Vào thời điểm giáp hạt này những năm gần đây, nhà làng hồ hởi phấn khởi và vui vẻ khi nói về tiêu lắm! Bởi giá tiêu lên cực đỉnh đến 200.000 đồng một ký tiêu khô. Nhà làng tha hồ mà hốt bạc. Chỉ cần vài ba tấn tiêu là có hơn nửa tỷ đồng như chơi. Nếu cao hơn là 6,7 tấn thì tiền tỷ tha hồ mà mua sắm ăn xài…
Xem ra con số năm bảy tạ cho đến một tấn tiêu là đại trà cho nhà làng. Vài ba tấn tiêu thì có đến khoảng mấy trăm gia đình đạt được. Lên đến con số 6 đến 7 tấn chỉ còn mấy chục nhà. Và đạt đỉnh 10 tấn trở lên chỉ còn đếm trên đầu một bàn tay nữa thôi.
So với cà phê thì mức lợi tức của tiêu bỏ xa. Ngay đến cả lợi nhuận Thanh long của các gia đình đang ăn nên làm ra cũng chào thua giá tiêu. Một lão nông tri điền cho biết: tính trên 1 sào thì Thanh long cho lợi tức gấp 4 lần cà phê và tiêu cho năng suất lợi nhuận gấp 5 lần cà phê.
Với lợi nhuận bội phần như thế, đã có sức hấp dẫn và cuốn hút nhà làng như con thiêu thân bổ vào ánh đèn. Và điều này đã khiến cho tiêu lên cơn sốt và gây bão táp trên cả miền đất Tây nguyên chứ không riêng gì ở Châu Sơn. Rồi thì nhà nhà trồng tiêu, làng làng xã xã trồng tiêu. Đến tỉnh tỉnh trồng tiêu…thôi thì tiêu trồng lạm phát khắp mọi nơi. Thậm chí trồng tiêu còn dễ hơn cả trồng rau lang…
Điều kiện ắt có đầu tiên phải là giống thì cũng rất dễ đáp ứng. Nếu không có giống của nhà thì vào rẫy vườn người khác cắt trộm một ít bó về nhà vào bịch đất nữa là xong. Lúc này, nhà vườn phải bỏ công đi canh rẫy kẻo không sẽ bị mất trộm. Cũng đã có những lúc về sáng nhà vườn bắt được quả tang ăn trộm giống tiêu. Người làng cũng có và người ngoài cũng có. Sau này, giống tiêu có giá nên các nơi khác đem về bán cho dân ta ươm tiêu số lớn, cứ mỗi ký giống dây tiêu là 20 ngàn đồng!! Mãi dô! Mãi dô!!!
Châu Sơn là “ngư ông đắc lợi nhất” của cơn sốt tiêu. Vì nhà làng có thêm dịch vụ ươm giống tiêu để bán. Một nhà ươm ba bốn ngàn bu tiêu là chuyện bình thường. Khá đông nhà ươm bu tiêu kinh doanh đại trà lên đến 10 ngàn đến 20 ngàn bu. Thời giá có khi đắt nhất đầu mùa là từ 8 đến 10 ngàn đồng. Bình thường là từ 5 đến 7 ngàn đồng.
Và khách hàng lớn nhất của Châu Sơn là người Hà Lan. Bắt đầu mùa mưa, họ đã đổ bộ đến Châu Sơn để đi mua giống tiêu về trồng. Mà quả thật, những năm gần đây, Châu Sơn đã qua mặt cả đàn anh Trung Hòa về tiêu, kể cả sản lượng cũng như cung cấp giống trồng cho cả địa bàn BMT. Ngay cả người dân Trung Hòa cũng có khi xuống mua tiêu giống của Châu Sơn. Từ dịch vụ ươm tiêu giống, mỗi nhà có thể kiếm vài chục triệu mỗi mùa. Những nhà chuyên nghiệp thì kiếm dăm bảy chục triệu là chuyện thường.
Điều kiện giống ắt có, thì điều kiện đủ phải là trụ tiêu. Ngày xưa, còn rừng già và còn rẫy nương hoang hóa của người thượng, người dân đổ xô đi tìm trụ cọc lỏi như: Chíc, Dầu đen, Trắm xe, Hương…Và kết quả trồng tiêu của thập niên 80, 90 đều thất bại, vì bị nấm sâu bệnh…nên cây tiêu tàn rất nhanh. Số trụ cọc lỏi trơ trụi chọc trời đành bỏ hoang phế.
Phải đến khi cây tiêu trồng xen canh trong cà phê, thì mới phục hồi lại sum suê tươi tốt và tránh được nấm sâu bệnh rất nhiều. Những cây thông thường để thay trụ chết là muồng, hay cây keo (Đậu ma) …Nhưng những loài cây này có một nhược điểm là, cành cây phát tán quá nhanh và quá sum suê khiến tán che hết cà phê và tiêu, nên bị rợp.
Mỗi năm lại còn phải thuê công chặt đến 4 hay 5 lần. Mỗi lần thuê công chặt tán cũng mất cả hơn chục công cho một mẫu, vừa mất công lại vừa tốn tiền. Sau này nhà làng đã dày công nghiên cứu tìm ra những giống cây lên nhanh nhưng tán không phàm là cây gòn, cây núc nác rừng, cây trôm, cây lồng mức …Nhưng rồi mỗi loại cây lại có những trở ngại riêng…
Mời bạn đọc xem tiếp phần II
SOS!!! Giá Tiêu đang trên đà trượt dốc thảm hại!!!
Phần II
Bình luận