24.4 C
Buon Ma Thuot
Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024
More

    Bác Quy ơi! Lời này xin biệt cố tri,

    Em nợ bác nhiều lắm bác Quy ơi!

    Ngày bác ra đi, em lại đang ở một chốn xa…để không về viếng thăm, phúng điếu và thắp nén hương trước linh cửu của bác được. Rồi khi phân ly biệt dương thế, em lại không thể tiễn đưa bác đến mộ phần cuối cùng, thì lòng những tiếc nuối và xót thương bác vô ngần.

    Đành rằng, người bác có ốm yếu thật, nhưng em không nghĩ bác lại rũ bụi trần ra đi sớm như thế! Mới hai tuần trước bác còn đến nhà em, ngồi chuyện trò thế thái tình đời cho khuây khỏa tuổi già.

    Bác mất rồi, em lòng tự nhủ: mình phải viết cho bác một bài, như để trả cái nợ ân tình cho bác. Thế rồi, cuộc đời cứ quay cuồng đến tất bật, để em cứ khất lần bác mãi.

    Hôm nay, dù viết ngắn, viết dài…thế nào em cũng quyết trả xong nợ cho bác, để người dương thế, kẻ cõi trên không còn vấn vương nợ nần gì nhau, cho hương hồn bác ra đi được nhẹ nhàng thanh thản.

               Đến bây giờ, em cũng không hiểu duyên cớ nào lại kết nối giữa em với bác thành một “tình bạn vong niên” mà xem ra không có một điểm chung nào: Không bạn đồng môn, không đồng tuổi tác, không đồng sở thích, không cùng đối ẩm…

             Hoàn cảnh gia đình bác chạy giặc ở Tân Điền về Châu Sơn (1965) khá muộn màng, nên bác không học ở Tiến Đức Châu Sơn. Mà nếu có về sớm thì bác cũng trên em đến mấy lớp ấy chứ! Khi em vào đại học thì bác đã khoác mầu áo rằn ri Cảnh Sát Dã Chiến rồi.

    Trước 75, em chỉ lờ mờ biết về bác, một con người dáng cao hao gầy, vận sắc phục CSDC trông phong độ và hào hùng của một “binh võ”. Bác lại học Vovinam ở cấp Hoàng đai chi đó. Thế thì nhất bác rồi.

     

    Với tình bạn vong niên em chợt nhớ đến tình bạn cố tri của một Văn Cao với một Trịnh Công Sơn…

    Sau 75, hai người mới gặp nhau, hai người mới tri âm tri kỷ qua chén rượu nồng, để cùng nhau đàm đạo về âm nhạc của nhau. Hai người cùng một tình bạn vong niên: Văn Cao cách Trịnh Công Sơn đến 16 tuổi. Hai người cùng gầy ốm hom hem…

    Có lẽ, điều đó khá tương đồng giữa với em và bác. Cái tạng người em vốn đã nhỏ nhắn ốm o gầy còm truyền kiếp, ấy thế mà bác lại còn còm cỏi hơn em. Khuôn mặt gầy ốm, với đôi lông mày đậm sắc, càng làm cho đôi mắt lim him của bác vốn đã sâu lại càng làm lỏm vào. Đôi gò má của bác nhô lên cao như để chống đỡ những phong ba bão táp cuộc đời. Riêng đôi ria mép của bác, làm cho bác thêm chút bí hiểm trông giống như một thầy tướng số: đoán vận mạng hung cát đời người. Trông dáng bác đi liêu xiêu mà tội chi lạ! Nhưng bác vẫn luôn nở nụ cười tươi tắn trên môi, dù rằng có thể trong héo ngoài tươi…

    Thôi thì dung nhan của em cũng tàn tạ chẳng hơn gì bác. Xem ra, hai ta là một tình bạn xứng đôi vừa lứa “môn đăng hộ đối” vậy.

    Có lần bác mở lòng tâm sự: mình đang âm ỉ một căn bệnh hiểm nghèo trong người. Sao bác không đi chữa trị? Mình đã chẳng làm nên tích sự gì cho gia đình, thôi cũng đừng là gánh nặng của gia đình. Em biết bác có tấm lòng thương vợ, thương con để âm thầm chịu đựng nỗi đau trong sâu thẳm cho riêng mình.

    Viết đến đây, em mới chợt nhớ ra, mối thân quen giữa em với bác là, có một hôm…

    Em lấy làm lạ, tại sao bác lại tới nhà mình? Bác mở lời: Anh em bọn mình, những người bạn đồng nghiệp Vovinam một thời trước 75, muốn mở khóa dạy VoViNam cho lớp trẻ ở GX.  Không biết chú có đồng ý giúp mình chụp hình và lên bài trên Tiến Đức Châu Sơn để động viên những con em tham dự khóa học không? Em OK ngay, xin ủng hộ bác cả hai tay.

    Những ngày đầu, khóa học Vovinam có đến gần cả trăm em ghi danh học ấy chứ! Nhưng quả là khổ cho cái thân già như bác, phải vất vả đôn đáo để điều hành khóa học…Hết mời anh Định người Chi Lăng về đứng lớp, đến mời các anh: Mạnh, Hảo, Đức…ở TP vào tư vấn.

    Nhưng khó nhất vẫn là thu tiền học phí của các em. Mỗi tháng có 50 ngàn đồng mỗi em là để tổ chức trà nước, mua thảm, và các vật dụng cần thiết…chứ có nhiều nhặn chi đâu. Bác nói: đóng học phí hay không, không quá quan trọng, mục đích mở khóa tập võ, cốt là để cho các con em trong GX có một sân chơi lành mạnh là được rồi. Một tấm lòng trăn trở và đầy nhiệt huyết với con em GX như thế, thật đáng trân trọng. Rồi những nổ lực của bác cũng đã được đáp đền, với 2 lớp học song hành đã được các em rất phấn khởi để tích cực tập võ mỗi tuần 2 buổi.

    Sau hơn một năm với hoa quả đầu mùa… các em đã được thi lên đai ở khu vực Đại học Tây Nguyên, và lần sau, Châu Sơn đã đăng đàn để Thi lên đai tại quê nhà.

    Từ đó, bác năng lui tới nhà em…Khi nào nghe tiếng rù máy của chiếc Air Black…là biết bác đến nhà chơi. Thường thì bác tới chơi không mấy lâu, thăm hỏi qua loa rồi đề cập đến một vài vấn đề nóng trên FB, rồi ra về. Lúc này cái tình thân giữa em và bác mới bắt đầu được nhen nhóm…Rồi bất ngờ bác bỗng chia xa…

    Nhớ! những lần bác xuống em để trao đổi một vài điển tích văn học Trung Quốc thời xưa, hay tầm nguyên chữ nghĩa, ngôn ngữ của VN. Thú thật, những điều bác đã bí ngõ, thì làm sao mà em giải mã được; bởi vì bác có cả những pho sách nghiên cứu: tự điển Hán Việt, Tự điển Việt ngữ, Tự điển điển tích, Chuyện Đông chuyên Tây của An Chi…cho nên chuyện sưu tầm chữ nghĩa, điển tích văn học…là cái gu của bác, làm sao em dám qua mặt. Phải nói, sức hiểu biết của bác về lãnh vực này khá phong phú và đa dạng.

    Nhớ! Có lần bác xuống nhà, hai anh em ngồi nhâm nhi ly rượu với giản dị dĩa nem (bà Thanh Công). Anh em chia sẻ nỗi niềm tâm sự sâu kín…Những chuyện đời của bác: có lúc gian nan với muôn vàn khó khăn khi gia đình dời cư, chạy giặc từ Tân Điền về Châu Sơn. Những thời điểm sau 75, với những lúc chật vật kinh tế, hai vợ chồng phải rẫy nương đầu tắt mặt tối, để kiếm cái ăn cái mặc cho đoàn con thơ dại. Rồi những suy tư về một xã hội Châu Sơn đang tồn tại những điều bất cập và khuất tất, kể cả chuyện đời, chuyện đạo…Những dòng tâm sự này, dường như bác chưa bày tỏ với ai…

    Nhớ! Những lúc hai anh em ra đầu làng quán 33, tiêu khiển một vài ve bia tươi. Bác bảo: cuộc đời xem vậy mà chóng thật ông ạ! Mới ngày nào còn đầu xanh, tất tưởi chạy giặc về định cư Châu Sơn, mà nay đầu tóc cũng đã nhuộm sương pha rồi. Mới ngày nào thời hậu chiến, cuộc sống cơ khổ, nhà nào cũng phải ăn độn mì khoai, mà nay Châu Sơn ta đã vươn lên phát đạt và nhà xây khang trang như thế này, thật là đáng mừng!

    Nhớ! Một đôi lần hai anh em đi ăn cháo sườn ở cuối đường Hoàng Diệu…Lúc này bác không thể uống rượu được nữa rồi. Bác bảo bữa nào ham vui uống một chút bia rượu vào, về nhà nó hành dữ lắm chú ơi!

    Nhớ! Có bữa đi ăn phở ở đường Nguyễn Trãi, bác giở giọng triết lý: Cuộc đời chúng ta cũng có đủ thất tình Đông phương: Hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục…Cũng chẳng khác chi khi ta thưởng thức một tô phở, trong đó chứa đủ mọi: mặn, ngọt, chua, cay, đắng đót của cuộc đời….

    Nhớ! trên face book, bác vẫn thường xuyên có mặt và đưa lên những hình ảnh quý hiếm của Châu Sơn một thời. Nhớ những câu comments nửa vời của bác đầy bí ẩn, mà dường như không mấy ai hiểu nổi ý bác muốn nói gì? Có lần em góp ý: Bác comments “lơ lửng con cá vàng” như thế, bố ai hiểu cho nổi. Bác cười khè khè: Mình vẫn thích cái lối nói “ý tại ngôn ngoại” như thế, ai muốn hiểu sao thì hiểu.

    Những tưởng rằng “chút tình vừa chớm” giữa bác với em sẽ “viên thành” (TCS). Ai ngờ đã phải đứt gánh giữa đời, bảo sao không tiếc nuối và nhớ khôn nguôi được hả bác.

    Mới đó mà bác ra đi đã hơn 4 cái thất – 28 ngày…

    Viết những lời tưởng nhớ đến bác nhân 30 ngày bác ra đi…

    Cầu chúc bác “ra đi với mặt trời trong trái tim” của một người KiTô hữu. Đó là hành trang để dẫn đưa bác về cõi miên viễn vĩnh phúc…

    Mượn câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khuyến thương khóc bác Dương Khuê để tiễn biệt bác:

    Bác Quy thôi đã thôi rồi

    Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta

     Nguyễn Văn Kính – Một người bạn vong niên

     

    Bình luận

    Bài liên quan

    Thông báo

    Chúng tôi vừa nâng cấp phần mềm lõi của website nên lượt xem của một số bài viết có thể hiển thị sai.

    Thời tiết bây giờ tại Châu Sơn

    Buon Ma Thuot
    overcast clouds
    24.4 ° C
    24.4 °
    24.4 °
    80 %
    4.7kmh
    100 %
    T6
    24 °
    T7
    22 °
    CN
    21 °
    T2
    21 °
    T3
    21 °

    Chuyên mục chính

    Bài mới