Đôi nét chân dung về cha Phó xứ Giuse Vũ Văn Thảo

Thông thường, khi một linh mục được bổ nhiệm về làm phó xứ, thời gian chừng 2 tháng cho quen biết với đời sống giáo dân, Ban thời sự TĐCS sẽ có một bài viết về của ngài.

Điều này tác giả NVT đã có bài viết về thân thế của cha Giuse Vũ Văn Thảo qua bài: Trang TĐCS kính chào cha!!! Tưởng người viết không nên nhắc lại nữa.

Nhớ buổi đầu về GX, cha Gioan có giới thiệu một vài nét về cha…Và rồi cha vẫn lặng lẽ với vai trò đồng tế mà không có một lời chào hỏi giáo dân nào cả. Giáo dân chỉ biết cha phó có dáng to cao phong độ và đề đặm của một người tập thể hình 6 múi. Khuôn mặt tuy bầu bỉnh hiền hòa, nhưng vẫn váng vất một chút nghệ sĩ, pha chút kiêu hãnh bất cần đời, và có nét hao hao giống nam diễn viên Richard-Chamberlain đóng vai cha Ralp trong phim: Tiếng  chim hót trong bụi mận gai.

Hôm sau, cha phó chủ tế trong nhà Đa năng (thời gian nhà thờ đang trùng tu), giáo dân mới được nghe giọng nói của cha. Quả thật, lúc đầu nghe giọng của cha rất chói tai khó nghe, vì giọng của cha là giọng Bariton nam trung, âm lực rất lớn, lại có cái âm sắc chói chang của giọng Bắc, phần vì nhà đa năng quá nhỏ để không thể chứa nổi cái âm lực giọng của cha, nên giáo dân cứ tưởng cha đang tra tấn giáo dân bằng âm thanh. Con người cha xem ra đầy tự tin để khi dâng thánh lễ như được lập trình một cách nhanh nhạy và hoạt bát.

Phải đến khi sang dâng lễ bên nhà thờ thì giáo dân mới được thưởng thức cái “giọng đồng” hào sảng của cha, dày âm lượng và sắc tiếng, nhưng lại hết sức phân câu rõ chữ, mặc dầu cha nói khá nhanh. Nếu so với cha chính thì nhịp điệu của cha chính là khoan thai Andantino và còn cha phó lại linh hoạt với Allegro.

Giáo dân vốn nghe quen cách giảng của cha chính, khoan thai, từ tốn, giống như mưa dầm thấm đất, thì nay, với cách giảng của cha phó lại rào rạt như mưa giông, khiến cho ai cũng phải hết sức lạ lẫm. Và nếu bài giảng cha chính nhập đề lung khởi để vào bài giảng với các mối tương quan với nhau, thì ngược lại cha phó nhập đề trực khởi, vào thẳng vấn đề một cách rạch ròi, không mông lung, rồi đi đến kết luận. Có thể bài giảng chưa sâu sắc lắm, nhưng với cách diễn đạt lưu loát và mạch lạc, khiến người nghe rất dễ lĩnh hội được ý chủ lực của bài giảng.

Nhìn khuôn mặt cha khá nghiêm nghị, nhưng khi cha “thông báo rao vặt”cuối thánh lễ vẫn có chút dí dỏm và tếu táo. Ví như cha khuyên Thanh niên đi lễ bỏ áo vào quần cho trang trọng và đẹp mắt. Cha “khích tướng”, đố thanh niên nào đi tán gái đến nhà ông già vợ mà dám ăn mặc tềnh toàng, rớt ngay. Ở đây, Chúa còn cao trọng ông già vợ chứ, cớ sao lại ăn mặc tềnh toàng như thế?? Cha thấy thanh niên cứ có thói quen ngồi lùi xuống phía cuối nhà thờ cha liền tếu táo: Nhà thờ này xây dựng đã 50 năm rồi, khi thiết kế nền nhà chắc đã đo đạc thăng bằng hẳn hoi rồi, đâu có dốc thấp xuống phía dưới đâu mà các anh cứ ngồi tụt xuống phía dưới.

Phải khen cha phó, bài giảng của cha giống như được lập trình trong ổ cứng máy tính. Khi giảng, ý tưởng tuôn ra ào ạt một cách lưu loát mạch lạc thứ tự trước sau, chứ không bị vấp váp. Với tuổi đời cha phó còn trẻ như thế mà mạch văn bài giảng tuôn chảy như “đêm thấy ta là thác đổ”, kể cả những cha lâu năm cũng khó sánh kịp được. Tuy nhiên, đó chỉ mới là phong độ nhất thời, còn phải trải nghiệm nhiều mới lên được đẳng cấp. Chúc cha phó sẽ mau chóng đạt được đẳng cấp trong GP BMT.

Cũng chính vì cha phó giảng trầm không giấy, mà có người nghĩ rằng ông cha này làm lễ mà không soạn bài giảng? Cha nghĩ sao? Có chứ, không soạn bài làm giảng được! Cha bảo, nhờ cha có trí nhớ tốt, nên nhớ được hết mà không cần cầm giấy giảng. Cha nói: Chỉ có 2 thánh lễ khi giảng phải xem giấy: đó là lễ Quan thầy, và hai là thánh lễ cho Đoàn thể riêng mà thôi.

Có lẽ, người viết đã vẽ chân dung của cha phó hơi quá dài dòng…

Khi được hỏi: Sau một vài tháng về mục vụ với giáo dân, cha có cảm nghĩ gì về người giáo dân Châu Sơn?? Chẳng cần đo đắn, cha trả lời ngay là, có hai vấn đề:

Giữa con và giáo dân đây xuất thân từ hai vùng miền khác nhau: Miền Trung và miền Bắc, nên có đời sống văn hóa, tập tục khác nhau là điều dễ hiểu. Hai nữa, theo nhận xét của con: Giáo dân Châu Sơn mang tính chất đời sống văn hóa thành thị nên không trọng vọng và nể vì các cha như những vùng miền sâu vùng quê xa thành phố. Cha còn giải thích thêm, có thể Châu Sơn có quá nhiều linh mục, nên việc không trọng thị linh mục cũng là chuyện bình thương thôi.

Tôi vẫn cố gạn hỏi ngài: chẳng lẽ, cha chỉ có một vài nhận định đơn giản vậy sao!??

Cha cười: thì cũng chỉ đơn giản thế thôi, vì đây là giáo dân toàn tòng nên việc đạo đức kinh hạt, đi nhà thờ và sinh hoạt cộng đồng đoàn thể lớp lang thì không thể có ý kiến được nữa rồi.

Khi hỏi về Đoàn thể thanh niên, cha nghĩ sao?

Lớp trẻ Châu Sơn còn quy tụ được để học giáo lý như vậy là quý lắm rồi, dường như không mấy GX có thể làm được điều đó. Nhưng con không đồng ý với một số phụ huynh khi được hỏi: con cái các ông bà đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật mà không vào nhà thờ, ông bà nghĩ sao? Có người trả lời: “Lớp trẻ nó đi đến nhà thờ là tốt rồi, không cần phải áp đặt nó phải vào nhà thờ đâu cha”. Nghe thế tôi cũng hết ý kiến. Rồi có người còn cho biết, ở nhà khuyên bảo nó vào nhà thờ, nó còn hăm dọa tự tử đấy cha ạ!! Tôi ngạc nhiên, làm gì mà có chuyện đó cha. Cha bảo: có đấy ông ạ!!

Cha kể: có trường hợp một bạn trẻ nọ, bỏ lễ lâu năm, khi gặp cha mẹ, cha mẹ bảo: chúng con cũng bó tay với nó. Nó thuê nhà đâu ngoài phố, và bảo sống với người bạn trai, ai biết trai hay gái cha?? Nhờ cha giúp đỡ và khuyên lơn cháu đôi điều. Cha phó kể lại, đã liên hệ qua điện thoại với bạn ấy mấy lần, là mời đến quán cà phê để gặp gỡ chuyện trò cho vui, nhưng bạn ấy bảo, con bận lắm cha ơi! Khi đối tác đã không đồng thuận để hợp tác thì cũng đành vô phương cứu chữa.

Tôi có nhắc lại hoạt động đoàn thể của cha phó xứ Giuse Thanh Tâm trước đây, đã hết lòng với thanh niên: Nào là trước thánh lễ đi rảo một vòng trước nhà thờ mời gọi giới trẻ vào, rồi lên tòa giảng năn nỉ, rồi cũng có khi nặng lời trách cứ, được một vài tuần xem ra cũng khá đạt yêu cầu, nhưng rồi sau đó lại “ Vũ như cẩn”…Đành bó tay.com.

Xin được hỏi Cha đã có “kế sách khả thi nào” để đối phó với giới trẻ, ngỏ hầu đem lại sự ổn định và trật tự chưa cha?

Cha cười rồi bảo: Những nổ lực không mệt mỏi của cha phó tiền nhiệm mà chưa ăn thua, làm sao có một sách lược khả thi được. Nói như cha chính Gioan: Mọi biện pháp năn nỉ, mời gọi, và răn đe đều vô hiệu nghiệm với giới trẻ mất rồi. Cha Phó Giuse tiếp: Giới trẻ ở đây năng động ở chỗ nào không biết, nhưng cứ thấy ù lì, ù ù cạc cạc, đúng cũng không nói, sai cũng không thì xin chào thua.

Cha còn trăn trở nhiều về đoàn Thiếu niên. Cha cho biết: có rất nhiều con em lợi dụng vào việc học thêm để không đi lễ Chủ Nhật, nhưng cha mẹ đã không quan tâm đến điều đó. Việc giáo dục con em chủ chốt là gia đình, vì thời gian các em sống ở gia đình nhiều hơn là với cộng đoàn. Nếu gia đình không quan tâm thì làm sao các anh chị và cha xứ có thể giáo dục các con em tốt được.

Sau buổi trò chuyện, tôi mới thấy được: Nhìn ngoài, cứ tưởng cha phó Giuse nghiêm nghị khó gần gũi, vậy mà chỉ trong thoáng chốc trò chuyện mới thấy con người cha cởi mở, thân thiện, hòa đồng và vui tính lắm!!! Ai không tin, xin mời vào diện kiến ngài vậy. Phải chăng, vì vậy mà những lời nhận xét ban đầu về cha Giuse có thể chỉ là: “Tri nhân, tri diện bất tri tâm…”.

Xin cám ơn cha đã dành cho trang Web TĐCS buổi trò chuyện đầy thú vị. Nếu có điều gì sai suất và thất thố, mong cha lượng thứ cho người viết.

Chúc cha dồi dào sức khỏe để thực thi trọn vẹn sứ vụ với giáo dân.

BBT- TĐCS

 

Check Also

Phụ huynh ơi!! Lại được mùa linh hồn nữa rồi!!!

Trong Thánh vịnh 102 bày tỏ: Đời sống con người chóng qua như cỏ, như …