CẢM XÚC CỦA NHỮNG NGÀY XA VẮNG THÁNH LỄ…

Năm qua tháng lại, có thánh lễ cả đời thì hờ hững không lấy gì làm mặn mà…Vậy mà giờ đây không có thánh lễ thì xem ra ngẩn ngơ để tiếc nuối! Cổ nhân ta nói có sai đâu: con cá mất là con cá to mà!!??

Bình thường ngày nào ngày chẳng có thánh lễ, chủ nhật nào chẳng có 4 đến 5 thánh lễ. Người khô khan việc đạo đức thì ỷ lại, “ôi dào ôi, thánh lễ có cả đời, đi khi nào chẳng được, trẻ còn ghe lúc đi”. Người đạo đức hơn một chút thì, giữ đạo theo kiểu đối phó, miễn sao đừng phạm đến giới răn hội thánh là được. Thánh lễ chủ nhật không đi không được, vì có luật buộc. Còn thánh lễ ngày thường thì đâu có bắt buộc, nên cứ nằm ngủ thoải mái, sáng tối đọc mấy kinh hay chục hạt là xong. Người đạo đức thì khỏi phải lo cho họ, vì họ là những “cô khôn ngoan” nên lo dầu đèn đầy đủ, thánh lễ sáng thường ngày, tối đọc mấy tràng hạt thì an tâm quá rồi còn chi.

Lúc này, Thánh lễ bị “bế quan tỏa cảng” hầu như trên khắp thế giới, thì mọi người mới cảm thấy luyến tiếc…Ở đời là thế đấy! Khi có trong tay thì không cảm thấy quý giá…đến khi vuột đánh mất rồi thì mới biết đó là báu vật.

Những ngày này vắng thánh lễ trong cuộc sống, mỗi người chúng ta sẽ có nhiều cảm xúc với mọi tầng lớp:

– Giới trẻ, một số ít thường ngày tham dự thánh lễ Chủ nhật hay ngồi ngoài hút thuốc, nói chuyện hay mở Đt…thì có vẻ lấy làm vui, vì chẳng còn phải ai bảo dậy đi lễ nữa, để lúc này nằm ngủ một cách thoải mái. Một số lớn giới trẻ tỏ ra bình thường, không lấy việc không có thánh lễ làm tiếc nuối. Có thánh lễ thì càng tốt, mà không có thánh lễ cũng không sao!!

Hình ảnh minh họa

– Giới trung niên đứng tuổi thì cảm thấy thiếu thánh lễ là một sự trống vắng…cần phải được bù đắp lại kinh nguyện hằng ngày. Giới trung niên thuộc “ngũ thập niên tri thiên mệnh”, lúc này dù sang giàu, buồn vui, sướng khổ…cũng đều biết mệnh trời đã định phận cho mình, để cố gắng mỗi ngày “tích đức” việc lành cho đời sau, hòng kiếm vé vào nước trời…

– Giới người già cao tuổi “lục thập nhĩ thuận”, tuổi già lúc này đã nghe thuận tai một cõi đi về sắp kề cận, nên thiếu vắng thánh lễ thì cảm thấy cuộc sống hụt hửng, giống như dòng nước đang chảy mà bị tắc bí ngưng đọng lại thì cảm thấy bức bối khó chịu.

Những khoảng trống cuộc sống trong những ngày không có thánh lễ mỗi giới đều có những sinh hoạt riêng.

– Giới trẻ phần đa là suốt ngày ôm lấy ĐT di động tiêu khiển trò chơi game mạng. Một số khác lên FB viết cảm xúc của những ngày đại dịch…Dường như thánh lễ on line trực tuyến đối với giới trẻ chẳng mấy mặn mà cho lắm! Có lẽ giới trẻ còn lạc quan để không chịu áp lực về việc sống chết, nên chưa quan tâm đến việc đạo đức??

– Giới trung niên. Hiện nay, nhà nào cũng có Wifi TV thông minh, nên việc xem thánh lễ trực tuyến rất thuận tiện, nên cũng có được một số trung niên xem lễ để bù đắp việc đạo đức trong cuộc sống. Giới trung niên Châu Sơn, thường không quen việc lên FB và cũng chẳng thiết tha chi mạng xã hội…Nếu không đi rẫy tưới tắm, thì uống nước mới buổi sáng lai rai tán dóc hươu vượn về dịch bệnh Covid…Chiều đến “tập kết” mấy anh em làm vài chai lai rai, có khi bày trò đen đỏ cờ bạc để tiêu khiển cho qua tháng ngày vô vị trong cái nạn dịch hoành hành, để bị cấm vận đi đây đó.

– Giới người già cao tuổi thì cuộc sống của họ thư thái và nhàn nhã, nên họ có nhiều thời giờ đến với nhà nguyện gẫm suy, lần hạt và cầu nguyện…Và Thánh lễ on line mỗi ngày là không thể thiếu với họ. Lúc này trên on line có nhiều khung giờ từ 5 giờ sáng cho đến 10 giờ…Chiều đến từ 16 giờ cho đến 20 giờ trên nhiều kênh phát của các giáo phận. Nhưng khung giờ 5 giờ sáng là thích hợp với họ hơn cả, vì giờ đó gần trùng với thánh lễ thường ngày họ tham dự.

Người giáo dân Châu Sơn thường chọn thánh lễ on line khung giờ 5 giờ 15 buổi sáng của GPBMT, vì có cha Giuse Bùi Công Chính và GB Nguyễn Huy Bắc dân Châu Sơn choa, cây nhà lá vườn mà lị, đàng nào cũng ưu tiên hàng đầu rồi!

Xem ra cha Bắc nhà ta cũng oai thật, được đại diện cả GP để dâng thánh lễ cho con dân GP tham dự thì cũng vinh dự lắm thay!!

Tham dự thánh lễ on line là một đặc sủng mà Giáo hội đã ban cho mỗi người giáo dân toàn cầu trong đại dịch Covid này. Từ xưa tới nay, cho dù là người bệnh hay khuyết tật xem lễ qua on line hay đài phát thanh, giáo hội chưa bao giờ công nhận giá trị của thánh lễ đó để thay thế cho thánh lễ trực tiếp. Vì thế, mỗi người giáo dân chúng ta nên biết cách trân trọng để tham dự thánh lễ on line một cách triệt để, ngỏ hầu múc kín nguồn ân sủng và bình an của Chúa Ki Tô mỗi ngày.

Còn tôi, thuộc vào tuổi thất thập, việc đạo đức cũng chỉ được xem là người theo đạo “Hồi Hồi”. “Hồi” nào ngon trớn thì đi liên tục, còn “hồi” nào mất trớn thì bữa đực bữa cái không đều đặn. Tuy nhiên, qua cơn đại dịch Covid này cũng là sự cảnh báo cho chính bản thân tôi, hãy tự biết thân mình là một loài thụ tạo: nhỏ nhoi, mỏng manh và mọn hèn so với Thiên Chúa Đấng Toàn Năng. Cho dù có vinh hoa phú quý đến mấy đi chăng nữa cũng chỉ là phù hoa mà thôi! Cuộc sống thế gian chỉ là cõi tạm, để chờ ngày về với Chúa mới là cõi vĩnh phúc trường sinh.

Một nhà thần học Âu châu đã nói:”thời gian quý như máu Chúa“, vì thời gian là điều kiện tất tu để việc cứu rỗi của Chúa được thực hiện. Và việc tham dự thánh lễ on line GPBMT là khỏi phải nói rồi. Và tôi cũng cố gắng để đến với Chúa Thánh Thể tại nhà nguyện trong dịp dịch bệnh Covid, bởi Chúa là nơi nương tựa và ẩn nương an bình của đời con.

Những ngày tạm ngưng thánh lễ tại nhà thờ, nếu như giáo hội không cho phép người giáo dân tham dự thánh lễ on line có giá trị như một thánh lễ thường ngày thì sẽ buồn biết mấy, vì sẽ cảm thấy vô vọng biết chừng nào!??

Và giờ đây, may mắn thay, thánh lễ on line đã mở ra cho mọi người giáo dân chúng ta đến với Chúa mọi ngày, cũng thật là điều diệu kỳ mà giáo hội đã ban tặng.

Vậy mỗi người giáo dân chúng ta cũng nên tận dụng cơ hội này để đến với Chúa qua Thánh lễ on line, là máng thông ơn đến với mọi người mỗi ngày.

Một giáo dân – NVK

 

Check Also

CÁO PHÓ: ANH GIOAN NGUYỄN VĂN CHÂU (Thanh)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …