Nhớ về một người cô giáo năm xưa…

Cô Tân ở Châu Sơn không quá lâu, chỉ năm bảy năm…Cô bắt đầu dạy học từ năm 1959 đẻn 1965 rồi cùng gia đình ra phố, nhưng thế hệ học sinh Tiến Đức trước 75 dường như ai cũng biết đến cô. Trong kỷ yếu 55 năm Trường Tiến Đức có bạn viết về cô như sau;

Lên lớp Năm. Cô Tân – Phạm Thị Bích Nguyệt, dáng cao, người đẫy đà, mái tóc cúp ngắn rất phù hợp với mốt áo dài thời thượng bà Ngô Đình Nhu, hở ngực, càng tôn cái dáng tân thời của một cô giáo thành thị hơn thôn quê. Nếu cô Thư nhẹ nhàng, tuỳ luỵ học sinh thì, cô Tân có phần nghiêm nghị hơn. Cô dạy chúng em phải ngồi ngay ngắn, chữ viết phải ngay hàng thẳng lối, và phải sạch sẽ từ sách vở đến bản thân.

Thế mà bây giờ ra đời, công việc đồng áng đầu tắt mặt tối để, có đứa tối lên giường không rửa chân, đối phó bằng cách mang rớ (bí tất) nằm ngủ với vợ gọn thơm cô ơi! Nhưng cái dơ bẩn ở thể xác chẳng đáng là chi phải không cô! Ngoài xã hội, còn có những đứa ăn bẩn lắm, nó còn ăn cả “phân” của nông dân (làm phân giả) mới là kinh chứ! Chúng nó còn nhẫn tâm cướp cả những miếng cơm, manh áo “tiền quyên góp cho đồng bào bão lụt miền Trung” mới ác đức!! Rồi chúng nó kết bè kết mảng, có hệ thống tổ chức: tham nhũng, hối lộ, đục khoét ngân sách của nhà nước, của nhân dân, để rồi chúng nó kháo nhau: lương tri, lương tâm không bằng lương bỗng, lương lậu cô ạ!!! Còn lương y ngày nay, đúng là: “Lương y như từ mẫu” dịch đúng chữ nghĩa: thầy thuốc … bỏ mẹ!

Thật chẳng bỏ công cho những lời cô Tân dạy năm xưa.

Môt bạn khác hoài niệm: Ngôi trường cũ Tiến Đức thân thương ngày xưa ấy, nay không còn vết tích, nhưng mỗi lần về hè, đi ngang, mình vẫn mường tượng chỗ này là lớp Mẫu Giáo học với Chị Thư, chỗ kia là lớp Năm học với Chị Tân, chỗ này là lớp Tư học với Thầy Duyệt, chỗ kia là lớp Ba học với Thầy Thái, chỗ này là Lớp Nhì học với Thầy Chấp…

Sau khi thực hiện xong cuốn Kỷ yếu Tiến Đức, tôi có dịp về Sài gòn gặp lại cô ở GX Đa Minh.

– Em chào cô.

Cô bắt tay tôi và nở nụ cười tươi tắn. Gặp tôi, cô nhận ra ngay: Kính phải không? Trông chẳng khá xưa là mấy. Cô hỏi thăm gia đình tôi, rồi hỏi thăm các thầy cô trường cũ năm xưa? Các thầy cô cũ những ai còn ai mất rồi em? Thầy Chấp và thầy Thái mất rồi, chắc cô cũng đã biết…Cô về Sài Gòn lâu lắm rồi và chẳng mấy khi về lại Châu Sơn, nên chẳng biết bà con ta giờ ra sao?

Lúc này trông cô còn khỏe khắn và xoăn xoái lắm! So với hình dáng năm xưa thì trông cô bây giờ có phần nụ nằn hơn, càng làm cho cô trông phúc hậu hơn trong tuổi già. Cô bảo: trông cô thế, nhưng việc đi lại của cô cũng hơi khó khăn.

Khi tôi nói lý do hôm nay đến thăm cô, là để trao tập Kỷ yếu cho cô. Cô nhận tập sách trong sự vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt. Cô cầm lấy tập sách lần giở qua các trang và bảo: Các em giỏi thật, làm được một tập sách dày công phu và trông cũng rất mỹ thuật và đẹp mắt. Tôi bảo: đó là nhờ công sức của các lớp họp lại đấy cô.

Cô đọc qua một vài đoạn rồi nói: Các em viết nhiều bài thật đặc sắc, nhất là gợi nhớ hình ảnh những thầy cô năm xưa. Thôi để cô ủng hộ các em vậy. Cô đưa cho tôi 200 ngàn (lúc ấy cũng khá lớn). Tôi từ chối: đây là chút quà tặng lưu niệm, chúng em làm tập sách này để ghi dấu công ơn của các thầy cô thôi mà. Cô bảo: em cứ nhận đi cho cô vui, vì lúc này tuổi già cô có được một tập sách về những kỷ niệm năm xưa thật là quý hóa để từng ngày cô ngâm ngợi về quãng thời gian quá vãng.

Mới đó mà đã 10 năm, kể từ lúc gặp cô đến nay. Cuộc đời là dòng sông vô tình cuốn trôi đi tất cả, dẫu ta có muốn cố giữ lại…Nhưng, hình ảnh của cô vẫn còn đọng lại trong tâm tưởng của những cựu học sinh Tiên Đức năm xưa.

Nhớ năm xưa, trước khi sắp hàng vào lớp đều hô khẩu hiệu Hai Ba Trưng: yêu nước. Có mấy đứa nhại tiếng ta: Hai Bà Trưng – yêu nác…Cô nghe được và bắt quỳ. Cô nói: Không thể đem những người yêu nước ra mà đùa giỡn một cách vô ý thức như thế được.

Nhớ có lần, có đứa bí quá “ủn cả kè” khiến cô phải dẫn vào nhà xứ để làm vệ sinh…sạch sẽ rồi cho về thay quần áo, chiều tới học…

Viết những lời này nhân ngày cô đi xa, như một hoài niệm đẹp về cô, một người lái đò năm xưa cho học sinh qua sông…Bây giờ thế hệ học sinh Tiến Đức đã có những người thành danh, có người thành công…tất cả đã thành nhân và đã đóng góp nhân lực chủ chốt trong chức sắc GX …Và nhất là những hoa quả tình thần các linh mục và các Sơ đã có những mùa bội thu cho Giáo xứ…

Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người…(TCS)

Xin Chúa thương xót linh hồn Rosa và đưa về cõi vình hằng hưởng phúc đời đời.

Một thành viên cựu học sinh lớp Nhất 1964

 

 

 

 

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …