GÓC NHÌN CHÂU SƠN: VẤN ĐỀ HỎA TÁNG

         Những ngày đầu năm Canh Tý, trang Tienducchauson đã đăng hai bài viết đề cập về vấn đề HỎA TÁNG:

  • Một bài của tác giả Lê Hương : Với tiêu đề: ĐẮC LẮC, Thống nhất Địa Điểm quy hoạch xây dựng cơ sở hỏa táng với nội dung là VĂN BẢN của UBND Tỉnh thông báo cho mọi người biết đã thống nhất địa điểm quy hoạch cơ sở Hỏa Táng tại Khu Vực xử lý chất thải rắn ở Thôn 3, xã CưEbur Tp Buôn Ma thuột với diện tích sử dụng khoảng 3ha.

  • Một bài khác của tác giả Châu Sơn Choa mạn đàm v/v xây dựng cơ sở Hỏa Táng trong đó tác giả cho rằng điều này đến với người dân là hoàn toàn mới mẻ và bất ngờ, trái ngược so với châm ngôn của Nhà Nước: “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”. Và dự đoán trong cái rủi có cái may, biết đâu đó là một cái hay sau này, để Châu Sơn có cơ hội phát triển về tiếng tăm cũng như kinh tế…

Đồng thời, trong thời gian đầu năm Canh Tý này, Người Châu Sơn cũng đón nhận hai tin buồn: Đó là sự ra đi của các ô Đoàn Trung Chính và Nguyễn Trọng Hướng (Hùng Huyến). Hai ông  ra đi để lại nhiều ấn tượng sâu đậm đối với Châu Sơn. Bởi hai ông vốn xuất xứ từ Gx này nhưng do cuộc mưu sinh nên đã vào Sài Gòn sống.Và điều nổi bật nhất của các ông là cả hai đều đã được HỎA TÁNG tại Sài Gòn, cho dù khi đang tại thế, các ông rất muốn được an táng tại Nghĩa Trang nhà.

Những sự kiện này xẩy ra trùng hợp trong cùng một thời  điểm nên vấn đề HỎA TÁNG đang được xem như điểm nổi bật của thời sự tại Châu Sơn. Và cũng chính vì vậy mà có nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc muốn tìm hiểu về đề tài này cho rõ ràng. Cho nên, trong bài này chúng ta sẽ bỏ qua những điều hợp lý hay bất hợp lý khi biến khu vực xử lý chất thải rắn để chuyển qua cơ sở HỎA TÁNG của tỉnh Daklak, mà tìm hiểu các vấn đề ngọn nguồn về Hỏa Táng.

Như chúng ta đã biết con người đã có sống, thì có chết. Sống đã bát nháo đa sự thì chết cũng không phải ít nhiễu sự. Sống đã bày ra thì chết phải thu dọn lại. Có nghĩa là thân xác ta phải được mai táng, được chôn cất ở một nơi nào đó cho đàng hoàng, tử tế và linh thiêng. Bởi con người có linh hồn bất tử chứ không thể như loài vật chết là hết. Chính vì thế, nhân loại đã có nhiều hình thức về việc mai táng như sau:

  • ĐỊA TÁNG là chôn xuống đất theo sự thông thường đã có từ ngàn xưa.

  • THỦY TÁNG là bỏ thân xác người chết xuống biển để mặc cho cá chia nhau.

  • HUYỀN TÁNG là treo các cổ quan tài lơ lửng trên các vách đá cheo leo.

  • ĐIỂU TÁNG là treo xác cho chim xơi.

  • KHỎA TÁNG là chôn kẻ chết hoàn toàn khỏa thân. Đây là quan niệm của Minh Giáo: khi sinh ra không một mảnh vải che thân, thì lúc chết đem chôn cũng phải thế (theo Kim Dung trong Ỷ Thiên Đồ Long ký)

  • HỎA TÁNG là hình thức mai táng gây xôn xao trong thời gian qua mà chúng ta đang đề cập đến trong bài viết này.

Như vậy, chúng ta nhận thấy, nhân loại từ xưa tới nay, khi chết thân xác con người đều được ĐỊA TÁNG. Bởi con người vốn là bụi đất thì sẽ trở về bụi đất vẫn là rất hợp lý nhất. Và đó cũng là hình thức được nhiều tôn giáo công nhận và khuyến khích, nhất là đạo Công Giáo của chúng ta. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các xã hội trên Toàn cầu lại đang phổ biến hình thức HỎA TÁNG một cách rầm rộ để bảo vệ môi trường.

Vậy thì HỎA TÁNG có tốt không? Có đem lại sự tiện lợi không? Đối với người Công Giáo có hợp với Tín Giáo Lý không?

Thực ra, xét về phương diện thực tế xã hội, về vệ sinh bảo vệ môi trường hay nếp sống văn minh, cũng như về khía cạnh dân số ngày càng gia tăng, đất chật người đông thì giải quyết bằng phương thức  HỎA TÁNG có thể nói là biện pháp khá hợp lý và tiện lợi hơn. Cái tiện lợi đầu tiên là nó đơn giản hóa vấn đề và tiết kiệm kinh tế đối với những gia đình nghèo. Thử ví dụ, như ở thành phố khi một người nằm xuống thì phải tốn rất nhiều như tiền mua đất rồi dịch vụ tống táng tốn kém. Trong khi đó nếu mình HỎA TÁNG thì những chi phí sẽ giảm thiểu tối đa rất hợp với tầng lớp thị dân nghèo. Hiện nay ở các tỉnh và thành phố lớn đều xây các cơ sở HỎA TÁNG với tên gọi rất kêu là ĐÀI HÓA THÂN.

 Đó là nói một cách chung, nhưng nếu chúng ta là người Công Giáo thì sao? Có được phép HỎA TÁNG không? Trước đây, theo tập quán bất thành văn của người Ki Tô hữu: Nghĩa Trang là nơi an nghỉ của người chết chờ ngày sống lại như kinh Tin Kính mà chúng ta đọc hằng ngày “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Cho nên mọi giáo dân khi chết  phải chôn cất (có nghĩa là ĐỊA TÁNG) tại Nghĩa Trang Giáo xứ mình. Và mọi người, mặc nhiên chấp nhận điều đó như một tín điều. Nhưng bây giờ thì khác, Giáo Hội cũng phải “chuyển biến” cho hợp với cuộc sống chung của Nhân Loại. Và Giáo Hội vẫn cho phép HỎA TÁNG nhưng không có nghĩa là phủ nhận niềm tin “xác loài người ngày sau sống lại”.

Sau đây ta hãy nghe Linh Mục FX Ngô Tôn Huấn ( một chuyên gia giải đáp các thắc mắc về Giáo Lý) trả lời về việc HỎA TÁNG  như sau:

Giáo Hội vẫn cho phép HỎA TÁNG nhưng không có nghĩa là phủ nhận niềm tin “xác loài người ngày sau sống lại”. Mới đây, Thánh Bộ Giáo Lý của Tòa Thánh ra thông báo vẫn khuyến khích việc chôn cất kẻ chết theo truyền thống cũ và dù cho phép việc thiêu xác nhưng việc làm này phải đáp ứng hai điều kiện sau:

  1. Không chối bỏ niềm tin xác sẽ sống lại trong ngày phán xét.

  2. Nếu thiêu xác thì phải giữ tro trong nơi thờ phượng chứ không đem ra rải ngoài sông, hồ hay biển như những người vô thần không có đức tin.

Riêng tôi, không chọn HỎA TÁNG cho mình cũng như thân nhân sau khi chết. Ai muốn HỎA TÁNG thì tùy chọn lựa. Miễn phê bình.

Có lẽ, Chúng ta (những Giáo dân Châu Sơn) cũng nên bắt chước sự chọn lựa như Linh Mục FX Ngô Tôn Huấn bởi chúng ta đang có một Nghĩa Trang đẹp đẽ, khang trang bậc nhất. Mà như Cha nguyên Phó Xứ GB Hồ Quang Lâm đã một lần viết trên Trang Tienducchauson này đại ý như sau: Muốn biết trình độ văn hóa của một Giáo Xứ hãy đến viếng Nghĩa Trang của họ. Quả thật, Nghĩa Trang của chúng ta là một nơi tôn kính đáng ngưỡng mộ, nhiều khách vãng lai đến tham quan đã trầm trồ như thế.

Vậy thì hà cớ gì phải HỎA TÁNG để mất đi cái thú nằm ở NƠI AN NGHỈ CUỐI CÙNG tuyệt vời này chờ ngày sống lại hạnh phúc trên nước Trời?

                                              NGÀI VẪN THẾ

 

 

 

 

 

 

 

 

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …