Gần hai năm nay, kể từ khi con Covid 19 xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, nhân loại đã lâm vào một cơn khốn khó cực kỳ nhất trong lịch sử. Người ta tìm đủ mọi cách để trừ khử, để khống chế nó nhưng vẫn chưa tìm ra phương pháp tối ưu nhất. Tất cả chỉ là đang trong thời gian mầy mò thử nghiệm. Trong khi đó bản thân con Covid này lại đang biến thể từng ngày. Như vậy, có phải là cái xấu đã phát triển nhanh hơn cái tốt chăng? Và sự ảnh hưởng của nó đối với nhân loại, bây giờ, đang vô cùng lớn lao. Từ vật chất, kinh tế cho đến lòng hiếu kính đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Từ sự tự do thoải mái đến mối dây ràng buộc lẫn nhau. Từ cuộc sống xã hội đến phần tâm linh tôn giáo. Nó bao trùm trên tất cả mọi lãnh vực.
Cho đến khi Chính Quyền áp dụng những chỉ thị 15 rồi 16 giãn cách; ai ở đâu, ở đó, không nhà thờ, chùa chiền; không lễ lạc, dâng cúng, mọi người mới thấy bức bối và nao nức trong lòng. Đến lúc đó các tín hữu, các giáo đồ mới tự an ủi mình: thôi thì ta hãy cứ GIỮ ĐẠO TẠI TÂM. Rất may là Đức Thánh Cha đã cho phép mọi tín hữu Công Giáo được hưởng ân lộc thánh lễ online ngang bằng với một Thánh Lễ thực thụ chúng ta dâng hằng ngày. GIỮ ĐẠO TẠI TÂM là cụm từ, là câu nói đầu môi miệng xưa nay của nhiều người. Nó trở nên như một thành ngữ phổ biến trong dân gian từ người bình dân cho đến các bậc trí thức.
Tuy nhiên, đôi khi, mỗi người có mỗi cách suy nghĩ nên đã hiểu sai ý nghĩa đích thực của nó rồi tranh cãi nhau loạn xạ. Có người cho rằng theo Đạo là giữ trong lòng cho bản thân mình chứ không cần thiết phải phô trương hoặc khoe khoang cho mọi người kính nể. Họ đơn cử trong sách Tin Mừng: người Phariseu dõng dạc khoe khoang những công đức của mình nhưng trước mặt Chúa đã không bằng kẻ thu thuế khiêm nhường cầu nguyện một cách chân thành. Cũng có người nói: kẻ vỗ ngực tự xưng mình giữ Đạo tại tâm chỉ là cách ngụy biện của những anh chàng “khô đạo”, lười biếng, láu cá đánh lừa thiên hạ, vì đã không tham gia Thánh lễ hay các nghi thức trong đạo thì làm sao có thể bảo mình giữ đạo đúng cách được. Chính anh ta mới là tên Phariseu đáng lên án trong sách Tin Mừng mới đúng.
Cho nên, cách hiểu hay nhất là, chúng ta nên dung hòa lại để không có bên khinh bên trọng. Đạo Tại Tâm là nội dung. Còn Giữ Đạo là hình thức. Vì vậy, chúng ta phải cần cả nội dung lẫn hình thức mới trọn vẹn. Đạo và Tâm phải gắn liền với nhau như hình với bóng, như xác với hồn. Cái Tâm là nơi ở của Đạo mà Đạo là sống, là hành động, là thi thố ra bên ngoài.
Nhân đây, chúng ta hãy dừng lại để thực hiện một sự so sánh sơ bộ giữa Tam Giáo Đồng Nguyên ( tức là Khổng (Nho) Giáo – Lão Giáo – Phật Giáo) và Công Giáo xem có sự tương đồng nào trong việc GIỮ
ĐẠO TẠI TÂM không nhé !!!
Nho Giáo : tôn tâm dưỡng tánh.
Lão Giáo : tu tâm luyện tánh
Phật Giáo : minh tâm kiên tánh.
Như vậy, Tam Giáo Đồng Nguyên chuyên sâu về tâm cảm để tu luyện tánh tình nội tâm của mỗi con người.
Còn Công Giáo là đạo của Chúa Trời, đạo của hành động, đạo của YÊU THƯƠNG và BÁC ÁI. Mà Yêu thương và Bác Ái lại xuất phát từ cái Tâm hướng thiện cho nên câu nói ĐẠO TẠI TÂM từ Tam Giáo
Đồng Nguyên không hề có sự mâu thuẫn với Công giáo. Trái lại, điều đó còn là một mẫu số chung cho sự hòa hợp giữa nhau.
NGÀI VẪN THẾ
Bình luận