Cần có một tấm lòng

Nhàn đàm

                  Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, lúc sinh thời, trong nhạc phẩm Để Gió Cuốn Đi đã phán như thế này: sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…

Xem ra cái vế đầu của bài hát như là một định đặt không sai chạy vào đâu được và ai ai cũng phải công nhận mỗi con người cần có một tấm lòng.

Nhưng cái vế thứ hai : Để gió cuốn đi, xem ra có vẻ mù mờ khó hiểu như một sự đánh đố trong cách hiểu của mọi người. Nếu để gió cuốn đi nhân rộng tấm lòng ra khắp chốn nhân gian thì đó là điều tốt, quá tốt. Nhưng nếu để gió cuốn đi vào hư vô hay vào một nơi chốn xa xăm nào đó thì chẳng hóa  ra uổng phí tấm lòng lắm sao? Cũng có thể để gió cuốn đi là cách đề cao lòng nhân ái cho đi mà không cần nhận lại, không vụ lợi.

Thực ra, ngôn ngữ trong âm nhạc họ Trịnh, đôi khi, thật khó hiểu. Khó hiểu nhưng lại dễ chạm vào cảm xúc, vào tâm hồn của mỗi con người. Đó là thứ ngôn ngữ trừu tượng, ngôn ngữ  khải huyền.

Đến đây, có lẽ chúng ta đi hơi xa chủ đề ban đầu mất rồi. Bởi, đây không phải là một bài nghị luận mổ xẻ về bản nhạc Để Gió Cuốn Đi mà chúng ta đang đề cập đến vấn đề con người CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG.

Vâng, trong cuộc sống giữa cõi tạm xô bồ náo hoạt này chúng ta rất cần có một tấm lòng. Đó là tấm lòng của tình yêu thương chia sẻ, của bác ái vị tha, của những điều tốt đẹp ta dành cho nhau. Nếu chúng ta thiếu đi những tấm lòng ấy thì thế giới này sẽ hỗn loạn, sẽ lạnh lẽo biết bao. Nhà văn Marxim Gorki đã từng nói: “Nơi lạnh giá nhất không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu vắng tình người”.

Cho nên, khi chúng ta đã có một tấm lòng tức là ta không còn thiếu vắng tình người nữa vì đó là lúc chúng ta biết thông cảm và chia sẻ cho nhau. Khi một niềm vui cho đi là niềm vui ấy đang được nhân rộng ra. Khi chia sớt nỗi buồn là nỗi buồn sẽ vơi đi.

Rất may là trong thời gian gần đây trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta tình người đang trở lại vun vén cho cây đời ngày thêm xanh tươi. Những tấm lòng cần có ngày xuất hiện càng nhiều tạo nên sự hài hòa đồng cảm và sẻ chia trong xã hội.

Sau đây, chúng ta hãy đưa ra một vài ví dụ chứng minh tiêu biểu:

  • Ví dụ thứ nhất: Năm ngoái, trong mùa lũ lụt  nặng nề, nếu không có một tấm lòng thì làm sao có cô ca sĩ Thủy Tiên trốn chồng ra tận Miền Trung để cứu trợ đồng bào trong cơn nguy khốn tạo nên một hiện tượng (?) khiến cả nước tâm phục khẩu phục. Một mình cô đã kêu gọi sự tiếp tay của các tấm lòng hảo tâm quyên góp một số tiền mặt lên đến hơn hai trăm tỷ. Với tấm thân nhỏ bé gầy guộc, cô đã lặn lội đến những nơi đỉnh lũ xa xôi trao từng gói quà, gói tiền cho các nạn nhân bị thiên tai hoành hành. Và rồi, từ cô đã dấy lên một cao trào cứu trợ cả nước. Người ta đã phong tặng cho cô là Cô Tiên (như tên gọi của cô: Thủy Tiên) và cô xứng đáng được xưng tụng như vậy.

Phải chăng đó không phải là một tấm lòng lớn?

  • Ví dụ thứ hai: Vào lúc 17h30 ngày 28/2 có một bé gái khoảng 3 tuổi bò qua lan can của một phòng ở tầng lầu 12 chung cư 60b Nguyễn Huy Tưởng HN.

Người nổ lực cứu cháu bé là anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã kể lại rằng: Nghe tiếng la ở những phòng lầu phía trên, tôi nhìn xung quanh và ngẩng lên thì thấy một em bé đang leo qua lan can ở tầng cao ra ngoài. Quan sát thấy bé sắp rơi, nên đã  chạy băng qua đoạn đường khoảng 30m, trèo qua hàng rào cao hơn 2m, tiếp đó trèo lên mái nhà tôn trạm điện phía sau chung cư dù bị trượt chân chới với nhưng đã kịp đỡ cháu bé rơi từ tầng 12 tuy không ôm trọn đươc bé. Hành động của anh Mạnh được đồng bào cả nước khen ngợi là người hùng và đã trở thành món quà ấm áp đầu năm đối với tất cả mọi người trong đêm 28/2.

Anh Mạnh có thể ngồi yên trên xe hay bước ra khỏi xe mà không làm gì vì sự viêc vượt quá tầm tay. Nhưng anh không để mình làm người quan sát bàng quang mà đã hành động một cách quả cảm đầy tích cực.

 Vậy không phải là tấm lòng cao cả sao ?

  • Ví dụ thứ ba: Sáng ngày 6/3 anh Huỳnh Bảo Toàn, Tổng Giám đốc Cty Zentado VN lái xe Mercedes lưu thông trên cầu Bình Phước 2 theo hướng từ Q.12 về Tp Thủ Đức. Khi xe qua bên kia địa bàn Thp Thủ Đức thì shipper Nguyễn Văn Lộc đi xe máy thấy tờ tiền 100.000 đồng rớt nên lấn sang lằn đường Ô tô rồi dừng lại đột ngột nhặt tiền khiến va quẹt với xe Mercedes. Khi dừng xe, anh Toàn thấy người đàn ông đi xe máy vẻ mặt khắc khổ, ánh mắt sợ hãi lại có thái độ thành khẩn nhận lỗi nên anh chạnh lòng thương nên anh gọi bảo hiểm ghi nhận rồi để ông Lộc đi không quên an ủi và cho tiền sửa xe.

Chưa hết, sáng hôm sau ông Lộc bất ngờ nhận điện thoại của anh Toàn hẹn 8/3 đến Cty để trao tặng chiếc xe máy. Ôi! thật là một hành động mang đầy tính nhân văn không ai ngờ.

Vậy thì, đó có phải là một tấm lòng đầy tình người đáng ngưỡng mộ hay không ?

Còn ở xứ Châu mình thì sao nhỉ ?

Tuy rằng chúng ta chưa có những ví dụ cụ thể (có thể trong nhất thời tác giả chưa nhớ lại ???) như một trong ba ví dụ trên nhưng khẳng định một điều là chúng ta không hề thiếu những tấm lòng nhân ái sẻ chia với tha nhân. Bằng chứng là GX ta đã có nhiều Ban Hội bác ái từ thiện như Ban Caritas, Ban Thánh Thể, Ban Loan Báo Tin Mừng hay Hội từ thiện giúp đỡ các Thai Nhi cũng như đã nhiều lần quyên góp giúp đỡ các Xứ nghèo. Ngay như trang TĐCS cũng đã lập ra Quỹ TẤM LÒNG VÀNG  hoạt động nhiều năm nay.

Và chúng ta cũng cần có một tấm lòng không phải dành cho tha nhân mà thôi đâu mà còn cho chính bản thân chúng ta nữa. Đó là việc chung tay đóng góp cùng Giáo Xứ mở rộng Nghĩa Trang và đó cũng chính là việc lo Hậu Sự cho chúng ta vậy.

                                           NGÀI VẪN THẾ

 

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …