Giáo xứ Châu Sơn, Một thoáng nhìn lại

BBT xin được giới thiệu một loạt bài về GX Châu Sơn của cha phó GB Hồ Quang Lâm. Sau một thời gian, cha Gioan ở GX với những trải nghiệm trong đời sống mục vụ, cha đã có những nhận xét rất tinh tếnhưng cũng đầy thực tếcủa xứ đạo một miền quê.

Xin mời bạn đọc theo dõi loạt bài GX Châu Sơn một thoáng nhìn lại…để biết cái nhìn khách quan của người ngoài về con người và GX Châu Sơn chúng ta, những cái được, những cái chưa được hoặc những cái đang tồn tại trong chiều kích của một xứ đạo miền quê…

Giáo xứ Châu Sơn, một thoáng nhìn lại…

Tôi muốn được chia sẻ với mọi người những cảm nhận của tôi về giáo xứ Châu Sơn qua những năm tháng tôi được sống ở đây.[1]Sáu năm làm việc tại giáo xứ là khoảng thời gian đặc biệt đối với tôi vì nhiều lẽ : đó là nơi tôi sống những năm đầu của đời linh mục, được phục vụ cách riêng cho người Êđê, đồng hành cùng giới trẻ, được học hỏi kinh nghiệm mục vụ từ nơi cha bố, một người dày dạn kinh nghiệm, và đặc biệt, được sống giữa cộng đoàn Châu Sơn, những người dân gốc xứ nghệ thân thương.

Sáu năm là quảng thời gian ngắn ngủi, nhưng múc hết những giá trị mà cuộc sống mang lại và hiểu hết ý nghĩa các sự kiện xảy ra trong sáu năm ấy, với tôi, lại là một kho tàng khổng lồ. Thành ra tôi muốn viết ra đây như những cảm nghiệm cá nhân về những năm tháng đáng nhớ đó.

Những điều tôi viết ở đây liên quan đến nhiều sự kiện, nhắc đến tên nhiều người, gợi lại nhiều biến cố vui buồn mà bản thân tôi đươc sống như một thành viên của cộng đồng giáo xứ. Có lẽ nhiều người sẽ nhận ra mình qua những câu chuyện và những nhận định. Dĩ nhiên, đã có nhiều người viết về Châu Sơn, về lịch sử phát triển, về những nét đặc trưng của giáo xứ, …. Tôi cũng muốn có cái nhìn của riêng mình, đứng từ góc độ của một tu sĩ linh mục trẻ đã từng sống và làm việc ở đấy. Tuy nhiên, đây không phải là bài viết phê bình hay mang tính văn chương, nó chỉ đơn giản là một sự chia sẻ về khoảng thời gian tôi làm việc và được ở giữa vòng tay yêu thương của người Châu Sơn. Một sự chia sẻ để cùng với bà con ta nhìn lại một chút quá khứ, cùng cười với nhau và yêu mến nhau hơn.

***

 Ngày đầu tiên đặt chân đến Châu Sơn quả là ngỡ ngàng và pha chút e ngại. Tất cả đều lạ lẫm, lạ lẫm ngay cả người được kể là thân thiết nhất: cha nghĩa phụ – cha xứ Antôn. Phải nói là những ngày đầu ấy sao buồn thế. Mà làm sao không buồn được bởi suốt quãng thời gian dài trước đó sống trong bầu khí cộng đoàn, sống tập thể với anh em nhà dòng vốn đã quen thuộc, bỗng nhiên bị tách ra, sống một môi trường hoàn toàn khác. Mặc dù vẫn có ba cha trong nhà xứ, nhưng đó vẫn không phải là một cộng đoàn của một tu viện như tôi được sống trước đấy. Hơn nữa, vẻ mặt nghiêm khắc của cha Antôn, cái nhìn đăm đăm đày bí ẩn của cha phó Đaminh càng làm cho hoàn cảnh đã buồn thêm ngột ngạt. Lại nhìn về tương lai phía trước, cảm thấy sợ hãi vì không biết sẽ thực hiện công việc mục vụ thế nào trong môi trường mới này.

Quả ông bà ta nói không sai : « Vạn sự khởi đầu nan ». Bước đầu tiên luôn chất chứa đầy những khó khăn trở ngại. Tất cả hoàn toàn mới lạ và cần phải thích nghi. Lúc đó, tôi tự thấy mình như là đứa bé chập chững những bước đầu tiên trong sứ vụ mới : run rẩy và sợ hãi. Làm sao để trụ vững ? Làm sao để sống được trong một môi trường xứ đạo truyền thống như giáo xứ Châu Sơn ? Làm sao để sống tinh thần người tu sĩ dòng trong công việc đặc thù của các cha triều ? … Và tôi mang tất cả những câu hỏi ấy bước vào một giai đoạn mới của sứ vụ.

Những ngày tiếp theo là một tiến trình thích nghi và hội nhập. Hoá ra mối nghi ngại của những ngày đầu ấy không đáng sợ như tôi tưởng. Tất cả vụt tan biến nhanh chóng đến không ngờ. Chúa dẫn tôi đi vào công việc ở nơi mà Người đã chuẩn bị sẵn những phương thế thuận lợi để tôi làm việc. Sự thích nghi và hội nhập tưởng là một tiến trình dài và đầy gian khó, hoá ra lại rất nhẹ nhàng và thanh thản. Có hai yếu tố làm nên điều ấy : thứ nhất là sự đón nhận của những người tôi được làm việc chung trong suốt thời gian tôi ở đấy và thứ hai, gần như tất cả đã có ở đó những yếu tố vốn đã có sẵn trong máu tôi từ rất lâu, giúp tôi không còn phải thích nghi mà vẫn có thể sống tốt.

Tôi nói trước tiên về mảnh đất, người dân Châu Sơn và hai vị bề trên của tôi.

  1. Dân Châu Sơn đa phần gốc Hà Tĩnh quê ta, cùng di cư vào nam và sống chung từ ngày lập trại. Nơi đất khách xa lạ giữa rừng thiêng nước độc, mọi người đùm bọc nhau mà sống, tựa vào nhau mà tồn tại, dần hình thành nên con người Châu Sơn với những nét riêng biệt khó lẫn lộn với người nơi khác. Được quy tụ từ những giáo xứ gốc khác nhau như Thọ Ninh, Đồng Tràng, Kẻ Tùng, Gia Hoà … mọi người góp cái nét riêng độc đáo của mình để làm nên con người Châu Sơn của vùng đất mới. Nếu cần một vài câu để mô tả, tôi sẽ nói thế này: Người Châu Sơn luôn cố gắng gìn giữ truyền thống của tổ tiên, củng cố gia phong nền nếp, thiết lập tình nghĩa xóm giềng sâu đậm và xây dựng một giáo xứ quy củ vững mạnh. Nét hiền hoà chân chất luôn lộ trên nét mặt, và ẩn chứa phía sau đó là sự can đảm pha chút liều lĩnh.

          Tại sao tôi lại nói như thế ?

Nếu chịu khó quan sát, ta sẽ thấy Châu sơn ở trong một địa thế khép kín, khác biệt hẳn với vùng Hà Lan là vùng đất có quốc lộ 14 xuyên qua, nó không rộng lớn như Trung Hoà và dân cư thuần nhất chứ không hỗn tạp như Đức Minh.[2] Hơn nữa, nó lại toạ lạc gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuôt. Nhờ những đặc điểm đó, Châu Sơn thể hiện rõ nhất văn hoá làng xã của Việt Nam, trong đó nhiều gia đình trong một dòng tộc sống chung sát cạnh nhau, nhiều thế hệ trong một gia đình cùng sống trong một mái nhà.

Trong nền văn hoá đó, ảnh hưởng của các bậc cao niên trên con cháu là rất lớn. Tiếng nói của dư luận, của cộng đồng có sức nặng kỳ lạ trên mỗi cá thể. Đó là một trong những giáo xứ hiếm hoi mà cha xứ và và cha phó vẫn có thể xách gậy đi « canh » những ổ đánh bạc (mỗi khi có téléphone mật báo), thanh niên hàng tuần vào chiều thứ bảy phải theo học chương trình giáo lý, và đố ai tìm được một quán bia ôm, một quán cà phê hay một tụ điểm giải trí bán vé tồn tại được quá vài tuần trên địa bàn giáo xứ. Trên thực tế gx. Châu Sơn luôn « yên ổn » hơn các nơi khác trước những đổi thay của thế giới và trước những tác động của xã hội. Tệ nạn cũng có, nhưng ít hơn. Xì ke ma tuý cũng đột nhập, nhưng một cách e dè và kín đáo chứ không bùng nổ và nhanh chóng như Hà Lan, Đức Minh.

Về mặt địa lý, đó là một khu dân cư khép kín. Muốn có rẫy canh tác, người ta phải đi xa. Xét về mặt này, người Châu Sơn thiệt thòi hơn hẳn những nơi khác. Nhưng bù lại, như ông cha ta đã nói «cái khó ló cái khun », người Châu Sơn nổi tiếng cần cù, chịu thương chịu khó trên những mảnh đất ít ỏi của mình, để tạo ra những rẫy cà phê cho năng xuất cao, lại tăng thêm hiệu quả với những cây na, chôm chôm, chuối … xen canh.

Ngoài ra, người Châu Sơn cũng rất giỏi chăn nuôi gia súc gia cầm : nuôi nai lấy nhung, nuôi gà lấy trứng, nuôi heo lấy thịt …. hay nuôi dế để làm đồ nhậu. Dĩ nhiên, vẫn còn đó những bất cập trong việc chăn nuôi, chẳng hạn như những phiền toái về mùi vị, « sản phẩm »  của những vật nuôi. Nhưng tôi nghĩ trong một hoàn cảnh đất đai chật hẹp, sự tồn tại những phiền toái là tất yếu. Bản thân tôi ban đầu cũng thật khó chịu với những điều này, nhưng đến một lúc, khi đã quen, lại thấy bình thường. Đôi khi đi xa lại còn « nhớ » nữa mới chết. Nhưng dù vậy, chăn nuôi trở thành nghề chính cho nhiều gia đình và mang lại cho họ sự sung túc. Hy vọng một ngày nào đó người Châu Sơn có điều kiện nhiều hơn để vẫn nuôi mà không gây phiền toái.

Nói về mặt kinh tế, so với những nơi khác, Châu Sơn không giàu. Nhưng nhìn một cách tổng thể, Châu Sơn có sự đồng đều ở mức khá. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo không nhiều. Nếu nhìn cách tinh tế hơn, có thể thấy hai « trường phái », biểu lộ sự công bằng của Chúa : Người ban cho người này cái này thì Người ban cho kẻ khác cái khác : người nghèo về vật chất thì lại rất giàu về những cái khác như văn nghệ, tổ chức lãnh đạo, viết lách, … Còn những người có khả năng về kinh tế lại ít tài năng hơn về phương diện kia. Cái độc đáo của Châu Sơn hệ tại nơi sự đại lượng của hầu hết mọi người, sẵn lòng đem cái giàu sang của mình ra phục vụ cồng đồng. Thành ra, luôn có ở đó sự phong phú và đầy tràn những phương thế giúp giáo xứ vươn lên.

Châu Sơn cũng là mảnh đất nổi tiếng đoàn kết và « lỳ đòn ». Đừng quên đó là mảnh đất duy nhất cách đây gần 40 năm vẫn còn chiến đấu một tuần sau khi miền nam thất thủ. Đó cũng là mảnh đất đã xây dựng được công trình Núi Chúa rât ấn tượng, rất hoành tráng và rất … rẻ[3] trong hoàn cảch bị cấm đoán và khó khăn tứ bế tứ bề. Tôi vẫn hy vọng « Núi Châu » sẽ là một trong những trung tâm hành hương của Gp. BMT trong tương lai.

Dù là một giáo xứ nhỏ bé, nhưng đúng là « bé hạt tiêu ». Nhỏ nhưng rất « oách » ! Giáo xứ nổi trội về nhiều phương diện : về truyền thống học hành, con số các sinh viên đỗ đạt và theo đuổi con đường học vấn rất đông, con số các linh mục tu sĩ cũng đáng tự hào so với những nơi khác, đó cũng là quê hương của linh mục nhạc sĩ Ân Đức, một người tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ về tài năng và lòng đạo đức, …

Nếu nói môi trường hình thành nên tính cách con người, thì chính những hoàn cảnh đặc thù đó tạo nên con người Châu Sơn: bình dị, cần cù … nhưng cũng là những con người can đảm và có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Tôi được đến ở chung và chia sẻ với những con người ấy. Cùng nói chung một chất giọng đặc sệt của người khu bốn (mà có khi giọng tôi con đặc hơn), cùng là dân di cư và trải qua nhiều năm tháng khổ cực, cùng chia sẻ một tập quán, một nét văn hoá chung, … tôi như con cá may mắn được rơi tỏm vào vùng nước mát, tha hồ vùng vẫy và ngụp lặn mà không sợ … chết. Dù vẫn có những người phải chịu tổn thương vì tôi cách nào đó, hay có những người yêu ghét cách này cách khác đối với tôi, thì qua những năm tháng ấy, tôi vẫn cảm nhận tình thương sâu xa của hầu hết bà con giáo xứ Châu Sơn dành cho tôi.

Đó là thuận lợi thứ nhất Chúa ban cho tôi.

[1] , Tôi về gx. Châu Sơn ngày 27 tháng 6 năm 2002 và rời khỏi đó ngày 25 tháng 8 năm 2008.

[2]  Cùng với gx. Châu Sơn, Hà Lan (gx. Vinh Quang), Trung Hoà (gx. Vinh Trung), Đức Minh (gx. Vinh An) là bốn giáơ xứ lớn của giáo phận Ban Mê Thuột mà giáo dân là những người gốc Nghệ An – Hà Tình di cư năm 1954 và cùng lên lâp trại định cư tại Buôn Ma Thuột từ năm 1956.

[3] Tôi nhớ rõ một vị lãnh đạo xã đã nhận định công trình phải mất ít nhất hơn hai tỷ, nhưng thực chi của gx. Chỉ ở mức 165 triệu. Dĩ nhiên, công sức bỏ ra quả là lớn thật.

GB Hồ Quang Lâm

 

Check Also

THĂM THẦY GIÁO CŨ

Hôm qua, ngày 01/09,như thường lệ mỗi đầu tháng, ACE trang TIẾN ĐỨC Châu Sơn …