Quán cà phê Châu Sơn thời kỳ bao cấp 1975 – 2000
tienducchauson
15/05/2019
Diễn Đàn Bạn Đọc
748 Views
Khi người dân Châu Sơn ăn theo Con Đường Vành Đai để nâng cấp lên hàng đô thị, thì giống như câu sách ngắm: “Ngày nào treo tao lên, thì tao cho mọi sự lên cùng tao”, để nhà làng Châu Sơn tất cả mọi thứ đều được nâng cấp lên cao. Nhà mê lầu cao, chen lấn nhà cấp 4 khang trang được mọc lên như nấm. Xe cộ: xe máy AB, Vision, Click, Nouvo…taxi, xế hộp, xe tải đi lại cũng cũng nườm nượp hơn…Nhu cầu tiêu dùng cũng nhiều hơn, để các quán tạp hoá mọc lên như nấm. Người dân khi có của ăn của để, rủng rỉnh xu hào để có chút hưởng thụ…Người dân bây giờ cũng học đòi cái thú hưởng thụ tao nhã của người dân thị thành cà phê cà pháo mỗi sáng.
Quán cà phê bỗng dưng mở ra để đáp ứng nhu cầu người hưởng thụ bên tách cà phê, hoặc ly nước chanh đá.
Thực ra, không phải đến lúc này nhà làng “đủng đỉnh xu hào” rồi mới sinh ra cái thú tiêu khiển cà phê đâu. Nếu nói quán nước mở trong làng đầu tiên, phải là quán SƯƠNG PHONG sau đến quán HIỀN QUY – quán thời đó không có tên gọi, nên người làng thường lấy tên cô chủ quán với tên cha ghép lại mà thành. Những quán này mở vào những năm 83 cho đến đầu những năm 90…của thời kỳ bao cấp XHCN.
Đến bây giờ tôi vẫn không nghĩ ra: Tại sao vào cái thời hậu chiến cơ cực, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, kinh tế tứ bề vây hãm khốn khó, mà vẫn có được những quán nước tồn tại ở giữa lòng GX như vậy?? Quả là một món quà tặng kỳ diệu “trời cho trò chơi” cho thế hệ thanh niên vào thời kỳ đó, đã có được một sân chơi hồn nhiên và dễ thương đến thế!!
QUÁN CÀ PHÊ SƯƠNG PHONG 1983
Một cô bé chỉ mới 15 tuổi, vậy mà cả gan dám đứng ra mở quán nước vào những năm 1983 của thời hậu chiến, xem ra cũng liều thật. Nhưng phải nói, quán Sương Phong lúc đó được khách hàng chiếu cố khá đông khách…Vì gần như mọi thành phần giới trẻ, trung niên…trong GX đều quy tụ về đây trong những dịp lễ quan thầy, sinh nhật, lễ bổn mạng của: ca viên, ca đoàn, thanh niên….
Có lẽ, thời bao cấp đó, chỉ đóng khung vào lao động rẫy mạc, nông trường…không có nhiều thú vui giải trí như ngày nay, nên quán nước gần như độc tôn thú vui giải trí, vì thế mà quán nước được giới trẻ hưởng ứng đông đảo.
Sương Phong là một cô gái trẻ với gương mặt nụ nằn, dễ chịu và vui tính. Quán Sương Phong sinh hoạt được xem như là một hội quán, vì người nhà một xứ nên rất gần gũi và thân thương với nhau mà không hề có sự câu nệ khách sáo nào cả. Có khi cô chủ phục vụ không kịp thì, chính khách hàng phụ giúp pha chế và tự bưng bê ra cho khách. Những thực đơn uống thời đó: cà phê, nước ngọt, chanh đá, cốc tai, bia thanh niên…và cả xì đế cũng chơi tuốt luốt luôn.
Quán cà phê là sự tận dụng căn nhà tôn vách ván sinh hoạt chung trong nhà chứ không phải cách ra riêng biệt, tạo nên bầu khí ấm cúng của một gia đình.
Quán này mở cả ngày, nhưng thường tụ họp đông khách vào khoảng 9 giờ tối trở đi, cũng là lúc tan tầm của những thợ cưa đi tán gái về, được mùa hay mất mùa cũng vào quán này để chia sẻ tâm tình…hay những kinh nghiệm tán gái của nhau.
Thời đó đi cưa, có đứa “ẻm” không chịu tiếp chuyện thì quay sang cưa gốc (cha mẹ) dần dà rồi cây cũng bổ chỏng cẳng đấy chứ! Sau 75, còn quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Chứ bây giờ “con đặt đâu cha mẹ ngồi đó” thì quên mà cưa gốc đi. Lạ một điều của thời đó đi cưa gái tập thể. Có nhà cô gái khi bị tấp vào không đủ ghế ngồi ấy chứ! Cứ hết điểm này sang tụ khác luân phiên. Thực ra đi cưa gái tập thể như thế cũng khó lòng cho cô gái chọn lựa, không biết chàng nào là kép chính đây?? Cần phải có một sự tinh tế, để cô gái tiếp chuyện hoặc đá lông nheo với chàng nào, thì chàng ấy phải biết mà hẹn hò lần sau gặp mặt riêng…chứ mà đông nhìn như mặt lợn con thì làm sao làm ăn cho nổi!
(Nhà ông Phong, nơi ngày xưa cô bé Sương Phong mở quán cà phê)
Nhớ những đêm ăn nhậu tán chuyện đến khuya với: Long, Huy, Cao, Hiệu, Trí, Tưởng, Huề, Hiệp, Hùng, Trang…Nhớ mấy cô gái ca đoàn: Huyền, Châu, Trang, Thời, Linh…Nhớ có lần ngồi bù khú với thầy Trung (sau này là cha Trung), Huân, Hiệu, Điệp, Lý…ngồi nhậu xả láng đến gần sáng. Tôi cũng đà đà, đi băng phía sau về nhà, bước đi chệnh choạng để rơi tỏm xuống hầm phân heo…mùi hôi nhớ đời! Nhớ có lần nhậu với Hiệu, Tưởng, Hiệp, Long, Cao…Có đứa nhậu xỉn ói ra nguyên tô mì, rồi sau đó sĩ diện húp tuốt hết tô ói mới kinh đời chứ! Từ đó, cứ hễ thấy mì gói là muốn ói ngay!!!
Phải nói, tuổi trẻ hồi đó vui chơi đùa bỡn hồn nhiên lắm! Ăn nhậu chỉ là cái cớ cho cuộc vui mà thôi. Có khi chỉ đơn giản mấy con cá khô, vài con mực, dăm quả trứng chiên, mấy miếng đậu hủ, vài ba gói mì tôm…mấy chai bia thanh niên, hay mấy xị đế nữa là xong phim, nhưng phải nói bầu khí vui đáo để và thân thương chi lạ!!
Sau này cô nàng lấy chồng về xóm trong…Quán Sương Phong cũng khép lại từ đó, để lại nhiều kỷ niệm thân ái và dễ thương của một thời bao cấp…
QUÁN CÀ PHÊ HIỀN QUY (1984)
Chỉ một thời gian sau, quán Sương Phong…Hiền Quy, một cô gái đã qua cái tuổi trăng tròn mấy độ, nhưng nét xuân sắc vẫn còn đậm đà duyên dáng lắm! Con người hiền lành như cái tên. Từ dáng dấp đến lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ nhu mì của một cô thôn nữ miền quê. Khi mở quán thì cô nàng đã “em theo chàng về dinh” với “gái một con trông mòn con mắt”.
Nhớ thuở đó, những lần ông Minh (+) CTHĐGX sau những lễ lớn Phục sinh, Chúa Thánh Thần Hiện xuống… thường đưa bọn tôi xuống quán Hiền Quy, chiêu đãi ban thánh nhạc, ca trưởng và ban âm thanh ánh sáng có: tôi, Hiệu, Điệp, Huân, Lý, Huyên, Thơ, Tín…hết mấy chầu vui đáo để. Sau những ly nước đá chanh mát lạnh, tách cà phê đậm đà hương vị…cũng không tài nào tránh khỏi mấy xị đế cho bầu khí “ông con” trò chuyện rôm rã vui vầy. Chúng tôi thường chọc ông: mỗi khi ông cho rước lễ, vì mấy răng cửa hàng tiền đạo đi hết, nên ông phát âm trệch sang: “Mình Thánh Chúa Si Phô”. Con người ông vui tính, dễ hoà đồng với lớp con cháu, nên chẳng chấp nhất. Sau khi trà dư tửu hậu ở quán nước, chúng tôi thường “tám chuyện” về: ca đoàn, ban nhạc, âm thanh, ánh sáng…
Phải nói thời cha GB Nguyễn Thanh Tâm chính xứ là thời hoàng kim của ca đoàn GX Châu Sơn. Vì hội đủ 3 yếu tố để thành công: Thứ nhất là có một người cha rất chuyên tâm và đam mê về ca đoàn. Thứ hai có điều kiện hội tụ đủ mọi thành phần ca viên ở mọi lứa tuổi trong nhiệt tình say mê phục vụ ca đoàn: Anphongso, Thiện Chí, Hài Đồng, Magnificat, Cêcilia, Xuất Hành… Thứ ba hội đủ những anh tài đầu đàn trong làng nhạc GX: Trần Ngọc Huân, Trần Đức Huyên, Trần Khánh Điệp, Trần Thị Kim Hương, Trần Ngọc Hạnh, Đoàn Quang Vĩnh, Nguyễn Văn Kính, Trần Ngọc Hiệu…Cả ba yếu tố đó đã làm nên một thời lừng lẫy vàng son của ca đoàn GX Châu Sơn.
Mốt thời thượng lúc bấy giờ là cao trào hát hợp xướng 4 bè mới là ca đoàn. Không phải là mẹ hát con khen, nhưng quả thật, vào thời đó, Ca đoàn GX Châu Sơn gần như độc tôn ngôi đầu của Giáo phận về ca đoàn. Mãi đến năm 1994, Đại hội Thánh nhạc vào dịp Giáng sinh ở Hà Lan, đã có cuộc soán ngôi ca đoàn Hà Lan, Trung Hoà đã có phần vượt trội ca đoàn GX Châu Sơn. Nhưng tiếng vang của ca đoàn GX Châu Sơn vẫn còn vang vọng trong giáo phận đến ngày nay. (Hình ảnh dưới đây là nhà ván quán O Hiền Quy)
Thời đó, ban nhạc đàn trống đã được thử nghiệm trong nhà thờ với “Thánh ca vào đời” của nhóm Linh mục Thành Tâm, Nguyễn Duy, Mi Trầm, Đỗ Vi Hạ…nên bên cạnh những bản hát hợp xướng như: Chúa đã xa rời, Đêm bình an, Khúc ca mặt trời, Trường ca Phục Sinh…thì có những bài vui nhộn nhạc nhẹ như: Alleluia, Chúa yêu trần thế, Này một hài nhi đã sinh ra đời, Tình yêu Thiên Chúa…Những bản nhạc hoà tấu guitar rộn ràng rất được ưa chuộng, những intro cho các bài: Đong con tim…Từ khi ngài đến…bằng guitar cũng đem lại sự mới lạ cho thánh nhạc nhà thờ thời đó. Thời đó, GX tậu được một cây đàn Organ Harmon của Mỹ cũng rất có tiếng tăm. Nghe đâu cả VN chỉ có 2 cây đàn Harmon mà thôi. Một ở Hà Nội và một ở Châu Sơn. Tiếng là thế, nhưng đàn cũng đã hết date, nên có lúc tiếng đàn nghe kho khè như người lên cơn hen suyển.
(Nhà ông Quy, nơi ngày xưa o Hiền Quy mở quán cà phê)
Bên âm thanh ánh sáng, hồi đó cha GB cho mời chuyên gia anh Khoa “ròm” ở GX Thánh Tâm vào điều phối âm thanh. Có lần không biết chỉnh sửa làm sao mà thấy khói bốc lên nghi ngút ở dàn âm thanh, cha GB đã thoảng thốt lên “cháy mất rồi”. Khiến cho anh chàng Khoa cũng đứng ngẫn ngờ luôn.
Quán Hiền Quy là một mái nhà tôn vách ván giản dị, chỉ gọn nhẹ nơi bộ bàn xa lông có sẵn trong nhà và mấy cái ghế nhựa thêm vào mà thôi…Nhưng lại chứa được biết bao kỷ niệm vàng son về ca đoàn và ban nhạc thập niên 80.
Một thời gian sau 1991, cô nàng được chồng bảo lãnh sang Mỹ. Quán khép lại, để chút vấn vương tiếc nhớ “người muôn năm cũ” đã xa mãi nơi này.
QUÁN LES PARADISE
Bẵng đi một thời gian dài…đâu đó những năm 1998? Châu Sơn mới có một quán cà phê được trang hoàng bài trí đúng nghĩa của quán: có ánh điện sắc màu lập loè lung linh, có pano bảng vẽ tên quán Les Paradise lộng lẫy, có cỏ hoa chen lá…điểm tô cho quán thêm tươi mát.
Ngoài cà phê ra, quán còn có nước ngọt, bia và kem…Quán đó cũng một thời thu hút những chàng trai thanh gái lịch một lượng thanh niên khá đông, nhờ có bốn nàng công chúa chân dài, mà sắc đẹp mỗi cô mỗi vẻ, mười phân vẹn mười. Sau này những nàng vịt giời theo tiếng gọi của tình yêu bay đi muôn phương, để lại bao ngẩn ngơ tiếc nuối cho những chàng trai làng…(Nhà bà Ngọc, nơi ngày xưa mở quán Les Paradise)
Rất tiếc, đây là một quán cà phê mà dường như tôi không hề biết đến những sinh hoạt của quán để ghi nhận.
Thời điểm này, đất nước ta đã mở cửa kinh tế với sự nối lại bang giao với Mỹ (1995). Phải chăng vì thế mà quán cà phê Châu Sơn đã dần nâng cấp lên cho kịp với thời kỳ mở cửa kinh tế đất nước??
Khép lại thời kỳ bao cấp, cũng là khép lại những quán cà phê mang tính gia đình ở Châu Sơn…Mời các bạn đón xem “Quán cà phê Châu Sơn thời kỳ trăm hoa đua nở” gồm Hoa sữa, Núi Ngọc, Làng Tôi….
Bài ghi nhận này chắc là sẽ còn nhiều thiếu sót ở những góc cạnh của những quán nước thời xưa. Rất mong bạn đọc và chủ quán thông cảm mà bỏ quá cho.
Châu Sơn choa