ĐẦU ĐÀY CỦA ĐÁM CƯỚI MIỀN QUÊ

BBT xin được sửa chữ “Đồ đày” của tác giả thành chữ “Đầu đày”, vì truy tìm tự điển không có từ này, nhưng dân ta xưa thường hay gọi đồ ăn dư thừa của đám tiệc là “đầu đày”, ví như câu “đầu đày thì ít mà con nít” thì nhiều.

Rất mong tác giả Nguyễn Khải thông cảm.

“Mấy bữa ni đám cưới nhiều quá, lại toàn bà con với người thân mới chết chứ”.

Đó là câu than vãn của một người trong buổi sáng Chè xanh ở xóm tôi, chuyện rẫy nương, tiêu cà đang nhạt vị được thay bằng câu nói đó bỗng nhiên sôi nổi hẳn lên, ấm nước mới bắt đầu bằng câu chuyện rôm rả về các đám cưới ở làng quê xứ Châu những ngày mưa tháng gió…

Đám cưới quê ngày xưa, trong trí nhớ của tôi vui lắm! Những ngày chuẩn bị cho lễ cưới thật như là một ngày hội của xóm thôn. Từ tinh sương đã nghe tiếng lợn gà kêu eng éc, anh em thân hữu, láng giềng chòm xóm tất bật đến nhà ông bà chủ hôn để phụ tay giúp đỡ. Đàn ông thì chặt lá dừa làm cổng, khiêng đòn tay, dựng rạp, thanh niên thì đi gom mượn bàn ghế, chén bát, đũa thìa cho đủ số lượng khách mời, phụ nữ mấy bà lăng xăng lo toan chạy chợ, bếp núc,củi lửa, tiếng dao thớt băm chặt nghe lóc cóc, gấp gáp, rộn ràng…

…Vui nhất là trước ngày chính đám, từ chiều gia chủ đã mời tất cả bà con bạn hữu, xóm giềng đến ăn bữa cơm thân mật, nhằm cám ơn đã giúp đỡ gia đình và phân chia công việc cho ngày mai tốt đẹp, món ăn chỉ đơn giản là tiết canh, lòng dồi, bún đậu, lợn giả cầy, uống rượu đế, những phần phụ của con lợn mổ từ buổi sáng thôi, vì phần thịt phải để dành cho chính đám, nhưng như vậy đã là ngon lắm!

Rồi trưởng họ làm nghi thức khai bữa, mọi người hớn hở ồn ào ăn uống, tiếng ly chúc cụng nhau vang lên rôm rốp, tiếng nói cười ra rả suốt chiều quê, hết ly này rồi lại đến ly khác, rượu trắng vơi rồi rượu trắng lại đầy, giống như tình cảm thân tình mà mọi người dành cho nhau vậy…

…Ngày hôm sau, khoảng gần trưa, một đoàn người sắp hàng đi bộ cùng những khăn the áo lụa là lượt theo cùng nhà gái đến. Cô dâu giản dị mặc áo nhật bình, chú rể mang ngũ thân và khăn vấn cùng vào làm lễ nghinh thân, trông vừa lứa xứng đôi, họ hàng vui mừng hoan hỷ. Đoàn vừa chạm ngõ là bỗng nhiên pháo nổ đùng đoàng, khói bụi tung lên mù mịt, gà bay loạn xạ, chó sủa inh lên, bấy giờ khách đã vào tấp nập, trẻ con túa ra tranh nhau nhặt pháo lép, mặt mừng rớn khi lượm được đại pháo to…

Sau khi làm lễ gia tiên, tặng quà, phát biểu… vv, mọi người bắt đầu vào chính tiệc, các bà ngưng bỏm bẻm nhai trầu, đàn ghita mới vang lên những lời ca chúc tụng, hạnh phúc như hoa nở miền CaNa thời Tân Ước vậy.

…Đặc biệt là khi đến vãn chiều, thực khách cũng ngà say, mọi người bắt đầu dọn dẹp, những thức ăn còn dư lại khá nhiều, ăn không hết mà bỏ đi thì uổng phí, thôi thì gom lại rồi chia ra cho mỗi đứa trẻ mỗi nhà mỗi ít, dù chỉ là dăm miếng xôi, ít cánh gà , nem trắng, bánh mì dai, nhưng lũ trẻ nghèo nhà quê lúc đó mừng lắm, thấy có người đến cho mặt đang buồn thỉu lem luốc tự dưng tươi tỉnh hẳn lên, cầm được nắm xôi là vội bỏ mồm nhai nhem nhép, mắt ti hí đảo xem phần còn lại mình có được xí nữa không?…

 

…Mới đó mà mấy chục năm rồi, cái khổ đói thiếu ăn ngày nào cũng đã qua, cái nghèo rồi cũng dần biến mất, nhưng những lúc sung túc đủ đầy mới cảm nhận được giá trị của sự khổ cực vất vả ngày nao, mấy chục năm trôi qua, bên bóng tà dương nhập nhoạng, ta ngước trông xem về cõi cũ, lòng mới ngỡ chuyện như còn hôm qua, cảnh cũ ấy, đám cưới ấy giống như còn ẩn hiện nơi hiên nhà giếng nước, lũ trẻ đó nay chắc giờ nay đã lớn? Lão nông già có nghễnh ngãng nhớ, quên?

Chuyện vui xưa rồi cũng như là huyễn hoặc, bụi thời gian đã phủ kín trí trẻ thơ, làng quê xưa giờ gọn gàng tươm tất, việc cưới lo nay cũng chẳng đến phần, dịch vụ gia chánh họ làm tất tần tần mọi việc. Tiếng pháo xưa nay lặng còn đâu nữa, để khi mưa buồn nằm ngẫm thấu, thấy cõi lòng non nỉ nhớ khôn nguôi…

Nguyễn Khải

 

 

 

 

 

 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …