Những hồi đáp sau bài viết “Giới trẻ xuống cấp đạo đức….”

TĐCS xin được mạn phép đăng những comments hồi đáp sau bài viết “Giới trẻ xuống cấp trầm trọng, Trách nhiệm này thuộc về ai??”. Để bạn đọc rộng đường dư luận và thấy được những ý kiến thuận và nghịch sau bài viết đó. TĐCS xin phép các bạn đã có comments được đăng trên TĐCS. Chân thành cám ơn các bạn.

Chào Anh Tiến Đức!!

Không biết phải xưng hô thế nào nên sẽ xưng là anh/em cho thân thiện nha! Là một người con của Xứ Châu đọc bài của anh, em có cảm giác buồn và cũng thấy được sự tâm huyết của anh dành cho thế hệ tương lai, thế hệ mà em nằm trong số đó, bản thân em cũng nhận thức được đủ về việc giới trẻ đang xuống cấp đạo đức, không chỉ ở lứa 9x chúng em mà còn các em nhỏ hơn.

Bài anh viết trách nhiệm thuộc về ai khi giới trẻ xuống cấp đạo đức, cá nhân em cho rằng anh đề cập nhiều về vấn đề là đi lễ đứng ngoài và không tham dự thánh lễ và chỉ nói đến một chút về gia đình. Em không đồng tình về điều này. Và tại sao em không đồng tình…

Hãy để em hỏi anh một điều: “Anh có chắc những con người mà đóng bộ, đồ đẹp đến dự lễ sớm và vào nhà thờ thì đã sốt sắng hơn những người đứng ngoài nhà thờ?” Đi lễ và dự lễ là hai điều hoàn toàn khác nhau, có những người miệng nói đi lễ mà chẳng dự lễ, ngược lại có nhiều người rất sốt sắng. Tự vấn bản thân mỗi người, hầu hết tất cả mọi người đều có những khi đi lễ mà không sốt sắng, trong đó có anh và em nữa…

Trong khi đó, gia đình là điều yếu tố trước nhất khiến giới trẻ dẫn tới như vậy, thử hỏi sao mà chúng nó có thể thay đổi khi ba mẹ chúng còn chưa thay đổi, tiếp nữa, thế giới chuyển mình hội nhập công nghệ 4.0, tư duy của lũ trẻ thời nay đã khác thế hệ trước rất nhiều, đòi hỏi sự cải cách giáo dục và phương pháp dạy phù hợp, em xa xứ đã lâu, từ năm lớp 10 là đã không còn được học giáo lý nên không biết các anh chị có đổi mới phương pháp dạy không? khô khan, cứng nhắc, sự hài hước còn không có, cách để tạo động lực, tạo hứng thú cho các em cũng chưa có đủ, cách anh chị GLV thuyết trình về bài học giáo lý hầu như chỉ là đọc và đọc, vân vân và vân vân…

Tiếp theo về người lãnh đạo, em tạm gọi là thủ trưởng của một đơn vị, ngoài ra trong đơn vị đó còn có những thủ lĩnh tự phát, câu hỏi đặt ra là: “tại sao có những người không có chức quyền gì trong một đơn vị nhưng lại được mọi người nghe theo?” Vì họ (thủ lĩnh) biết cách gây ảnh hưởng tới mọi người, lúc đó thủ trưởng chỉ còn cách đứng nhìn bất lực mà thôi, cách nhanh nhất để có thể lấy lại vị thế là tác động thay đổi những thủ lĩnh đó, thủ lĩnh tinh thần thay đổi thì mọi người khắc sẽ theo. có thể nói lãnh đạo tập trung vào chiều sâu sẽ tốt hơn nếu khuynh hướng là chỉ theo chiều rộng. Ở đây em không đề cập đến một cá nhân mà chỉ nói chung những người làm lãnh đạo. Em chỉ mong những người lãnh đạo đừng chỉ tập chung vào “chuyên môn” mà hãy tập trung vào “nhu cầu” của một tập thể.

Kế tiếp, “Giáo dục không đòn roi” em đồng ý với quan điểm trên thế nhưng để làm được như vậy thì cá nhân em cho rằng thay đổi tâm thế của người đi lễ, có những người còn không biết đi lễ vì gì thì sao mà sốt sắng được, có thể bằng cách liên tục nhắc đi nhắc lại “cuộc sống này chỉ là tạm bợ” và nhắc bằng cách nào chứ ngày nào cũng nói thì thành ra chán tai, nhắc ngọt và khéo là cả một kĩ năng (diễn giả, video, clip,…) tất cả mọi thứ có thể đưa vào trong các giờ lễ, đưa phải đưa từ từ, đừng để người nghe biết được họ đang bị xỏ mũi thì không ai có thể tiếp thu được nữa. Mà để làm được như vậy thì em tin rằng Xứ mình đủ nhân tài để có thể nghĩ ra các cách, chỉ là không ai đứng ra tập hợp mọi người lại và đưa họ đi.

Cuối cùng, gia đình, luôn luôn là gia đình, phải quan tâm gia đình. Thay đổi nhận thức là cả một quá trình, em muốn nói rằng để thay đổi những người trưởng thành thì khó, vậy nên tập trung vào thay đổi những lứa tuổi 2 bên, là các cụ ông, cụ bà và giới trẻ, đặc biệt là thiếu nhi, để làm được như vậy em nghĩ cũng phải có cả một kế hoạch đồ sộ và thời gian thực hiện rất lâu nhưng mong rằng những tháng năm sắp tới Xứ Châu sẽ có những thay đổi, xuất hiện thêm những con người dám tiến thân, hi sinh đăng bài như Tiến Đức. Dù chỉ một cành hoa cũng đủ làm nên mùa xuân, từ đó lan tỏa mùi hương khắp nơi phải không anh ^^.

Chúng ta đi sai hướng chỉ là chúng ta không dám đón nhận sự thay đổi, áp dụng những cái mới, những cái hiện đại.

Trên đây là những ý kiến đóng góp cũng như chia sẻ của em, khi đọc có thể sẽ xuất hiện nhiều lỗi vì không để ý nên mong anh lượng thứ.

Chúc anh cuối tuần vui vẻ, an lành và hạnh phúc trong Chúa!

Trần Hàn Phong Vũ <tranhanphongvukaka22@gmail.com>

Hồi đáp của tác giả Châu Sơn choa

Tôi đã nhận được bài phản hồi của anh, và cảm thấy rất mừng vì viên đá ném đi đã không bị chìm lặng xuống đáy hồ nước. Cám ơn anh đã quan tâm để chia sẻ những góc cạnh thực tế và khách quan khi phân tách bài viết…Yếu tố gia đình là chính, thì tôi lại viết một cách trực diện hơn là cha mẹ chịu trách nhiệm là chính. Đúng ra chữ gia đình nó tổng quát hơn. Cám ơn anh đã góp ý về điều này.

Anh viết: Hãy để em hỏi anh một điều: “Anh có chắc những con người mà đóng bộ, đồ đẹp đến dự lễ sớm và vào nhà thờ thì đã sốt sắng hơn những người đứng ngoài nhà thờ?” Đi lễ và dự lễ là hai điều hoàn toàn khác nhau, có những người miệng nói đi lễ mà chẳng dự lễ, ngược lại có nhiều người rất sốt sắng. Tự vấn bản thân mỗi người, hầu hết tất cả mọi người đều có những khi đi lễ mà không sốt sắng, trong đó có anh và em nữa…

– Ở đây anh đưa ra tính lý thuyết thì không sai. Nhưng tôi hỏi lại anh, có chắc rằng người đứng ngoài xem lễ sốt sắng hơn người ở trong chăng? Chúng ta đều không thể xét đoán được tâm hồn người xem lễ ở trong hay người đứng ngoài. Điều này chỉ có Chúa biết mà thôi. Ta không biết được điều bên trong, nhưng ta có thể đánh giá được bề ngoài là, người vào nhà thờ thì sẽ nghiêm túc hơn, dễ sốt sắng hơn, dễ nâng tâm hồn lên với Chúa, vì được trực diện với Chúa hơn là người xem lễ đứng ngoài nhà thờ. Ở đây còn phải xét đến bình diện chung của GX là người đứng ngoài nhà thờ sẽ làm gương mù gương xấu cho người khác. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến những thế hệ sau rất nhiều…

Chắc anh cũng đã biết rằng, ở mỗi GX đều xây dựng cấu trúc đoàn thể, và khi cấu trúc một đoàn thể nào đó có nguy cơ bị phá vỡ thì giới thẩm quyền giáo dục GX phải ra sức củng cố lại, chứ chẳng lẽ để buông thả trong sự vô tổ chức, thiếu tập trung và thiếu định hướng sao?? ắt đoàn thể đó sẽ không tồn tại được.

Kế tiếp, “Giáo dục không đòn roi” em đồng ý với quan điểm trên thế nhưng để làm được như vậy thì cá nhân em cho rằng thay đổi tâm thế của người đi lễ, có những người còn không biết đi lễ vì gì thì sao mà sốt sắng được…

– Nếu là những người trưởng thành và ý thức, tính tự giác cao thì khỏi cần phải biện pháp. Ở đây giới trẻ khoảng tuổi 18 đến 25 thì cũng khó có được sự trưởng thành và ý thức tự giác. Ta thử lấy ví dụ: một người Phật giáo thì giáo lý Phật giáo chủ trương đạo tại tâm, tự nguyện và không gò bó, còn bên công giáo sống đạo phải giữ 10 điều răn, 8 mối phúc thật, cải tội 7 mối…và con nhiều điều luật giáo hội buộc… Và hiệu quả thì như anh cũng đã biết rồi đó. Có khuôn phép, có lề lối, có kỷ cương thì vẫn dễ giữ đạo hơn được dễ dãi được buông thả…Thực ra, tôi ghi nhận một LM nọ đã dùng biện pháp rao giữa nhà thờ khi các em phạm lỗi tôi vẫn không đồng ý. Nhưng phải thành thật mà nói, nhờ có những biện pháp đó mà một thời giới trẻ sống đạo tốt hơn và nghiêm túc hơn. Thời gian sau đó, vị chủ chăn lại lấy đức ái mời gọi thì dường như các em càng được đà xuống dốc. Đôi khi lý thuyết rất tốt đẹp, rất nhân văn nhưng lại không đưa đến một kết quả tốt là thế đấy!

Tuy  nhiên tôi cũng xin cám ơn lời góp ý của anh rất nhiều, có thể nhờ đó trong giáo dục chúng ta vỡ lẽ ra được những điều tốt đẹp khác.

Thân ái chào anh. Xin anh luôn đồng hành với TĐCS và hãy luôn góp ý cho chúng tôi.

Tiến Đức Châu Sơn là trang web. Châu Sơn choa cũng chỉ là một thành viên mà thôi. Châu Sơn choa

Anna Tran Giới trẻ xuống cấp đạo đức, Trách nhiệm này thuộc về ai??? Có lẽ trước hết và trên hết là thuộc về cha mẹ, gia đình và bản thân đương sự. Dạy con từ thuở còn thơ,… còn nhỏ cha mẹ, gia đình đã không quan tâm nhắc nhở, không uốn nắn thường xuyên, không dạy con đủ, hoặc dạy không đúng cách, chiều chuộng con cái đủ điều, muốn gì được nấy, chưa kể đôi khi cha mẹ còn dạy con làm điều sai trái, không làm gương sáng về đời sống đạo đức, thánh thiện cho con cái… Nhân cách, lòng đạo đức của trẻ từ nhỏ đã hình thành trong môi trường không tốt, không đạo đức, thánh thiện,… Nhiều cha mẹ mãi mê lo cơm, áo, gạo, tiền, cũng chẳng đi lễ, hay có đi lễ cũng không vào nhà thờ,… thì làm sao nói con cái, làm sao giáo dục chúng đây ???… Môi trường đầu tiên hình thành nhân cách, lòng đạo đức của trẻ là gia đình. Gia đình đã không cho trẻ được đời sống đạo đức, khi bước vào môi trường xã hội, giáo xứ, với biết bao cám dỗ, bao gương xấu lôi kéo, đứa trẻ dường như bị chao đảo giữa dòng đời,… nên dễ bị bạn bè xấu lôi kéo vào các tệ nạn xã hội… lười biếng đi nhà thờ,…

Tuong Nhan Tran con nghĩ bản thân đương sự vẫn là nhiều nhất. Vì ai cũng lớn, cũng đủ trí khôn để suy nghĩ, đâu ai có thể mãi mãi nhắc nhở để cứu giúp linh hồn của họ? Đọc bài viết còn thấy nhắc nhở còn bị đấm vào mặt thì thôi chứ ai mà dám quản việc này. Linh hồn bản thân còn không lo, thì chịu thôi ạ.

Marie Phuong Đọc mà cảm thấy buồn lòng cho GX quê nhà,giới trẻ ngày nay khác xưa nhiều quá,chỉ toàn thấy phần lớn ăn chơi-đua đòi-nhậu nhẹc hic

BBT TĐCS Xin chân thành cám ơn các bạn đã có những comments

 

 

Check Also

Phụ huynh ơi!! Lại được mùa linh hồn nữa rồi!!!

Trong Thánh vịnh 102 bày tỏ: Đời sống con người chóng qua như cỏ, như …