Một cuộc hành hương thú vị!! Phần III

     HỒNG ÂN CHÚA CAO VỜI, CAO VỢI.

 Xe lại bon bon trên đường vạn lý…Lúc này là 19 giờ 30, ngày thứ hai của cuộc HÀNH HƯƠNG. Cơm nước đã xong xuôi. Mọi người vui vẻ. Ao ước gặp Chúa trên đỉnh TAO PHÙNG càng lúc càng đến gần khiến mọi người hưng phấn. Thế là những bài hát Đạo – Đời lần lượt cất cao trong phần văn nghệ bỏ túi trên xe. Lần này, các anh chị em Cộng Đoàn Sắc Tộc tham gia rất nhiệt tình, nhất là các em trong Ca Đoàn TEREXA. Những giọng ca đậm chất Tây Nguyên của họ làm òa vỡ bầu không khí trong xe. Ừ, phải vậy mới đúng chứ. Bởi vì, đó là tố chất trời phú cho họ mà. Sở dĩ các em nhập cuộc hơi chậm một chút vì đây là lần đầu tiên các em làm quen với cách sinh hoạt bỏ túi này nên các em hơi có phần e ngại. Nhưng khi đã vào phom rồi các em mặc sức phô diễn khả năng vốn có của mình. Cuộc vui kéo dài cho đến khi tất cả đều rơi vào giấc ngủ lắc lư lúc nào không hay…

Khi giật mình tỉnh dậy,  xe đã đậu trước Nhà Thờ Đức Mẹ Bãi Dâu Vũng Tàu. Thánh Lễ xong, viếng Đức Mẹ xong, cơm nước xong, tất cả chuẩn bị chinh phục Núi Mẹ. Nhưng mà cuộc chinh phục chẳng phải dễ dàng. Đứng dưới nhìn lên thấy chẳng bao nhiêu, vậy mà khi vào thực tế thật là nhiêu khê. Có những đoạn dốc đứng cheo leo dễ sợ. Có những lúc đường phải uốn khúc  ngoằn ngoèo cho dễ đi. Có những nơi người đi trước như đứng trên đầu kẻ đi sau. Rất may, dọc theo đường đi lên đã được bố trí những chặng đường Thánh Giá nên đoàn Hành Hương có thể nghỉ ngơi lấy sức mà tiếp bước.

Cuối cùng, sau khi đổ khá nhiều sức lực và mồ hôi, mọi người cũng đã lên tới đỉnh. Trên này có một khoảng bằng khá rộng. Ở đây, cây cối thưa thớt hơn, có một cây Thánh Giá bằng xi măng khá lớn như là biểu tượng chấm dứt 14 chặng đường Thương Khó Chúa và cũng là nơi để mọi người có thể cùng nhau cầu nguyện. Ở đây, có thể quan sát xa xa toàn bộ thành phố Vũng Tàu và núi Chúa TAO PHÙNG chấp chới trong nắng sớm. Một người nào đó nói vui: cầu nguyện ở đây chắc Chúa mau nhậm lời hơn vì gần trời…

 Đúng 9 giờ, xe chở đoàn Hành Hương tới chân Núi Chúa. Ngước mắt nhìn lên, tượng Chúa uy nghi cao vời vợi. Ngài đang dang tay nhìn ra biển với vẻ mặt đầy bao dung như báo cho nhân loại biết rằng Ngài luôn sẵn sàng chở che và bảo bọc cho con dân đất Việt.

 

Quả thật, thiên hạ nói không sai, tượng Chúa núi TAO PHÙNG thật là hùng vĩ. Tượng cao 32m, đặt trên bệ 10m và đứng trên đỉnh núi cao 176m với nét mỹ thuật hiện đại nhưng lại rất mềm mại nhân hậu. Nếu so với Tượng Chúa Rio de Janeiro (Brasil) tượng Chúa chúng ta có phần nhỉnh hơn nhưng vẫn phải đặt sau  vì độ cao núi Rio de Janeiro trên 500m và được xây dựng trước đó rất lâu.

Nhìn tổng quan đã thấy rấy thích thú nên bà con phấn khởi bước vào cuộc “mục sở thị”. Những bước chân hăng hái, nhất là các em Ca Đoàn, lẫn trong đám khách hành hương, du lịch đông đảo tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp, vui tươi. Nhưng để bước lên đến chân bệ tượng, phải trải qua những 811 bậc đá, đôi lúc cũng khiến các em phải “mỏi gối chồn chân”. Được cái là thỉnh thoảng vẫn có những mặt bằng bố trí những ghế đá cho mọi người nghỉ chân khi mệt.

Trước khi vào trong tượng, mọi người phải bỏ giầy dép, mũ nón hay áo khoác, khăn choàng ở bậc cấp ra vào. Phía trong chân tượng là một khoảng không gian khá rộng đủ để mọi người xoay trở. Không khí ở đây chộn rộn hơn, người đi qua đi lại san sát. Theo thống kê cho biết muốn lên đến vai Chúa, phải qua 133 tầng cấp. Kẻ đi xuống lách nhanh mồ hôi, mồ kể nhễ nhại, người đi lên  xếp lớp san sát nhích từng bước một ngữa mặt trông lên. Tôi bỗng bật cười khi nghĩ đến lời chị Lan dặn mọi người trước khi lên núi. Yêu cầu mọi người nhất là chị em phụ nữ khi lên tượng Chúa đừng mặc váy, mặc Jupe, mặc mấn kẻo khi bước lên bậc thang “dễ coi lắm”. Quả thật vậy, nếu  anh nào đó “ may mắn” đứng dưới một bà Đầm nhìn lên thì “lãnh đủ nguyên tô”. Cho nên ngữa mặt nhìn lên mà cứ ngó tận “đâu đâu ??”. Nói vậy cho vui vậy thôi, chứ khi bắt đầu chinh phục 133 bậc thang thì đã có bảo vệ nhắc nhở cả rồi.

Cuối cùng cũng lên đến nơi chốn “sáng láng vui vẻ vô cùng” trong cánh tay Chúa. đây, gió thổi lồng lộng. Ở đây, có thể quan sát toàn cảnh thành phố Vũng Tàu mút tầm mắt nhìn. Nhưng ở đây không dành cho kẻ yếu tim cho nên thời giờ ở đây ngắn lắm. Mỗi người chỉ có khoảng chừng mười đến mười lăm giây. Ai tiếc nuối lắm cũng chỉ có thể nán lại chụp vài tấm hình mà thôi. Rồi còn phải nhường chỗ cho kẻ khác nữa chứ. Nhưng Chúa ơi! Chúa cho chúng con được hưởng chừng đó cũng đủ mãn nguyện lắm rồi. Chúng con tạ ơn Chúa. Chúng con xin từ giã Chúa trong niềm tin yêu vô bờ bến…

Lúc mọi người xuống núi thì đã 11 giờ.

Tắm biển, cơm trưa xong chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình tới Đức Mẹ TÀ PAO là địa danh cuối cùng trong chương trình cuộc Hành Hương này. Núi Đức Mẹ TÀ PAO thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Theo tiếng K’ho TÀ PAO có nghĩa là một giấc mơ đẹp hay còn gọi là suối mơ. Quả thực, địa danh này thật xứng như tên gọi của nó. Giữa một miền núi rừng trùng điệp núi Đức Mẹ hiện ra như một miền tiên cảnh. Tôi đã đi vãn cảnh nhiều thánh địa Đức Mẹ hiện ra nhưng chưa thấy nơi nào như TÀ PAO. Đằm thắm mà quyến rũ, thơ mộng nhưng giản dị.

Mà đúng thật, Đức Maria quả là mẹ của người nghèo, là mẹ của dân quê hiền lành. Khắp nơi trên thế giới: từ Fatima, Lộ Đức hay La Vang, Trà Kiệu rồi bây giờ là TÀ PAO, Đức Mẹ luôn hiện ra với những thân phận nhỏ bé, hèn kém. Và có một điều lạ hơn nữa là bao giờ ta cũng thấy Đức Mẹ hiện ra trên một vầng mây, trên một đỉnh núi hay trên một tàng cây, một hang đá, điều đó như một lần nữa khẳng định Mẹ không hề dính bụi hồng trần.

Khi đoàn hành hương đến Núi Mẹ đồng hồ mới chỉ 16 giờ hơn, nhưng bầu trời đã bắt đầu u ám vì những cuộn mây xám kéo về do ảnh hưởng cơn bão đang hoành hành từ phía Bắc. Chính vì thế nên mọi người vội vã tham quan một vòng quanh quãng trường rộng bao la dưới chân Núi Mẹ. Như đã nói, công trình xây cất ở đây có thể chưa hoành tráng bằng các thánh địa khác nhưng vẫn toát lên một nét gì đó khiến tâm hồn lâng lâng trìu mến.

Nghe nói sắp có thánh lễ chiều trên Tượng Đài Mẹ, mọi người lại lật đật dồn bước mong kịp giờ dâng lễ để cầu nguyện xin Mẹ ban muôn ơn lành xuống cho mình. Muốn lên đến Tượng Đài, mọi người phải qua 373 bậc cấp. Công trình bậc cấp ở đây được thiết kế rất rộng rãi và hài hòa, chia thành hai lối lên xuống rõ rệt có tay vịn bằng xi măng giả tre để những người già đỡ vất vả. Thỉnh thoảng lại có những khoảng bằng để thư giãn nên lên đến Tượng Mẹ rồi mà hơi thở mọi người vẫn bình thường.

Và chúng tôi đã dâng một Thánh Lễ sốt sắng nhất trong đời…

Bây giờ, trời đã sắp tối rồi, trên Tượng Đài nhìn xuống ánh điện bắt đầu thắp sáng. Cả thung lũng lung linh như những vì sao phản chiếu…

Cuộc HÀNH HƯƠNG, đến đây, có thể nói là đã chấm dứt và chúng tôi hầu như quên đường về…

                                                                        NGUYỄN VĂN

          

 

 

 

Check Also

CÁO PHÓ: ÔNG CỐ GIUSE TRẦN BÍCH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …