Sau thánh lễ sáng thứ tư ngày 11.03.2020 , cha xứ đã bày tỏ: “Tôi rất lấy làm buồn, vì những người dân ở các thôn chung quanh ta đã phản ánh: Người Châu Sơn thường xả rác dọc theo trên các tuyến đường đi rẫy…Và nhiều khi ngay cả trước nhà chúng tôi. Khi chúng tôi phát hiện ra thì xe đã chạy mất, khiến chúng tôi không có dịp để cảnh báo họ”.
Cha nói: “đức ái của chúng ta để đâu? Hành vi của chúng ta như thế có thể hiện đức công bằng chăng? Cái rác rưởi hôi thối, bản thân mình không chịu được, sao lại đưa cho người anh em được chứ! Hành động xả rác nơi công cộng của chúng ta phản ánh lên sự thiếu văn hóa và thiếu tôn trọng người khác”.
Cha còn nhắc nhở: chúng ta vừa mới được cha Tú – dòng Thánh Thể trong tuần qua đã giải bày về 4 mối tương quan: Thiên Chúa, Tha nhân, Chính bản thân, và môi trường thiên nhiên… Với Thiên Chúa, chúng ta phải biết tôn thờ Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn…Với tha nhân, chúng ta không được làm tổn hại đến bản thân cũng như danh dự của họ. Hãy luôn sống yêu thương và biết thứ tha cho nhau…Với chính bản thân, ta phải biết nhìn nhận những điều mình làm đúng sai để chịu trách nhiệm về điều đó! Với môi trường, chúng ta không được hủy diệt: phá rừng, giết hại động vật hoang dã…Việc xả nước thải độc hại và rác thải ra những nơi công cộng gây ô nhiễm cho môi trường sống. Chính khi ta làm tổn hại môi trường sống là lỗi đức công bằng…
Châu Sơn chúng ta luôn được giáo dục trong đức tin Công giáo, nhưng tại sao lại xẩy ra những điều đáng tiếc như thế??
Với bức xúc của cha Gioan, Ban thời sự TĐCS mong muốn đi tìm lời giải đáp thực hư như thế nào với lời phản ánh trên vềngười Châu Sơn.
Ngay buổi sáng thứ tư ngày 11.03.2020, Ban thời sự TĐCS đã có cuộc đi kiểm chứng ghi nhận bằng hình ảnh tại những tuyến đường người Châu Sơn hay đi làm rẫy, để xem người Châu Sơn chúng ta có xả rác trên tuyến đường đi rẫy không?
Chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên, đoạn đường từ nhà văn hóa thể thao xã Cư Ebur đến cầu I không thấy xả rác nhiều, chỉ có một đôi bao rác nhỏ lẻ tẻ không đáng kể. Nếu là cách đây 10 năm về trước, đoạn đường này là nơi “oanh kích rác” của người dân ta. Bao rác này, bị rác nọ luôn chất ngỗn ngang ở hai bên đường, hết sức phản cảm. Thời kỳ đó, cha An Tôn cũng nhiều lần cảnh báo về sự xả rác thiếu văn hóa của người Châu Sơn ta.
Đến nơi cầu I, có một bãi rác mà dường như người ta chất đống để đốt cháy tiêu hủy theo định kỳ, khi nào đầy rác thì hủy. Đây cũng là hành động xả rác tùy tiện là không nên có, nhưng xem ra cũng có thể tạm chất nhận được.
Chúng tôi đi dọc theo tuyến đường vào Cuôc Kơnia đến cầu 5, nhưng điểm xả rác đáng lưu ý nhất là cầu 3. Người dân xả rác xuống ngay dưới chân cầu với dòng nước chảy, ắt hẳn dòng nước sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng…Đây là điều chúng ta cần ý thức hơn nữa để tránh xả rác xuống cầu để cho dòng nước chảy giữ được sự trong lành cần có.
Ở đây, chúng tôi xin mở ngoặc để có sự nhận diện rác vất: Rác ở dưới cầu 3, phần đa là túi ni lông nhỏ, thông thường người Châu Sơn thường đựng rác vào loại bao phân 50 kg. Điều phát hiện này cũng có thể “giải oan” phần nào cho người Châu Sơn, để cho thấy không hẳn người Châu Sơn chúng ta xả rác xuống cầu 3 đâu.
Thực sự ra, với đoạn đường từ trường cấp II Hàm Nghi vào cầu 5, chưa hẳn là người Châu Sơn xả rác cả đâu, có thể những người vãng lại: Dân tộc, Buôn Ba, Cuốc Knir… trên con đường này xả rác. Tuy nhiên, vì đây là con đường tỉnh lộ 5, huyết mạch của người dân Châu Sơn chúng ta thường xuyên đi làm rẫy, nên trách nhiệm chính là của chúng ta. Có thể chỉ là con số rất ít, nhưng là con sâu làm rầu nồi canh vậy. Chúng ta nên ý thức trách nhiệm để giữ sạch môi trường và sau nữa để khỏi mang tiếng người Châu Sơn sống thiếu văn hóa thì cũng đáng buồn lắm thay!!!
Chúng tôi trở lại ngã 3 Đường Tỉnh lộ 5 và đường đi vào thôn 8. Đây là đoạn đường chúng tôi hết sức chú ý để ghi nhận, vì theo chúng tôi trộm nghĩ, phản ánh mà cha Gioan nhận được là của một vài người thôn 8. Điều này chính họ đã có vài lần phản ánh với trang web TĐCS…Tuy nhiên, đây là điều nhạy cảm, trang web TĐCS không dám đề cập đến, vì sợ người dân Châu Sơn dị ứng khi viết mà không có sự kiểm chứng hiện trạng. Nay vì cha xứ Gioan đã quan tâm và đề cập đến, nên chúng tôi mới dám mạo muội để ghi nhận và kiểm chứng lại sự phản ánh của một vài người thôn 8 có đúng chăng??
Chúng tôi cũng rất lấy làm bất ngờ, đoạn đường này chạy dài qua mỏ đá cũ cho đến đầu làng thôn 8, tuyệt nhiên không có lấy một bao xả rác nào cả. Chỉ có những bao rác để trước mỗi nhà chờ xe rác tới lấy mà thôi. Nếu là trước đây, thì không thiếu những bao rác vất bừa bãi hai bên đường. Nhưng đoạn đường này, không chỉ là người Châu Sơn đi rẫy ngang qua, mà phần lớn người Dân tộc vẫn thường đi lại. Nên ngày trước, nếu có tình trạng xã rác thì trách nhiệm cũng là của cả hai.
Vào đến đầu làng thôn 8 cho đến cầu Bà Chanh…Chúng tôi lại càng không thấy dấu hiệu vất rác bừa bãi, vì nhà nào cũng gom rác vào bao bì gọn gàng để trước mỗi nhà. Chúng tôi phải khen người thôn 8 thu gom bao rác rất quy cũ, các bao rác được cột lại và dựng đứng dựa vào nhau, chứ không như người dân ta, cầm bao rác ra bỏ ngoài đường, được răng hay chớ, bao nằm nghiêng ngã…
Bây giờ cư dân thôn 8 ở liền kề nhau, chứ không cách đoạn như hồi xưa, nên việc tố cáo người dân Châu Sơn vất rác trước nhà người dân thôn 8 là không khả thi. Chúng tôi cũng quan sát rất kỹ nơi sân banh có khoảng trống khá dài, nhưng tuyệt nhiên, không có bao rác nào xả ra đó.
Đến cầu Bà Chanh…Khoảng trống trước khi đến cầu là những bãi cỏ hoang, chúng tôi quan sát rất kỹ, vì khoảng trống này lúc trước thường là nơi xả rác tùy tiện của người dân. Nhưng tuyệt nhiên, chúng tôi không hề thấy bất cứ một bao rác nào xả bậy. Chỉ có nơi chân cầu phía dưới là có một số bao rác…cũng may mùa này suối khô cạn không có nước, nên cũng tránh được sự ô nhiễm…Và từ đó vào cho đến Đập 201 cũng đều không có rác xả tùy tiện.
Chúng tôi trở ra sân banh để rẻ trái vào đường Nghĩa địa thôn 8. Và chúng tôi đoán điểm nóng xả rác là cầu ông Định (trước kia nhà ông Định ở ngay cầu nên thường gọi là cầu ông Định) nên càng phải quan sát một cách kỹ càng hơn. Trên đường vào đến cầu không có một sự xả rác nào. Nhưng quả thật, đến cầu ông Định thì thấy là các bao rác ngỗn ngang, và mùi nồng nặc hôi thối xông lên. Thực ra, tuyến đường vào rẫy đi qua chiếc cầu này, bao gồm nhiều thành phần: Thôn 8, Châu Sơn, Dân tộc, Người phố, Hộ chăn nuôi gà và heo công nghiệp…
Hiện trạng xả rác nơi dòng suối này đã có từ lâu, năm này qua năm khác…nhưng để quy kết cho thành phần người dân nào trên đây, chúng tôi không dám kết luận, vì không có chứng cớ rõ ràng.
Mấy năm trước, thấy hiện trạng này, tôi có hỏi những người dân Châu Sơn làm cà phê, tiêu ở hướng đất trắng: không biết dân ta hay dân thôn 8 xả rác, làm mang tiếng người dân mình?
Chúng tôi xin lấy lời nhận xét của một người Châu Sơn để làm phần kết luận cho bài viết.
– Nếu là cách đây hơn 10 năm về trước, khi chưa có dịch vụ thu gom rác, thì có thể bảo là người dân mình xả rác bừa bãi. Nhưng giờ đây, toàn bộ người dân Châu Sơn đã đóng tiền dịch vụ cho công ty thu gom rác Đô thị, thế thì tội chi mà đưa rác vất bừa bãi trên các tuyến đường đi rẫy cho mang tiếng…Thiết nghĩ, lời phản ánh trên về người Châu Sơn xả rác trên các tuyến đường đi rẫy là hoàn toàn không có căn cớ và hoàn toàn không hợp lý.
Vì là trang web của người Châu Sơn, nên chúng tôi muốn phản ảnh một cách trung thực, để khỏi bị mang tiếng là thiên vị người Châu Sơn.
Những lời phản ánh của người dân khác về Châu Sơn… chúng ta chưa thể xác định được sự chuẩn mực đúng sai. Có thể có sự oan sai đối với người Châu Sơn, nhưng cũng là dịp để người Châu Sơn chúng ta sống có ý thức và trách nhiệm hơn, ngỏ hầu làm cho môi trường sống chung quanh chúng ta luôn được: xanh, sạch, đẹp…
Đúng như lời cha Gioan mong muốn: Chúng ta hãy sống thật tốt đẹp với tha nhân và hãy sống thân thiện với môi trường, để chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao. Và hơn hết là, chúng ta phải thể hiện được một con người sống: văn minh, tiến bộ và nhân bản, trong thời đại 4.0 này…
Ghi nhận của Ban Thời Sự TĐCS – Hình ảnh do Xỹ Luân
Bình luận