, khi con người càng ngày càng tỏ ra dửng dưng đối với tôn giáo và những giá trị tâm linh.

Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa.  Bí tích này cũng mời gọi chúng ta trở nên môn đệ và tông đồ của Đức Giêsu, qua những cố gắng của bản thân trong cuộc sống mỗi ngày.

Trở nên môn đệ là muốn sống đời nội tâm, thực thi Lời Chúa và gắn bó với Người, tức là nên thánh.

Trở nên tông đồ là mong làm cho nhiều người hiểu biết Chúa và đi theo làm môn đệ Người, tức là truyền giáo.

Môn đệ và tông đồ, hai sứ mạng này có tương quan mật thiết với nhau đến nỗi trở thành một ơn gọi duy nhất.  Không thể làm tông đồ nếu trước đó không trở nên môn đệ; cũng không thể là môn đệ đích thực nếu không thao thức làm việc tông đồ.

Truyền giáo là gì?

Chúng ta thường xuyên nghe nói về từ này.  Nguyên gốc của từ này là một danh từ tiếng La-tinh Missio, động từ là Mittere.  Từ này có nhiều nghĩa, và một trong những nghĩa thường được hiểu là gửi đi, sai phái đi để làm một công tác quan trọng.  Đức Giêsu chính là Đấng được Đức Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ con người và tạo vật.  Chính Đức Giêsu cũng sai các môn đệ ra đi, lên đường để cộng tác với Người trong sứ mạng cao cả này.

Truyền giáo trước hết là “ra đi” khỏi chính con người của mình: Chúng ta ai cũng có khuynh hướng ích kỷ, khép kín và coi mình là trung tâm.  Chúng ta thường lấy mình làm tiêu chuẩn để phán đoán người khác.  Ai không có lối suy nghĩ giống chúng ta thì bị phê bình chỉ trích.  “Ra đi” khỏi cái tôi của mình, tức là chấp nhận người khác cùng với ý kiến lập trường của họ, là quảng đại bao dung khi bị xúc phạm.  Truyền giáo chính là thoát ra khỏi vỏ bọc ích kỷ để hòa đồng với anh chị em mình, tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận những hy sinh vì ích chung.  Các môn đệ đầu tiên, khi nghe Đức Giêsu kêu gọi, đã bỏ mọi sự mà theo Người.  Các ông từ bỏ những dự tính nghề nghiệp, từ bỏ môi trường gia đình, làng xóm.  Các ông không hề băn khoăn lo lắng cho ngày mai, nhưng sẵn sàng bước theo Thày, vì các ông tin rằng theo Thày sẽ không phải thiệt thòi thất vọng.

Truyền giáo còn là “ra đi” khỏi những định kiến: Cuộc sống này được dệt lên bởi những niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ.  Bước ra khỏi những định kiến để đón nhận tha nhân trong tình huynh đệ hài hòa, không phân biệt lập trường chính trị, tôn giáo hay quan điểm xã hội.  Một cộng đoàn đức tin gò bó trong quan niệm khắt khe không thể truyền giáo có hiệu quả.  Một Giáo Hội dửng dưng với những giá trị trần thế, hoặc khép mình trước những biến cố vui buồn của cuộc sống xã hội chung quanh, sẽ là một Giáo Hội ảm đạm u sầu thay vì hân hoan hy vọng.  Một cộng đoàn không dấn thân phục vụ con người sẽ trở nên một thứ ao tù không lối thoát và thiếu sinh khí.

Nhờ hai yếu tố nêu trên, chúng ta tiến tới một điểm cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, truyền giáo chính là kể lại cuộc đời của Đức Giêsu.  Câu chuyện về Đức Giêsu đã được kể từ 2000 năm nay mà không lỗi thời.  Lời giảng của Đức Giêsu đã được loan báo từ 20 thế kỷ mà vẫn không mất tính thời sự.  Cuộc đời Đức Giêsu đã và đang được kể lại một cách phong phú không những chỉ qua sách vở, mà còn qua chính cuộc đời của các tín hữu.  Xuyên qua con người của họ, người ta đọc thấy chính cuộc đời của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã cảm thông với người đau khổ, đã chữa lành người bệnh tật, đã phục sinh người chết, đã chúc lành và đã chia sẻ niềm vui với đôi tân hôn trong ngày cưới.  Như vậy, truyền giáo chính là sống như Đức Giêsu đã sống, yêu như Đức Giêsu đã yêu.  Truyền giáo là có trái tim như trái tim của Chúa, có đôi mắt như đôi mắt của Chúa.  Trái tim để yêu và đôi mắt để trao gửi tình thân thiện.

Như thế, truyền giáo không buộc phải làm điều gì to tát ồn ào, mà khởi đi từ những gì rất âm thầm bình dị trong cuộc sống.  Chính những hành động bình dị đó có thể mang lại những hiệu quả lớn lao, khi chúng ta thực hiện với thao thức truyền giáo.

ĐGM Giuse Vũ Văn Thiên

Check Also

CÁO PHÓ ANH AN TÔN PHẠM PHÚ QUỐC

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …