Xin chào Thọ Ninh quê choa ơi!!!

Ba lần về Hà Tĩnh quê ta, trước là thăm bà con làng Khóng nơi quê cha đất tổ đã an nghỉ, và là nơi chôn nhau cắt rốn của đời mình, sau là đi thăm những làng mạc gốc của người dân Thọ Ninh, Yên Phú, Kẻ Tùng, Đông Tràng. Mà chính họ là những giáo họ đã làm nên Giáo xứ Châu Sơn bề thế như ngày nay.

Chuyến tham quan các làng này, chính là để xem giữa bản gốc miền bắc và phiên bản miền nam có tương đồng hay dị biệt nhau thế nào? Quả thật, rất khó để biết được đời sống tập tục của 4 người dân miền Bắc khi chỉ đến tham quan trong một thoáng qua, cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Rất mong bạn đọc thông cảm, nếu sự ghi nhận có sự hời hợt, sai sót, chủ quan cũng xin được lượng thứ.

Giữa làng Khóng với Thọ Ninh, có lẽ là gần gũi nhau hơn để tôi bắt đầu ghé thăm…

Từ làng Khóng đi ngược, dọc theo bờ đê La Giang lên thị trấn Đức Thọ là một quãng đường bê tông thoáng rộng 8 m, trải dài gần 1.5 km, một lộ trình đi qua các nhà thờ Giáo hạt Nghĩa Yên, Giáo họ Tân Định, GX Yên Trung. Lúc này, đến chợ Hôm rẽ phải để qua cầu Chợ Thượng Đức Thọ. Một chiếc cầu bê tông xi măng với những nhịp cầu bằng sắt, bên cạnh có một lối nhỏ thiết kế đi riêng cho người đi bộ. Cầu dài khoảng 200m và không quá rộng, chỉ đủ cho xe hơi và xe máy tránh nhau khá chật vật. Phía dưới cách 500 m bắc qua sông La còn có một chiếc cầu sắt dành cho xe lửa.

Cầu Thọ Tường

Đứng trên cầu nhìn xuống, một dòng nước xanh đục trôi lững lờ.  Vì mùa mưa, nên phù sa trên ngàn về, làm cho dòng sông La vốn xanh biếc mầu da trời đã phải đổi màu đục lợ. Nhưng những gợn sóng trôi dạt lớp lớp xuống phía Thọ Ninh khiến cho lòng người mênh mang một  niềm tràn ngập nỗi nhớ nhung khôn nguôi.

Qua cầu một đỗi hơn 200 m, rẽ phải, với một con đường bê tông, là huyết mạch nối liền ba làng Thọ Tường (làng bên Lương) – Thọ Ninh – Yên Phú. Từ con đường chính này rẽ làm đôi: bên cánh tay trái là ruộng đồng, mùa này mới gặt xong nên chỉ trơ lại gốc mạ non lúa chét. Đi dọc theo lối rẽ trái xuống đến GX Thọ Ninh thì hiện ra UBND Xã….và trường học. Và từ đây, có những lối rẽ phải vào làng Thọ Ninh…

Làng Thọ Ninh quê ta bắt đầu từ những đường làng nhỏ hẹp này…

Còn nhớ, năm 2005 khi người bà con chở tôi tới làng Thọ Ninh, dường như cả làng Thọ Ninh phủ kín bởi cây cối giăng đầy dây mơ rễ má. Tôi lấy làm lạ là tại sao người dân lại để cây cối chằng chịt như thế. Cây thầu đâu (cây xoan) vươn cành lá lưa thưa, che những cây ổi thưa thớt trái vì bị dợp…Những hàng chuối nghiêng bóng, để gió sông La lên đánh tàu lá tan tác nghe xào xạc…Những bờ tre cúi khom mình dập dờn theo gió rì rào. Nhìn chung, những cây xanh này mọc lên một cách tự nhiên, vô lối và chẳng đem lại lợi tức cho cuộc sống. Đất đai vườn tược vốn đã hẹp, tại sao người dân không biết trồng luống rau, luống cà…để phụ thêm cái ăn. Hỏi ra mới biết, ở Thọ Ninh năm nào cũng lũ lụt có đến mấy lần thì không có rau quả nào có thể chịu thấu để tồn tại. Cuối cùng là vườn phải để cho những cây cao cổ thụ để che chắn gió và khỏi lũ lụt trốc đất sói vườn theo dòng nước cuốn trôi.

Từ xa, dưới những bóng cây xanh tre làng, đã thấp thoáng mái tranh vách vôi vựa, rũ bóng chiều quê với những khói lam chiều lan toả, làm cho thêm ấm áp tình quê. Xen lẫn mái tranh là những mái ngói hông đỏ mà tường vôi vựa đã phủ rêu phong xám xịt màu thời gian. Những ngôi nhà vốn đã thấp, nay lại bị những hàng cây phủ lấp, càng làm cho ngôi nhà thêm lè tè…

Đi một đỗi vào giữa làng, tôi có cảm tưởng như mình vừa bị lạc vào mê hồn trận bát quái trận đồ, không biết đâu mà lần. Những lối đi bê tông vào làng xóm (thời đó ngoài Bắc các làng xóm đã bê tông hoá rồi) vốn đã nhỏ hẹp lại quanh co, ngõ ngách bất chừng, khiến cho ta có cảm giác bức bí. Hướng nhà quay mặt tuỳ tiện, không có hàng lối. Thậm chí, ngay cả những túp nhà xí vệ sinh sup xụp của nhà này, lại chìa lưng cho mặt diện nhà khác.

Thực ra, đây chỉ là do hoàn cảnh điều kiện đất đai chật hẹp khó khăn của thời trước cha ông ta để lại, chứ không ai muốn một sự chật chội tù túng làng quê mình như vậy. Chỉ tiếc rằng: thời sau 54, nhà nước thâu tóm hết ruộng đất của người dân để xung vào hợp tác xã, có toàn quyền sử dụng đất đai, mà không biết giản dân ra cho thoáng rộng. Có người bảo: nhà nước có chia thổ cư cho dân, dễ gì dân có tiền để dựng nhà mới.

Tuy nhiên, đến năm 2011, khi tôi ghé thăm làng Thọ Ninh thì đã thấy có những thay đổi tích cực hơn. Đừng sá thông thoáng hơn…Dường như cả 10 năm nay không có lụt lội, nên cây cối cũng đã được chặt bỏ đi nhiều. Thậm chí, lúc này người dân mong có lụt để có phù sa bồi vào ruộng cho lúa mạ được tốt tươi hơn mà cũng không có. Bởi đã có nhiều đập thuỷ lợi, thuỷ điện ngăn nước lũ, làm cho dòng sông không còn trào dâng “nước lũ dâng ngập tràn” như xưa.

Đã có nhiều nhà xây cất lên cao…làm cho mặt diện của Thọ Ninh sáng sủa lên hẳn. Đặc biệt là khuôn viên Thánh đường GX Thọ Ninh. Nhìn từ ngoài bờ sông vào, nổi lên ngôi nhà thờ kiến trúc Đông Phương xếp tầng 3 mái ngói đỏ có hoạ tiết rồng mây. Bên phải nhà thờ là một tháp chuông cao, hình trụ vuông cạnh với hai mái ngói đỏ uốn cong, tạo thế tương phản giữa nhà thờ và tháp chuông. Ấn tượng nhất là một cặp đôi nam nữ loã thể “da thịt trời ơi, trắng rợn người”. Kể ra, ông cha xứ nào cũng “gan đầy mình” khi dám dựng tượng ông Adam và bà Eva ở trước mặt tiền nhà thờ.

Năm 2011, khi chúng tôi đến Thọ Ninh, bờ sông La đang được thi công ủi san bằng một lối đi dọc theo dòng sông rộng khoảng 3 m…để làm đường bê tông. Trước đó, các trộc bến Thọ Ninh đã được cánh họ Vương tài trợ để xây mới trộc bến và bờ kè bằng đá dọc theo bờ sông. Nhưng bây giờ, tất cả đều bị phá bỏ để làm lại theo quy hoạch mới tổng thể từ Thọ Ninh xuống đến hết Yên Phú.

Lúc này là năm 2018, nhờ có phong trào xuất khẩu lao động: Hàn, Nhật, Úc…đã vực dậy kinh tế một miền quê như nước trào dâng khắp cả làng Thọ Ninh, làm cho mặt diện rạng rỡ hơn lên. Nhà cửa san sát thi đua nhau xây cất. Có thể còn có ít nhà cao cửa rộng so với các GX khác. Nhưng với cơ ngơi phát triển như thế, chẳng bao lâu Thọ Ninh ta sẽ đuổi kịp theo xu thế phát triển kinh tế của các giáo xứ lân cận.

Có lẽ, trong điều kiện vật chất khó khăn đã nuôi ý chí lớn dậy, để Thọ Ninh luôn là cái nôi đào tạo linh mục như câu: “Quan Mỹ Dụ cụ Thọ Ninh”. Ví như: FX Võ Thanh Tâm Nguyên cha Tổng đại diện GP Vinh, thuyết giảng được xem là “con khứu của GP Vinh”. Du học Rome và có Tiến sĩ Giáo luật. Cha Phao lô Cao Văn Luận cử nhân Văn chương Đại học Sorbone, là Đại học nổi tiếng ở Pháp. Sau về nước, cha làm Viện trưởng viện Đại học Huế. Một Đức Ông GB Trần Thanh Ngoan, một con người thông thái mà các Đức Cha Giáo phận BMT phải kính nể. Rồi đến cánh họ Vương cũng thăng hoa cả một chùm linh mục: Vương Đình Ái (Quốc hội), Vương Đình Lâm, Đan Viện phụ dòng Phước Sơn. Cha Vương Đình Bích, cha Vương Đình Tài, cha Vương Đình Khởi…trong Nam có cha Trần Ngọc Anh du học Pháp về, hiện đang là GS Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang…

Nếu lấy bản mẫu làng Thọ Ninh ở quê nhà Hà Tĩnh để quy chiếu Thọ Ninh ở trong Nam như Trung Hoà và Châu Sơn…thì sẽ có một sự khập khiểng. Vào trong nam, bất cứ người Thọ Ninh đi đến đâu là “thịnh no” đến đó! Họ luôn chiếm ưu thế vượt trội hơn các người làng khác ở miền Hà Tĩnh vô Nam. Phải chăng nhờ sự: Siêng năng, cần cù, lam lũ, chí thú làm ăn…người Thọ Ninh vươn lên hàng đầu để có nhà cao cửa rộng, và tiện nghi sung túc trong nhà.

GH Giuse (tức là người Thọ Ninh ở Châu Sơn) là một GH lớn về nhiều mặt: Giáo dân, diện tích, kinh tế, nên ít nhiều ảnh hưởng đến các GH khác, đến nổi đã có người cho rằng: GH Giuse (Thọ Ninh) đang dần đồng hoá các GH khác!?

?

Nguyễn Vĩnh Căn

Check Also

Phụ huynh ơi!! Lại được mùa linh hồn nữa rồi!!!

Trong Thánh vịnh 102 bày tỏ: Đời sống con người chóng qua như cỏ, như …