Đáp lại tấm lòng yêu thương của giáo dân, cha xứ luôn tỏ tình cảm thân thương và gần gũi với họ. Cha thường lui tới nhà giáo dân thăm hỏi và nâng đỡ giáo dân gặp những hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo, chia sẻ nỗi đau về tinh thần khi con cái vướng mắc về hôn nhân…Cha xứ đi lại với giáo dân như người trong một nhà, không có sự phân cách về cha con. Có nơi, cha xứ phải ở ba năm mới đi ăn cơm hết của 400 nhà giáo dân. Ai mời được cha xứ ăn cơm nhà mình cũng đều tỏ ra vui sướng và hân hạnh lắm. Còn cha xứ miền Nam ít có sự thân thiết gắn bó với con dân như miền Bắc.
Ở xứ đạo ngoài Bắc, ông cha xứ, quả đúng là “một ông trời con”. Một ông trời con theo nghĩa tích cực là được mọi người kính mến nể vì, chứ không phải là ông trời con để tự tung tự tác sát sinh với giáo dân đâu.
Chẳng những thế, cha xứ ngoài Bắc còn là chỗ dựa tinh thần cho người giáo dân. Những khi GX hay Giáo họ phải đối đầu với nhà nước, nếu có sự đàn áp bất công, chính cha xứ là người đứng ra đấu tranh với nhà nước để đòi lại công bằng cho giáo dân. Cha xứ kể: Có lần công ty cầu đường mua một đám ruộng của người dân ở khu vực gần làng, suốt ngày đêm cứ nấu nhựa đường khói đen mịt mù bầu trời, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường sống của GX. Cha xứ đã can thiệp kịp thời: Xin các ông dời công trình này đi chỗ khác, nếu không giáo dân chúng tôi sẽ ra tay dẹp công trình của các ông thì đừng có trách. Sau đó, họ xin thương lượng với cha xứ và giáo dân, nếu GX có nhu cầu xây dựng: nhà thờ, đường sá…thì họ sẽ ủng hộ hết mình. Thậm chí là họ sẽ rót vào tài khoản hàng tỷ đồng cho cha xứ. Nhưng cha xứ bảo với họ: chúng tôi đấu tranh là để dành lại môi trường trong sạch cho GX, chứ đâu phải đòi điều kiện đổi chác…Xin không được, nên họ xin 5 ngày để dời công trình.
Ở GX nọ …nằm trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp. Doanh nghiệp nhờ nhà nước đứng ra môi giới mua rẻ đất ruộng của giáo dân (1 sào tây 160 triệu VNĐ). Nhưng người dân không đồng thuận, với lý do: bán đất rồi lấy lúa gạo đâu mà sinh sống cho cuộc sống sau đó. Chính cha xứ cũng đồng thuận để cùng người dân kháng cáo việc doanh nghiệp mua đất ruộng của giáo dân là không hợp lý và đi ngược lại sự sinh tồn của đời sống giáo dân. Với sức mạnh của người giáo dân và sự ủng hộ tinh thần kiên định của cha xứ, nên doanh nghiệp đành chịu thua.
Cha xứ cho biết, các GX giáo phận Vinh có truyền thống thừa kế đấu tranh bất khuất và kiên định từ bao đời cha ông để lại, nên cha xứ rất được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của giáo dân. Nhờ vậy mà các cha xứ ngoài Bắc luôn có thế mạnh giáo dân để nhà nước phải kiêng nể cha xứ. Điều này thì các cha xứ đạo miền Nam không có được thế mạnh, vì không có được sự hậu thuẫn của giáo dân. Phải nói giáo dân miền Nam của vùng giải phóng sau 75, đều có tâm trạng sợ hãi khi đối đầu với chính quyền, chính vì thế mà cha xứ luôn ở trong tâm thế đơn độc để không có được thế mạnh như cha xứ miền Bắc là điều dễ hiểu.
Việc xây dựng cơ sở GX. Theo ý cá nhân riêng tôi, chưa bàn đến những đóng góp vật chất, thì về mặt tinh thần, giáo dân miền Bắc cũng thể hiện một cách tích cực và cao hơn ở trong Nam. Hầu như mọi nhà thờ miền Bắc đều do thợ của giáo dân chính GX đó đảm trách việc thi công: xây cất, dàn dựng, chạm trổ, phụ hồ…bằng sự tự nguyện tự giác, không hề được trả tiền công thợ. Sớm xách bai đi xây, trưa về ăn cơm nhà, chiều lại tiếp tục…Cứ ngày này qua tháng nọ, không kể công cán lâu mau… Có thể do quá lớn, quá cầu kỳ, và kể cả không đủ kinh phí xây cất để kéo dài thời gian như thế. Có nhà thờ xây dựng 7 năm nay mà vẫn chưa xong như nhà thờ Lãng Vân…
Qua đây, tưởng cũng nên nhắc đến một ngôi nhà thờ hoành tráng, có tầm vĩ mô, to lớn vào bậc nhất ở Đông Nam Á. Đó là nhà thờ Lãng Vân, xã Gia Lập, Ninh Bình. Người ta ví nhà thờ Lãng Vân như một trái núi, với tổng diện tích là 4.000 m2 có sức chứa khoảng 4.000 đến 5.000 giáo dân. Độ cao 110 m, có hầm chứa để dọn tiệc cho cả ngàn người. Tổng kinh phí khủng cho nhà thờ Lãng Vân lên đến khoảng 400 tỷ VNĐ, do đại gia Ninh Bình – ông Nguyễn Xuân Thành – chủ Tập đoàn Xuân Thành – là người tài trợ toàn bộ cho công trình nhà thờ lớn nhất nhì Việt Nam.
Việc làm xây cất “công chùa” cho nhà thờ như ở miền Bắc, thì quả đây là điều hiếm thấy trong việc xây dựng các nhà thờ ở miền Nam. Ví như làm có trả công thì cũng chẳng mấy ai mặn mà chi khi đi xây nhà thờ. Vì chắc chắn công sẽ không cao. Ở miền Bắc, với nguồn nhân công “chùa” của GX, cũng đã tiết kiệm được một số tiền không nhỏ, khoảng 1/3 công trình xây dựng. Nhưng phải khen, những tay ngang cầm bai, đều là nông dân chân lấm tay bùn, chẳng học hành công thợ bao giờ, vậy mà khéo tay chạm trổ một cách tinh xảo và cầu kỳ, cứ như thợ nhà nghề vậy. Mà chẳng phải đàn ông thôi đâu, mà còn có cả các bà, các chị và cháu nhỏ cũng tham gia phụ vôi vựa…nữa đấy!
Phải nói mật độ nhà thờ họ, nhà thờ GX ở miền Bắc khá dày. Cứ đi theo dọc tuyến đường Quốc lộ, hay tỉnh lộ chừng 5,7 cây số là thấy những tháp nhà thờ xây cao lên giữa những nhà ở giáo dân. Một giáo xứ có đến 4, 5 giáo họ đều có nhà thờ họ riêng. Có khi nhà thờ giáo họ lớn hơn nhà thờ GX, tuy theo sức dân đông, giàu có…Ngoài ra, khi xây dựng nhà thờ, tâm lý giáo dân luôn có sự ganh đua: nhà thờ GX mình phải lớn hơn và đẹp hơn nhà thờ GX khác. Chính vì sự ganh đua đó, để họ không tiếc công tiếc của khi xây dựng nhà thờ. Bởi đó là niềm tự hào và hãnh diện, vì là bộ mặt của cả GX nên giáo dân nào cũng muốn làm đẹp cho nhà thờ GX mình vượt trội hơn lên. Điều tâm lý xây nhà thờ để ganh đua to đẹp hơn GX khác, thì dường như giáo dân miền Nam không có. Khi xây dựng nhà thờ, họ chỉ lo không biết giáo dân mình có đóng góp nổi kinh phí đủ để xây nhà thờ mà thôi.
Có điều, tôi lấy làm lạ là, giáo dân miền Bắc phần đa làm nông nghiệp, sống bằng hạt lúa gạo ruộng đồng, thì lấy đâu ra tiền mà đóng góp để xây cất nhà thờ đây?? Khi được hỏi cha xứ các GX đó cho biết: nguồn tiền chính không phải do nội lực GX đó, mà do số di dân đi làm ăn phương xa: Sài Gòn, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng…Ngoài ra do những số người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về. Nhưng cũng có những tấm lòng hảo tâm ở trong GX. Ví như nhà sinh hoạt GX hiện đang xây, thì số gạch được một người cho hết toàn bộ nhà thờ. Rồi bất ngờ có một người bên lương khi tham quan nhà thờ, nhà xứ, đã gợi ý muốn đóng góp, và họ bảo cha xứ liệt kê những vật liệu còn thiếu: Sơn, matit, gạch, ngói…họ sẽ ủng hộ tất tần tật.
Nhìn chung thì tinh thần đóng góp xây dựng giáo xứ, kể cả vật chất và tinh thần thì giáo dân miền Bắc cao hơn miền Nam là điều khỏi phải bàn rồi.
Cuộc sống giáo dân các GX miền Bắc, có thể mặt bằng chưa có thể bằng miền Nam, nhưng họ sống nhàn nhã, chứ không phải tất bật như ở miền Nam.
Dù cho xã hội tiến bộ văn minh cách mấy, người giáo dân GX miền quê vẫn giữ được nét chân quê mộc mạc, nhưng chắc chắn là không quê mùa đâu nha. Mọi tiện nghi: TV, Tủ lạnh, Máy điều hòa, Đt di động, mạng internet đều có tất tần tật.
Họ chân chất đến độ, khi chúng tôi dạo chơi trong làng, đi đâu gặp ai họ cũng chào: chào các ông, rồi cứ một nhà con hai nhà con, làm như đã thân quen nhau rồi. Điều này thì ở miền Nam khó mà có được.
Đến nỗi có bữa chiều nọ, anh em chúng tôi thơ thẫn trong làng, rồi hỏi tìm quán cháo lươn – đặc sản của xứ Nghệ, chẳng những họ bày đường ra quốc lộ xa đến 6,7 cây số, rồi còn cho mượn xe máy đi, dù không quen biết chi. Đây là cái điều mà người dân miền Nam không dễ để có được một “sự nhẹ dạ cả tin” như thế. Mượn được xe rồi, vậy mà chúng tôi lại đâm lo, lỡ công an bắt phạt vì không đội mũ bảo hiểm và xe chở ba thì sẽ rắc rối to, vì làm liên lụy đến người cho mượn xe thì phiền lắm đây. Khi chúng tôi về trả xe với lời cám ơn rối rít, nhưng ông ấy vẫn an nhiên đánh cờ tướng mà không quan tâm đến việc có người trả xe. Quả là hiếm thấy một người có lòng tốt như thế ở trong Nam.
Khi tôi kể câu chuyện về xứ đạo miền Bắc, có người nghĩ tôi “ăn của chùa miền Bắc” rồi ngọng miệng mà nói tốt cho họ. Quả là họ tiếp đãi chúng tôi trọng thị lắm! Thú thật, “nhà em” có ăn của chùa thật đấy! nhưng mà ngọng để nói tốt cho họ thì không. Nếu không tin, các bạn cứ thử “vi hành” một chuyến về xứ đạo miền Bắc mà xem, sẽ thấy không phải những điều tôi kể trên có thể không đúng hết 100% ở các GX, nhưng cũng có thể nói là phần đa như thế.
Có người bảo: giáo dân miền Bắc trọng vọng cha xứ quá mức, nên làm hư ông cha xứ. Cũng từ đó, cha xứ được cao rao, được đưa lên mây xanh thì đâm ra quan liêu, cửa quyền, sách hoạch giáo dân… Có người cho rằng giáo dân xứ đạo miền Bắc giữ đạo một cách “cuồng tín đến mê muội” thiếu sự suy nghĩ. Tôn trọng cha xứ là đúng, nhưng tôn trọng trong chừng mực chứ không phải là quỳ lụy tôn thờ…như thế!
Còn tôi, chẳng dám bình phẩm những ý kiến trên, sợ rằng họ lại nói “ăn của chùa” rồi ra sức nói tốt cho giáo dân miền Bắc.
Xin được để các bạn đọc góp ý bình luận vậy.
Dù được ra Bắc mấy lần, ở cũng chỉ được mấy ngày, nên thực ra cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Vì thế những nhận xét có thể phiến diện, thiên kiến, chủ quan… là khó tránh khỏi. Rất mong các bạn đọc thông cảm mà bỏ quá cho.
Xin chân thành cám ơn.
Nguyễn Văn Kính – GX Châu Sơn
Bình luận