Những xác hoa mai vàng đang tả tơi trong gió, rụng rơi từng cánh, từng cánh rụng rơi… mà tưởng như xuân đang rơi khỏi tầm tay, mặc dù ngày tết vẫn chưa đi hết mồng mà nghe đâu như ngày tết đã khép lại…Dường như năm nay, cả trời Tây nguyên ăn tết kém đi chút hưng phấn và sắc hoa kém phần tươi tắn…Có lẽ, đại thi hào Nguyễn Du đã rất đúng khi viết: “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Một mùa thu hoạch sản lượng tiêu cà không đến nỗi nào bết bát, nhưng buồn thay giá với cả, bèo bọt như một chiếc bong bóng căng tròn đang bay lên cao, bỗng bị vỡ tan xác rời xuống đất, trông thảm hại biết bao. Chẳng thảm hại là chi, khi vài năm trước, giá tiêu đang bay bổng trên mây với 180- 200 ngàn VNĐ/1kg nay sụt xuống chỉ còn 44 ngàn/1kg. Nếu thuê người hái tiêu tơ, hay tiêu đèo đọt thì lỗ to, vì sản lượng một người hái chỉ được 5 kg khô tiêu cho giá 220 ngàn VNĐ/kg thì cũng chỉ vừa tiền công, chưa nói đến phân bón, tưới tăm…Có nhà vườn cho người hái lấy chia đôi, mà người làm công chả thiết, vì hái xong, còn phải đưa về xay ra, rồi phơi khô rất mất công, chi bằng lấy 200 ngàn VNĐ khoẻ hơn nhiều.
Cà phê thì mấy năm trước đã có giá 50 -60 ngàn VNĐ/1kg, mà chưa ăn ai, nay xuống xập xệ chỉ còn trên dưới 30 ngàn đồng/kg thì nhà làng lỗ chỏng vó. Xem ra nhà nông đang gặp lúc nguy khốn. Sự thua lỗ giống như tàu lửa đang tuột dốc mà không có phép màu nào có thể ngăn cản được.
Mặt hàng chính của Tây nguyên là tiêu cà, mà tiêu cà lỗ lã như thế, cũng đã kéo theo việc kinh doanh buôn bán tạp hoá, thực phẩm, xe máy, ti vi tủ lạnh…khách hàng cũng vắng như chùa bà đanh, lấy đâu lời lãi cho một mùa làm ăn đây??
Dường như chưa muốn hết tết, mấy anh em TĐCS khều thêm ngày mồng 4 ngồi uống Cà phê quán Làng Tôi. Cái trò uống cà phê là chỉ để tán gẫu, cà kê dê ngỗng, ngồi dai khoai nát, tám đủ thứ chuyện trên đời….
Rất bất ngờ, vợ chồng Lê Linh Duy về ăn tết quê nhà, ghé vào quán và ngồi cùng bàn. Cái đầu nhẵn thín và hàng ria mép Clark Gable không lẫn với ai được. Đi cặp với người đẹp Mỹ Tuyền chân dài xinh xắn. Chàng đại gia, vợ đẹp như người mẫu, đúng là một cặp đôi hoàn hảo. Sau màn chào hỏi nhau.
Câu hỏi đầu tiên dành cho nhà doanh nghiệp:
– Làm giàu để làm gì, Duy nhỉ?
Câu hỏi hơi bất ngờ khiến Duy có vẻ lúng túng, nhưng cuối cùng cũng tìm được bãi đáp hạ cánh an toàn:
– Làm giàu…và kể cả làm tình, đã làm là phải vất vả rồi, chỉ có nghèo thì không phải làm, vì tự thân không ai làm cho mình nghèo đi. Vậy thì làm giàu là để khỏi nghèo đó thôi, phải không anh!
Duy có vẻ đắc chí với câu trả lời để bật người ra sau với tiếng cười kha, kha khoái trá. Thực ra, câu trả lời có vẻ tránh né vấn đề hơn là thoả đáng cho câu hỏi, nhưng ngày tết hỏi cho có chuyện để tám thôi mà, nên không ai bắt bẻ thêm nữa.
Nhân đây, TĐCS cũng xin mở ngoặc về cái “anh chàng lãng tử đại gia” này, mà nhiều lần TĐCS nhưng muốn viết bài, nhưng chưa có dịp đề cập tới.
Phải nói, đây cũng là một “nhân tài” của xứ Châu chúng ta. Một doanh nhân bước đầu vào thương trường cũng rất truân chuyên, trầy trật, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh…theo như Duy kể.
Duy thuộc loại “nhà doanh nghiệp tay không bắt giặc” vào cái thời sau năm 2000. Một giai đoạn kinh tế vừa trải qua thời kỳ bao cấp và đang trổi dậy sau một cơn ngủ đông dài của chế độ XHCN. Duy phải từ thích ứng từ làm nghề dịch thuật, làm báo: Pháp luật, Đài truyền hình, tạp chí Đồng Hành…Sau đó, chuyển sang trồng trọt chăn nuôi: bò, nai, dê…Rồi mở công ty Đông Bắc Á chế biến nhung nai…Bây giờ đang mở công Ty Tam nông chuyên cung cấp hơn 20 mặt hàng thực phẩm cho các siêu thị trên cả nước. Xem ra cũng ăn nên làm ra đại gia lắm rồi!
Nói về lãnh vực kinh tế, siêu thị… thì Duy nhà ta rất rành. Theo Duy kể, một siêu thị có ít nhất là 28.000 mặt hàng. Trong đó không thiếu một thứ gì, từ thực phẩm rau, thịt cá, tôm…đến cái tăm xỉa răng, đến cái ngoáy tai…Duy còn cho biết, Siêu thị là một nơi tiếm dụng vốn của bạn hàng rất lớn. Với thời gian quy trình cung cấp và thanh toán ít nhất là 45 ngày. Thử hỏi với hàng ngàn tỷ VNĐ trong một ngày, tiền gửi lãi xuất ngân hàng biết là bao nhiêu tỷ đồng. Một ngày tiền lãi dư để trả tiền cho nhân viên siêu thị rồi.
Duy cũng cho biết thêm: Kinh tế chung của VN bây giờ đang dần bị các công ty Thái Lan bao vây và thâu tóm như: Big C, Bia Sài Gòn, Metro…
Những lúc trò chuyện khoái chí, Duy cười một cách sảng khoái đầy tâm đắc, làm cho con người đã vốn lạc quan, lại càng tự tin hơn trong cuộc sống. Nhìn nhân dạng, con người của Duy có vẻ ăn to nói lớn và xem ra hào phóng. Nhưng được cái về Châu Sơn bao giờ Duy cũng chứa chan tình cảm với bạn bè và người thân, để luôn tươi cười tay bắt mặt mừng thăm hỏi. Dường như “đất đô thành” không làm “bay đi hương đồng gió nội” nơi Duy là mấy!
Với chút hóm hỉnh và tếu táo trong câu chuyện kể, nhưng không kém phần thu hút và duyên dáng, Duy kể: Sau khi tốt nghiệp đại học những năm 2000, lại là ngôn ngữ Hán văn, nên khó thích ứng với cuộc sống, nên ban đầu phải khởi nghiệp bằng nghề dịch thuật..
Tôi phải khá khen Duy, không hiểu sao thời đó, từ một miền quê rừng núi lên mà dám chọn môn Hán văn thì cũng hơi bị liều; bởi môn này chỉ dành cho những người nghiên cứu đào sâu về ngôn ngữ Việt Hán mà thôi. Như để cho tôi tin Duy học Hán văn, Duy xổ ra những câu tiếng Hán phiên âm tiếng Việt nhớ vanh vách:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Sau đó Duy đọc phiên âm bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Duy nói: như anh đã học Văn khoa có biết về chữ Hán, thì cấu trúc chữ Hán ghép các bộ chữ lại với nhau, nên nghĩa từ của chữ phân minh và rất rõ ràng, chữ nào ra chữ đó chứ không mập mờ như tiếng Việt mình. Quả là Duy có một trí nhớ rất tốt về môn Hán học.
Một vài nét chân dung về nhà doanh nghiệp Lê Linh Duy, chắc chắn chưa nói lên hết được đầy đủ phẩm chất con người và sự nghiệp của anh, nhưng có lẽ cũng phần nào hé lộ được năng lực và bản bản lĩnh của anh trên thương trường đầy cam go và khốc liệt.
Xem tiếp hồi sau sẽ rõ…
TĐCS
Bình luận