LỜI THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

              Kính thưa ông cụ cố GB TRẦN NGỌC HÂN,

Cũng như tất cả mọi Giáo dân xứ Châu, khi nghe tin ông cụ được Thiên Chúa gọi về hưởng hạnh phúc bình an quê Trời, con thật sự bồi hồi xúc động và xen lẫn một chút tiếc nuối. Tiếc nuối không phải vì sự ra đi đột ngột của ông cụ  bởi con biết điều đó thuộc về quyền năng và sự an bài của Thiên Chúa dành cho ông cụ. Mà ở đây, con tiếc nuối vì thấy mình đang thiêu thiếu một điều gì đó chưa thỏa nguyện. Và con chợt nhận ra rằng mình chưa kịp đến thăm hỏi lúc ông cụ còn tại thế (nói theo kiểu Châu Sơn là “thăm sống”). Cho nên con cảm thấy như mình còn thiếu ông cụ một món nợ vậy. Và để tạ lỗi con xin có những dòng THÀNH KÍNH PHÂN ƯU này gửi đến ông cụ và toàn tang quyến.

Vâng, ông cụ thật là người đáng được Thiên Chúa chúc phúc. Bởi, từ rất sớm Người Hôn Phối của ông cụ đã ra đi sau khi để lại cho ông cụ mười một người con cả trai lẫn gái. Đúng là mười-một-nỗi-lo-toan-lớn-lao mà ông cụ phải gánh vác trong một thế cuộc đang hồi đảo điên. Nhưng rồi, cùng với người em gái ruột (đây mới thật thánh ý Chúa ban) ông cụ đã chịu thương chịu khó, một nắng hai sương chèo chống  và nuôi dưỡng mười-một-nỗi-lo-toan-lớn-lao ấy nên người và đã trở thành mười-một-bông-hoa-hoàn-hảo. Và mười một người con ấy đã cống hiến cho Giáo Hội, cho Giáo Phận và Xứ nhà biết bao điều tốt đẹp. Trong đó có hai linh mục dòng Sitô, một nữ tu Dòng NVHB đều là những nhân tố quan trọng trong dòng tu của mình. Và những người con bộ đời cũng không kém cạnh đã phục vụ làm rạng danh nước Chúa rất nhiều. Họ đều là những tay tài hoa về các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, thơ ca, giọng hát nổi danh không những chỉ bó hẹp trong phạm vi Giáo xứ mà còn tỏa sáng ra khắp vùng miền trong nước. Thậm chí có những bài thơ với những ngôn từ đẹp đẽ mang đầy tính nhân văn của Trưởng Nam TRẦN NGỌC HẠNH, những bản nhạc, những CD thánh ca của linh mục TRẦN NGỌC HOAN hay Ca trưởng (muôn thuở) TRẦN NGỌC HUÂN còn vang cao, vang xa tận bên Hải ngoại. Đó là chưa kể dàn cháu chắt cũng rất thành công trong học vấn cũng như những bộ môn nghệ thuật khác.

Thưa ông cụ cố, con trộm nghĩ, để sinh thành những tinh anh phát tiết ra ngoài  ấy có lẽ họ đã nhờ cái gien của ông cụ rất nhiều. Theo con được biết, ông cụ cũng là một con người phóng khoáng và có nhiều nét nghệ sĩ tính. Bởi vào những năm: năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước, khi cuộc sống của đất nước mình đang chưa được tiếp xúc nhiều với nền văn minh toàn cầu nhất là những người di cư đang đi tìm đất sống như ở Xứ ta, mà ông cụ đã biết đánh đàn Mandoline những bài CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI hay DỪNG BƯỚC GIANG HỒ rất luyến láy mượt mà thì phải nói ông cụ đã đi trước những người cùng thời rất nhiều. Và lẽ tất nhiên, các con của ông cụ phải rất hãnh diện về cha mình.

Và bởi vì con có “hân hạnh” chơi rất thân với dàn quý tử của ông cụ nên con hiểu ông có cuộc sống thật  dung dị, cởi mở, thân thiện và rất gần gủi với mọi người dù họ chỉ là bạn với con  cái mình. Gặp ông cụ bao giờ con cũng thấy niềm lạc quan tỏ lộ trên khuôn mặt cụ. Có lẽ sự lạc quan đó khiến ông cụ luôn tỏ ra yêu đời và vui sống để thành công trong việc nuôi dạy con cháu. Bản chất ông cụ còn  dí dỏm, tếu táo rất humuor. Một lúc nào đó nổi hứng lên ông cụ tự xưng: “ Tớ là tổng tư lệnh đoàn quân chống ế đây. Thử hỏi coi có tên nào lấy vợ từ ngoài Bắc vào mà ở góa  lâu như tớ chưa?”. Rồi ông cụ rơm rớm nước mắt ngậm ngùi nhưng vẫn tếu táo : Tớ “mất Trinh” lâu rồi! Tớ “mất Trinh” lâu rồi!!!”…(vốn nhũ danh của bà cụ cố là Nguyễn Thị Trinh).

Ngoài ra, ông cụ còn có tài ứng đối rất thông minh và nhanh nhạy. Đã có một giai thoại ở Châu Sơn ta kể rằng:…Vào một năm nào đó, cách nay khá lâu rồi. Hồi đó, có cô bé tên Xuân (bây giờ đã là phu nhân của ông CT. HĐGX)  mẹ sai đi mua đường tại quán bà C. để về nấu chè. Cô bé vâng lời mẹ đi mua, nhưng xui xẻo, hôm đó quán bà C. hết đường. Cô bé Xuân bèn tiu nghỉu ra về. Bỗng, bà C. gọi cô bé . Bà tủm tỉm cười ghé sát tai nói nhỏ: Con muốn mua đường thì xuống nhà ông Hân mà mua.

Và cô bé Xuân ngây thơ hý hửng xuống nhà ông cụ hỏi mua đường. Ông cụ biết mình bị bà C. chơi khăm (vì thân phụ ông cụ tên là Đường) nên cũng cười cười nói. Con trở lại nói với bà C. Nhà ông có Đường nhưng Khung bán ( Khung là tên của thân phụ bà C). Xem ra như thế mới biết các ông bà ngày xưa đối đáp nhau thâm thúy thật.

Kính thưa ông cụ cố, nhân ngày ông cụ về hưởng nhan Thánh Chúa, con xin nhắc lại một vài điển cố  trong cuộc đời ông cụ, để cho đám con cháu trong Giáo Xứ biết được vài tích vui về người xưa để ôn cố tri tân. Nên nếu có điều gì phật ý xin tang quyến thông cảm.

Cuối cùng,  xin đại diện Trang Web.tienducchauson gửi lời chia buồn chân thành nhất đến với đại tang quyến.

                                            Fx. Nguyễn văn Trọng

 

 

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …